60. Đất, núi, sông cùng hòa nhịp sống

25 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 75720)
60. Đất, núi, sông cùng hòa nhịp sống


9-8-2006 – 9:30 giờ sáng

Bất cứ làm việc gì cũng nhằm cho lợi ích chung cho toàn thể tín đồ, cho Đạo, không nhằm cho mục đích cá nhân mình hay gia đình hoặc phe nhóm của mình.

Điều tuyệt đối là không nên có ý nghĩ và hành động triệt hạ người khác dù cho họ có những hành vi nhằm triệt hạ, bôi bẩn mình.

Người biết Đạo phải sống như người bình thường nhưng từ sự suy nghĩ và hành động phải khác thường.

Hai chữ khác thường ở đây không phải là làm khác loài người, mà là khác ở chỗ không có sự suy nghĩ, phản ứng đưa đến hành động theo lý luận của người chưa biết đạo.

Biết đạo là biết con đường đúng nên không có những suy nghĩ hay hành động sai trái gây nghiệp quả bằng cách hại người. Khi ta hại người là ta hại ta. Khi ta hại người là ta mâu thuẫn với chính mình, chính con đường mà mình đã lựa chọn. Đó là phục vụ con người để cùng tiến đến giải thoát trong sự giác ngộ.

Vậy thì ý nghĩa của sự giải thoát của ta là giải thoát ra khỏi sự u mê.

Như vậy thì người xấu với ta và hại ta vì họ còn sống trong u mê, tham sân si. Nếu ta phản ứng với những gì họ làm hại ta, thì ta cũng vẫn còn u mê và tham sân si như họ vậy.

Nếu ta còn phản ứng theo lý luận của người đời bằng cách giải thích rằng ta xấu với người bởi vì chính người xấu và hại ta trước, thì ôi thôi, ta lại tiếp tục rước nghiệp quả. Ta vô tình tự hại mình để bước ngược vào bóng tối, vào u mê ám chướng của cõi đời ô trược này vậy.

Nếu đã bước vào sự trống không đầy ánh hào quang giác ngộ thì ta phải lấy hết ý chí để giữ mình. Tâm hồn và thể xác phải được gột rửa luôn luôn những trần trược lóe lên mỗi khi ta chợt quên mình.

Ta không thể để một chút sơ xuất nào khiến ta quên ta bởi lợi danh hay sự sợ hãi.

Sợ hãi chỉ có khi trí tuệ chợt tắt. Đó là lúc ta phải mau mau chỗi dậy, sám hối, gội rửa cho mau đừng để cho những tư tưởng hắc ám kéo dài rồi sẽ trở nên hành động vô ý thức.

Con đường Đạo là con đường “đường đường chính chính.” Ta cần có sự trang nghiêm tuyệt đối để bước những bước đi cho vững vàng, không bị sự sợ hãi làm ta chùn bước hay thối lui.

Ta cần suy nghiệm đến những bước đi của Đức Tôn Sư. Khi cần bước là bước. Khi cần dừng là dừng. Không vì quyền lợi cá nhân mà phải luôn vì quyền lợi tập thể, quyền lợi của đất nước hay quyền lợi chung của chúng sanh.

Con đường Đạo có những lúc chông gai nhưng cũng có giai đoạn đầy hoa thơm cỏ lạ. Như ta chèo một con thuyền đi trên sông, có khúc dài khúc ngắn, có lúc sóng lặng gió êm, nhưng cũng có lúc sóng gió dập dồn.

Ta phải luôn sáng suốt để chuyển hướng kẻo lầm đường lạc lối. Tâm lực luôn vững để nắm tay chèo cho thuyền không bị lật hay quay lại chốn khởi hành.

Ta có chịu đựng bão táp, qua bao thử thách rồi phải có lúc trời lặng gió yên, xuôi chèo mát mái.

Tâm vững, thì trí vững, giúp thân vững. Mọi việc sẽ được thành tựu vững vàng. Ta sẽ thật sự nếm mùi Đạo vị ngọt ngào của dòng sông, êm mát của đồng lúa chín vàng phì nhiêu, của các ngọn núi hùng vĩ thiêng liêng mầu nhiệm và khí thiêng hùng mạnh của trời đất, nơi đào tạo và hun đúc ra ta.

Ta sẽ như bó đuốc được châm lửa, ngọn đèn được bật sáng, như khí lành được thêm gió.

Mảnh đất thiêng, ngọn núi thiêng sẽ bừng sống dậy cùng dòng Cửu Long Giang chan hòa nhịp sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880