20-10-95
Tôi vừa trải qua một trận đau nằm liệt giường không ăn uống được, người mất hết sức lực, đầu đau buốt. Sáng nay tôi thắp nhang cầu nguyện Phật Tổ Phật Thầy, cùng chư vị thiêng liêng cảm ứng chứng minh phò hộ cho tôi vượt được những xúc cảm thường tình, những khó khăn yếu đuối, để có được một cơ thể và tinh thần vững mạnh hầu đóng góp tích cực cho Đời cho Đạo, cho Đất Nước Việt Nam, và cho Hòa Bình Thế Giới.
Thật may mắn là chuyến đi vào trại Sikiew, Thái lan nay dời lại đến 4,5 tây tháng 11, thay vì 30 tháng 10-1995 như tính trước. Nhờ vậy tôi có đủ thời gian để phục hồi sức khỏe.
Tôi đã từng dạy mình một bài học sau chuyến đi Thái lan vào tháng 8-1991, ghi lại trong bài Định mệnh và Ta. Chuyến đi trước, tôi đã đau khi qua đến Thái lan, và phải vào nhà thương Paolo. Bác sĩ buộc phải trở về Hoa kỳ ngay. Tôi vẫn cố gắng gọi về Hoa kỳ mua thuốc gấp để uống, rồi đi vào trại Phanat Nikhom hướng nam gần biên giới Cao miên. Sau đó, khi đi Sikiew hướng bắc Thái lan, tôi phải nằm dài trên xe. Chuyến đi phải bỏ dở, thay vì đến Hongkong để tìm cách vào trại White Head hay các trại khác, rồi mới sang Nhật bản. Lần đó tôi phải về Hoa kỳ sớm, nhưng còn chút may mắn cuối cùng khi máy bay ngưng tại Nhật, tôi được Đỗ Thông Minh đón, và đưa vào thăm trại tị nạn.
Bài học đó khiến tôi phải ghi nhớ. Nhưng giờ đây đang học lại. Hôm 9-10-95, tôi đột nhiên ngã bệnh, đầu đau buốt, cả người run rẩy, khi đang ngồi sửa sách. Tôi nằm bất tỉnh luôn đến suốt ba giờ đồng hồ. Tối hôm đó, Tài xem truyền hình và cho tôi biết hôm đó động đất 7.6 và các ngày kế tiếp tôi đau liên miên vì các trận hậu động đất. Các nơi khác thì Florida bị ngập lụt, Nhật phun núi lửa, Lào, Thái lan, Việt Nam lụt, riêng Việt Nam lụt cả ba miền.
Làm sao để tôi không bị quá nhạy cảm vì ảnh hưởng của Thiên Nhiên. Khi bớt đau, tôi đọc một xấp thơ tị nạn gởi từ Thái lan, lòng tôi như bị lửa đốt, và nhất quyết phải đi Sikiew. Thế là quyển sách thứ nhì một lần nữa bị tạm gác một bên để tác giả đi theo tiếng gọi của con tim.
Tôi phải chép lại một đoạn trong bài Định mệnh và Ta mà tôi đã viết 4 năm trước để học lại:
“Thiếu kiểm soát các cơ năng ta sẽ chịu thua hoặc gục ngã trước những khó khăn do chính bản thể bệnh tật gây ra. Ta không vì ý chí chịu thua lùi bước, mà chính vì sức khỏe bệnh tật lôi đến sự yếu kém não bộ khiến ta không có khả năng thực hiện những gì ta muốn làm hay nhất định làm. Mọi sắp xếp lịch trình đều bị thay đổi bỏ dở.
“Mọi việc sẽ đi đến thành công và hoàn tất theo dự trù, dù việc ĐẠO hay việc ĐỜI nếu ta theo dõi chặt chẽ mọi biến chuyển của tâm linh và thể chất. Cơ thể có khỏe mạnh, tâm linh mới sáng suốt vượt mọi thời gian và không gian, biết được hiệu quả của mọi việc sẽ làm dù khó. Ta sẽ không là chiếc đò hay khách qua sông, mà ta là lái đò theo mọi biến chuyển của dòng nước, của cơn gió, của mọi biến chuyển thay đổi của thời gian và không gian. Ta biết ngừng khi giông bão đến và ta biết đi khi trời lặng gió yên.
“Ta luân lưu trên dòng sông và ta là con sông.
“Ta trôi nổi giữa dòng đời và ta là cuộc đời.
“Ta là Định Mệnh. Định Mệnh với ta là một.”
