23-6-2006 – 12 giờ trưa
(Tặng Anh Tài)
Nối tiếp công cuộc hoằng hóa Phật Pháp của Đức Thầy không chỉ bằng một người mà bằng hàng triệu tín đồ. Không bằng một con tim mà bằng hàng triệu con tim và hàng triệu khối óc.
Như thế thì có hàng triệu đôi tay với những con tim và khối óc đầy tinh thần nhân ái, tình yêu cao thượng mà Đức Thầy đã truyền đạt để cứu khổ người dân Việt trước nhất, rồi đến nhân sinh không phân biệt tôn giáo lẫn giai tầng xã hội.
Đó là sức mạnh tâm linh. Sức mạnh đó phải được phổ biến qua phương tiện truyền thông để lan rộng khắp hoàn cầu.
Đó là chân lý tối thượng không phân biệt. Đức Thầy đã đem đến Việt Nam qua bao tiền kiếp lẫn kiếp hiện tại, một chiếc cầu, một pháp tu, gần với con người để giúp họ vượt qua khổ nạn của thời mạt pháp, ngõ hầu họ có phương tiện tồn tại bước qua Thời Thượng Ngươn Thánh Đức, một Tân Thiên Niên Kỷ.
Muốn cứu nguy loài người, kẻ có Đại Nguyện phải làm việc “hết sức bình sanh” mới mong đi kịp với Cơ Trời biến chuyển càng lúc càng nhanh mới mong đạt được sở nguyện.
Mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo, mỗi chủng tộc đều có những kẻ có hạnh nguyện cứu đời.
Muốn cứu đời phải tu tập, nếu không, thay vì giúp người thì có thể sẽ hại người nếu mình tu sai rồi đi sai. Vì thế một sự suy nghĩ, một lời nói, một hành động sai có thể hại hàng trăm, hàng ngàn, hoặc đôi khi hàng triệu người nếu ta là kẻ có phương tiện truyền đạt.
Nếu ta chỉ làm sai cho một mình ta thì cái quả đó nhỏ vì chỉ hại một linh hồn, một đời người. Nhưng nếu ta làm sai mà ảnh hưởng đến hàng vạn, hàng triệu người thì đó là ĐẠI QUẢ có sức nặng như núi Tu Di, núi Hy Mã Lạp Sơn, có thể đè nặng ta đến hàng hà sa số kiếp, và liên lụy đến bao nhiêu kiếp khác như tổ tiên, ông bà cha mẹ và con cháu ta.
Mọi việc làm đều nên cẩn trọng đến mức tối đa, không nên chểnh mảng. Phải kiểm điểm cái Tôi một cách rốt ráo từng ý tưởng, từng câu nói, từng chữ viết, từng ý nghĩa, vân vân...
Nhất nhất đều phải thận trọng đối với mình, và đối với người. Tâm phải luôn an định và cơ thể phải điều hòa thì ta mới sáng suốt mới có trí tuệ.
Sự liên hệ của ta với không gian, thời gian, con người và vạn vật sao quá khít khao. Nếu hiểu được trời đất, hiểu được nguyên lý bất phân của vạn vật đồng nhất thể thì ta luôn tối ư thận trọng từng bước đi. Ta cần quán chiếu và quán chiếu trong mỗi hơi thở để không bị rớt lại trong mỗi tíc tắc của thời gian trôi qua.
Ta cần rốt ráo, tinh tấn tu tập để không rớt vào sự bất hạnh của những lỗi lầm vì lặp lại những lời nói hành động đã từng đưa ta vào u mê ám chướng của sự u tối, mê muội, sai lầm.
Ta cần cố công đem hết cố gắng để xua đi hết rong rêu hôi hám tàng trữ của quá khứ sai lầm. Ta phải vượt ra ánh sáng, để nhìn thấy ánh bình minh của sự Ngộ Giác, của Chân Lý Bất Phân.
Phải tập bước đi trong Quang Minh Chánh Đại. Ta chỉ có thể bước những bước vững trên con đường đạo khi ta biết hàng phục nội tâm, tức phá tan ngũ uẩn và có khả năng nhận, biết, và chiến thắng lục tặc hay lục căn lục trần, của hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý giúp cho ta nhận diện người và cảnh chứ không để chúng làm chủ thân tâm ta.
Thân thể, trí óc là phương tiện cho ta tu học, tiến hóa. Ta dùng nó để bước tới ánh sáng, để giải thoát khỏi mọi ảnh hưởng đau buồn của trần thế, chứ không phải để ta sử dụng chúng mà hủy hoại Kiếp Người của ta.
Gửi ý kiến của bạn