Hoàn tất "Hồn Thiêng Dân Tộc"

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31041)
Hoàn tất  "Hồn Thiêng Dân Tộc"

7-4-97 - Saddleback College

Bất cứ công việc nào muốn hoàn tất, muốn thành tựu, thì người làm việc đều phải có một chương trình tổng quát, và chương trình đó phải được đặt vào trong một quy luật, và quy luật đó phải được tuân hành. Nếu không thì không việc nào thành công cả.

Thường xuyên từ trước đến nay, tôi thích làm nhiều việc trong một lúc. Nếu chỉ làm một việc thì tôi thấy trống không, ít ỏi quá, không đủ để sử dụng hết khả năng của mình.

Nhưng nay tôi phải quyết định lựa chọn. Từ hôm đau yếu suy nhược sau khi làm xong báo và mang đi in, cho đến nay, tôi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu sức. Mỗi khi thấy việc gì nhiều, tự nhiên tôi đâm ra bủn rủn, muốn trốn chạy buông bỏ, chẳng muốn làm gì hết.

Nếu nói vì Đuốc Từ Bi thì không đúng, nhưng vì tôi rán sức trong nhiều việc trước đó. Nghĩa là, Đuốc Từ Bi chỉ là một việc rán cuối cùng, đúng vào lúc thần kinh tôi đầy căng thẳng và cơ thể bắt đầu suy nhược, có lẽ vì tôi bắt đầu... già nua mà chưa hay.

Tôi bắt đầu bớt công việc để tập trung lại, xếp hạng việc nào cần nhất, và tập nói "không" với người chung quanh khi không đủ sức, không đúng việc, hoặc không đúng lúc. Có lúc Thịnh ngạc nhiên, sao lúc này tôi từ chối làm việc nọ việc kia cho Thịnh. Tuy nhiên hôm nay tôi phải lên Saddleback để ghi danh lớp hè cho Cường, vì Cường đang ở tận San Diego. Cũng nhờ vậy, tôi có dịp lập một quyết định: “Tạm ngưng viết tập Lên Đường cho đến khi nào tôi in xong quyển Hồn Thiêng Dân Tộc và lay-out xong quyển Anh ngữ."

Tôi phải quyết định ngưng viết để hoàn tất quyển sách, và tránh cho mình mắc phải cái "bệnh viết". Khi mắc phải "bệnh viết" thì việc gì cũng viết, việc gì cũng cảm thấy hay, thấy có vẻ quan trọng. Rồi lúc nào đó, đâm ra lý luận, giải thích lung tung, thương người nọ, ghét người kia, thấy cái ở đây hay, cái ở đó dở, bênh vực kẻ này, bình phẩm kẻ khác. Cho đến một lúc nào đó, tập nhật ký “Lên Đường" bắt đầu chứa rác rưởi, và sẽ đến lúc cái “Thùng Rác" lên đường chứ không còn là "Nguyễn Huỳnh Mai" lên đường quyết thi hành hay phục vụ cho lý tưởng sống Đạo trong Đời của mình.

Có phải vậy không?

12-6-97

Đã nửa năm 97 rồi ư? Thời gian qua mau thật đó. Hay là tôi quá bận rộn nên quên mất cả thời gian?

Trời hôm nay hơi âm u, lành lạnh. Chả bù với cái nóng mùa hè tôi phải chịu đựng suốt cả tháng làm sách tại nhà anh Lê Giang Trần. Anh Trần ở trong một căn nhà nhỏ, có lẽ là một nhà xe sửa lại. Nhỏ bé gọn gàng, đặc biệt là có cây um tùm chung quanh, và con đường đất nhỏ đưa vào mọc đầy rau cỏ cứ như... miệt vườn, rất thích thú. Nhưng vào hè thì nóng lắm. Đây là lần thứ nhì anh làm sách giúp tôi. Anh làm việc thật tận tâm, kỹ lưỡng, rất thiện chí và đầy kiên nhẫn. Có lúc anh Trần thức cả đêm để sửa sách, scan hình, hay các tài liệu về thuyền nhân hoặc tù nhân ở Z30 Xuân Lộc, Đồng Nai.

