Diệt sợ hãi

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 23052)
Diệt sợ hãi

15-2-98 (19 tháng giêng năm Mậu Dần) - 2:00 giờ khuya

Muốn thi hành sứ mạng phải DIỆT SỢ HÃI.

- Sợ hãi bị trả thù

- Sợ hãi sự bất ngờ

- Sợ hãi bệnh tật, vì không bệnh tật thì không biết cái đau của thân thể người khác

- Sợ hãi sự chia lìa

- Sợ hãi sự chết

- Sợ nghèo

- Sợ đói

- Sợ nguy hiểm

- Sợ đau khổ

- Sợ hy sinh

- Không cầu an

- Không sợ cực khổ.

Muốn thi hành sứ mạng:

- Đừng ham danh

- Đừng tránh việc phải làm

- Đừng phóng tâm

- Đừng ước mơ sự vinh quang

- Đừng ước mơ giàu sang, sung sướng.

Muốn thi hành sứ mạng:

- Phải có tánh không

- Phải có sự quyết tâm diệt trừ sợ hãi, diệt trừ lòng tham, không hề muốn gì.

Muốn thi hành sứ mạng:

- Phải biết hy sinh

- Phải chịu cực

- Phải biết nhún nhường

- Phải bình đẳng với mọi người

- Phải kiên nhẫn.

Muốn thi hành sứ mạng:

- Phải biết làm những việc tầm thường một cách vui vẻ

- Không ỷ lại vào thiêng liêng

- Không ỷ lại vào sứ mạng

- Không ỷ lại vào kiến thức, sự hiểu biết

- Phải tập hiểu người khác

- Phải tập đặt mình vào vị trí người khác để hiểu họ

- Phải biết hối cải, cải sửa, lắng nghe, hồi tâm

- Phải thanh lọc mỗi giờ khắc

- Phải là người mới mỗi giờ khắc

- Phải nhất định không trở về trạng thái người giây phút đã qua. Nhất định tiến tới và không trở đi trở lại. Phải nhất quyết như thế.

Ta phải là người mới luôn luôn như hơi thở của mình. Cái mới để nuôi trí tuệ để không bị trì trệ vì những căn bệnh xưa cũ. Phải đốt cháy luôn luôn những bản tánh làm chướng ngại con đường đi đến trí tuệ sáng suốt minh mẫn.

Trí tuệ phải sáng rực phải nóng, không những cả ngàn độ mà phải như ngọn lửa thiêng hàng triệu độ, và quyết không để ngọn lửa yếu đi hay tắt ngúm.

Lửa phải bừng cháy để ta được thăng hoa cho dù có sống giữa chợ đời đầy đen tối, ta cũng vẫn không bị bóng tối phủ vây che mờ căn trí. Ta phải luôn đốt sáng ánh đuốc soi đường cho chính mình. Ngọn lửa đỏ cháy rực là kim chỉ nam dẫn đường ta đi trong sự giác ngộ mỗi giờ phút. Ta không bao giờ ngã quỵ trước bao khó khăn. Càng khó khăn càng cản bước tiến, ta càng vượt nhanh hơn, mạnh hơn. Bước đi ta sẽ như vũ bão dữ tợn như cọp, như rồng. Cọp của năm Mậu Dần và Rồng của Cửu Long giang. Con Rồng có chín đầu đã đến lúc chuyển mình vươn lên cho trời long đất lỡ, cho chim bay thú chạy, để xua đuổi bao kẻ bạo tàn đã đày ải dân tộc ta hàng ngàn năm nay, phải đến hồi chấm dứt họa diệt vong.

Ta nguyện không vì lý do gì mà ngừng bước tiến. Gan của ta là đồng, ý chí ta là sắt thép, không gì đập tan được. Ta phải mạnh mẽ vươn lên để cứu nguy đất nước, cứu nguy vạn sanh linh đã chịu quá nhiều đau khổ. Bao xác người đẫm máu, bao oan hồn kêu than trong ngục tù, trong rừng sâu. Tất cả oai linh của hồn thiêng sông núi phải vươn dậy cất cao ngọn cờ chánh nghĩa, ngọn cờ đạo. Hãy phất cao lên, cao lên, mạnh lên để tiến tới như vũ bão.

Đã đến giờ, đã đến lúc chúng ta cùng nhau tay trong tay cất bước LÊN ĐƯỜNG.

Hỡi Hồn Thiêng Sông Núi cùng vùng dậy với ta, để cho mảnh đất thiêng hình chữ S chuyển mình.

Ánh sáng đã chiếu rực lên rồi, hãy mạnh bạo lên chuyển động như cuồng phong vũ bão, ngàn ngàn người, triệu triệu người như một, đừng sợ hãi vì đã đến giờ khởi hành. Chúng ta phải cùng nhau vươn lên cho chánh nghĩa dân tộc 5000 năm Văn Hiến.

