3-12-96
Hôm từ Singapore về California, tôi có chở mẹ đến thăm hai vợ chồng bác Sáu Nguyên vừa trở qua sau một thời gian về định ở luôn tại quê nhà. Bác trai mắc bệnh ghẻ lỡ triền miên từ hôm về nước, không chịu nổi nên phải trở sang Mỹ chữa bệnh. Bác đen, ốm, và già đi nhiều.
Bác Sáu kể chuyện về đồng đạo PGHH trong nước cho tôi nghe. Bác nói Ty Thông tin Văn hóa tại huyện Thốt Nốt tỉnh An giang và tại thị xã Châu Đốc đã in hình Đức Thầy bán kiếm tiền. Họ làm ra hai loại chân dung, một loại ép plastic giá $20.000 đồng VN và loại khuôn cây lộng kiếng giá $40.000 đồng. Hình thì đủ kiểu.
Bác Nguyên càng kể càng say mê về đám tang của đồng đạo Nguyễn Văn Tuyển tự Hai Tuyển hay Mù Tuyển. Ông Tuyển tuy mù nhưng làu thông kinh giảng. Trước kia ông thường hay đi cùng ông Tho khắp nơi thuyết giảng giáo lý.
Đám tang ông Tuyển ở Cần Thơ có đến bảy trăm người đưa tiễn, đám làm tuần của ông có cả ngàn người đến tham dự. Mọi người tự động đến theo từng nhóm, có người đứng sẵn ở đầu ngõ chỉ đường vào căn nhà lá của ông. Tuy đông người nhưng chỉ đến cầu nguyện, không quấy phá, không làm mất trật tự, nên chính quyền không bắt ai được.
Cậu Sáu nói, gần nhà ông Tuyển có một Độc giảng đường thời trước, các đồng đạo đặt các tượng Phật ở tầng dưới, còn tầng trên họ thờ phượng theo nghi thức PGHH Các tín đồ vặn băng kinh giảng thì các cán bộ "ngầm theo đạo” ghé xe gắn máy lại năn nỉ:
"Các ông làm ơn vặn nhỏ nhỏ, tôi nghe thì được, nhưng người khác nghe không được”.
Miền Tây hiện nay có một số nơi chính quyền rất nể sợ tín đồ PGHH vì uy tín đạo đức và công việc phước thiện của họ. Cậu Sáu thông báo dinh đại thần Nguyễn Trung Trực đã xây cất hoàn tất tại Rạch Giá. Nay tín đồ đang xây cất thêm một dinh khác ở Phú Quốc. Hôm lễ đại thần Nguyễn Trung Trực có hàng vạn người đi ghe tàu đến dự đông không kể hết. Có nhiều người hy sinh xăng dầu và tàu chuyên chở miễn phí cho người dự lễ. Chùa ông Đạo Lập, chùa Bài Bài ở núi Sập, chùa ông Phật Trùm ở núi Nam Di đều được tu sửa và rất đông người viếng.
Cậu Nguyên còn kể chuyện Bé Tâm mới năm tuổi vậy mà biết làm thơ lưu loát trong khi chưa biết chữ. Cậu còn mang thi thơ của đồng đạo đưa cho tôi xem. Cậu nói bên Việt Nam người ta tu dữ lắm, người ngộ đạo làm thi thơ cao siêu. Bên nước ngoài theo không kịp đâu.
11-12-96 - 8:35 giờ sáng
Nếu chúng ta không thức giác để tự nhắc nhở mình luôn luôn, thì chúng ta dễ dàng trở đi trở lại quá trình tu học, quá trình đi tìm ánh sáng, quá trình tìm lại chính mình. Ta sẽ quên mình là ai. Là sự thức tỉnh toàn diện, sự ngộ giác, sự bình an, sự hạnh phúc vĩnh cửu. Hay đúng hơn là Phật Tánh của mình.
Nếu không thức tỉnh ta cứ mãi chạy theo ảo giác, lý luận phải trái của con người, rồi hòa nhập tâm hồn thể xác mình vào những định kiến và thành kiến đi ngược lại lẽ phải, công bằng, Chân Lý.
