Tìm lại chốn chào đời

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31275)
Tìm lại chốn chào đời

5-3-96 - tức rằm tháng giêng Bính Tý

Tôi hư quá đi mất. Tôi quá mức chịu đựng tôi rồi. Hôm qua khi chưng bông cúng rằm tôi đã chừa lại cho mình một bình hoa nhỏ. Nhưng vẫn không dụ được mình tiếp tục làm việc, tĩnh tâm, hay sửa sách. Tôi lại chạy trốn việc làm của tôi và tìm đủ mọi cách để tránh né.

Sáng nay tôi thức dậy với cơn đau đầu. Thâm tâm tôi lại mừng rỡ vì tìm ra cái cớ rồi chăng? Nhưng lương tâm tôi lại nhắc nhở rằng hôm nay đã là ngày thứ hai nhập thất.

Tối chủ nhật tôi đã gọi điện thoại nhắc mẹ. Tôi dặn dò trong lúc hai mẹ con cùng nhập thất một lượt, mẹ nhớ cầu nguyện cho tôi soạn sách cho tốt đẹp. Tôi còn trấn an mẹ là cuốn Cô bé làng Hòa Hảo được thành công và nhờ nó mà nhiều người hiểu tôn giáo tôi hơn, chỉ có một số nhỏ đả kích không đáng kể. Mẹ bảo cầu nguyện cho nhiều đứa quá, rồi mẹ kể một lô tên các em ra. Tôi bảo thầm: "Người già cầu nguyện cho người trẻ". Đầu năm nào mẹ cũng đi thập tự (mười kiểng chùa) để cầu nguyện cho con cái. Tôi nợ công ơn dưỡng dục của mẹ quá nhiều. Mẹ hy sinh cho tôi đến độ không bút mực nào tả xiết.

Hôm qua tôi nhờ mẹ viết thư cho bà Út, con ông ngoại tôi, nhờ bà đi tìm bà mụ và nhà bảo sanh nơi tôi ra đời.

Mẹ viết thư cho bà Út, có một đoạn nói về tôi:

"Cali ngày rằm tháng giêng năm Bính Tý

..........

"Cô ơi! Huỳnh Mai nó nhờ tôi viết thơ nầy gởi nhờ cô một việc, lúc nào cô khỏe ráng đi kiếm dùm nó. Chuyện như vầy; hồi năm 1947 cháu sanh nó ở tại nhà Bảo sanh ở chợ Chưng Đùng gần Dinh Ông, bà mụ nầy là người đàn bà Việt Nam còn trẻ, cũng có vài cô gái đang học làm mụ ở nhà bảo sanh đó, mụ nầy sanh theo phương pháp của Tây phương chớ không phải mụ vườn, họ cũng bận áo blouse, mang bao tay, đội nón như ở nhà thương Long Xuyên vậy đó. Cháu quên không nhớ nhà Bảo sanh đó tên gì, có lẽ cô hỏi những người ở gần đó, cỡ tuổi chúng mình chắc họ biết; vì lúc đó cháu vừa sanh xong thì bộ đội thằng Danh và bộ đội Ba Cụt đánh nhau, bắn điếc lỗ tai, cháu ôm con chun xuống gầm giường, rồi bò xuống hầm, sợ quá nên không để ý chung quanh chuyện gì hết, lo mau mau đi về nhà, nằm lửa, mới sanh sợ, cho nên thần kinh của mình kềm không được, bị run lia, cháu còn nhỏ không biết gì hết, chỉ lo bảo vệ cho con, sợ người ta bắn lạc đạn thôi! Đời giặc giã là vậy!