Hỡi Con Rồng Cháu Tiên hãy vùng dậy. Vùng dậy cho anh hùng, cho năm châu phải nghiêng mình khuất phục trước sự anh dũng của người Việt Nam Con Rồng Cháu Tiên.

Như thế ta mới làm rạng danh tổ tiên dân tộc ta. Người Việt Nam Anh Dũng.

Nam Mô Nam Hải Phổ Đà Sơn Quan Thế Âm Bồ Tát

Nam Mô A Di Đà Phật

17-2-98

Sáng nay tôi đi tập thể dục ở Gold’s Gym, hy vọng khi chăm chú tập thể dục thì sẽ bớt nhức đầu nhờ ngưng suy nghĩ và đầu óc được nghỉ ngơi. Nhưng lúc tập thể dục thì tôi lại nghĩ đến những đứa cháu ở Việt Nam. Tôi sẽ viết thư để tìm hiểu về tuổi trẻ Việt Nam qua chúng. Tuổi trẻ Việt Nam cần được mở mắt biết việc ở trong nước và thế giới bên ngoài, cần sự giáo dục để rút ngắn thời gian học hỏi. Tôi sẽ chấm dứt loạt bài đang viết để qua một loạt bài khác cho đề tài mới, trực tiếp với giới trẻ hơn.

Cuộc "LÊN ĐƯỜNG" của tôi vẫn tiếp tục, nhưng sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, và tôi nghĩ là phải tích cực hơn nữa, nhiều chuẩn bị hơn nữa. Tôi sẽ đặt tên cho loạt bài mới này là "TRỞ VỀ". Trở về cùng Quê Hương Dân Tộc, cụ thể nhất là nơi Thánh Địa Hòa Hảo. Trở về cùng Nguồn Đạo Uyên Nguyên của Chư Phật. Chưa chi tôi đã nghĩ mình sẽ hạnh phúc hơn nữa trên cuộc hành trình này. Những hoa thơm cỏ lạ sẽ tha hồ nảy nở trong tư tưởng của tôi. Và tôi trao tặng hết cho "Tuổi Trẻ Việt Nam."

Tôi lại lo sắp đặt. Tôi kê giấy viết trên cái máy điện toán nhỏ lap top. Bên cạnh là bốn dĩa điện toán có mang số. Dưới đất bên cạnh bàn thờ là bốn xấp bài tôi đã in ra, và xếp thứ tự theo số dĩa. Sát vách tủ sách là các loại sách báo khắp nơi gởi đến chờ đợi tôi ghi vào mục sách báo nhận được để giới thiệu cho độc giả Đuốc Từ Bi.

Lúc nãy, tôi nhờ mẹ một việc, là thứ năm này trong buổi tiếp tân Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận và Hội đồng Hợp tác Tôn giáo ở hội quán PGHH, mẹ sẽ lên tiếng nhờ yểm trợ Đuốc Từ Bi dùm, vì danh sách đồng đạo yểm trợ kỳ này ngắn hơn số trước. Có lẽ số trước nhờ sau Đại Lễ 18 tháng năm.

Hôm nay, cậu Sáu Trân bên Arĩona đã đến. Tối nay cậu Lý Bá Phẩm sẽ đến phi trường John Wayne. Ngày mai cậu Phương và cậu Lâm Ngọc Thạch đến phi trường Los Angeles.

Tuần này tôi không nhập thất được vì có nhiều khách quý, các đồng đạo cao niên từ xa đến, nhất là đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận lần đầu tiên viếng thăm hội quán PGHH. Một tin rất phấn khởi là từ nay Hội đồng Hợp tác Tôn giáo tại Hoa kỳ quyết định chọn Hội quán PGHH Nam Cali làm trụ sở của Hội. Tôi phải đến chụp hình và viết bài. Tôi dời ngày nhập thất vào tuần tới. Nhưng với thời khóa biểu hiện tại, không biết có nhập thất được không?

Cuối tuần rồi, cả tòa soạn Đuốc Từ Bi họp nhau tại nhà tôi để làm báo, vì có hai máy điện toán và máy in. Giáo sư Long, anh Giàu, anh Tài, Sang, và tôi. Chúng tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 7:30 giờ tối cũng chưa xong.

20-2-98

Hôm qua, 19-2-1998, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình đến từ Vatican, đã viếng thăm trụ sở Hội quán PGHH Nam Cali. Một buổi lễ tiếp rước long trọng và nồng hậu đã dành cho Ngài, với sự hiện diện của Hội đồng Hợp tác Tôn giáo Việt Nam tại Hoa kỳ, Hội đồng Niên lão và Ban Trị sự PGHH Nam Cali, đại diện Cao Đài, Công giáo, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, và đại diện các đoàn thể, cùng hầu hết phóng viên của các cơ quan truyền thanh, truyền hình cùng báo chí Việt ngữ tại địa phương.