Chân Lý không có phải hay quấy mà là Sự Thật. Muốn nhận chân đâu là Chân Lý, Sự Thật, ta phải luôn ở thể định tâm, không để những hình ảnh, âm thanh, ý kiến của tha nhân lẫn của chính ta che mờ tri giác. Hay không để lục giác ảnh hưởng tri giác, làm mờ ố tri giác. Lúc đó chúng ta mới thật sự ở thể TUỆ GIÁC SÁNG NGỜI.
Nếu không đủ khả năng để tự nhắc nhở mình, ta vẫn có thể nhờ những thiện tri thức, những bậc chân tu đi trước ta làm việc đó.
Swami Chinmayananda trong bài phân tích về tâm trí của con người, có cho biết theo kinh Vedanta (kinh Vệ Đà của Ấn giáo) thì con người ở ba trạng thái. Trạng thái trong sáng Sattva; trạng thái sân hận Rajas; và trạng thái giải đãi Tamas. Ở trạng thái trong sáng, con người luôn luôn được bình thản, nhẹ nhàng và quân bình. Người ở trạng thái sân hận thường hay bị sự xúc cảm, khó chịu, nóng tính, ham muốn luôn luôn, không ngơi nghỉ mà lại muốn làm hết việc nọ đến việc kia. Người sống trong trạng thái giải đãi biếng nhác chẳng muốn làm gì cả, không quan tâm lẫn chú ý đến điều gì, luôn thay đổi ý định nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ dễ thương trong tình cảm và tỏ ra cung cách cao thượng trong mọi hành động.
Theo kinh sách của Bhagavad Gità thì:
"Sự ưa thích trạng thái trong sáng khiến cho ta ôm chặt lấy hạnh phúc và sự hiểu biết. Một cái còng bằng vàng cũng tương đương với cái còng bằng sắt. Nhiều lúc vì say mê với sự yên tĩnh, thanh cao, hạnh phúc, chúng ta lại hy sinh bất cứ điều gì để giữ nó. Khi ôm chặt lấy những sinh hoạt thanh cao, chẳng khác nào những người khác đang bị vậy chặt bởi sự ham muốn vật chất. Điều đó đã khiến cho nhiều người không tiến hóa đến trình độ giải thoát toàn diện".
15-12-96
Tôi giận tôi những lúc thấy mình vô dụng đau ốm liên miên. Tôi trách những cơn đau đầu buốt óc khiến cho cơ thể như bị rũ liệt. Tôi thấy mình bất lực không làm xong được việc gì. Tôi chỉ muốn chết.
Nay nhìn kỹ lại, tôi mới thấy những giai đoạn đó thật là cần thiết. Nếu không ốm đau bệnh hoạn thì tôi sẽ không là tôi. Vì đó là những thời gian ngừng lại tự kiểm thảo, suy nghiệm, thanh lọc từ hành vi, ngôn ngữ, đến ý tưởng; xem việc gì nên hoặc không nên làm và chiều hướng sẽ đi về đâu. Đó là những lúc nhìn thấy tương lai rõ nhất và mọi việc làm nhất nhất xuất phát từ tình thương, từ trái tim, không bị sự phải trái lý luận của người đời kềm chế, ảnh hưởng.
Nhiều lúc đang đau ốm, tôi ngồi bật dậy tìm cây bút, vì thấy việc mình phải làm ngay chứ không được chần chờ. Hôm qua, Tài thấy tôi đau, sau khi rửa xong hồ nước sau nhà, anh lên phòng thăm tôi. Anh rờ trán tôi rồi nói:
"Ủa, sao nấu nước sôi dằn cổ than đau đầu quá rồi bây giờ ngồi viết?”
Tôi bảo:
"Nhức thì nhức mà viết thì viết."
Tài cười xòa chứ không hờn giận như lúc trước.
Bà nội Thịnh hay nói:
“Cứ gục đầu viết hoài, đọc sách hoài, mà biểu sao không nhức đầu, lên độ mắt kiếng?”
