84. Tâm Thông Trí Sáng

01 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 74516)
84. Tâm Thông Trí Sáng
26-11-07 - 3:30 giờ sáng

Tu là sửa, không có nghĩa là luôn luôn trách mình, mà cũng phải quán chiếu, xét mình một cách công tâm, khách quan, cho phép mình tự do trong mọi quyết định, tức không luôn “xử ép”  chính mình.

Tu tập, sửa đổi, không có nghĩa là luôn đặt mình trước tòa án của phải, trái, tốt xấu luôn luôn. Như vậy thì ta lại trói buộc tâm thân ý.

Tu phải chăng là tháo gỡ. Tháo gỡ mọi xiềng xích của đời - của luật đời lẫn luật tôn giáo.

Càng tu càng tiến ta càng phải buông. Buông cả ý niệm làm và hành xử để “lập công bồi đức.”
“Lập công bồi đức” cũng chẳng khác nào ta làm việc và hành xử như thế nào để ôm một tham vọng tích trữ cho chính mình.

Đức Phật chỉ cho ta một con đường giác ngộ buông bỏ chứ không chỉ cho ta tạo thêm dù là thêm Đức. Ngài chỉ chứng cho sự chân thật, sự giác ngộ, Ngài không chứng cho ta làm một điều gì cho Ngài. Tóm lại, sự Giác ngộ không do sự trả giá.

Muốn đến gần ánh sáng, ta cần nhẹ nhàng sáng suốt. Ta không thể nhẹ nhàng nếu ta gồng gánh ôm đồm tích trữ.

Tu nhân tích đức là để hưởng lợi cho đời này hoặc đời sau, đó không phải là con đường giải thoát khỏi hệ lụy của trần gian (samsara).

Con đường tu mà Đức Phật dạy là con đường buông bỏ của tự thân, tức không bám víu vào thân xác của kiếp này và các kiếp sau vì khi nghĩ đến bồi Đức, tích Đức là nói đến sự tiếp tục dưỡng thân, muốn điều lợi lạc cho chính mình. Mọi hành động và lời nói đều chất chứa sự mong chờ được đáp trả.

Ta cần thực tập, nói hành mà không mưu cầu sự đáp trả. Ta hãy buông đi, đừng giữ lại, đừng mong cầu.

Sự mong cầu, sự tích đức, đó là một mưu cầu tính toán mà người tu thường vấp phải. Chính vì nó dã khiến nội tâm thường xuyên đối diện với việc làm của mình phải như thế này mới tốt, như thế kia là xấu.

Cái tòa án tốt xấu luôn túc trực khiến ta luôn ép mình nhịn nhục, làm nhiều điều không đáng làm, hay nhượng bộ người khác những điều không đáng nhượng bộ, hay khiến ta luôn thua thiệt, dìm mình và dễ dàng để người khác lợi dụng lòng tốt của mình.

Muốn cho tâm an định ta phải giải thoát ra khỏi chiếc còng “tu nhân tích đức” đó để hành xử tự do.

Phải hành xử tự do không mong cầu thì tâm mới thông trí mới sáng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880