Cuộc viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục nhằm siết chặt tình tương thân tương ái, cũng như gia tăng sự cảm thông giữa các tôn giáo. Sau lễ niệm hương trước ngôi Tam Bảo, Ngài đã thay mặt các đại diện tôn giáo dâng lên lời cầu nguyện xin Ân Trên phù hộ cho các đại diện tôn giáo cùng nhau hiệp lực đoàn kết trong tình đạo đức để xây dựng lại tổ quốc và đem hạnh phúc cho đồng bào và dân tộc Việt Nam.

Sau phần giới thiệu các thành phần tham dự, niên trưởng PGHH Lý Bá Phẩm đọc lời chào mừng. Ông là một trong số các tù nhân cải tạo hiện diện trong buổi lễ đã từng ở tù chung với Đức Tổng Giám Mục trong trại Vĩnh Quang xã Đạo Trù huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt. Hiện nay, Ngài vẫn còn mang cây Thánh Giá bằng cây được làm trong tù.

Tiếp nối lời phát biểu của Thượng tọa Thích Minh Dung, Trưởng ban Điều hành của Hội đồng Hợp tác Tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của niềm tin tôn giáo qua các mẫu chuyện của thầy Mạnh Tử, cũng như các vị Thánh Hiền ngày xưa. Ngài cũng nhắc đến kỷ niệm với những bạn tù, và cho rằng lúc đó không có gì khác biệt về tôn giáo, mà chỉ có tình thương giữa con người.

Niên trưởng PGHH Lâm Ngọc Thạch biếu quà lưu niệm cho Đức Tổng Giám Mục với quyển Sám Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ấn bản 1965 của Ban Phổ Thông Giáo Lý TƯGHPGHH tại Thánh Địa Hòa Hảo. Rồi tôi, Nguyễn Huỳnh Mai, trân trọng biếu Ngài quyển Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, tác phẩm của thân phụ, cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam. Buổi lễ kết thúc bằng một tiệc trà thân mật.

Đây là lần đầu tiên giới báo chí truyền thông có mặt thật đầy đủ tại Hội quán PGHH. Ký giả Nghi Thụy, đài truyền hình quốc tế ICN; ông Đinh Xuân Thái, giám đốc đài Little Saigon TV; ông Vạn Võ, giám đốc đài phát thanh Sống Trên Đất Mỹ; ông Du Miên, chủ tịch Hiệp Hội Ký Giả; bà Aline Đỗ, đại diện đài phát thanh VOV và báo Con Cò; ông Đặng Nguyên Phả và ông Nguyễn Đức Can, đại diện báo Saigon Post; ông Minh Ngôn, chủ nhiệm chủ bút báo Khỏe Đẹp; ông Phạm Minh, đại diện Đông Phương; nhiếp ảnh gia Trương Tuấn, nhật báo Việt Báo Kinh Tế; và ký giả Anh Thành, nhật báo Người Việt.

Chiều hôm qua, các đài phát thanh và truyền hình đã phát lại đầy đủ buổi tiếp xúc trang trọng và ý nghĩa trên. Các nhật báo và tuần báo Việt ngữ miền Nam California đăng tải hình ảnh cùng bài tường thuật với nhiều cảm tình đặc biệt.

22-2-98

Sáng nay, mẹ kể cho tôi nghe câu chuyện về ngày sanh của tôi. Mẹ kể, lúc mới sanh tôi xong, thì "thằng đại đội Danh”, cộng sản, đã tìm tới để bắt mẹ con tôi. Mẹ phải ôm tôi chạy ẩn trốn trong bồ chứa lúa gần đó. Có lẽ cuộc “lên đường” của tôi vốn dĩ gắn liền với gian nan ngay từ khi mới chào đời.

Mẹ kể, bà cố săn sóc mẹ lúc sanh tôi. Bà bắt mẹ phải xông thuốc. Bà cố quấn quanh mẹ bằng cái chiếu, phía trên bịt kín mít lại để giữ hơi. Mẹ đứng giữa với nồi thuốc mở nấp cho hơi thuốc bay ra mù mịt, vừa nóng vừa ngộp. Mẹ đỏ như con tôm luộc.

Chưa hết, bà còn bắt mẹ phải nằm trên giường vạc tre lót chiếu. Phía dưới có đặt một chảo than đỏ, mẹ lăn đến đâu thì thau than đỏ được đẩy đến đó, cứ như là được quay. Nhưng chắc là nhờ vậy mà mẹ mới giữ được sức khỏe qua bao nhiêu lần sanh nở.

