13-1-2007 – 9:30 giờ sáng
Như thế nào là luận đạo và như thế nào là Tâm Đạo?
Như thế nào là giảng đạo theo lý luận, và như thế nào là nói đạo theo tâm đạo?
Luận đạo là nói đạo theo kiến thức đạo, nói đạo với chữ nghĩa, dựa vào kinh kệ, sách vở, kinh nghiệm của các bậc tiền bối. Dùng những thí dụ của các truyền thuyết của các tác giả viết về tôn giáo, về thiền. Một số tác giả đã tìm cách giải thích một trạng thái bằng cách đặt ra một câu chuyện, một sự tích để diễn đạt tâm trạng giúp người nghe có thể liên tưởng đến sự việc có liên hệ đến tâm thức hay đời sống của mình.
Khi dựa vào câu chuyện tức là không phải là kinh nghiệm sống của mình, mà là kinh nghiệm sống của người.
Luận đạo là nói đạo theo sự lý luận. Người nói đạo dùng tam đoạn luận để chứng minh lời nói của mình đúng trong khi đó thì kinh nghiệm thực tiễn mình lại không có.
Vì người luận đạo dùng kinh nghiệm của người, kiến thức, khám phá của người để chứng minh và bảo vệ lời nói của mình, nên mới có trường hợp Nói một đàng mà Làm một nẻo.
Họ bảo diệt dục thì bản thân không diệt được. Họ bảo không tham quyền cố vị thì họ lại có những hành động tham quyền cố vị hay muốn mà không được.
Cũng có nhiều người nói lời đạo, lặp lại lời Phật, và cố hành động theo Phật nhưng lại sống một cách đè nén. Và chính sự đè nén, hay giả đạo đã khiến họ đi ngược lại con đường khai tâm, mở đạo. Vì vậy thay vì đi dần vào ánh sáng, thì họ lại tự chận lấy lối đi và trở ngược lại con đường hầm tăm tối của sự ngu muội. Và vì mượn lời để luận đạo, nên khi đối diện với đời sống, họ không biết giải quyết từ tâm thức cho đến đời sống thường nhật.
Muốn tránh giả đạo, ta nên chấm dứt sự luận đạo tạo đời.
Nếu thật sự tu, thật sự muốn phục vụ đạo, ta nên tránh luận đạo, tránh sự ngã mạn khoe khoang kiến thức đạo.
Ta cần hành xử theo Tâm Đạo, theo sự chân thật mới ngõ hầu phục vụ đạo. Nói đạo theo tâm đạo là ta trình bày cách giải quyết của mình khi mình vấp ngã, sai lầm, và làm cách nào để gượng dậy tiến bước. Hay đưa trường hợp ta ngu muội té xuống bùn nhơ và làm cách nào để bước ra khỏi bùn, và làm sao mới rửa sạch hết bùn.
Ta luôn nhớ con đường đạo là con đường đầy chông gai hiểm trở. Thấy tốt đó mà xấu đó, thấy cao đó mà thấp đó. Chỉ cách nhau một sợi chỉ hay một sát na.
Nếu muốn biến mình thành một con người toàn vẹn để lòe người là một việc làm được ví như lấp biển, dời non.
Sở dĩ con người trên mặt đất được tiến hóa là do sự khác biệt, và chính sự khác biệt đã tạo ra bao sáng kiến, khai mở bao phát minh tuyệt vời.
Có đông thì có tây, có nam thì có bắc. Con người ở mỗi nơi thì có sự học hỏi về văn hóa, ngôn ngữ, và lối sống khác biệt để phù hợp với phong thổ của nơi đó. Vì thế, sự toàn vẹn của mỗi nước, mỗi văn hóa, mỗi chủng tộc đều khác nhau.
Vì thế nếu đặt ra một sự tu tập toàn vẹn hay một con người toàn vẹn là một sự sai lầm đi ngược lại Chân Lý đồng nguyên.
Điểm tương đồng của mọi con người là Tâm Pháp chứ không phải là phương pháp.
Chỉ có Tâm Pháp Nhất Nguyên mới đưa con người ở các từng lớp xã hội, khác chủng tộc văn hóa và tôn giáo, đi đến sự Đồng Tâm. Chấm dứt xung đột từ tư tưởng cho đến chánh trị.
Tâm Pháp Nhất Nguyên là sự đồng tâm hay Chân Tâm. Đó là sự giác ngộ.
Sự giác ngộ không đòi hỏi con người một sự toàn vẹn. Sự giác ngộ nằm trong Trung Đạo.
Sự toàn vẹn đi đến tuyệt đối còn sự bất toàn vẹn đi đến hủy diệt. Vì thế sự toàn vẹn là không tưởng.
Một pháp tu không thể dựa lên sự không tưởng.
Dùng Pháp phải hiểu Pháp. Nếu dùng Pháp không tưởng để nói Pháp là Mị Pháp.
Gửi ý kiến của bạn