Lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 27163)
Lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ

25-11-97

Căn nhà tôi ấm cúng hẳn lên trong ánh trầm hương, tàn nhang đang cuộn tròn dần lại. Tôi cảm thấy mình đang sống, đang thở, đang hiện diện một cách thật mạnh mẽ.

Sáng nay, tôi tiếp tục cầu nguyện những gì tôi đã cầu nguyện dưới cội Bồ đề hay các nơi động tâm khác. Tôi dập đầu, nước mắt ràn rụa dưới ánh sáng từ bi của Đức Phật. Tôi cầu xin Ngài cho tôi có sức khỏe để phục vụ Đạo Pháp, phát triển những khả năng cần thiết của tôi để việc hành đạo được hữu hiệu hơn. Tôi xin Ngài mở lượng Từ Bi để cho Phật giáo Hòa Hảo được triển khai Đạo Pháp, rộng mở Thánh Địa Hòa Hảo cho Việt Nam và thế giới có cơ hội đến nơi thăm viếng, nghiên cứu học hỏi. Phật Tuệ bao la chứng tri, Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương phát nguồn từ rặng Hy mã Lạp sơn, đầu nguồn là Thánh Địa Phật Giáo, tận cùng kết tụ của mọi năng lực từ lực đã quy tụ về Thất Sơn, Thánh Địa của thế giới năm 2000.

Tôi đã xúc động vô bờ bến dưới rặng Bồ đề, nơi mà ngày nào Đức Phật đã đắc Chánh Đẳng Chánh Giác. Nước mắt tôi cứ tuôn rơi không ngừng suốt thời gian được ở tại đây. Đêm cuối cùng, trước khi rời Thánh Địa Đạo Tràng, chân tôi như cứ muốn dính chặt vào gốc cây Bồ đề. Tôi ngồi đó mãi không muốn về, không ăn cơm tối, và chắt mót từng giây phút ở nơi thiêng liêng đó. Tôi vuốt ve cây Bồ đề, hôn lên thân cây những nụ trìu mến.

Cuối cùng, tôi đành rời cây Bồ đề, viếng lần cuối Chánh Điện dưới chân tháp Đại Giác. Tôi trút hết chút tiền còn lại vào thùng phước sương để giúp phần nào việc trùng tu quét dọn cho Tháp được sạch sẽ.

26-11-97

Bảy giờ sáng, trời còn mù sương. Sân sau nhà đã lót gạch bát giác đỏ pha với màu xám rêu. Các chậu cây đem từ nhà cũ về còn xếp ngổn ngang dựa hàng rào. Những cây bứng lên từ phía trước và sau nhà bắt đầu khô héo và sắp chết. Hiên nhà chưa được dựng lên, chỉ mới đặt móng.

Sáng nay Tài bảo tôi, sẽ đặt bàn thờ trên lầu, nơi phòng làm việc của tôi, là chỗ thích hợp nhất. Phòng khách sẽ ngăn đôi, một bên thành phòng làm việc, viết báo, Internet. Sách kinh về đạo, bài vở viết lách về tâm linh sẽ để ở trên lầu.

Hôm nay, Tài đi làm sớm, và sẽ mang về một con gà tây đút lò cho lễ Thanksgiving vào ngày mai. Anh ôm báo mới đi, chỉ chừa cho tôi một trang Metro có hình bà Madelena Lài ở Pomona đang ôm ông đại sứ Mỹ tại Hà nội "Pete" Peterson. Tay trái bà trên lưng ông có đeo chiếc cẩm thạch lên nước rất xanh, mấy ngón tay đang kềm một bao thư dài trắng, có lẽ chứa thỉnh nguyện thư. Peterson là một cựu phi công từng bị bắn rơi và bị Việt cộng bắt giam đến năm 1973. Ông muốn làm sứ giả hòa bình cùng Hà nội.

Hôm qua, Thu có đi dự lễ này, nên nói là bà khóc khi trao bó hoa đủ màu cho ông Peterson, nói rằng đây là máu của đồng bào bà. Peterson quan tâm về mậu dịch và kinh tế đối với Việt Nam, cho nên mọi người kêu gọi ông quan tâm đến nhân quyền. Thu nói, Thắng gởi điện thư thật nhiều tài liệu bằng chứng vi phạm nhân quyền xuống cho luật sư Văn, nhưng Văn chẳng nói được tiếng nào. Người ta xếp hàng đông quá, ai cũng giận, có người mắng ông.

Dưới hình bà Lài và ông Pete là bài viết về một ông trước kia là đàn bà, thắng kiện, và có quyền nuôi con gái. Đài truyền hình hôm qua có chiếu, Vecchione, 40 tuổi, ở San Clemente 20 năm, trước kia là cô Janine, và đổi giống. Ông cưới vợ, và năm năm sau ly dị. Hai người có đứa con gái chung do thụ tinh nhân tạo lấy từ tinh trùng người anh của Vecchione. Cô vợ thưa ra tòa, cho rằng chồng mình là đàn bà, và không phải con ông, cho nên không được nuôi con. Tòa phán, anh Vecchione nay là đàn ông, và cho quyền nuôi con như những người cha khác, vì ông ta đã giải phẫu cải giống lâu năm rồi, râu cũng mọc ra như các đấng tu mi khác.