Người già như bà hay thức đêm, mỗi khi nhìn lên phòng thờ thấy đèn sáng, bà lẩm bẩm:
"Thức khuya quá mà không kêu đau sao được.”
Tôi càng đau nhu cầu học hỏi, tiến hóa càng mạnh, việc làm càng thúc bách. Tôi đang viết nửa chừng lá thư kêu gọi giới truyền thông hỗ trợ cho người tị nạn Việt Nam tại Hongkong đang bị cưỡng bách một cách dồn dập để dẹp các trại trước ngày Hongkong bị giao trả cho Hoa lục vào tháng 7-1997. Đồng thời làm phóng sự bằng hình để gởi lên Internet cho các báo.
Đêm nay tôi tiếp tục viết cho xong lá thư để ngày mai gởi đi cho kịp.
Thư Kêu Gọi Giúp Thuyền Nhân
Ngày 1 tháng 1, 1997
Kính gởi quý vị Đại Diện Truyền Thông của Người Việt tại Hải Ngoại:
Trước hết chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị đã phổ biến những bản tin về thuyền nhân của chúng tôi trong thời gian qua. Một lần nữa mong quý vị gióng lên tiếng chuông về nghịch cảnh của người Việt tị nạn tại Hồng Kông.
Sau chuyến viếng thăm các trại cấm và nhà tù Victoria ở Hồng Kông vào những ngày từ 10-11 đến 20-11-1996, chúng tôi rất xúc động trước sự đau khổ của thuyền nhân tại đây và biết rằng hầu như họ đang bị bỏ quên và một số rất ít người còn đứng ra giúp đỡ họ hiện rất cô đơn và kiệt quệ về tài chánh.
Kính thưa quý vị, chúng tôi có tiếp xúc với bà Pam Baker cùng các luật sư thiện nguyện người Úc và Canada tại văn phòng tổ chức Luật Sư Giúp Người Tị Nạn (Lawyers for Refugees) tại Kowloon, Hồng Kông. Tổ chức này đã thành công tại Tối Cao Pháp Viện Anh Quốc trong việc đòi chính quyền Hồng Kông trả tự do cho 550 thuyền nhân. Nay họ đang tiếp tục tranh đấu cho những người còn lại trong 4000 thuyền nhân bị giam trái phép từ 6, 7 năm nay.
Vào ngày 1-7-1997 tới đây, tòa sẽ xét xử một số trường hợp đại diện cho 1300 thuyền nhân. Nếu thành công các thuyền nhân này sẽ có hy vọng ra ngoài tìm việc làm cho đến khi nào được định cư hoặc trở về Việt Nam. Trong số họ có nhiều đồng bào đã bị đàn áp nặng nề bởi chính quyền cộng sản. Chẳng hạn có 110 người Việt gốc Hoa thuộc nhóm Hà Tuyên. Khi còn ở Việt Nam cả giòng họ của họ đã bị nhốt trong trại tập trung giữa rừng núi Hà Tuyên hàng chục năm. Hoặc có một số thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Hoa Kỳ đã trốn tránh không khai báo sau 75. Nay tông tích của họ bị lộ và sẽ bị nguy hiểm nếu phải hồi hương.
Luật sư Pam Baker đã tự túc bằng chính tiền hưu bổng của mình để phục vụ thuyền nhân trong suốt bao năm qua, kể cả đài thọ cho các luật sư thiện nguyện từ các quốc gia khác đến. Nay ngân quỹ của tổ chức Lawyers for Refugees đã cạn hoàn toàn. Họ cần và xứng đáng được cộng đồng hà hơi tiếp sức để có thể tranh đấu và bảo vệ cho đồng bào của chúng ta đến giờ phút cuối cùng.
Kính thưa quý vị,
Người duy nhất hiện nay được vào thăm viếng, an ủi và cho quà thuyền nhân trong các trại là Linh Mục Trần Công Vang, Dòng Chúa Cứu Thế. Hàng ngày, Linh Mục đã một thân một mình rong ruổi hết trại này đến trại kia và nhà tù Victoria để thăm viếng an ủi, mang manh áo lạnh, đồ chơi cũ xin được của trẻ em Hồng Kông, hoặc quần áo xin từ cơ quan Caritas cho thuyền nhân.