Tối hôm qua, tôi nói chuyện điện thoại với Nguyên Phương, Câu lạc bộ Thanh niên Bách Việt. Em cho rằng tôi còn bị xúc động bởi sự đau khổ trong trại tị nạn nên ảnh hưởng đến sức khỏe, và đề nghị tôi quán chiếu Tánh Không, mọi việc đều là giả tạm, thì mới tránh được xúc động, và mới có sức khỏe để làm việc. Tôi đọc cho em nghe bài Ngôn ngữ là một nhà tù khổng lồ. Phương bảo cô đã dạy cô rồi mà cô quên. Bài đó có một đoạn tôi tự hỏi và trả lời:
“H: Làm sao để hoàn thành sứ mạng đồng thời phải làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội trần gian?
“Đ: Phải vô tâm, vô ngã. Sống trong Ba la mật toàn diện, cô đơn và hy sinh. Đi theo mọi biến chuyển của tâm linh bất vụ lợi. Sự biến chuyển của tâm linh đều do nhu cầu làm việc cho chương trình chung. Mọi việc đều sẽ được hóa giải tốt đẹp, không gặp khó khăn, trở ngại, hay nguy hiểm.”
Một đoạn khác:
“Mọi biến chuyển của trạng thái tâm linh đều phải được nhận biết một cách khéo léo và nhanh chóng. Khi đến cũng như lúc đi đều nên xem đó là một sự kiện, không có sự tiếc rẻ hay lo âu mà chấp nhận nó với lòng trống không. Từ đây mọi việc đến càng ngày càng nhiều. Không lo âu hay gấp rút, lo lắng, việc đến đâu thì làm đến đó, hoàn toàn bỏ sự tính toán của trí đời, do đó càng ngày sắc diện mới thay đổi tươi tỉnh, thanh khí luôn luân chuyển điều hòa. Mỗi khi tiếp nhận thanh khí của các tầng giới cao hơn, xác thân phải chịu sự biến chuyển để khai thông huyết mạch ngũ tạng cho bộ máy tinh vi hơn, mới càng ngày càng trực tiếp tiếp nhận mọi biến chuyển của cơ trời.”
“Vai trò người tu theo khuynh hướng tại gia rất khó cho những kẻ hoàn toàn hướng tâm giải thoát. Vì thế sự trợ lực sẽ vô cùng để hỗ trợ người thực hành sứ mạng để có thể làm những việc mà người này không muốn và những việc khó làm.” (Đọc Hồn Thiêng Dân Tộc, bài 104).
1-11-95
Trên Japan Airline từ Los Angeles, California đến phi trường Kansai tại Osaka, Nhật bản.
Màn ảnh của máy bay cho biết 2:22 giờ chiều tại Cali, bên Nhật là 7:22 giờ sáng. Cô tiếp viên hàng không Nhật thông báo có động đất ở đảo Kikai và Okinawa, Nhật bản, trên 6 độ Richter; nước biển dâng và dân chúng ở bờ biển phải di chuyển, tàu bè phải cột lại kỹ lưỡng.
Tôi đi một mình, nên biết thân phải xách hai va li nhỏ có bánh xe. Tôi vứt bớt quần áo ra để có chỗ cho sách vở, tài liệu PGHH, Anh ngữ Việt ngữ, băng Kinh Gia Bảo, Cổ Truyền, Tận Thế và Hội Long Hoa, Đức Phật Thầy Tây An, và tự điển cho đồng đạo. Chỉ mong được mang vào trại cho đồng bào nghe cho bớt buồn rầu quẩn trí trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Đang lơ lững trên trời cao trong các chuyến bay khác có hai người nữa. Người thứ nhất là thầy Thích Minh Mẫn đi máy bay của Thai Airway, qua Seoul Nam Hàn, rồi sẽ đến Bangkok, đến trước tôi 5 phút theo lịch trình. Một người khác đi ngược về phía chúng tôi từ Việt Nam sang là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ đối kháng nổi tiếng, "Tiếng vọng từ đáy vực", nhiều bài được Phạm Duy và Trường Hải phổ nhạc. Ông đã đến San Jose lúc 10:00 giờ sáng và tối đến Washington D.C.
Tôi nhớ ngày trước đọc thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi cứ cố hình dung về ông, về sự hiện hữu của ông, hư hư thực thực. Nghe tiếng chẳng thấy người, thật quả như “tiếng vọng”.
