22-1-2007 – 9:15 giờ sáng
Nói những gì mình thấy và thấy những gì mình nói khác nhau như thế nào?
Nói những gì mình thấy là diễn đạt, chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình. Đi ngược vào quá khứ. Khi tìm cách diễn đạt để giúp người, ta có thể khai triển đường đi đến kết quả mà mình đạt được bằng nhiều cách, nhiều phương pháp tùy theo trình độ và sự đón nhận của người nghe.
Phương pháp diễn đạt, và ngôn ngữ diễn đạt, những thí dụ hoặc nhân cách hóa, hay nói tóm lại, những phương tiện thiện xảo để đưa người nghe tập trung tư tưởng và khai triển trí tuệ để từ chỗ tuy không kinh nghiệm nhưng vẫn có thể hiểu được vấn đề và trình độ tâm thức của người nói.
Đó là ta đưa cho họ một bản đồ và một chìa khóa để đi đến nơi và mở cửa để bước vào tâm. Hay còn gọi là phương pháp khai trí mở tâm.
Giống như ta cầm một ngọn đèn soi vào bóng tối. Người có tu tập thì họ nhận được nhiều ánh sáng, mà người căn cơ cạn cợt thì họ thấy được một chút. Nhưng dù ít thì trí tuệ họ bắt đầu được khai mở hay còn được gọi là Khai Tâm.
Còn Thấy những gì mình nói thì sao?
Đó là trạng thái vừa nói vừa nghe. Một trạng thái của Thiền. Ta đồng thời vừa nói vừa nghe và cả hai chỉ là một thì ta không bị phân tâm. Ta sẽ không nhắm mắt nói càn không cần người ta có nghe hay không, hay còn gọi là thao thao bất tuyệt, nói không cần biết ta biết người. Không cần biết có đáp ứng được người nghe hay không, và không biết người nghe có đang nghe hay họ bắt đầu chán nản.
Vì sao người nghe chán nản?
Vì ta chỉ muốn nói cho một mình ta nghe. Ta khoe sự hiểu biết của mình. Ta nói như thế là ta chỉ lòe thiên hạ về mặt kiến thức và trí thức, nhưng khi trí thức và kiến thức có mặt thì Tri Thức và Tâm Thức vắng bóng.
Khi ta nói mà không cần người nghe và không đáp ứng được người nghe là ta nói đạo kiểu lòe thiên hạ. Ta đang khoe khoang sự hiểu biết của mình và ta hiện nguyên hình là người không hiểu đạo. Ta nói đạo một cách dối đời dối thế. Đó là tình trạng nói đạo mà không biết đạo. Không biết sợ hãi nanh vuốt của Địa Ngục Tâm.
Nói đạo mà không biết đạo, ta sẽ sống mãi trong Địa Ngục tăm tối của sự ngu muội vì chính ta không tự biết khai tâm thì không thể khai tâm cho người nghe đạo đang muốn biết đạo, và khao khát ánh sáng của Đạo, của Chân Lý.
Muốn nói đạo phải biết Chân Lý. Chân Lý không phân biệt Nhân Ngã, ta và người. Chân Lý là sự đồng tâm, của kẻ nói và người nghe. Tức người nói phải biết mình nói gì, nói cho ai, và phải đáp ứng cho người nghe. Người nghe chỉ nhận những gì đáp ứng đúng tâm thức và sự đòi hỏi muốn biết muốn học hỏi muốn tìm bản đồ để bước vào con đường đạo.
Muốn nói đạo, giảng đạo, phải quên đi cái Ngã của mình, để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Nói đạo phải nói những gì mình cảm nhận, mình thấy, mình kinh nghiệm bản thân. Nói đạo không thể là sự vay mượn và nói trạng thái mà mình chưa đạt được, chưa biết.
Ta không nên chỉ cho ai một con đường mà mình chưa hề đi hoặc chỉ nghe người khác nói, đọc bài người khác tả, vì đó là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Nguy hiểm cho ta và lẫn cho người.
Người biết tu tập biết rằng mỗi ý tưởng lời nói việc làm đều gây nghiệp quả cho mình và người liên hệ.
Nên chấm dứt việc làm dối thế.