27-7-2006 – 7:30 giờ sáng
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm?
Có biết bao người sáng suốt đã quên mình, có khi đã đi lạc hướng chỉ vì bị TÁNH hay THÓI QUEN dẫn đi một con đường khác, phát ra những lời nói khác hay những hành động khác mà họ đã quyết định không nói hay không làm.
Sự sáng suốt hay cái thấy ngay tức khắc, không qua quá trình lý luận của lục căn lục trần, hoặc đã qua khảo sát của lục căn lục trần; để hiểu biết và có hành động và suy nghĩ đúng, nhằm không tạo ra những hệ lụy, hệ luận dây chuyền gây xáo trộn nội tâm và ngoại cảnh trong đó có người xung quanh.
Có phải người tu tập phải đối phó với một chướng ngại lớn nhất trong đời mình đó là TÁNH?
Cái tánh gần như là thay vì cầm đũa tay phải, viết tay phải thì nay phải đổi sang cầm đũa và viết tay trái.
Thật khó khăn khi thay đổi tánh người, hay thói hư tật xấu.
Làm sao để đổi một tánh người một cách thật sự, chứ không phải đổi bên ngoài để làm cảnh, mà bên trong vẫn hậm hực, đè nén – còn được gọi là giả hình?
Tánh người dễ nhận thấy qua các cuộc va chạm từ tư tưởng lời nói hay hành động.
Khi ta còn có phản ứng thì “tánh không” vắng bóng. Chỉ có “tánh không” mới đối trị được TÁNH NGƯỜI. Tánh người phản ứng theo tiến trình hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục. Cái tiến trình này lặp đi lặp lại hoài hoài sẽ trở nên TÁNH.
Tất cả con người đều sống với tiến trình này từ khi có trí khôn và biết cảm giác. Tánh phát triển theo gia đình, xã hội, vân vân... cộng với di truyền chủng (gene) của cha mẹ ông bà dòng họ.
Tiến trình trên được thực tập và tạo ra qua lục căn, các giác quan, và ăn sâu vào trí não, và các phản ứng của cơ năng, tức lục trần, để nhận biết theo mỗi cá nhân để tạo ra một bản chất của người đó.
Bản chất hay là tánh khó sửa nhất của một con người. Nhiều người tu rốt ráo, tưởng đã đạt được không tánh, đạt đạo, đi đến đích. Rốt cuộc lại rớt vì Tánh.
Sự thất bại của người tu học vì Tánh không phải là họ muốn đi ngược lại hay bị thoái hóa sụt lùi, mà chỉ vì trong một phút chốc thiếu sáng suốt. Như ngọn đèn bị tắt lúc ta bất cẩn hay thiếu dầu.
Người tu học phải luôn châm dầu cho ngọn đèn bằng nghị lực và sự cương quyết không lùi bước bởi Tánh cũ của mình. Tánh cũ chỉ là một tiến trình máy móc như một nhu liệu đã được cài sẵn trong bộ máy người của ta. Nó hoạt động một cách vô tư không phải thương hay ghét ai, mà nó nhận và ứng phó tự nhiên.
Nếu ta biết nhu liệu do ta cài đặt trong bộ máy người của ta một cách rõ ràng thì ta sẽ nhanh chóng nhận diện nó, và dĩ nhiên là ta không cho nó nắm tình hình để phát khởi tạo những hệ lụy cho ta và cho người quanh ta.
Tóm lại, biết rõ ta thì trăm trận trăm thắng. Nếu không biết rõ bộ máy người của ta thì có lúc bất ngờ ta sẽ chết, sẽ thân bại danh liệt vì nó đứng lên nắm chủ quyền điều khiển ta.
Khi nhìn ta rõ hơn ắt ta sẽ nhìn người rõ hơn. Đó là câu “Biết Ta, Biết Người.”
Gửi ý kiến của bạn