9:15 giờ tối California
Còn vài giờ nữa máy bay đến phi trường Kansai. Tôi từ giã Aki Suzuki, một cô du khách Nhật, sang ngồi hàng ghế giữa cho rộng rãi, vì tôi muốn viết lại một vài chuyện mà tôi đọc thấy trong tờ báo Nhật The Kikkei Weekly, số ngày 30-10-95. Bài báo có tựa là Really Unuseless Ideas do Dennis Normile viết về một nhà thiết kế tên Kenji Kawakami đã chế tạo những món đồ không cần thiết - được gọi là “chindogu”. Ông này dự định sẽ ra sách cùng với Dan Papia, quyển "101 Unuseless Ideas from Japan" (101 Ý kiến Vô dụng từ Nhật bản).
Những món đồ mà ông ta làm ra phải thật sự là không cần thiết và không bán được (nếu bán được thì không bị xem là chindogu) hoặc phải làm cho người khác bật cười khi nghe hay thấy chúng. Bài báo có kèm nhiều hình ảnh về các món chindogu. Chẳng hạn như một đồ vật có nhiều ống túp và đồ bơm hơi bằng trái chanh để làm khô móng tay sau khi sơn. Hoặc là chiếc nón có đặt cuộn giấy đi cầu bên trên dùng để... hỉ mũi. Hoặc đồ tựa cằm bằng nhựa có chân sắt dùng cho hành khách đi xe lửa. Hoặc một dĩa cắt bánh có thước đo cho các miếng bánh đều nhau. Một bức ảnh to chụp một cái nón có gắn chung quanh đến bảy cái máy chụp hình được nối vào một máy bấm, để người chụp một lượt bảy tấm ảnh chung quanh mình. Lại có thứ ghế gắn vào bàn tọa để khi nào muốn đi thì đi muốn ngồi thì ngồi. Có cả ghế để ngồi trên đùi của người có chỗ ngồi trên xe buýt...
Hội Japan Chindogu có đến... 2500 hội viên. Kawakami suýt thất bại một lần khi làm cặp kiếng mát có hai ống nhỏ trên đó để nhỏ thuốc vào mắt, vì có “fan” hay bị đau mắt muốn mua mà không được vì không có cái thứ hai.
Nơi trang nhất của tờ báo có hình bản đồ đảo Okinawa và 80.000 người Nhật biểu tình hôm 21-10-95 yêu cầu quân đội Mỹ giảm quân trú đóng. Việc xảy ra sau khi ba người lính Mỹ đã hãm hiếp một cô bé Nhật mới có 12 tuổi.
Dưới đó là ảnh Đỗ Mười mặc áo đen cổ cao, mặt dài, môi dầy, tay đang quơ, với hàng chữ phỏng vấn đặc biệt và câu “Vietnamese Communist Party Chief Do Muoi” nói rằng quân đội Trung quốc gia tăng không là mối đe dọa, và không thấy cần thiết có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Ông nói không cho quân đội Mỹ dùng hải cảng Cam Ranh, và ông đang sẵn sàng gặp... Tổng thống Bill Clinton bất cứ giờ phút nào.
Đỗ Mười yêu cầu Nhật mở thị trường gạo cho Việt Nam - trong khi ba miền đều đang bị đói vì ngập lụt. Sau khi yêu cầu các nước đầu tư nhiều hơn, ông lại nói cùng ông Takuhiko Tsuruta, chủ nhiệm báo Nikon Kesai rằng, ông từ chối sự đòi hỏi của Hoa kỳ và các nước khác về tự do dân chủ. Ông cho rằng cách duy nhất để nước Việt Nam được độc lập và phát triển kinh tế tốt đẹp là vẫn giữ chính quyền “độc đảng”.
12:07 giờ sáng CA - 5:07 giờ tối JN
Máy bay đang trên không phận Nhật bản. Cô tiếp viên cho hay có thể thấy núi Phú Sĩ từ cửa sổ. Mọi người đều đổ ra xem, trong đó có tôi và mấy bà già Nhật. Thế là đã qua cuộc hành trình gần 12 tiếng đồng hồ.
Trong đầu tôi cứ nghĩ là đi Thái lan nên cất hết sách dạy chữ Nhật vào vali, chỉ mang theo quyển Thai, Phrase Book & Dictionary. Không ngờ lại được dịp thực tập tiếng Nhật ngay từ lúc ở phi trường Los Angeles, cùng mấy cô Nhật đi du lịch.