“Lúc đó thời cuộc lu bu quá, phần mình không có phương tiện trở lại chỗ cũ của mình ghi lại bao nhiêu là kỷ niệm tuổi thiếu thời, đời ly loạn! Rồi thời cuộc đưa đẩy mình, như ngọn nước thủy triều, trôi mãi, trôi mãi theo thời gian, không ngừng, bây giờ có cơ hội, rảnh rang để tìm lại những kỷ niệm thương yêu xa xưa, thì tuổi đời chồng chất, cũng không làm sao nhớ nổi từ giai đoạn. Như cháu với cô từ thuở bé đã chịu đựng, bao cay, đắng, ngọt, bùi với cuộc đời côi cút, để buồn, để tủi, cho thân phận. Cô ơi! Khi lòng buồn kể lể như vậy, chớ tụi mình bây giờ đã và đang lo tu đâu cần nghĩ lại dĩ vãng làm gì nữa phải không cô! Cô rán tìm lại nơi chôn nhau, cắt rún dùm cho cháu; cháu xin phép cô, sở phí bao nhiêu cháu sẽ đưa lại cho cô, vì cháu biết cô cũng không làm gì có tiền!

..........

“Thưa cô Út, cô có đi qua Chưng Đùng, nếu cô thấy nhà Bảo sanh đó, thì mình xem thử coi có thể mình giúp đỡ, hay tu bổ cho họ được không? Cháu hỏi ý kiến cô thôi! Nếu được thì Huỳnh Mai nó để dành tiền đặng tiến tới.

"Cháu của cô".

6-3-96

Tôi nhìn ngọn đèn để nhắc nhở mình trở về với sự tự kiểm. Sáng nay sau khi tìm cách đi mua vài món vớ vẩn như bánh bagel và trà cúc tây camomille, vớ dày để mang cho bớt đau chân vì chân tôi mọc xương bên trong chỗ dưới ngón cái, muối để vào nước nóng trong bồn tắm cho bớt nhức đầu và dãn bắp thịt vì tôi bị đau lưng không cúi xuống lạy sát đất được, vân vân và vân vân...

Lúc về nhà, tôi ngồi uống chưa hết ly trà và mẩu bánh bagel nhỏ tôi đã quyết định. Quyết định đi sửa sách để xuất bản.

Ngọn đèn cầy trước mặt tôi vừa thắp lên, có mùi thơm làm dịu nhẹ thần kinh bớt căng thẳng, đã nhắc tôi nhớ lại khi tôi viết bài Tự Kiểm. Tôi đã viết, người ta thường hay đưa ra những bài hay còn giấu kín đi những bài dở như khi nấu thức ăn vậy.

Trường hợp này thì sao? Tại sao tôi cứ tránh né việc ra sách, mặc dù đã được nhắc nhở, thôi thúc phải xuất bản, qua nhiều tín hiệu trong cả giấc chiêm bao. Tôi sợ gì? Bị phê phán? Sợ nổi tiếng? Sợ bị tách rời khỏi đời sống cô đơn một mình chăng? Tôi muốn níu kéo, trì hoãn việc ra đi thực hiện ước nguyện đóng góp cho dân tộc và đạo pháp mà mình ấp ủ hằng bao nhiêu chục năm qua chăng? Một chân đã bước tới, tôi không thể nào đứng như thế mà phải bước nốt chân kia, và cứ như thế bước mãi để các cuốn sách của tôi phải lần lượt ra đời, để việc phải làm sẽ trở thành hiện thực.

Tôi biết tôi lười làm việc cũ và chỉ muốn học cái mới. Những phương pháp tôi dùng để mở rộng chân trời sáng tạo của nghệ thuật cắm hoa. Cũng phương pháp đó giờ đây tôi sử dụng đến phần não bộ bên phải của lý luận và kỹ thuật thực tiễn, để mở rộng cánh cửa bước vào điện toán để thực hiện những việc tôi muốn làm cho quê hương, cho tầng lớp người trẻ.

Trí tuệ tôi có thể theo kịp tốc độ của ánh sáng để đi vào thế giới tâm linh, thì nó cũng có thể đi nhanh để bắt kịp tốc độ của điện tử. Mạng lưới tâm linh hay mạng lưới điện toán Internet cũng chẳng khác xa nhau, cũng có những điểm hội tụ giữa hai thế giới hữu hình và vô hình.

