15-8-2006 – 9:30 giờ sáng
Như thế nào là hành xử có dụng ý? Có phải đó là hành động có mục đích? Hay còn gọi là hành động với một ý định thu lượm một lợi lộc nào đó cho bản thân hay phe nhóm?
Khi hành động có dụng ý thì trong dù bất cứ công tác, công việc của tôn giáo đều không được gọi là hành đạo hay phục vụ đạo, phục vụ tha nhân, hay phục vụ Phật Pháp, dù công việc đó là để gây uy thế cho tôn giáo của mình hay phe nhóm hệ phái mà mình đang phục vụ.
Như vậy thì cái gì gọi là hành đạo? Khi tu tập rốt ráo cải sửa để minh tâm kiến tánh, thì những sự suy nghĩ, những ý định, ý muốn của mình chưa kịp đưa ra hành động đã được ta phát hiện ngay.
Phát hiện ngay một sự sai trái nào, dù thật nhỏ, cũng đều được đón nhận như một sự trưởng thành trên con đường tìm kiếm Chánh Giác. Ta sẽ từ một con người đi tầm đạo, đến nếm mùi đạo, và nhất quyết không thối lui về chốn khởi hành.
Nếm mùi đạo là nếm gì? Mùi vị ra sao? Cảm giác thế nào?
Mùi đạo, cảm giác đạo là một cảm giác bình an ở thể vô cảm, tức ta không còn bị lôi kéo hay nhờ cậy vào lục giác để có cảm giác.
Đó là giây phút trống không Vô Thọ Cảm. Một sự bình an mà không có cảm giác bình an, vì khi bình an thì ta còn có sự đối nghịch của bất an. Cái bình an đó còn nằm trong nỗi bất an hay đúng hơn ta còn lúc như thế này lúc thế khác. Như vậy ta không hẳn là bình an mà chỉ là cảm giác trong chốc lát khi sự bất an vắng mặt, lúc đó có một cảm giác gì khác thay thế mà thôi.
Cũng như khi ta vui là lúc cái buồn vắng mặt nhờ một việc gì đó của người khác đưa đến khiến ta hài lòng. Nếu không có việc đó xảy ra, ta vẫn còn lẩn quẩn trong sự buồn bã của mình.
Chỉ có sự trống không hay không hai (non-duality) là tuyệt đối. Cảm giác đó là cảm giác mà các bậc đại giác muốn nói với chúng ta.
Ta sẽ khó tiến hóa nếu không giữ được cho mình ở cảm giác Vô Thọ Cảm. Chỉ có cảm giác Vô Thọ Cảm mới giúp cho ta Hành và Xử một cách bình đẳng.
Tình Thương – Sự Giác Ngộ – Không Tánh hay cảm giác Vô Thọ Cảm là chất luyện kim mà con người đeo đuổi từ kiếp này sang kiếp khác mà không đạt được.
Ở cảm giác Vô Thọ Cảm cái sợ tự nhiên tan biến, vì cái Tôi không có chỗ để bám víu.
Từ đó con đường hành đạo mới không còn trở ngại nữa. Ta cứ một mực trụ vào tâm không để thẳng tiến.