Các cô Nhật đi du lịch bốn hôm, xem Disneyland và Universal Studio, Hollywood, tốn 10.000 yen, tức 1.000 mỹ kim. Aki bảo ở Los Angeles giá cả thấp, còn ở Nhật cao lắm. Một cô khác ở San Francisco đưa mẹ về thăm bà con. Cô nói 15 năm trước 100 mỹ kim là 2.500 yen, bây giờ chỉ còn có 1.000 yen, nên hồi đó ở Nhật một ly cà phê chỉ có 2, 3 mỹ kim, bây giờ chắc đến 7 mỹ kim.
Vậy chớ đi đến đâu tôi cũng thấy du khách Nhật được tiếp đãi ân cần, vì họ hay mua sắm. Có lần báo Mỹ đăng tin du khách Nhật đến South Coast Plẵa ở Nam California mua hết hàng trứ danh và các loại mỹ phẩm đắt tiền, kể cả kem thoa mặt Shiseido do họ chế tạo, vì giá rẻ hơn mua tại Nhật.
Trước kia, du khách Mỹ được o bế, bây giờ đã nhường vị thế đó cho người Nhật. Người Mỹ du lịch hiện ít mua sắm ở các nước khác, vì trong nước thứ gì cũng có, chỉ cần biết chỗ mua còn rẻ hơn các nơi sản xuất, chưa kể đến hàng nội địa. Người Mỹ chọn tiện lợi, nên các nhà sản xuất chế tạo hàng vải giặt giũ không nhăn không hư, không như đồ Âu châu phần nhiều phải hấp tiệm. Mua sắm ở Âu châu cũng phải thận trọng vì không được trả. Còn ở Mỹ thì khách hàng được chiều đãi, được trả hay đổi dễ dàng, nên số người mua cũng gia tăng hơn.
11:20 giờ tối TL - 8:20 giờ sáng CA ngày 2-11-95
Trên máy bay Japan Airline từ Kansai, Osaka, đi Bangkok, Thái lan.
Lên máy bay mới, tôi may mắn ngồi cạnh một anh Thái lan khoảng 25 tuổi. Anh qua Nhật một tuần để huấn luyện thêm cách sửa kèn, vì anh là nhân viên của hãng Siam Music Yamaha. Anh Mongkol Pirom Krut nói chuyện với tôi bằng tiếng Nhật. Khi nào hai bên không hiểu rõ thì viết ra trên giấy. Anh và tôi đều kém chữ Kanji (viết theo chữ Nho) nên viết bằng chữ Hiragana hoặc Katakana. Chữ Katakana dùng để viết đệm chữ ngoại ngữ, thí dụ như coffee, orange juice, hoặc tên tôi, tên anh.
Mỗi khi đi xa tôi bớt mặc cảm nói tiếng Anh dở, vì Aki hay anh Mongkol đều nói tiếng Anh kém. Anh bảo thì giờ rảnh rỗi anh dạy thêm thổi kèn mỗi giờ 300 baht (12 mỹ kim). Anh tốt nghiệp đại học về âm nhạc và có học bốn năm Nhật ngữ.
Tôi lấy quyển sách nhỏ ra nhờ anh dạy giọng cho đúng mấy câu tiếng Thái như: xin lỗi là kortôet; chào sáng hay chiều là sawadee; cám ơn là korp kun; vâng là châi; không là mái.
Qua anh, tôi mới biết chữ menam ráp hai chữ, me là mẹ, nam là nước, và menam trở thành sông (mẹ của nước). Menam Mekong là sông Mekong hay sông Cửu Long.
Còn tên của tôi có nhiều nghĩa tùy theo cách viết, cách đọc, hay đặt vào cuối câu lại thành câu hỏi. Tammai có nghĩa là tại sao. Mài là mới. Mái có nghĩa là không hay khét, cháy. Lại có nghĩa là gỗ hay tơ lụa.
Xứ Thái gọi là pratted Thái; xứ Việt Nam gọi là pratted Vietnam. Thái lan không tính năm 1995, mà tính theo Phật lịch, vì thế năm nay là năm 2538, và bắt đầu tính như thế sau chiến tranh kể từ năm 2325, tức được 213 năm.
Có nhiều cô Thái đi cùng máy bay rất xinh. Khi máy bay cất cánh xong, các cô rút chân lên ghế ngồi chuyện trò hoặc nằm ngủ rất tự nhiên thoải mái. Khác với các cô tiếp viên người Nhật trên đường bay từ Mỹ qua Nhật mặc giản dị váy đầm xanh dương áo trắng sọc xanh nhạt, các cô đường bay Nhật qua Thái mặc màu sặc sỡ và may cắt ráp kiểu rất lộng lẫy vui mắt. Áo màu tím và xanh dương đậm pha màu xanh lá cây phối hợp với váy nhiều màu có bông vàng óng ánh nổi bật. Cô nào cũng gầy, tóc chải cao cột gọn và bao lại gắn nơ đen.