Có nhiều hôm nóng quá, tôi cảm thấy lã cả người, ngộp thở. Tôi đi ra vườn mía sau hè. Có hôm chú Trí nhà hàng xóm giăng võng. Tôi được nằm võng giữa vườn thật thích thú. Đồ đạc của chú Trí, đồng đạo của tôi, cũng chứa trong một căn nhà đâu lưng với căn của anh Trần. Chú Trí trồng một vườn mía. Chú có một khu trồng rau má để các con chú bán tiệm cà phê Cá Sấu của gia đình chú.

Mỗi lần gặp tôi, chú đều chặt cho tôi một cây mía ngon, tròn to, ngọt lịm. Ngày xưa là tôi có thể tước mía bằng răng tại chỗ. Nhưng giờ thì má chồng róc vỏ mía, chặt từng lóng nhỏ ướp lạnh cho tôi mang theo ăn khi đi làm sách. Hôm nào tôi cũng bưng theo máy điện toán nhỏ, tài liệu hồ sơ, bỏ vào năm sáu túi giấy, thêm cả một túi thức ăn. Đi làm sách mà từa tựa như đi “dọn nhà" vậy.

Chim kêu ríu rít trên cành cây. Mía bên vườn hàng xóm trông không hấp dẫn bằng mía của chú Trí; lưa thưa vài thân ngắn gầy cằn lóng nhỏ chừng vài phân màu nâu đỏ, nhô lên giữa đám lá um tùm cũng bắt đầu vàng vọt. Mía chú Trí trồng mập bự da mọng óng mướt, lóng dài cả hai ba tấc tay. Chắc chú chọn giống tốt và chịu khó vun phân tưới nước. Khi tôi róc mía, tôi giữ luôn cả mắt mía, mềm và bùi béo. Chú Trí không chịu nhận tiền mỗi khi tôi lấy mía, khiến tôi ái ngại quá, mặc dù rất thích mía vườn nhà chú. Tôi dặn chú ủ cho tôi mía con để mang về nhà mới trồng. Nhà ở Long Beach ngày trước, tôi cũng có trồng mía.

Ba cây chuối hàng xóm vẫn còn ốm nhom. Cây sứ cùi đã ra lá khá nhiều. Cây sứ nhỏ của tôi do bác Tư Đáng chiếc cho, cũng ra đầy lá lớn. Tôi mừng quá, vì mấy lần trước cây đều chết cả.

Trước nhà tôi, trên sân cỏ xanh, nổi bật tấm bảng màu nâu và vàng của hãng địa ốc Tarbell Realtors. Phía trên có gắn chữ SOLD. Nhà tôi đã bán mấy tuần nay, và cuối tháng này, vào 25-6-97, chúng tôi dọn sang nhà mới ở Huntington Beach.

Tất cả mọi việc đều dồn dập xoay chuyển cùng một lúc trong hai tháng qua. Sau khi tạm ngưng tập Lên Đường, tôi vừa lo dọn dẹp nhà cửa để bán, vừa lo chạy đi làm sách cho xong. Thịnh ra trường vào tuần rồi, 29-5-97. Tiệc đãi má chồng trước khi về Việt nam vào 31-5-97, rồi đến Hằng cháu chồng tôi ra trường đại học cộng đồng vào tuần rồi. Bà nội Thịnh đã về Việt Nam hôm thứ sáu 6-6-97. Thứ bảy 7-6-97, gia đình chúng tôi đi tham dự buổi thuyết giảng của đức Đạt lai Lạt ma tại đại học Long Beach. Buổi đại hội thật đông người.