Mẹ còn kể, bà cố cho mẹ uống nước nấu với cây bông trang cho máu huyết lưu thông. Bà bắt mẹ nằm trong mùng ăn cơm, không cho ra ngoài vì sợ gió máy. Ăn xong thì uống nước bông trang, làm sữa cứ căng quá, vì uống đến cả tô nước.

Tôi nhớ, lúc tôi sanh Thịnh ở Việt Nam, Tài đang dạy Võ bị Đà lạt, tuần nào cũng "dù" về Sàigòn thăm con, mặc đường xa nguy hiểm, vì Việt cộng đắp mô và bắn sẻ dài dài.

Còn tôi thì nằm lửa nóng quá không chịu nổi. Lúc đó, tôi cứ xem mẹ như bác sĩ, hễ Thịnh ho, nóng, hay có điều gì là lạ thì hốt hoảng tìm mẹ hỏi ngay. Má chồng tôi cũng đến thăm và hơ lửa cho Thịnh. Bà đưa bàn tay lên than đỏ đặt trong một nồi đất nhỏ. Khi tay nóng lên thì bà áp vào mỏ ác của Thịnh để tránh sổ mũi, rồi trên hai cánh mũi cho khỏi ho, và khỏi phình ra sau này.

Nếu đúng ngày thì Thịnh sanh vào 9-12-1973, năm nay Thịnh 25 tuổi. Tôi chỉ ước vọng có một điều được thành công trong cuộc đời, đó là dạy đạo được cho con mình. Dạy đạo bằng cách tự do cho con ý thức và lựa chọn, chứ không bằng sự ép uổng. Truyền đạo bằng sự trì chí làm việc với ý chí mạnh mẽ và qua chính hành động của mình.

Đêm qua vào lúc 2:00 giờ khuya. Sau khi cúng lạy và làm việc, tôi vào phòng bắt đầu dỗ giấc ngủ, mặc dù đầu óc thật tỉnh táo.

Dưới nhà vang lên tiếng động do cửa nhà xe mở lên. Tôi nghe tiếng chân của Thịnh lên lầu. Thịnh mở cửa phòng, thấy tôi, cúi xuống ôm mẹ hôn. Xong Thịnh ngồi bên cạnh giường tôi hỏi:

"Mẹ à, sao mẹ ngủ ít hơn con?"

Tôi đáp, “Mẹ mới vừa viết xong”.

Thịnh nói, "Mẹ chỉ cho con bài nguyện bằng tiếng Việt và bài tiếng Mỹ cho con xem một lượt nhe".

Tôi ngồi dậy, vào phòng thờ lấy quyển Biography and Teachings of Prophet Huynh Phu So" và đưa cho Thịnh, cùng quyển sách nhỏ Sự Cúng Lạy của Người Cư Sĩ tại gia do chú Thành thợ mộc in.

Thịnh và tôi cùng đọc, một câu tiếng Việt và một câu dịch lại bằng tiếng Anh. Tôi chỉ cho Thịnh đoạn nói về Tứ Ân: ân ông bà cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo và ân đồng bào nhân loại.

Trước khi trở lại giường, tôi chụp bài Cửu Long giang vùng dậy tặng cho Thịnh, cùng bản Anh ngữ do anh Nguyễn Ngọc Bích dịch.

Thịnh nói với tôi:

"Tối hôm trước, con đọc bài của mẹ rồi".

"Con hiểu không?"

"Dạ hiểu!"

"Có khó không?"

"Không, mẹ!"

Tôi nhìn Thịnh cao lớn quay lưng trở về phòng, với tình thương rào rạt, nghĩ đến giới trẻ Việt Nam. Tôi bắt chợt mình đang khe khẽ đọc đoạn cuối bài thơ "Cửu Long giang vùng dậy" mà tôi đã viết vào tháng 3-1994, đăng trong Hồn Thiêng Dân Tộc.

"Nay Mẹ Việt Nam,

Cửu Long Giang vùng dậy!

Tỏa hào quang khắp cả mười phương

Thức tỉnh lương tâm nhân loại.

Vẹt tan đám mây u ám vô thần

Che khắp cõi trời Nam

Để vừng hồng ló dạng

Ánh bình minh chói lòa xuống Cửu Long Giang.

Để trời yên

Đất lặng

Gió im

Chim hót.

Tiếng hát ca vang khắp cánh đồng

Cho hạt lúa chín vàng

Cho cây nặng trĩu trái

Cho trẻ thơ nô đùa reo hò

Cho Hòa Bình nở rộ khắp nơi nơi.

*

Đó là một nước Việt Nam Tương Lai!

Nổi Tiếng Khắp Hoàn Cầu."

(Tạm ngưng)



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880