Vô hình hay hữu hình chỉ cách xa nhau khi con người còn phân biệt, còn chưa làm việc hết mình, còn bị tách rời bởi hai giới ngoại cảnh vật chất và tâm linh siêu hình. Con người ở thế kỷ 21 phải tiến tới sự văn minh tột đỉnh của loài người, phải sống một cách toàn diện để phát triển khả năng vượt bực của mình. Con người đã ôm chặt lấy những gì hiện hữu mắt thấy tai nghe để tự giới hạn mình vì sự sợ hãi thường trực, sợ mất mát, mất vị thế, mất danh lợi, không dám tự từ bỏ mình để bước ra thế giới vô hình với sự mạnh mẽ của tâm linh đầy ý chí và nghị lực đối đầu cùng một thế giới mới, thế giới không mong cầu sự đền đáp, sự hoàn trả của một quyết định hy sinh toàn diện, hy sinh cả tiền tài vật chất tiếng tăm, hy sinh ngay cả mạng sống của chính mình.

Khi đã quyết định, chấp nhận rời bỏ những gì "giá trị mình đang có” để bước hẳn vào một "thế giới không mong cầu" một cách không chút sợ hãi luyến tiếc, mình mới trực diện cùng sự thật cuối cùng: "một chân lý trường cửu". Khi đã gặp, đã nếm, đã sờ mó được thế giới trường cửu rồi, thì khó có cái gì đổi lại được nó, cho dù những giá trị tột đỉnh nhất của thế giới hữu hình có mang đến để trao đổi, cũng vô phương.

2:00 giờ trưa

Các từ ngữ trí thức, tâm linh, ngôn ngữ, vô ngôn ngữ lại ặp đến rồi. Tôi lại phải bỏ những việc lặt vặt trong nhà đang làm để ghi xuống.

Người ta không biết rằng tuyệt đỉnh của trí thức là tâm linh, và tuyệt đỉnh của tâm linh là trí thức.

Tuyệt đỉnh của vô ngôn ngữ là ngôn ngữ, và tuyệt đỉnh của ngôn ngữ là vô ngôn ngữ.

Trí thức đã mở cửa ngõ cho con người bước vào tâm linh, và có đến thế giới trùng điệp, không bến bờ của tâm linh, con người mới có trình độ trí thức và tri thức. Sự khởi đầu của ngôn ngữ phải chăng từ vô ngôn ngữ. Vậy tại sao người ta cứ ôm đeo từ ngữ, giới hạn từ ngữ, để rồi không diễn đạt nổi thế giới tâm linh, tri thức và trí thức, trí tuệ tuyệt đỉnh của con người. Ngôn ngữ không những phải mở rộng, mà còn thay đổi và chuyển biến theo sự tiến bộ của loài người và sự vận hành của vũ trụ. Con người phải học tập rồi buông bỏ rồi tiến bộ phát triển bộ óc chứ không phải ôm lấy ngôn ngữ và hiểu biết để rồi dậm chân tại chỗ.

Việt Nam phải hy sinh hơn nửa dân tộc để nhẫn nhục tu học trong sự đau khổ, đày đọa của địa ngục trần gian, hầu đẩy mạnh đời sống tâm linh. Một phần còn lại đã tung ra như đàn chim vỡ tổ để học hỏi từ các xã hội tiến bộ, văn minh, từ các kỹ thuật vật chất tân tiến nhất, đến các triết lý đạo học truyền thống nhất, trên toàn thế giới, để phát huy mọi tiềm năng của mình. Tinh anh của giới đó, trong tương lai, sẽ đúc kết mọi tinh hoa của cả hai giới hữu lẫn vô, kỹ thuật khoa học và tâm linh đạo học, hầu xây dựng lại một quốc gia kiểu mẫu cho thế giới loài người bước sang đời sống mới về cả vật chất lẫn tinh thần.