Sách của tôi sẽ in xong vào ngày 20-6-97. Các đồng đạo quy tụ về Hội quán Santa Ana vào ngày 21-6-97, và ngày 22-6-97 là Đại Lễ tại South West Senior Center, Santa Ana. Ngày đó đúng vào ngày 18-5 âm lịch, ngày Đức Thầy Khai Đạo PGHH.

Tôi sẽ phát hành sách ngày đó ở các tiệm, vì đó là ngày thiêng liêng của Đạo.

10-6-97

Lần đầu tiên đức Đạt lai Lạt ma tiếp xúc cùng cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại miền Nam California vào ngày 07 tháng 6, 1997, tại The Pyramid ở Long Beach State. Ngài ưu ái ban một thời pháp đặc biệt cho bảy ngàn Phật tử đến nghênh đón Ngài.

Đức Đạt lai Lạt ma mở đầu bài phát biểu: "Với tư cách là một Phật tử, chúng ta nên hiểu rằng tất cả các ơn phước phải từ trong tâm của chúng ta mà không phải ở bên ngoài ban vào. Vì vậy, nếu chúng ta thật sự có được ơn phước và để phát triển đầy đủ Phật tánh, chúng ta cần phải tu tập và thực hành các điều Đức Phật dạy trong đời sống hàng ngày." Ngài nhấn mạnh: "Đức Phật đã dạy rằng bản thân của mỗi người là vị thầy căn bản nhất của chính mình. Và vì vậy, thật là quan trọng cho hàng Phật tử của chúng ta hiểu biết về Phật tánh của chúng ta."

Đức Đạt lai Lạt ma nhắc lại lời đức Phật dạy về Phật tánh, thứ nhất là nền tảng Thanh Tịnh mà trong Phật tánh vốn sẵn có, và thứ nữa là nền tảng Chân Không (Emptiness). Ngài dạy: "Nếu muốn phát triển được Phật tánh thì thật cần thiết chúng ta phải phát triển được lòng Từ Bi, và phát triển Trí Tuệ. Muốn thực hành được Từ Bi và Trí Tuệ, chúng ta cần phải có Đức Tin thật vững mạnh." Ngài giảng giải: "Từ Bi là một sự quan tâm đặc biệt đến người khác, tức là quan tâm đến nỗi khổ đau của người khác, và cố gắng bằng tất cả khả năng cùng thiện chí để làm giảm bớt và tiêu trừ đi nỗi khổ đau của người khác." Còn "Trí Tuệ là sự hiểu biết đích thực về sự vật, chứ không phải là sự tưởng tượng sự vật như thế nào. Khi hiểu biết đích thực về sự vật, chúng ta phát triển được Phật tánh.”

Bài nói chuyện của Ngài tuy hơi ngắn ngủi vì thời gian tổ chức eo hẹp, nhưng khiến cho nhiều người xúc động. Ngài nhấn mạnh: "Có hai vấn đề không ai có thể cản trở được, đó là DÂN CHỦ và TỰ DO." Và Ngài tin tưởng rằng không ai có thể thay đổi được điều này, và "tất cả mọi người có thể quyết định lấy số phận của chính mình."

Đặc biệt, Ngài nhận xét: "Phật giáo Việt Nam đúng với Chánh Pháp, cứ như thế mà tu hành."

Buổi lễ kết thúc một cách trang trọng bằng thời kinh "Tứ Hoằng Thệ Nguyện Chúng Sanh" do toàn thể chư Tôn Đức và Phật tử hiện diện đồng xướng:

"Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thường thệ nguyện thành."

Buổi lễ được tổ chức dưới sự yểm trợ của nhiều chùa Việt Nam, như chùa Liên Hoa của Thượng tọa Thích Chơn Thành, chùa Diệu Pháp của Thượng tọa Thích Viên Lý, và sự hợp tác và tổ chức của nhiều cư sĩ, như cô Phương Dung.

