12-6-2006 – 8:45 giờ sáng
Khả năng chánh trị có giống khả năng kỹ thuật không?
Khả năng về mặt tâm linh, trình độ trí thức và tri thức có giống khả năng về kỹ thuật không?
Khả năng về khoa học trong đó có giáo dục tất cả mọi ngành nghề có giống khả năng kỹ thuật không?
Tất cả đều giống nhau nếu là khả năng thật.
Tất cả đều có một trình độ trí thức và tri thức trong mọi lãnh vực từ khoa học đến tâm linh, nếu đó là một tiến trình học hỏi dựa vào thực tế thực hành, vì có thực hành sẽ có tiến bộ phát triển khả năng. Khi phát triển khả năng mới đạt đến trình độ sáng tạo. Tức người đó có đủ trình độ từ thấp đến cao, và có khả năng thực hiện công việc ở mọi trình độ mà họ đã đi qua và thông qua. Đó là trình độ quán thông (master).
Khi bước đến trình độ quán thông, họ mới sáng tạo được một cái mới có căn bản thực dụng bởi những gì đã có, đã áp dụng thành công cho con người hay vạn vật. Và dĩ nhiên họ đã loại bỏ những gì đã thất bại, đổ vỡ có hại cho con người trong mọi lãnh vực.
Người quán thông trong mọi lãnh vực họ có khả năng nhìn, thấy, quán chiếu trong mọi trường hợp để áp dụng cho mỗi nơi, mỗi môi trường, tùy theo trình độ của nơi mà họ đến để đề xuất hay áp dụng đúng những gì chỉ sẽ mang lại kết quả tốt.
Một quốc gia mới trưởng thành, mới xây dựng từ đổ nát, ta không thể áp dụng những gì quá văn minh khoa học kỹ thuật vì trình độ nhân sinh và môi trường này không kịp lãnh hội và cũng thiếu chuẩn bị từ điều kiện tinh thần đến vật chất để sử dụng và áp dụng nó.
Người quán thông trước nhất phải bình tâm suy xét và quan sát quán chiếu từng nơi, từng lúc, và từng thời cộng với sự khách quan để không bị quyền lợi vật chất làm sai lệch sự góp công cho quốc gia, cho đạo một cách chỉ có hữu lợi cho tha nhân, chứ không có lợi lộc cho cá nhân họ.
Cái mấu chốt là ở chỗ cái ta có còn vị kỷ không, nếu cái ta còn vị kỷ thì cái quán thông đó chỉ vứt đi chứ không có lợi cho tha nhân.
Có nhiều kẻ tu hành, người yêu nước, yêu đạo, yêu tha nhân, đã làm hại đạo, hại quốc gia, hại cho chương trình xây dựng kiến thiết cho quê hương, chỉ vì cuối cùng họ quay trở lại cái Ngã tưởng đã diệt.
Trong một phút chốc họ hay ta đều có thể té ngựa khi ngủ quên trên chiến thắng.
Ta và người trên mọi tiến trình tu học trong nhiều môi trường khác nhau từ tâm linh cho đến khoa học kỹ thuật. Tưởng đã vượt cái Ngã, diệt cái Ngã, giết cái Ngã, nhưng bỗng dâu, một tíc tắc ngủ quên là cái Ngã lại lù lù xuất hiện.
Ta không thể giết – ta không thể diệt – ta tưởng đã vượt, nhưng cái Ngã luôn hiện hữu khi ta còn sống, còn thở. Nó chỉ là mặt của bên kia đồng tiền.
Ta không vượt, diệt, giết được, mà phải HIỂU cái Ngã, để ta nhận định lúc nào ta CẦN cái Ngã và lúc nào KHÔNG. Ta cần nuôi dưỡng cái Ngã vì nó chính là ta. Ta còn nó còn, và ta mất nó mất.
Điều quan trọng là ta không nên tạo cho mình một ảo ảnh đã vượt, diệt, và giết được nó. Có biết sự hiện hữu thường trực của nó, ta mới luôn luôn thức tỉnh và nhạy bén để tạo nó thành một thành viên hữu dụng.
Cái Ngã sẽ trở nên “một thành viên hữu dụng” nếu ta hiểu và biết nó để ta có thể dùng nó khi cần và khi không cần. Khi nó có lợi và lúc nó có hại.
Cái Ngã đã giúp ta biết bao nhiêu trên tiến trình tu học về Đạo lẫn mọi ngành nghề trong khoa học kỹ thuật và giáo dục. Bao quốc gia đã nhờ nó mà tiến triển vượt các quốc gia khác trên thế giới. Nó đã giúp bao nhân tài thế giới đạt được tuyệt đỉnh của tài ba. Nó đã giúp bao người gia tăng ý chí vượt trở ngại từ ngôn ngữ cho đến khả năng của những kẻ có tật bẩm sinh hay thương tật vì chiến tranh, tai nạn.
Có bao người mù là nhân tài âm nhạc, hay người bị bại liệt lại có khả năng khoa học, vân vân...
Điều tối quan trọng là biết dùng cái Ngã của mình để cho nó không hủy diệt ta và tha nhân, mà trở nên hữu dụng trong việc xây dựng nhân bản và con người.
(viết tại công ty Sea One Seafoods)