1-2-2007 – 6:30 giờ sáng
Làm sao để tránh cộng nghiệp, và có thể giải được cộng nghiệp không?
Con người sanh ra là phải nương vào thân và khi nương vào thân nào thì có gốc đó, mà có gốc, có nương thì mới trưởng thành sanh sôi nảy nở tại một môi trường có cảnh ngộ, văn hóa, thức ăn, giáo dục, dù giáo dục dân gian hay giáo dục nơi học đường đều có cách riêng của dân tộc bị ảnh hưởng khí hậu, kinh tế, đạo đức. Tóm lại, con người được nuôi dưỡng trong một môi trường sống, và ràng buộc với môi trường sống có cả một lịch sử và một nền văn minh cá biệt.
Vì thế con người lớn lên từ cách sống, cách cư xử, cách ăn, cách nói, cách suy nghĩ. Tất cả đã ràng buộc thành một thân khẩu ý nghiệp của mọi liên hệ của quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Ta chỉ có khả năng giải sự cộng nghiệp nhưng không có khả năng tránh sự cộng nghiệp.
Tu học, và thực hành sự tu học mới có khả năng gỡ dần những ràng buộc của quá khứ. Nếu ta chỉ thức giác rồi không liên tục thực hành thì ta sẽ gỡ mối này, rồi tiếp tục cột thêm gút khác. Chỉ mở gút cũ rồi cột thêm gút mới, tức “chứng nào tật nấy” không thay đổi thì suốt đời, suốt kiếp chẳng những ta không tháo được cộng nghiệp của ông bà, tổ tiên, bà con, họ hàng, cha mẹ, anh em, dân tộc, mà còn tạo thêm nghiệp xấu cho chính mình, rồi ta trở nên thủ phạm tạo sự cộng nghiệp cho con cháu đời sau.
Thân khẩu ý của ta là cả một cộng nghiệp của tiền nhân, bao gồm những điều ta nên học và không nên học. Tức những nghiệp xấu lẫn nghiệp tốt.
Ta cần định tâm, quán chiếu sâu xa để mở dần những nghiệp nặng lẫn nghiệp nhẹ. Nghiệp nhẹ ảnh hưởng chỉ gia đình và con cái ta, nhưng nghiệp nặng có ảnh hưởng cả một dân tộc.
Nếu ta không có khả năng giải được thân nghiệp thì làm sao có khả năng giải nghiệp cho cả một quốc gia dân tộc. Khi không cứu nổi chính mình thì đừng nói đến việc giúp nước hay cứu quốc.
Những người muốn cứu nước, cứu quốc gia dân tộc thoát khỏi nạn diệt vong, khỏi nạn làm đầy tớ cho ngoại bang, thì trước hết phải đốt ngọn đuốc thắp sáng tâm thức để đốt cháy những nghiệp quả của chính mình và biết dừng chân quán xét Thân Khẩu Ý để không tạo thêm nghiệp xấu cho chính mình.
Khi con người biết run sợ trước lưỡi gươm thức giác và trong sạch hóa thân khẩu ý trong mỗi giây mỗi khắc, thì mới có khả năng góp sức với người với đời, để có thể cùng nhau “chỉ giải” sự cộng nghiệp của dân tộc mà không tạo nên cộng nghiệp xấu cho thế hệ mai sau. Như thế thì quốc gia dân tộc mới có khả năng tiến tới hòa bình, an lạc, và ấm no hạnh phúc.
Chỉ có sự giác ngộ, dấn thân thực tập sự giác ngộ liên tục mới nên giúp đời, giúp người. Có như thế mới không góp tay vào sự hủy hoại thế hệ trẻ của quốc gia dân tộc.
Tu, học, quán chiếu, thực tập, chẳng những giải được sự cộng nghiệp của mình, còn có khả năng giải sự cộng nghiệp của quốc gia dân tộc.
Bốn điều đó không thể thiếu trong phương trình giải sự cộng nghiệp.
Ghi chú: Viết sau khi đồng đạo Út Huyện gọi điện thoại từ Việt Nam bàn về việc phát gạo cho đồng đạo và đồng bào nghèo ở An Giang và Đồng Tháp vào dịp Tết.