Đức Đạt lai Lạt ma ngày nay được thế giới kính quý ngưỡng mộ, vì quá trình hoằng hóa và tranh đấu cho dân chủ tự do của Ngài trong suốt 50 năm. Ngài được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989, và tiếp tục tranh đấu không ngừng cho Tây tạng đang sa vào ách thống trị của CS Trung quốc.

Ngài là vị Đạt lai Lạt ma thứ 14 của Tây tạng, tên gọi là Tenzin Gyatso. Cậu bé lên hai Lhamo Drondup làng Takster thuộc tỉnh Amdo miền đông bắc Tây tạng được xem là hóa thân của đức Đạt lai Lạt ma thứ 13, được đưa về Lhasa thọ giới tân tu năm 1935, đặt tên là Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso; ngự tại Điện Potala vĩ đại, trong thủ đô Lhasa; và du nhập vào một cuộc đời tu học nghiêm túc. Năm 1949, cộng sản Trung quốc bắt đầu xâm lược Tây tạng. Năm 1950, vị Đạt lai Lạt ma mười lăm tuổi được đưa lên làm lãnh tụ đạo và đời cho xứ Tây tạng, hai năm sớm hơn thông lệ. Bốn năm sau, ngài thọ trọn tăng giới trước linh tượng của Phật Quán Thế Âm (Avalokitesvara), người Tây tạng gọi là Chenrezig.

Năm 1959, đức Đạt lai Lạt ma phải bỏ xứ lưu vong sang Ấn độ, thiết lập thủ đô tỵ nạn Dharamsala cho người Tây tạng. Hiện nay, Dharamsala đã trở thành một thủ đô Phật giáo nổi tiếng, với hàng trăm ngàn tu sinh học trong các tự viện lớn nhất, và vẫn bảo quản được truyền thống Phật giáo Tây tạng tinh khôi suốt hơn ngàn năm.

17-6-97

Vừa rồi, sau khi gởi xong bản tin về PGHH, mặc dù đang đói, tự dưng trong lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả. Có lẽ sự sảng khoái nhẹ nhàng đó là cảm giác đền bù cho chuỗi ngày vất vả bận bịu chăng.

Tôi lại vừa viết thêm hai trang về việc dân biểu Howard Berman điều trần trước Quốc hội. Thắng đi họp sáng nay tại Quốc hội, cho biết ông Berman trong bản điều trần, nói rằng cử tri của ông yêu cầu ông can thiệp nên ông phải đề nghị bà ngoại trưởng Madeleine Albright đặt vấn đề cùng nhà cầm quyền Việt Nam về việc ông Trần Hữu Duyên, tín đồ PGHH, bị cầm tù lần thứ ba với bản án mười năm.

Tôi mừng nhất là kịp đăng thư của bà Trầm xin cho ông Trần Hữu Duyên, và bản cáo trạng Nguyễn Quang Sáng viết sách bôi nhọ Phật giáo Hòa Hảo vào sách, và nhất là quyển Hồn Thiêng Dân Tộc của tôi phát hành đúng ngày 18 tháng 5, tức chủ nhật 22-6-97, ngày Đại Lễ.

Huntington Beach - 8-7-97

Sáng nay, tôi khoác áo tràng chuẩn bị lên lạy Phật thì điện thoại reo. Giọng Cúc đầm ấm:

"Đi phố ăn bagel uống coffee không?”

Tôi không tài nào từ chối được. Tôi nói, tôi đang chuẩn bị đi cúng Phật. Cúc bảo, Cúc tới cửa thì tôi đã cúng xong.

Quả thật tôi lạy nhanh lắm, đọc bài nguyện, trong lúc đầu nghĩ đến bánh bagel tròn có chất vị beo béo, pha cà phê thơm nồng vào buổi sáng sớm...

Khi hai đứa ngồi ăn ở phố Huntington Beach kề bãi biển, tôi bảo:

"Về Việt Nam chắc Mai nhớ bánh này lắm. Mai thích bánh pretzel loại lớn làm tại chỗ ăn liền, có rắc hạnh nhân lên trên, chấm vào chút mật ong nữa..."

