110. Đạo là con đường của người sáng suốt

25 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 79414)
110. Đạo là con đường của người sáng suốt

14-12-2006 – 5:00 giờ sáng

Muốn làm việc đạo, muốn giúp tha nhân, muốn làm từ thiện, phải có nền tảng đạo lý cho vững. Nền tảng đạo lý, lòng từ tâm có, nhưng nếu không quân bình giữa lòng nhân ái, từ tâm, với lý trí quán xét mọi việc, mọi công tác, và những người cộng tác cho cặn kẽ, ta sẽ thất bại.

Những sự thất bại do tình thương và lòng từ tâm mù quáng sẽ đưa ta đến ngõ cụt vì sự thất bại của các công tác từ thiện, công tác đạo sẽ đem lại cho ta những vết thương lòng, ngăn trở những công trình tiếp tục những gì mà Đức Tôn Sư đã đề ra cho ta một con đường phục vụ con người thời Thượng Ngươn Thánh Đức.

Thời Thượng Ngươn Thánh Đức, con người đầy đủ tình thương và sự sáng suốt, quân bình giữa tâm và trí để cùng sống với nhau một cách hạnh phúc trong sự bình đẳng. Không có cảnh người áp đảo người hay người dùng tình cảm để gạt người. Tức không còn sự lợi dụng lòng tốt của nhau để tự hưởng lợi.

Bước vào thời Thượng Ngươn Thánh Đức , con người phải trưởng thành từ Đạo Lý đến lý trí, tức quân bình giữa tâm và trí. Con người phải vạch cho mình một hướng đi không lệ thuộc vào đường hướng  do người vạch ra cho mình mà phải tự vạch cho mình một cách tu, cách sống sao cho đúng với sự nhận định sáng suốt của mình.

Khi con người có đủ lòng tin và sự sáng suốt để có hướng đi, thì những kẻ giả đạo mang các lớp áo tôn giáo, hay “giả chân tu” không có đất sống vì họ nói không ai nghe. Và  dù cho họ có nói giỏi đến đâu, diễn giỏi đến đâu, cũng không qua mắt được các “chân nhơn.”

Chân nhơn là người chân chánh, hiểu mình rõ nên hiểu người. Họ có khả năng nhìn người hay nghe lời nói của người mà biết ngay dã tâm hay ngụy tâm của người đó.

Dã tâm là gì và ngụy tâm là gì?

Dã tâm là người không biết sợ kết quả  của việc mình làm, mình nói để gạt người. Ngụy tâm là “tâm giả,” nói lời hiền, lời như để giúp người, có ích cho người, nhưng thật ra là để có ích cho chính mình.

Tóm lại, nếu ta muốn tiếp tục làm việc có ích cho Đạo, ta không thể bỏ quên phần lý trí, vì lý trí bảo vệ công tác cho thành công và cũng tránh những trường hợp ta bị thất bại vì kẻ có dã tâm và ngụy tâm lường gạt ta qua các công tác đạo hay từ thiện.

Đức Thầy đã dạy: Tâm và Trí phải đi đôi, thiếu bên nào ta cũng sẽ ngã. Mà ngã là đi đến bế tắc, từ việc Đạo cho đến việc đời.

Đạo không có nghĩa là lòng tốt, mà Đạo là con đường của người sáng suốt không bị nội tâm và ngoại cảnh xô đẩy mình vào con đường khổ. Ta chỉ khổ khi đi quá đà vào lý trí, hoặc tâm trí. Ta chỉ dứt khổ khi biết dứt khoát với nội tâm thiên lệch, yếu mềm, thích nghe lời êm ngọt, thích làm theo sự chủ quan, thích được đền đáp khi giúp người, hay bị cắn rứt khi không giúp được người.

Ta chỉ dứt khổ khi tâm bình lặng, nội tâm quân bình khi làm lẫn khi không làm, khi giúp lẫn khi không giúp. Mỗi khi thất bại ta không buông trôi mà phải biết xử lý mọi hậu quả  và hệ quả.
Muốn xử lý công bằng, ta phải quán chiếu việc cần làm để tránh thất bại về sau.

Muốn xử lý cho đúng, ta cần xét sự việc và xét người, giữa công và tội. Người có công ta phải đối xử ra sao, và người có tội hay làm việc sai trái với công việc, ta phải hành xử như thế nào. Ta không thể có hành động trả thù hay trả đũa, vì tức giận hay tự ái cá nhân gây hậu quả  xấu cho bản thân họ hay gia đình họ.

Hành động với sự phối hợp giữa tâm và trí là một hành động có cân nhắc, và chừng mực để hậu quả  nếu có là để sửa sai hơn là để bách hại cho người đã lợi dụng lòng tốt hay các công tác từ thiện với mục đích cá nhân.

Ngày Giáng Sinh

Ghi chú: Lòng buồn khi nhận được giấy cảm tạ giả có chữ ký sẵn từ 8 tháng 1, 2006 của ông Bí Thư Đảng Ủy, T.B. Vận động Xây dựng Trung tâm Học tập Cộng đồng và Phòng thuốc Từ thiện phường Mỹ Hiệp, Rạch Giá, Kiên Giang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880