7-3-96

Lúc nào hình như tôi cũng phải có hai việc để làm cùng một lúc. Cả buổi trưa nay tôi loay hoay làm đủ thứ việc trong nhà, giặt giũ, dọn dẹp... nhưng đầu óc lại để vào trong các suy tưởng, nghĩ ngợi về những kỷ niệm khó quên trong đời.

Tôi hay ôn lại những phút cuối trước khi ba ra đi vĩnh viễn, mẹ và các chị em tôi đứng quanh ba cầu nguyện. Tôi nắm chặt bàn tay trái của ba đọc Bát Nhã Tâm Kinh, cầu nguyện Phật Tổ Phật Thầy, Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Thầy hộ độ cho ba. Người tôi nóng ran. Tâm lực mạnh mẽ. Tâm tôi bình an bên cạnh ba lúc ba ra đi.

Mẹ tôi bình tỉnh hơn ai hết để lo tất cả thủ tục cho ba. Tình thương của bạn bè, của cộng đồng các tôn giáo và đoàn thể dành cho ba nhiều quá. Lễ vinh danh ba, rồi lễ cầu siêu liên tục không dứt. Quý chư tăng ni trụ trì của chùa Việt Nam, chùa Minh Đăng Quang, chùa Phật Tổ, chùa Liên Hoa, chùa Huệ Quang... đến thay phiên nhau làm lễ siêu độ cho ba. Các đồng đạo từ khắp nơi đổ về. Trên một trăm tràng hoa từ các hội đoàn, nhiều đoàn thể trẻ mà tôi chưa từng được sinh hoạt chung. Lúc đó chúng tôi biết thêm thế giới riêng của ba qua những người đến dự. Những người không thân quen với chúng tôi đã rơi nước mắt trước linh cữu của ba. Có khi chúng tôi không biết ba bằng người khác, hoặc có thể họ biết ba ở trên một bình diện nào đó còn xa lạ đối với chúng tôi. Tôi tự biết mình đã nhận ơn lớn từ các người hiện diện, và có bổn phận phải đền đáp lại. Tôi phải làm việc nhiều hơn cho Đời cho Đạo, và cảm thấy cả một gánh nặng đang đè trên hai vai. Tôi đau cho tôi, cho mẹ, tôi lo cho việc của ba để lại từ Đạo đến Đời. Tôi quỵ nhiều lần, và tiếp tục đứng lên sau mỗi lần ngã quỵ. Tất cả những ngọn roi của Đời và Đạo đều cần thiết cho sự trưởng thành trong tinh thần tư tưởng của tôi.

Chúng ta sẽ không biết đi đứng mạnh dạn, biết con đường dẫn về đâu, nếu chúng ta không vấp té. Té càng nặng thì đi càng vững càng nhanh. Sự trưởng thành không thể có nếu không có kinh nghiệm, và kinh nghiệm cũng không thể có khi không có thực tập và thực hành.

Tôi từng rời nhiều nghề nghiệp sở trường để bước qua các lãnh vực mới. Từ não bộ trái bước qua não bộ phải sẽ chịu nhiều đớn đau của nội tâm khai phóng tâm linh để bước vào những vùng mênh mông mới lạ với bao nhiêu nỗi sợ hãi, kỳ thú, đam mê. Mỗi khi va chạm với thế giới bên ngoài, tôi lại mệt mỏi ủ ê, chịu đựng sự nghịch lý giữa Đạo và Đời.

Văng vẳng trong tim tôi hai câu thơ tôi thường nghe quý vị niên trưởng trong Đạo ngâm:

"Đời không đạo, đời vô liêm sỉ,

Đạo không đời, đạo biết dạy ai.”

Tôi tiếp tục mãi con đường mình đi, không phải mải miết đi về phía tâm linh nghìn trùng, mà tìm lại sự quân bình cho chính mình sau từng cơn lạc lõng.