Ối chào, bánh đó cũng dễ mê thật. Tôi phải ăn chậm để thưởng thức mùi vị từng miếng nhỏ, vì biết ăn nhiều sẽ mập. Chiếc bánh nóng hổi với một lớp bơ vàng óng. Hạnh nhân trên mặt nướng dòn tan, béo ngậy và thơm phưng phức, thêm một chút mật ngọt dịu...

Cúc bảo, sáng này Cúc thức 4 giờ, ngồi thiền đến 5 giờ, đọc sách đến 6 giờ, rồi đi tưới cây. Tôi thì hư quá, thức 6 giờ, một lượt với anh Tài. Lúc anh đi mua cà phê về ngồi đọc báo và sửa soạn đi làm, thì tôi tập thể dục. 7 giờ anh đi, tôi đi tắm, cúng lạy, ngồi thiền, rồi viết. Xong, bắt đầu dọn dẹp, làm việc.

Tôi đã mở được 17 thùng sách vở. Các thùng đựng bài vở thư từ, hồ sơ dính líu đến Đuốc Từ Bi số 54 Kỷ niệm Đại Lễ được mở ưu tiên. Kế đến là tất cả bài vở tài liệu, thư từ cho quyển Hồn Thiêng Dân Tộc thuộc ưu tiên hai. Tôi cho tất cả vào một tủ riêng. Còn lại kinh điển sách báo Việt ngữ một kệ, Anh ngữ một kệ. Tôi chọn lại sách nào có thể đọc lại, đang hoặc sẽ đọc, xếp lên kệ. Số còn lại, hôm qua tôi đã nhờ Cường bưng xuống nhà xe. Nơi đó, sát vách, chúng tôi kê một hàng tủ sơn trắng. Tủ thì đựng dụng cụ, bình cắm hoa; tủ đựng băng video và cassette; tủ đựng sách vở tài liệu; tủ đựng đồ nhà bếp; tủ đựng đồ hộp và thức ăn khô. Sát nấc thang là tủ rượu của Tài. Quên, còn có tủ đựng đồ của Thịnh và Cường đi tắm biển, hay leo núi, có cả card baseball mà hai đứa mua để “đầu tư”.

Tôi còn nhiều việc quá, đôi khi phải quên bớt đi cho đầu được nhẹ. Vậy mà mấy hôm dọn phòng "đọc sách” của tôi, tôi lật mấy quyển tập Lên Đường, ngồi đọc miên man, thấy hay hay.

Hồi sáng, khi nghe tôi nói ham đọc những gì tôi viết trong Lên Đường, Cúc phán:

"Mèo khen mèo dài đuôi!”

9-7-97 - 9:00 giờ sáng

Ngoài sân sau nắng sớm lên dịu dàng. Chiếc bàn thông thiên trắng được kê dựa vào vách rào bằng các tảng xi măng ghép lại, ngăn sân sau nhà tôi và con hẻm của các dãy chung cư.

Ông thợ đang lợp thêm một mảnh ngói trên mái nhà. Tiếng đóng lộp cộp vọng xuống, tiếng vang của cái thang bằng nhôm chạm vào sân xi măng rộn lên khi ông kéo lê đi sau khi làm xong.

Ông thợ người Iran gõ cửa từ giã tôi. Chỉ có một mảnh ngói còn thiếu. Chúng tôi biết được cũng nhờ hai người hàng xóm phía sau nhà. Một bà cụ Mỹ ló đầu ra cửa sổ, la to lên, là nóc nhà tôi còn thiếu một miếng ngói. Hôm nọ, một anh Mỹ gầy cao đưa hai tay bắc làm ống loa, đầu ngước lên nhìn chúng tôi trên lầu, cho biết như thế. Kể ra hàng xóm khu này cũng dễ thương, không ghét người Á Đông.