Hôm từ Ấn độ về nhà, dù còn say ngủ vì trật giờ, nhưng tôi cũng cố xem qua đống thư tị nạn và báo chí. Báo Việt Nam cũng nhanh gớm. Vào ngày tôi xem báo bên Ấn độ có vụ tai nạn xe buýt chở học sinh rớt xuống sông, thì báo Người Việt cũng có đăng nơi trang nhất, góc phải dưới cùng, hình tử thi các em được vớt lên.

Một bài tài liệu do Nguyễn Phúc Bửu Tập soạn, "Một tệ đoan xã hội hãy còn ở Á châu: Thảm trạng sát hại hài nhi phái nữ tại Ấn độ và Trung quốc". Theo tài liệu này thì ngày xưa, mỗi năm con số hài nhi gái tại Ấn độ bị giết là 20.000 em ở mỗi tỉnh. Lý do là vì con gái không được lấy người cùng họ, mà xã hội lại muốn giữ tập tục giai cấp, cho nên không muốn gả con cho người khác tộc, vì thế rất khó lấy chồng, phải đem giết đi để sau này chúng khỏi bị kỳ thị. Thông thường, họ bôi thuốc phiện vào nấm vú cho trẻ bú, hoặc dùng khăn ướt chụp lên mặt hài nhi sơ sinh, để cho bé ngộp thở. Có nơi, họ bỏ em bé vào một cái chum đầy sữa, cách này gọi là Dhood Pillana (cho bé uống sữa).

Báo Người Việt số ngày 11-11-97 có ảnh của cô Nguyễn Thị Kim Phúc, mặt tươi cười, đang giơ cao tấm giấy cô được ông Frederico Mayor, giám đốc UNESCO, bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí Liên Hiệp Quốc. Cô Kim Phúc năm nay 34 tuổi, nổi tiếng từ năm 1973, qua tấm ảnh của cô lúc còn bé bị bom napalm đốt cháy hết áo quần và phỏng, hoảng hốt khóc chạy giặc trong vùng lửa đạn chiến tranh. Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út chụp, cực tả thảm cảnh chiến tranh, và được trao giải thưởng Pulitzer của Hoa kỳ.

Tựa lớn của số báo này là "Hàng chục ngàn đồng bào Hố Nai (Trảng Bom) biểu tình xung đột công an, nhiều người bị thương”. Cuộc biểu tình bắt đầu khi các phụ nữ tập trung tại trụ sở huyện Thống Nhất, trương biểu ngữ lên án việc chiếm hữu ruộng đất. Một số cởi bỏ quần áo phản đối. Sáng thứ bảy 8-11-97, công an sử dụng dùi cui, khiên mộc, ra giải tán. Hai bên choảng nhau, bị thương, nhà một số cán bộ bị đốt cháy.

AFP cho biết, họ đòi trả 3200 m2 đất của Giáo xứ Trà Cổ bị CSVN trưng thu xây chợ. Nhà nước địa phương yêu cầu đức Giám mục Nguyễn Minh Nhật đưa ra lời kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Dân cư huyện Thống Nhất hầu hết là giáo dân Công giáo, gồm những người di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954; một số dân miền Trung tị nạn vào Mùa Hè đỏ lửa năm 1972; còn lại là những người thành thị hay các nơi khác từ miền Bắc đến lập nghiệp sau 1975.

15-12-97

Chỉ còn chín hôm nữa là đến ngày Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tôi bắt đầu ăn chay để cầu nguyện, và cũng để cho thanh nhẹ trong thời gian đánh máy lại nhật ký ghi chú về chuyến hành hương chiêm bái thánh tích của Phật tại Ấn độ, đăng trên Việt Báo Kinh Tế Xuân.

Sinh nhật của Tài và của Thịnh đều vào tháng 12 này. Suốt tuần này, Thịnh bận thi cuối khóa, nên phải dời tiệc mừng sinh nhật vào cuối tuần. Tôi sẽ phải nấu nướng làm tiệc cho hai cha con. Hôm qua, Cường cũng vừa xong khóa mùa thu, nên về nhà ở luôn đến tháng 1-98 đầu khóa mùa xuân. Hè này Cường cũng ra trường USD, còn Thịnh thì tốt nghiệp thêm một ngành phụ về Thương mại, sau khi xong khóa này.

Tôi qua phòng Thịnh hỏi, con xem lúc mẹ ăn chay thì mẹ nên ăn gì cho không mất sức. Thịnh bảo tôi nên ăn rau trái, cà tím, đậu, nấm rơm... đừng ăn đồ chiên xào và đậu hủ nhiều quá sẽ bị mập, ăn cơm nhiều quá cũng bị mập. Và Thịnh nói, tùy theo tôi tập thể thao nhiều hoặc ít. Tôi bảo, thảo nào mà nhiều người ăn chay mà bị mập; thì Thịnh cho rằng, tại họ không có tập thể dục.

