28-1-2007 – 12:00 giờ trưa
Kết quả, hậu quả, và nghiệp quả khác nhau ra sao?
Một việc làm, một lời nói, hành động của một người biết tu học, tùy theo trình độ mà có thể biết việc nào sẽ tạo nên một kết quả, hậu quả, hay nghiệp quả.
Càng tu tập, càng quán tưởng, càng nhìn sâu ta mới biết ảnh hưởng của một tư tưởng, một sự suy nghĩ, sẽ tạo nên cái gì. Và từ cái đó sẽ tạo nên thêm nhiều hay ít, cho một cá nhân, một gia đình, hay một cộng đồng, rồi lan rộng ra cả một quốc gia.
Thiền quán thôi không đủ, mà phải hành thiền trong mỗi giây phút của sự quán tưởng, mỗi một hột giống nảy mầm và trưởng thành.
Nếu thiền giả luôn quán tưởng sâu sắc qua mỗi hơi thở, sống một lúc ba thời kỳ, quá khứ vị lai và hiện tại đồng bộ, thì sự nhạy bén của dòng điện giác ngộ sẽ tiếp nhận thiên lực mạnh mẽ và càng lúc trí tuệ sáng suốt càng đi nhanh theo vận tốc ánh sáng. Lúc đó ta dễ dàng nhận diện ngay những việc xảy ra trong tương lai và ta có thể quyết định ngay hay sửa sai con đường mà ta đang đi, lời ta sắp nói hay hành động cử chỉ sắp làm.
Bởi vì khi thiền định sâu xa và liên tục, tức luôn luôn, hay còn được gọi là đại định thì rất khó cho điều gì xảy ra mà ta không bắt kịp. Ta vừa thu nhận dữ kiện của quá khứ của người hay cảnh ngộ mà ta đang hiện diện đến “nếu” việc ta làm, ta nói, ta hành động sẽ tạo nên phản ứng gì, gây kết quả gì, tạo nên hậu quả gì và những nhân quả nào sẽ đồng loạt tạo ra trong tương lai của đời này và đời sau. Và những hậu quả, kết quả, nghiệp quả đó sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác trong các hoàn cảnh nối tiếp trong tương lai.
Vậy thiền quán phải chăng là ta biết ta, biết người, biết hoàn cảnh để không tạo kết quả xấu, hậu quả xấu, hay nghiệp quả xấu.
Thiền phải chăng là đối diện với Sự Thật và biết nó như là. Biết mọi con người và sự vật rõ rệt và chính ta rõ rệt để ứng phó với đời sống sao cho không tạo sự xáo trộn, mà lại tạo sự an bình và hòa khí giữa người với người, và người với vạn vật xung quanh.
Nếu biết được điều gì có thể giải tỏa nghiệp chướng, hậu quả, hay nghiệp quả xấu cho cả ta, cả người, và cả dân tộc thì điều đó ta nên làm, nên hiệp lực với người chủ trương dù cho có khó khăn.
Cái khó khăn của việc giúp người, giúp đời, phải chăng chỉ là do cái Ngã của mình. Chỉ có cái Ngã mới cách biệt với người khác tư tưởng, khác ý thức hệ, khác tôn giáo, vân vân...
Việc tổ chức cầu nguyện giải oan của Thầy Nhất Hạnh là một việc làm được sanh ra từ một tâm lực mạnh mẽ và được thiên lực cũng như tổ tiên và hồn thiêng sông núi hỗ trợ.
Thầy Nhất Hạnh làm việc này là Thầy đã đứng ra nhận tất cả nghiệp lực đau khổ của cả một dân tộc đầy oan khiên, của bao linh hồn tử sĩ.
Thầy Nhất Hạnh là một thiền sư sâu sắc và sâu xa mới có thể sống một lúc cả ba thời kỳ hiện tại, quá khứ, và vị lai. Thầy biết việc làm sẽ gây nhiều nhân quả xấu cho chính Thầy và Thầy có sức chịu đựng để cho một nhân quả tốt nảy mầm cho thế hệ trẻ của Tương Lai Dân Tộc.
Năm 1947, Đức Huỳnh Giáo Chủ đi họp với Việt Minh cộng sản là nhận hết cả nghiệp lực xấu của dân tộc, cứu rỗi bao vong linh trong cuộc chiến giữa Phật Giáo Hòa Hảo và C.S.V.N. Ngài ra đi để minh chứng sự sai lầm của khối cộng sản vô thần đã âm mưu hãm hại một Minh Sư, một vị Phật Việt Nam đã mang đến một pháp tu cực kỳ giản dị, có thể áp dụng cho một đất nước mà phân nửa con dân thuộc khối vô thần vô tôn giáo.
Ngài đã trao cho người chưa biết đạo một tấm trần dà tượng trưng tinh thần vô thượng của mọi tôn giáo, mọi chủng tộc. Một lá cờ dà tượng trưng cho sự thống hợp mọi đoàn thể, tôn giáo, mọi ý thức hệ, mọi luồng tư tưởng.
Người đứng ra gánh nghiệp lực càng nặng, thì công đức càng sâu dầy, sự hiện diện của họ ở cõi trần càng có ý nghĩa và xứng đáng cho ta noi theo tu học góp sức cho đời, cho đạo.