Nhà tôi có nhiều cửa sổ, ánh sáng tràn ngập. Nhưng trong nhà còn trống rỗng, nhất là chưa có màn cửa sổ. Tài gọi thợ đến dán loại phim trong đặc biệt màu xám nhạt che ánh sáng; bên ngoài nhìn vào không thấy gì hay chỉ thấy lờ mờ khi có ai đứng sát cửa; bên trong nhìn ra ngoài thì thấy rõ. Tuy nhiên, về đêm, khi bật đèn lên thì bên ngoài tối hơn nhìn vào bên trong sáng rất rõ. Phía sau nhà tôi có hai dãy chung cư: một dãy ngang và một dãy xéo. Dãy ngang có tám cửa sổ lớn, có lẽ là phòng ngủ, và bảy cửa sổ nhỏ có lẽ là nhà tắm. Phía dưới dãy này là nơi đậu xe. Hai dãy xéo có mười hai cửa sổ lớn và mười cửa sổ nhỏ; chưa kể tầng nhì cũng có số cửa giống y như vậy. Thế thì đủ thấy có bao nhiêu cửa sổ nhìn vào nhà tôi. Tuy nhiên, tôi phải quên điều đó, để cảm thấy thoải mái hơn, bằng cách nghĩ rằng, người ta cũng không thích mình nhìn vào nhà của họ vậy. Nhất là phòng ngủ và nhà tắm của họ. Cũng có nhiều cửa sổ bỏ sáo xuống cả ngày, đêm đến mới vén lên lúc tắt đèn đi ngủ bên trong đen tối.

Hôm mới dọn về đây đến nay, tức từ 25-6-97 đến 9-7-97, tôi chỉ mới có đi tập thể dục ở Holiday Spa mỗi một lần. Cúc bảo tôi, người Việt đông lắm. Mấy bà vào cứ nói ồn ào tiếng Việt. Vào phòng xông hơi đem cả dầu xã, dầu khuynh diệp vào bốc mùi nồng nực. Đến đó tập, thì gặp đủ khuôn mặt quen thuộc ở Bolsa, vì đi “xì-ba" bây giờ là một phong trào.

Hôm kia, tôi theo Tài đi, thì thấy hết 80 phần trăm là mặt Á Đông. Thế là Mỹ được xem như thiểu số nơi đây rồi. Trên hai dãy máy đi bộ treadmill, chỉ có hai vị Mỹ và hai vị Mễ, còn lại toàn là da vàng tóc đen.

Các phòng tập tạ, đạp xe máy, leo núi thì ôi thôi, tràn ngập cả giới trẻ da vàng mũi tẹt. Thấy thế tôi rất mừng, vì họ biết lo đến sức khỏe, dù sao cũng hơn chỉ hút xách thụt bi da. Có điều, ngôn ngữ trao đổi với nhau, ngoài tiếng Mỹ pha tiếng Việt, còn đệm thêm nhiều tiếng Đan Mạch.

Từ hôm dọn nhà về đây, Tài cảm thấy thoải mái. Anh nói, buổi sáng anh tà tà hơn, có thể ghé McDonald mua ly cà phê và cái bánh, rồi ra xa lộ gần đó chạy đến sở với tốc độ bình thường, không còn vội vã như trước. Lúc ở nhà cũ, nếu ra xa lộ sau 7 giờ sáng là kẹt xe dài dài đến cả tiếng, dù lúc sau này đã có xây thêm đường dành riêng cho xe đi chung trên hai người. Buổi chiều, Tài cũng về sớm hơn, vì đoạn đường 34 dặm nay chỉ còn 24 dặm, và là đoạn ít kẹt xe. Anh bảo, 10 dặm trên xa lộ rất mệt, về nhà có hôm mặt phờ phạc, không ăn uống được.

