20-8-2006 – 2 giờ sáng
Mức đến của một tư tưởng trưởng thành phải là một tư tưởng trung đạo, quân bình, phối hợp giữa hai cực âm và dương.
Tất cả mọi tư tưởng chánh trị, giáo dục, văn hóa phải đặt nền tảng nơi trung đạo, nếu không thì các môi trường trên đều bị phân hóa thất bại.
Tư tưởng trung đạo chỉ có thể có ở một con người đứng vững hai chân trên mặt đất. Tức phải dựa vào tâm linh và vật chất của con người thực tế không đặt vào ảo tưởng, ảo vọng. Một tư tưởng thực tế nhằm hữu lợi cho con người thì tư tưởng này mới có thể thực hiện được vì có thể áp dụng được trong đời sống.
Những tư tưởng nằm trong sách vở, phim ảnh chỉ làm cho con người thỏa mãn nhu cầu tinh thần, xoa dịu tự ái, xoa dịu giấc mơ của mình. Vì thế có biết bao chủ thuyết xa rời thực tế đã làm nhiều người thất bại vì ứng dụng không được trong đời sống. Họ hấp thụ được, ôm ấp giấc mộng thực hiện, nhưng khi hành động thì họ không thể nào thực hiện được vì giấc mộng và người không đi đôi.
Vì thế có những lý thuyết gia đề ra những lý thuyết, những công thức cho người khác làm chứ không phải cho mình làm.
Nếu muốn đưa ra bất cứ mô thức nào cho người khác, cho quốc gia dân tộc, hay cho tha nhân. Ta phải là người đi tiên phuông không sợ hãi, nghi ngờ, mà phải có đủ tâm lực và nội lực đầy đủ để thực hiện.
Khi nào biết rõ ta đủ tâm lực và nội lực?
Khi nào ta thấy bất cứ điều gì ta định làm, định thực hiện một cách nhẹ nhàng, bình tâm, sáng suốt, không cảm thấy một trở ngại nội tâm nào. Khi đó ta sẽ thấy mọi việc trở nên dễ dàng, cởi mở, và tự nhiên. Bởi vì nội tâm ta không còn bị gò bó bởi những trở lực do ta tạo ra bởi thành kiến chủ quan hay những mâu thuẫn với chính ta hay với người.
Hầu hết những trở ngại đều do con người tự tạo ra cho chính mình từ ảo giác, sự tưởng tượng hay thành kiến của ta đối với mình hay với người.
Khi ta không còn lúc chạy về cực âm lúc chạy về cực dương để tạo ra những rối beng mâu thuẫn với các lý luận của mình hay dựa vào lý luận của người, ta sẽ như đứng trước một đồng cỏ thênh thang bất tận.
Khi đó ta không còn cảm thấy cách biệt hay trở ngại với kẻ đối diện hay đối nghịch với mình.
Muốn được như vậy, ta phải tập đứng trên mọi sự tấn công, bất đồng ý kiến, chính kiến, hay các mâu thuẫn xung quanh. Tâm ta phải mạnh, phải vững vàng. Ta có đứng vững, đứng quân bình thì không ai xô ngã ta được. Âm thanh sắc tướng hiện rõ “như là” không đưa đến cho ta một xúc động nào dù vui hay buồn, thương hay ghét. Tâm ta trống thì trí ta trống, nội lực đầy đủ vì không xài phí vào các tình cảm vui buồn thương ghét.
Lúc đó ta thật sự thắng ta, thắng lục giác, thắng âm binh sắc tướng – thắng cái ngã ích kỷ, yếu đuối của mình.
Ta có đi đâu, ở đâu, tiếp xúc với ai cũng đều vững một niềm tin vào sự hợp nhất. Khi đó tâm mới truyền tâm, đi đến chuyển tâm thức kẻ đối diện dù cho trước đó họ có e ngại hay đối nghịch với mình.
Đó là một trận chiến tâm thức mà kẻ chiến thắng, làm chủ tình hình không đổ một giọt mồ hôi, không chảy một giọt máu. Đó mới thật sự là lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Một đời sống hoàn toàn đổi mới cho người nếm mùi Đạo biết hành đạo giúp đời.