Hãng máy bay Japan Airline cho phép hút thuốc nên khói bay cay cả mắt. Máy bay này nhỏ hơn chuyến trước nên dù ngồi khu cấm hút thuốc vẫn bị ảnh hưởng rất nặng. Anh Mongkol lấy đồ bịt mũi miệng ra mang vào. Nghe tôi hỏi ở đâu anh có, anh bảo ở Nhật luôn luôn phải có để tránh thuốc lá.
Trên trang nhất tờ Asahi Evening News đăng hai tấm ảnh thật lớn. Một chụp các nhà lãnh đạo khối Balkans đến thảo luận hòa bình tại Dayton, Hoa kỳ, là thủ tướng Bosnia, Alija Ĩetbegovio; tổng thống Croatia, Franjo Tudjman; và tổng thống Serbia, Slobodan Milosevic. Bên dưới là hình của các em bé tại thủ đô Sarajevo của Bosnia đang đặt hoa và đồ chơi lên những ngôi mộ tí hon của các em bé khác chết trong trận chiến tranh kéo dài giữa các xứ nhỏ trên.
3-11-95
Thật là một phép lạ. Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ ở Chùa Hoàng gia Cẩm thạch (Wat Benchamabophitr). Đồ vật chỉ có một bàn vuông nhỏ. Bên ngoài tiếng quét lá của các chú sải trong chùa vang lại đều đều. Tiếng chim hót đâu đây. Ngoài phòng khách vọng vào tiếng nói chuyện của quý thầy bằng tiếng Thái lan.
Tối qua tôi ngủ vào lúc 4:30 giờ, lúc đó tiếng gà bắt đầu gáy sáng. Khi tôi thức lúc 6:00 giờ, các vị sư trẻ đã chuẩn bị bình bát lần lượt rời chùa đi khất thực. Có lẽ vì tôi mặc quần áo màu lam kiểu vạt mẻ, các sư không cảm thấy sự cách biệt cho lắm.
Bà Cúc Jotivudh, phu nhân của chuẩn tướng ban tham mưu của Tổng tư lệnh Quân lực Hoàng gia Thái lan, có vẻ ái ngại khi nhìn căn phòng trống trải khi mới đưa chúng tôi về chùa, nhưng tôi lại vô cùng sung sướng vì đêm tối trước khi đi, tôi đã nguyện xin được sống như một người tu trong hành trình 21 ngày này.
Quý thầy trong chùa phát cho tôi một tấm trải để nằm, một cái gối và vài cái khăn mới. Tất cả đều màu vàng nghệ của các sư sải phái Nguyên thủy. Các thầy đều ở trên lầu, nhờ thế mà quý thầy trong phái đoàn, Vũ Quốc Phong và tôi đều có phòng ở tầng dưới để tạm trú. Quốc Phong là một thanh niên trẻ tuổi, lần đầu tiên đến thăm Sikiew, đại diện cho Liên đoàn Thanh niên Sinh viên Học sinh tại miền Nam California.
Ngôi chùa Hoàng gia rất khang trang đẹp đẽ, với những mái ngói cong cong màu vàng thật lộng lẫy, những tượng Phật sơn son thếp vàng. Chùa nằm trong một khu vườn rộng thoáng mát. Bên trong chùa rất ngăn nắp sạch sẽ. Nhà bếp chén dĩa muỗng nĩa tách vân vân... đều được úp khô ráo. Cạnh bàn ăn cơm gần phòng tôi có một chiếc bàn dài kê sát tường để quý thầy úp bình bát.
Sau cơn mưa vào lúc gần sáng, trời quang đảng, vạn vật quanh chùa tươi mát, cây lá xanh mướt, không khí yên tĩnh lạ thường.
Ở một nơi cách xa ngôi nhà mình thường trú ngụ đến vạn dặm, thế mà sao tôi cảm thấy quen thuộc, thoải mái vô cùng.
Thứ bảy 4-11-95 - 1:30 giờ sáng
Nếu quý thầy biết tôi còn đang lục đục thức trong phòng hý hoáy viết, thế nào tôi cũng bị rầy. Tôi được dặn dò phải đi ngủ sớm để sáng 4:00 giờ dậy đi trại Sikiew.
