27-9-2006 – 11:00 giờ trưa
Muốn thấy thật phải buông bỏ, trút bỏ hết những ý muốn, vọng tưởng, mơ tưởng. Bỏ hết những gì mình muốn làm cho chính mình.
Tâm phải hoàn toàn trong sáng không bị dấy động bởi các thời sự hay sinh hoạt xung quanh dù trong nước hay hải ngoại, dù trong đạo hay các tôn giáo khác. Dù trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Không bị dấy động không có nghĩa là vô tri vô giác. Nhưng có tri có giác để biết những cái biết không phê phán khen chê hay dở để làm tâm đục mờ vì dấy động lên một sự so sánh giữa cái này và cái kia.
Đầu óc ta còn phê phán khi ta còn so sánh. Mấu chốt làm cho tâm ta động là sự so sánh do trí óc tồn trữ của ta chưa được gột rửa cho sạch vì ta còn tiếc rẻ chưa buông xả.
Tâm sẽ không bao giờ bình an nếu ta không buông xả. Chưa hoàn toàn buông xả được vì ta còn tiếc rẻ với cái Biết.
Việc khó khăn nhất của một người muốn theo con đường Đạo Học là không buông bỏ được cái Biết.
Cái Biết là bức chắn cản đường hành giả bước vào con đường thênh thang của Đạo Học.
Đạo Học chớ không phải Tôn Giáo Học. Tôn giáo học còn là con đường riêng rẻ. Còn Đạo học là con đường chung cho nhân loại.
Tôn giáo học còn đưa con người đi đến phân chia nhân ngã, tranh chấp cao thấp, hay dở, mạnh yếu, vì thế mới có thánh chiến hay chiến tranh tàn khốc.
Đạo học là con đường Hòa Tâm, đưa con người đi đến Tâm Truyền Tâm, cởi mở cõi lòng để chấm dứt tranh chấp hiểu lầm, để nhận ra rằng cùng là một Giống Con Người, ở cùng một mặt đất, và máu của mọi người cùng chảy về TIM.
Tóm lại, Đạo học là con đường hướng thiện giúp mọi người trở về Tâm của mình, cởi bỏ xích xiềng thù hận muốn tiêu diệt nhau.
Cần nghiệm xét lại con đường ta đi xem có đi đúng hướng đúng đường không? Ta đang đi trên con đường tìm tòi học hỏi, khai phóng tâm linh, để bước vào con đường Đạo Học hay Tôn Giáo Học?
Khi thấy tâm ta càng ngày càng rỗng, càng an định, không ghét cũng không ưa phe này nhóm nọ, kẻ này người kia, thì biết rằng ta đang bước lần vào ngưỡng cửa Đạo Học.
Nếu thấy càng ngày ta càng hãnh diện về mình, hay tôn vinh tôn giáo mình hơn tôn giáo khác, thì phải dừng ngay lại để tự kiểm. Phải chăng ta đã đi lệch hướng. Thay vì phục vụ cho đại đồng, đóng góp vào sự hòa đồng các tôn giáo, tiến thẳng vào Đạo Học, ta lại đi ngược vào đường thờ phượng chủ nghĩa cá nhân, hay chủ nghĩa độc tôn, độc tài.
Phải quán chiếu luôn luôn, kiểm soát luôn luôn. Đừng để mình đi quá xa lệch hướng con đường Đạo mà ta hằng đem hết nghị lực và sinh lực kiếm tìm.
Gửi ý kiến của bạn