11-2-08
Phản ứng phải chăng là tạo nghiệp?
Phản ứng và ứng phó khác nhau ra sao?
Có phải khi phản ứng là sự tịnh tâm chấm dứt?
Có phải khi tâm ta an định, tịnh tâm, đạt không tánh thì việc xảy ra, lời nói, hành động không làm ta lay chuyển, hay không làm xáo trộn lục giác, lục căn lục trần, hay lục tặc.
Không phản ứng không có nghĩa là lục giác không làm việc, mà lục giác nhận biết trong trạng thái sáng suốt không khơi động để phản ứng ngay.
Khi ta nhận biết bất cứ việc gì, điều gì xảy đến trong sáng suốt thì ta không phản ứng ngay mà ta ứng phó theo hoàn cảnh, con người sự vật xảy ra quanh ta.
Khi phản ứng ngay, ta hay chủ quan nên thường hay có tính cách trả đũa, tự bảo vệ bằng hành động hay lời nói. Ta thường hay nhận một mà trả mười theo cấp số nhân, vì thế khi phản ứng ta hay mù quáng vì tự ái, vì tự vệ, hay vì tức giận nên thường tạo thêm một chuỗi dài phần nhiều là vô ý thức.
Khi tâm không, an định, ta thực tập sự không phản ứng vì mọi sự việc xảy ra quanh ta đều có lý do do hoàn cảnh, con người, và đôi khi do chính ta.
Vì thế khi việc gì xảy ra ta đừng vội phán xét ngay, phản ứng ngay bằng hành động, lời nói, hay buộc tội, trả đũa.
Ta ghi nhận, đặt mình vào hoàn cảnh đối phương để ứng phó.
Ứng phó thường có tính cách sáng suốt hơn đối phó, vì đối phó có tính cách đối đầu, đưa đến sự tắc nghẽn không có lối thoát, không có cách giải quyết.
Tu, tập, quán chiếu, thiền tịnh - bước thêm một bước là thực tập không phản ứng nhất thời mà chỉ ứng phó, không đối phó đối đầu, để không tạo nên nghiệp chướng vì người hay hoàn cảnh tạo ra cho ta.
Tu tập để giải trừ nghiệp quả. Muốn bớt dần nghiệp quả ta cần giải quả. Ta không nên kết thêm quả bằng những phản ứng theo tự ái, hay tự cao mà cần thực tập sự nhún nhường, không hơn thua vì ý niệm hơn thua cao thấp khiến ta mù quáng có những hành động hay lời nói thiếu suy nghĩ, tạo thêm những chuỗi dài thù oán hay ân oán cá nhân giữa ta và người.
Thực tập không phản ứng là một nấc thang vô cùng khó khăn để giải dần nghiệp quả trong đời sống thường.
Mồng 5 Tết