Tôi phải kiểm soát lại từng bao thư. Một cái cho đồng bào ở trại cấm A tại Sikiew; một cho đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo cũng tại trại cấm; và một cho đồng đạo tại Hội quán PGHH bên trại B do Ban Trị sự miền Nam Cali và một số đồng đạo đóng góp.
Hôm qua tôi nhìn danh sách của thầy Thiện Dũng và thầy Minh Mẫn trao mà phát giật mình vì quá dài. Thầy Thiện Dũng đã đi nhiều lần nên quen thuộc và tỉ mỉ. Danh sách ghi chép rõ ràng, một chồng bao thơ ghi tên rõ ràng. Tôi nghe nói tiền đô la đổi trong trại sẽ mất nhiều nên lột hết bao thư ra để đổi tiền Thái.
Tiền Mỹ đổi thành tiền Thái quá nhiều, nên tôi phải xin một bao thư lớn để đựng. Đếm tiền một hồi tôi hoa cả mắt chóng mặt quay mòng mòng, vì tôi không quen đếm nhiều tiền, và cũng không quen tính tiền. Tôi hơi hối hận vì đã đổi tiền nhỏ đâm ra túi nhỏ đựng tiền đeo vào trong người không còn vừa nữa, đành phải bỏ vào túi xách đeo lên vai.
Tôi đã có linh cảm rất mạnh về một chuyến đi, nên mấy tháng trước khi viếng Lafayette, khu bán hàng nổi tiếng ở Paris, tôi đã chọn một cái xách tay bụi đời bằng vải dù, có hai túi hai bên để đựng được nhiều đồ và nhẹ nhàng. Một bên tôi trữ thuốc uống phòng ngừa cảm cúm, đau bụng, có cả dầu bạch hoa; và cuốn sổ địa chỉ điện thoại cần thiết nhất là của chùa để phòng nhỡ có... lạc đường. Túi bên kia đựng phim, thầy dặn cứ chụp hình để lưu niệm và làm tài liệu về đồng bào tị nạn ở giai đoạn cuối. Kỳ trước thầy cũng chụp được cả trăm tấm, ngay cả trong trại cấm. Nhờ vậy Huy và Phong cùng các sinh viên trưng bày, và rửa xe quyên góp được 700 mỹ kim cho đồng bào tị nạn.
Tôi vừa sắp xếp xong mọi đồ vật để chuẩn bị lên đường. Một va li để lại, một đem theo. Thầy bảo sáng đi chiều về, nhưng tôi phòng ngừa cả trường hợp ở lại. Góc bên kia phòng là một túi xách đựng hai bịch ny lông bó lại. Mỗi bịch gồm một số sách về PGHH; có cả một phong bì đựng ba chân dung của đức Huỳnh Giáo chủ; ngoài ra là băng giảng và băng nhạc Bên em luôn có ta do các nghệ sĩ hải ngoại hát cho các em tị nạn không thân nhân, và cuốn băng Thy Lan đọc các bài trích trong Cô bé làng Hòa Hảo trên đài phát thanh Dallas của anh Thái Hóa Lộc. Bên cạnh đó là máy chụp ảnh, hai chai nước lạnh. Bộ đồ “trận” của tôi là đồ jeans, nón kết, đã từng trang bị khi đi Sikiew vào năm 1991. Áo jacket bị rách tôi phải vá lại bằng bông hoa vải nhỏ. Tôi rất thương bộ đồ kỷ niệm này, và lần này cũng mặc đi Sikiew lấy “hên”. Chỉ mong cho việc trôi chảy.
Không như kỳ đi Tiệp khắc tôi ăn chay cho thân tâm nhẹ nhàng, lần này tôi phải rán ăn nhiều để có sức khỏe mà đi bộ lặn lội đường xa. Hôm qua tôi dùng thức ăn của chùa Hoàng gia do quý thầy khất thực mang về. Tôi và Phong ăn sau khi quý thầy đã thọ thực. Thức ăn bá tánh cúng dường cho quý thầy tại Thái lan rất trang trọng và phong phú, chứng tỏ họ rất tôn kính tập tục tôn giáo này. Đủ cả các món khác nhau, từ cơm, canh, cà ri, chè xôi, bánh trái, mặn lạt đều để vào từng bao ny lông cột lại cẩn thận. Tôi bảo với Phong, mình ăn của cúng dường rồi thì phải làm việc thiện cho nhiều nhé!