Tôi lạc lõng bơ vơ ư? Tôi chỉ lạc lõng bơ vơ khi trở về chốn khởi hành, nơi có quay quần cả gia đình, con cái, dòng họ, sau những vượt thoát đầy kỳ thú của một thế giới ngút ngàn đầy ắp ánh sáng, của thế giới đến không cần đi, vượt xa các tầng khí quyển, tràn đầy sự bình an. Một thế giới của chân như mà mọi người đều mong đến nếu sực tỉnh rằng lợi danh, hỉ nộ ái ố chỉ là sản phẩm từ sự vô minh của con người.

9-3-96

Tôi lau hai bàn tay ướt, rời bếp để trở lên phòng với cuốn tập, và nghĩ đến Thanh Sung và quyển hồi ký chứa đầy sự thật của đời cô, Hồi ký không biên giới. Thanh Sung biết rõ và quan sát nội tâm một cách tận tường. Qua sách của Thanh Sung tôi thấy được sự hy sinh của các bà mẹ Việt Nam, và một khung trời lãng mạn của người xứ Huế. Tôi thích quyển sách của cô vì nó chân thật. Sự chân thật là yếu tố cần thiết cho một quyển hồi ký có giá trị.

Thanh Sung đa sầu đa cảm, yêu rồi khổ, tưởng hết yêu rồi lại yêu. Lúc nào tim cũng đập như đập lần đầu. Nhưng cô hiểu rõ mình, và theo dõi, chấp nhận mình một cách đơn sơ, không cầu kỳ, không màng đến khen chê, từ ngôn ngữ lẫn tư tưởng. Cô nói về các chuyện tự nhiên của thân thể con người. Cô nói về những mặc cảm, sự mừng hụt khi tưởng mình đẹp khi có người nói cô giống “người trong tranh" vì cô chỉ mặc một bộ đồ trong suốt mấy hôm, không hề thay đổi. Cô nói về sự láo khoét, sự bất lương tâm của chính mình và của người khác, được diễn đạt tài tình qua các "mẫu đối thoại câm”. Cô so sánh giấc mộng của cô đeo đuổi với giấc mộng của một người ăn mày ngồi trước tô bún bò Huế. Khi hủ tiêu bật nấp tất cả tiêu trong lọ đổ vào tô làm tiêu luôn giấc mộng của ông; chẳng khác nào giấc mộng tình của cô tan vỡ khi người yêu có bồ khác, cho dù cô không thành thật với họ. Cô chỉ tưởng là yêu họ để bù vào chỗ khao khát tình yêu chân thật của mình.

Tôi mới thật là "người trong tranh" chứ không phải Thanh Sung, vì tôi chỉ bước ra ngoài khi không có Tài, giống như trong chuyện đời xưa Tấm Cám “trái thị rớt bị bà già". Bà già ăn xin đem trái thị về giú cho chín, khi bà ra ngoài thì cô gái trong trái thị mới bước ra nấu cơm cho bà ăn.

Buổi chiều tôi sắp xếp các thức ăn để sẵn, nấu nồi cơm và nồi canh cho nóng sốt rồi trở vào phòng. Khi Tài về, chàng hay mở cửa phòng thờ, nơi tôi ngồi tĩnh tâm, hay đọc sách viết bài, để đưa thơ từ báo chí cho tôi. Đúng ra thì chàng chỉ cần gõ cửa hoặc đặt ngay dưới cửa như những lần trước lúc tôi nhập thất. Hai hôm nay chàng mở cửa đặt vào. Tôi không hài lòng, nhưng tôi nghĩ chàng muốn nhìn tôi thử xem tôi làm gì.

Tài hay than phiền là tôi "không biết nghe" mà chỉ "biết cãi" và tôi không bao giờ đợi chàng nói hết ý mà cứ cắt tư tưởng khiến chàng tức lên rồi quên luôn. Tôi hay cãi thật. Mỗi khi cãi tôi lại thấy gần chàng hơn. Có nhiều lúc tôi im lặng ngồi nghe, và cảm nhận là rất xa chàng, tưởng chừng như chúng tôi "chưa hề sống chung một ngày nào". Chàng thật sự không hiểu và không biết tôi gì cả, mặc dù chúng tôi làm việc thật sát cánh bên nhau từ việc đời lẫn việc đạo.

