85. Dành Những Khoảng Trống Còn Lại Của Cuộc Đời

01 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 71245)
85. Dành Những Khoảng Trống Còn Lại Của Cuộc Đời
27-11-07 - 5:00 giờ sáng

Tu tập, cải sửa, phải thay đổi cái nhìn về con người và hoàn cảnh theo công tâm, theo sự công bằng. Tức nhìn con người và hoàn cảnh một cách toàn diện.

Nhìn con người luôn kèm theo hoàn cảnh sống và bản chất của con người đó, theo nguồn gốc trong đó có cả nòi giống và văn hóa của họ.

Tóm lại, nhìn con người với lòng từ bi thì sự phê phán và phán đoán sẽ nhẹ dần cho đến khi nhìn người nhìn vật “như là.” Như thế ta dễ dàng chấp nhận và bộ nhớ của ta sẽ không còn tích trữ những phán đoán tiêu cực về người đó nữa.

Giữa con người với con người, sở dĩ có những khoảng cách xa dần xa dần vì thường ghi nhớ đối với nhau những điều bất đồng do sự phê phán tốt xấu, mà điều ta cho là xấu được ghi đậm nét có khi ghi sâu cả một cuộc đời cho đến khi sắp nhắm mắt tắt hơi.

Vì sao cái xấu cái bất hòa luôn nổi bật, ghi sâu vào não bộ? Có lúc tạo thành thù ghét, không nhìn mặt nhau?

Có phải do sự xúc động, có phải do sự quá thương nên khi va chạm thì trở nên quá ghét? Có phải vì quá tốt nên dễ dàng thất vọng khi không gặp sự đối xứng?

Thương nhiều thì ghét nhiều, và tốt nhiều thì trở nên ghét nhiều và nhớ lâu.

Phải chăng ta luôn vấp phải vì tánh không công bằng hay không bình đẳng trong sự liên hệ giữa người với người. Ta thích người này hay thương người kia nhiều hơn người khác, và khi có sự bất hòa, bất đồng hay va chạm, thì việc đó khiến ta đau buồn nhớ lâu hơn, bị thương nhiều hơn, vì cảm xúc hay cảm tính bị tổn thương nên khắc sâu vào bộ nhớ. Và cuốn phim cứ quay đi quay lại không xóa được.

Làm sao ta xóa được những vết thương lòng đã ghi sâu trong bộ nhớ?

Đó là một câu hỏi, một đề tài khó cho người dù tu tại gia hay xuất gia.

Bộ nhớ ta chẳng những ghi câu chuyện mà còn ghi lại những cảm xúc do câu chuyện tạo ra.
Nếu ta không sáng suốt ta sẽ bị bộ nhớ hay những việc xảy ra không tốt trong quá khứ điều hành và kềm chế từ cách ăn nói đến cách hành xử của ta hàng ngày dù cho ta gặp người quen hay kẻ lạ mới quen.

Quá khứ thường xuyên điều hành cả cách ứng xử của ta khiến nhiều khi ta không còn là ta mà ta là cả một quá khứ chồng chất, điều hành, ta là một con người máy đi đứng nằm ngồi theo bộ nhớ tích trữ những điều buồn đau hơn là hạnh phúc, vui vẻ, nhẹ nhàng.

Ta thường thốt ra những điều chua chát, hận đời, hay nghi ngờ bất cứ ai mới gặp. Ta có bản chất tốt, nhưng vì sự nghi ngờ chiếm hữu nên ta trở nên một người giả dối, thiếu chân thật do kinh nghiệm buồn trong quá khứ với những người ta đã gặp, đã va chạm và làm ta tổn thương.

Cái tốt quá, cái thật tình quá, phải chăng đã khiến cho ta mang thương tích khó mờ phai. Và chính ta là tác giả gây thương tích cho chính ta. Rồi chính ta đã ghi vào bộ nhớ của mình những kinh nghiệm buồn sâu xa về người. Và cũng chính ta để những kinh nghiệm buồn đó tạo tác trong ta.

Ta không hiểu rằng chính ta đã tạo ra cơ hội cho ta bị thương tích chỉ vì ta không hiểu thế nào là tốt, là xấu, là thương người một cách sai lầm. Nếu ta là người sáng suốt, giác ngộ, thì ta phải hành xử công tâm, không tốt với người này quá, hay thương người kia quá.

Nếu ta sáng suốt ta phải hiểu người và mọi người một cách thấu đáo, và không để cho người có cơ hội làm mình buồn hay thất vọng. Buồn hay thất vọng thì do ta còn sống với tình cảm và xúc cảm, và tình cảm và xúc cảm có cơ hội thao tác trên tâm sinh lý của ta.

Nếu không hiểu người và môi trường ta sẽ còn sai phạm hoài hoài.

Con người không tốt không xấu, mà họ biến chuyển theo môi trường sống và hoàn cảnh sống, và ta cũng thế. Nếu ta còn sống với sự thương, ghét, thì ta sẽ sản xuất cho mình càng ngày càng nhiều bộ phim bi thảm để xem đi xem lại và buồn khóc một mình suốt đời.

Nếu biết rằng ta là tác giả của các cuốn phim đựng đầy trong bộ nhớ thì ta sẽ biết sản xuất ra những loại phim gì để dành lại những khoảng trống còn lại của cuộc đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880