91. Sự hóa giải thường trực giữa Nội tâm và Ngoại cảnh - hay: Sanh Tử đồng bộ

25 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 75855)
91. Sự hóa giải thường trực giữa Nội tâm và Ngoại cảnh - hay: Sanh Tử đồng bộ

7-11-2006

Con đường đạo nếu muốn đi đến nơi đến chốn, hành giả chỉ nên chuyển tâm, chuyển đời sống mình theo sự chuyển tâm.

Tâm ta chuyển đến đâu thì đời sống ta chuyển đến đó. Nếu thay đổi hoàn cảnh sống bất chợt, hay theo ý muốn “đi hia bảy dặm,” thường hay đi trật đường hay sai đường vì Tâm và cảnh không đi song hành.

Vì thế tại sao có khi người tu tại gia lại tiến bộ hơn người tu ly gia cắt ái, vì tâm của người này chuyển không kịp theo môi trường sống nên có nhiều người bị hụt hẩng, chới với vì nội tâm bị xáo trộn khi có sự thay đổi. Vì thế nên khi vào ở chốn thiền môn, tu viện, sống cảnh của người tu mà tâm người tu lại xáo trộn.

Ngày hôm nay đã có quá nhiều trường hợp người tu tại gia thì từ chỗ hữu dần dần giác ngộ, lại trở nên vô, có khả năng ly gia cắt ái; mà kẻ tu hành đã bỏ hết để xuất gia lại trở nên sở hữu chủ nhà cửa, xe cộ, lắm tiền, nhiều của.

Vì sao có một sự nghịch lý này?

Chỉ vì con người không hiểu thật về mình. Họ không biết con người biến chuyển tâm sinh lý từng giờ từng phút. Phút này thiện, phút kia ác. Phút này muốn bỏ, phút kia muốn lấy. Phút này tuyệt dục, mà phút khác lại khao khát dục tình.

Điều mà người muốn tu cần phải tránh là “đừng bao giờ thần thánh hóa chính mình hay người.” Cả hai đều sẽ làm cho ta thất vọng. Tuyệt đỉnh của trí tuệ vẫn có thể rớt vào đáy sâu của tội lỗi trong một sát na.

Muốn tránh mọi thất bại nhục nhã không gì khác hơn là nên bình thường hóa chính mình và người, và luôn nhạy bén thức giác trong từng hơi thở và nhịp đập của con tim. Chính theo dõi hơi thở và nhịp tim ta sẽ biết được sự thay đổi trong Tâm Thân Ý của ta.

Tâm Thân Ý của ta luôn biến chuyển đồng bộ từ lúc ta mới chào đời cho đến lúc nhắm mắt từ giã cõi đời. Nếu ta không nhạy bén biết sự biến chuyển của cả ba thì ta nghĩ, nói, hành động, như một cái máy, và cái người máy này  được điều khiển bởi một kho dữ kiện tàng trữ của nội tâm. Cái kho dữ kiện tàng trữ của ta lại đã được phong phú hóa bởi lục căn lục trần đầy hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục.

Nếu muốn hóa giải kho dữ kiện tàng trữ hôi tanh rác rưởi đã bao lần che mờ căn trí sáng suốt của ta, ta phải giật mình tỉnh ngộ và thức giác.

Có giật mình thức giác, ta mới chủ trì, trở lại vị trí chủ nhân ông để sống một cách sáng suốt minh mẫn cuộc đời còn lại của mình.

Nếu muốn sống sáng suốt, ta cần sống đồng bộ với cái chết, hay Sanh Tử Đồng Bộ. Ta không có khoảng cách giữa sanh và tử. Ta sống và chết đồng thời không hoang mang sợ hãi.  Vì ta sống như thế nào thì ta chết như thế đó, không tạo nghiệp dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, và sống với ai.

Sanh Tử đồng bộ là một cuộc sống lý tưởng nhất, vì không có sung sướng hay đau khổ. Ta không có khoảng cách mù quáng từ lúc ta sanh ta cho đến chết. Ta không thu vào để tàng trữ trong não bộ. Ta không chứa chấp hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục. Tất cả đều đi qua mỗi giây phút – không dấu vết.

Khi ta sống Sanh Tử đồng bộ, cuộc đời ta biến chuyển, nhưng cuộc sống không thay đổi. Mọi áp lực bên ngoài không còn điều khiển ta nữa, vì trong ta không có đối kháng, mà chỉ có sự hóa giải thường trực của nội tâm và ngoại cảnh.


Sự hóa giải thường trực giữa nội tâm và ngoại cảnh cho ta một sự bình an và chính sự bình an này sẽ chấm dứt nghiệp lực của ta trong hiện kiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880