Chúng tôi được biết có hàng ngàn thuyền nhân nghèo không thân nhân tại hải ngoại đang sống trong thiếu thốn, lạnh lẽo, nhất là về mùa đông tại Hồng Kông, và họ phải chịu giá rét, lũ lụt khi về Việt Nam. Hàng ngày họ phải sống trong lo sợ hoang mang không biết khi nào đến phiên mình bị bắt nhốt vào nhà tù Victoria lạnh lẽo, hôi hám, chật chội, đói khát.
Kính thưa quý vị,
Trong mùa Giáng Sinh và Tết 1997, trong cuộc sống an lành hạnh phúc nơi xứ người, mong rằng chúng ta, những người mang nhiệm vụ truyền thông, cùng cất tiếng kêu gọi quý vị lãnh đạo tinh thần thuộc các tôn giáo, quý vị đại diện cộng đồng, đoàn thể, hội đoàn của người Việt tị nạn tại Hải ngoại, tiếp tay Linh Mục Trần Công Vang và nhóm Lawyers for Refugees do Luật Sư Pam Baker hướng dẫn, ngỏ hầu giúp đỡ, xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của 7000 đồng bào tại Hồng Kông, và giải cứu cho những trường hợp sẽ bị nguy hiểm nếu phải hồi hương.
Tuy rằng tranh đấu cho đồng bào trong lúc này là lội ngược dòng, nhưng chính vì sắp chết đuối nên đồng bào mới cần sự giúp đỡ của chúng ta hơn bất cứ lúc nào. Chúng ta chỉ còn 6 tháng để giúp cho 7000 đồng bào tị nạn cuối cùng và đóng lại trang sử tị nạn Việt Nam trong tinh thần đùm bọc, xứng đáng với truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc Việt Nam.
Kính xin quý vị hết lòng hỗ trợ. Mọi sự giúp đỡ xin gởi về hai địa chỉ sau đây:
Atty Pam Baker, 2103 Prosper Commercial Bldg., 9 Yin Chong Street,
Mong Kok, Kowloon, Hongkong.
Email: pambaker @ glink.net.hk
Tel: 2781-2998 / Fax: 2780-7433
LM Trần Công Vang (Redemptorist Community)
La Salle Primary Scholl, 3F, 1D, La Salle Road, Kowloon, Hong Kong.
Email: tcvnam @ aol.com
Tel: 852-2-337-4663 / Fax: 852-2-337-5552
Chúng tôi xin chân thành cám ơn và kính chúc quý vị được nhiều may mắn trong năm 1997.
NGUYỄN HUỲNH MAI
7-1-97
Hôm nay các luật sư nhóm bà Pam Baker ra tòa về vụ thuyền nhân ở Hongkong. Thảo nào cả đêm qua tôi ngủ không được. Tôi cứ nằm nghe gió rít ngoài trời. Tôi thắp nhang cầu nguyện ơn trên hướng dẫn cho tôi đi đúng đường và chỉ dẫn cho tôi biết những gì tôi phải làm.
Sáng nay tôi viết bản tin về Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ và chụp lá thư kêu gọi giúp thuyền nhân gởi cho các báo. Tôi ghi địa chỉ và ghi địa chỉ. Bao thư cứ nhiều dần nhiều dần...
Miền Nam Cali: Người Việt, Việt Báo Kinh Tế, Thời Luận, Viễn Đông Kinh Tế, Saigon Time, Thời Báo, Hồn Việt, Phụ Nữ Việt, Người Dân, Hiệp Nhất, Người Việt San Diego, Vietnam Times...
Florida: Florida Việt Báo. San Jose: Xây Dựng, Mõ, Thời Báo. Washington D.C.: Diễn Đàn Tự Do, Phố Nhỏ. Texas: Đẹp, Bút Việt, Thế Giới Mới, Vietnam Weekly News. Nhật: Hiệp Hội. Úc: Việt Luận, Dân Việt...
Tôi sẽ tiếp tục...