Hôm qua, Trang, con gái nuôi của tôi mới về nhà ăn Lễ Tạ Ơn với chồng là Hoàng, và hai con trai, bé lên sáu và bé lên bốn. Trang ham tu học lắm, trách tôi sao đi Ấn độ mà không cho biết để đi theo. Lâu rồi, cô nàng cũng không ăn thịt, chỉ ăn sà lách trộn dấm, khoai tây, đậu ve và cà rốt. Tôi luộc tất cả các thứ lên xong trộn bơ và rắc gia vị của Ý vào, với rau ngò tây parsley. Trang ăn một chút canh củ hành kiểu Pháp, và bánh mì.

 

 

 

Ngày Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ

24-12-97 tức 25-11 âm lịch năm Đinh Sửu

Hôm nay là đêm Giáng Sinh Chúa Giê-su ra đời. Chúng tôi tuy đạo Phật, nhưng hàng năm đều họp mặt gia đình vào ngày này. Chúng tôi dự định tổ chức ở nhà mới, nhưng sân vườn, cổng, hòn non bộ đều chưa xong, nên lại tổ chức ở nhà Thanh Thu.

Mẹ và tôi ăn chay, vì hôm nay là ngày Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ, trùng với ngày lễ Giáng Sinh cuối năm. Vì sự trùng ngày hi hữu này, nên tôi xé tấm lịch ra để dành kỷ niệm.

Đức Thầy sinh ngày 25 tháng 11 âm lịch năm Kỷ Mùi, nhằm 15-1-1920. Ngài khai đạo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939. Theo chú Nguyễn Duy Thanh, người hầu cận Đức Ông, thân sinh Đức Thầy, nghe Ông kể lại. Hôm đó, Ngài mời thân phụ và thân mẫu là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm ra ngồi để làm lễ khai đạo, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng núi Thất Sơn và Tà Lơn về.

Từ đó, Ngài sáng tác nhiều kệ giảng tiên tri những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Khi tín đồ của Ngài càng ngày càng đông, thì nhà cầm quyền quản thúc Ngài tại làng Nhơn Nghĩa, Cần Thơ. Sau đó, họ đưa Đức Thầy về an trí tại nhà thương Chợ Quán, Sàigòn, rồi dời Ngài về Bạc Liêu.

Khi Nhật bản nhúng tay vào thời cuộc Đông Dương, trong thời kỳ Thế chiến II, thì họ cưỡng bách đưa Ngài về Sàigòn. Sau cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945, Ngài tiên tri Nhật bản thất trận. Ngài muốn bảo vệ quốc gia, và cứu nguy dân tộc, nên thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết Đạo Phật, và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Ngài liên hiệp với các lãnh tụ các tôn giáo, đảng phái để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại xát nhập với Mặt Trận Việt Minh, mà chính Đức Thầy là vị đại diện đầu tiên ở Việt Nam.

Sau hiệp ước ngày 6 tháng 3-1946, Hồ Chí Minh tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Đức Huỳnh Giáo chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.

Thấy dân chúng ủng hộ, Việt Minh bèn giải tán, và họ thành lập Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam Hội, để che đậy màu sắc đỏ của đệ tam quốc tế và làm cho quần chúng quên đi cái dĩ vãng đẫm máu của các tướng cộng sản hồi cuối năm 1945.

Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Đức Thầy ưng thuận tham gia Ủy Ban Hành Chánh với trách vụ Ủy Viên Đặc Biệt.

Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng vào ngày 21-9-1946, với chủ trương Công bằng Xã hội và Dân chủ hóa nước Việt Nam.

Ngài gởi người ra hải ngoại liên kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành lập Mặt Trận Thống Nhất Toàn Quốc.

Năm 1947, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chống lại sự độc tài của các Ủy Ban Việt Minh. Đức Thầy về miền Tây để trấn tỉnh lòng phẫn nộ của tín đồ, và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 16-4-1947, Ủy ban Hành chánh Việt Minh âm mưu bắt Ngài tại Đốc Vàng (vùng Đồng Tháp).

Toàn thể tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn luôn luôn tin tưởng ngày trở lại của Đức Huỳnh Giáo chủ, vì Ngài là một vị Thiêng Liêng lâm phàm, với nhiệm vụ cứu nguy cho đất nước Việt Nam nói riêng, và hướng dẫn nhân loại tiến đến giải thoát khỏi tai ương của các chủ nghĩa vô thần tôn thờ vật chất.

Đức Huỳnh Giáo chủ từng nói với ông Nguyễn Chí Diệp và ông Biện Đài tại Tổ Đình vào ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Mão 1939 như sau:

“Tất cả Uy quyền hay Thế lực đàn áp chỉ là vun phân tưới nước cho Đạo tốt thêm".

Thầy cũng nói:

"Chừng nào hào quang trên mặt trăng không còn chiếu xuống mặt đất thì mới sợ Đạo Thầy mất. Bằng ánh sáng mặt trăng còn chiếu, thì Đạo Thầy vẫn còn cứu đời và lan rộng mãi mãi".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880