Tôi thường xuyên đến công ty để làm Đuốc Từ Bi, hoặc trả lời thư tín, tị nạn, sửa sách, gởi bài, vân vân... Tài giúp tôi rất nhiều, đánh máy cho sách, báo, gởi fax bài vở của tôi, mỗi ngày đọc thư từ xa đến. Chàng còn họp ban biên tập, lo tiếp phát hành, gởi báo. Nhiều nhất là việc Tài tiếp tay cùng Ban trị sự PGHH, vì thế chúng tôi luôn luôn sát cánh bên nhau mỗi khi có các buổi hội họp trong đạo, hay tham dự các buổi sinh hoạt cộng đồng, báo chí, xã hội... Thế mà nhiều lúc tôi có cảm tưởng như chàng chưa chung sống với tôi ngày nào. Chàng sẽ mím môi nếu nghe tôi nói điều đó. Chàng sẽ cho là tôi nói quá đáng, hoặc nhiều tưởng tượng, hay cho rằng mình "cao siêu" không ai hiểu nổi.

Nhưng sự thật như thế đấy! Cô đơn dường như là một điều kiện của tôi. Bên cạnh các người thân mà tôi rất yêu quý, phải nói là biết ơn. Kể cả mẹ thương yêu của tôi. Tôi chấp nhận không kêu ca, và an nghỉ trong vùng không gian của tôi. Đó là nơi tôi trú ẩn an toàn nhất mà không ai vi phạm được. Vùng ẩn kín an toàn này đã an dưỡng tôi trong cô đơn tuyệt đối. Tôi đã bao lần run rẩy chất ngất trong sự tịch liêu đó, để rồi sống đi chết lại nhiều phen. Cứ mỗi lần tôi chấp nhận lại sự lựa chọn của tôi nhiều hơn, sự nhập thế của tôi nhiều hơn, sự cố hiểu người mà người lại càng không hiểu mình nhiều hơn. Tôi đã thực tập, thực hành nhiều lần để sống một lượt hai đời sống cùng một thời gian và không gian, với một niềm vui tự nhiên không than phiền, đối phó, hờn giận, hay tuyệt vọng.

Đã có nhiều lúc tôi xúc động quá chỉ mong cho mình được ngủ giấc nghìn thu, nhưng rồi lại trở mình sau sự lịm chết quay về cùng hư vô, để rồi nhịp tim lại cố đập dồn dập, máu chảy mạnh toàn thân, biết mình phải sống, phải làm việc, phải tiếp tục cho xong phận sự của kiếp người mà mình đã chọn.

Sự chọn lựa để đến rồi đi khác nhau theo sự tiến tới của thời gian và không gian, con người và vạn vật. Tất cả đều giống và không giống. Giống ở kiếp con người cứ mãi chạy đua theo sự điều động của nội tâm phân tán. Không giống ở chỗ con người càng tiến hóa càng khôn ngoan hơn, quỷ quyệt hơn, nhiều quyền năng hơn. Họ càng độc ác, tinh ma, mưu mô, mất nhân tính; ta càng phải cố học để hiểu họ, thương họ, mới hòa giải và hóa giải được những độc tố sắp tàn phá hủy diệt loài người. Độc tố từ những bộ óc thực hiện ra các loại vũ khí giết người mau hơn, nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, tàn bạo hơn, để thỏa mãn hung tính của họ.

Kiếp người của ta sẽ uổng phí nếu ta không kiên nhẫn chấp nhận cô đơn, lẽ loi, để sống để thở chung không gian và thời gian trong cùng bầu khí quyển với họ. Ta phải luôn tự nhắc nhở mình từ đâu đến, đến đây làm gì, và chính thật là ai.

Nếu đã trả lời được các câu trên, thì phải tiếp tục thở, tiếp tục ăn, uống, bài tiết, giận hờn thương ghét y như họ để tiếp tục sống và thi hành bổn phận của mình, việc mà mình đã chọn lựa để đến nơi này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880