21-12-2006 – 8:00 giờ sáng
Khi mọi hành động dù giúp bất cứ ai đều giữ một tâm không thì hậu quả và hệ quả như thế nào ta cũng chấp nhận dễ dàng.
Tâm ta chỉ bị quấy động bởi vui, buồn, thất vọng, lẫn hy vọng khi ta còn “muốn.” Muốn có thể là muốn được tình thương, sự báo đáp, sự mang ơn, sự trả ơn, tiếng tăm, vân vân...
Khi một hành động giúp bất cứ ai đã xảy ra, ta nên buông bỏ và quên đi hay nếu không quên được thì ta cũng nên vô hiệu hóa nó ngay tức khắc.
Vô hiệu hóa bằng cách nào? Phải chăng là một điều khó khi tìm cách quên. Vì tìm cách quên là sẽ ghi đậm hơn vào trí não.
Phải chăng khi ta giúp những người lạ như các nạn nhân thiên tai, chiến tranh, người tàn tật, trẻ mồ côi, người khuyết tật, ta thường không nghĩ đến sự ghi ơn, báo đáp, vì họ là những người lạ, không quen biết. Vì vậy khi cho họ hay giúp họ thì ta buông chứ không bắt giữ lại cái cho đó.
Vậy phải chăng điều khiến ta có thể buồn vui thất vọng vì sự “dị biệt” khi chọn người cho. Mà khi giúp người ta quen biết, bạn bè thân quen, hay gia đình dòng họ bà con, ta thường bắt giữ lại cái cho đó trong tâm não và mong một sự ghi nhớ hay báo đáp, có thể là tình hay lý.
Nếu như vậy thì hậu quả và hệ quả của mọi phản ứng của người nhận ảnh hưởng đến tâm ta đều do lỗi ở tâm phân biệt của ta.
Tâm sẽ yên nếu ta giúp người với tâm không tức tâm không phân biệt hay tâm bình đẳng.
Với một cái tâm vô phân biệt, Tâm Bình Đẳng, ta sẽ buông mọi hành động, tiền của của mình một cách dễ dàng. Dù giúp người thân kẻ lạ, và nhất là chỉ nên giúp theo khả năng hiện có của mình.
Giúp kẻ lạ ta thường giúp trong khả năng và giúp người thân quen ta thường giúp trong sự cố gắng quá mức vì tâm phân biệt, hay tình thương phân biệt, tức giúp vì họ là người thân.
Sự cố gắng quá mức nhiều chừng nào và sự báo đáp hay đối xử tệ của người nhận nhiều chừng nào, thì sự đau buồn hay động tâm của ta nhiều chừng đó.
Đó là trường hợp điển hình của bao đổ vỡ của nhiều gia đình tại hải ngoại với những người thân còn kẹt lại trong nước.
Sự thay đổi môi trường sống đã ảnh hưởng quá nhiều đến tâm tính con người. Và môi trường sống khác nhau của người trong nước lẫn hải ngoại đã tạo ra biết bao hiểu lầm và đổ vỡ của bao gia đình.
Cái ngã cũng đóng một vai trò lớn trong sự trở ngại giữa kẻ cho và người nhận.
Cái ngã là mấu chốt của mọi trở ngại khiến bao gia đình đổ vỡ từ vợ chồng con cái đến người thân quen.
Cái ngã cũng là thủ phạm của Tâm Phân Biệt.
Cha tôi, mẹ tôi, chị tôi, anh tôi, vợ tôi, con tôi, cháu tôi, vân vân...
Người càng gần, càng thân với cái tôi chừng nào, thì cái tôi đó càng dễ bị tổn thương chừng đó.
Vậy phải chăng cái Tôi mới là thủ phạm gây bao đổ vỡ từ nội tại đến ngoại tại.
Muốn chấm dứt mọi xáo trộn trong tâm thức lẫn đời sống, ta luôn xét lại cái Tôi trong mọi hành vi của mình. Bất cứ lúc nào ta còn hành xử với tâm phân biệt, lúc đó ta còn gây đau khổ cho chính mình.
Khi “tâm phân biệt” còn thì “tâm không” vắng mặt.
Gửi ý kiến của bạn