Hôm nọ tôi nói với Cường, lúc trước ba mẹ ở Mission Viejo cho hai con có trường tốt, bây giờ ba mẹ hết lo việc trường, về ở gần chợ gần ngoại gần hội quán đi lại dễ dàng hơn. Cường bảo, "Ba mẹ liệng con chỗ ít Việt Nam, rồi nói sao con không có bạn Việt Nam và nói tiếng Việt dở. Ba mẹ bỏ con chỗ không có người Mỹ, hay về Việt Nam một tháng là con giỏi chớ gì".

14-7-97

Sáng hôm nay, khi đọc bản tin nơi trang nhất về sự khám phá bất ngờ về thân thế của bà ngoại trưởng Hoa kỳ gốc Do thái Madeleine Albright gần xong, tôi chợt tỉnh ngộ, và òa lên khóc.

Tôi khóc cho ai? Khóc cho bà hay khóc cho tôi? Tôi khóc cho sự bạc nhược, yếu hèn, bất lực, muốn hưởng nhàn hạ, trốn tránh trách nhiệm của tôi chăng?

Bà Albright vừa khám phá là ông bà nội của bà đã bị Đức quốc xã thảm sát, lúc họ chiếm Tiệp khắc, trong khi bà đi viếng nghĩa trang của các nạn nhân Do thái. Bà bị xúc động mạnh. Bà từng làm đại sứ Hoa kỳ tại Liên Hiệp quốc, nay giữ chức vụ ngoại trưởng Hoa kỳ. Đi đến đâu bà cũng lên tiếng đòi hỏi nhân quyền cho các tù nhân, dù trước kia bà chưa biết rõ ông bà nội của mình bị Đức quốc xã cầm tù và thảm sát vì kỳ thị chủng tộc và niềm tin.

Còn tôi, tôi đã làm gì được sau bao nhiêu năm biết rằng, đồng đạo thân thương, đồng bào ruột thịt, đã bị tai ương vô thần giết chóc, hay đày đọa thê thảm. Cả một thế hệ tuổi trẻ bị chậm tiến, ngu dân, thiếu ăn, thiếu học, thiếu dinh dưỡng. Và một điều quan trọng của riêng tôi là vị giáo chủ tôn kính nhất đã bị cộng sản âm mưu hãm hại. Vậy mà tôi vẫn hèn yếu chưa làm được việc gì.

Tôi đã viết trong Hồn Thiêng Dân Tộc về "Mục đích của Vai trò" (trang 281):

“Người mong muốn cống hiến cuộc đời cho Đạo không sung sướng hãnh diện hay đau khổ tủi nhục vì vai trò mà họ nắm giữ, mà chỉ đặt mục tiêu tối quan trọng là làm gì, giữ vai trò gì, ngỏ hầu có lợi ích chung cho nguồn đạo”.

 

18-7-97

Sáng nay sau khi cúng lạy, tôi ngồi niệm Phật rất lâu trước ngôi Tam Bảo, mặt hướng về vùng ánh sáng từ khung cửa sổ. Cả một bầu trời mở rộng xanh ngát bao la, lấp lánh sáng rực hà sa. Tôi nguyện Ơn Trên trợ lực cho tôi khi tôi phải nói chuyện trên radio hay trước đám đông.

Việt Dzũng nói sẽ phỏng vấn tôi trên đài Radio Bolsa, phát thanh lên cả San Jose. Rồi anh Phạm Long phỏng vấn trên đài Little Saigon Radio, mà đài này lại phát thanh luôn Houston, Texas. Nguyên Phương thì đã phỏng vấn cho đài Á Châu Tự Do cách đây hai hôm.

Ngồi đây với cây bút, vẫn còn mặc áo tràng nâu, nơi bàn ăn cơm kê giữa nhà bếp và phòng gia đình, chỗ tụ họp thường xuyên của cả nhà để xem truyền hình hay trò chuyện, tôi ghi lại vài suy nghiệm của mình.

Tôi nhớ đến buổi đại hội khoáng đại lần thứ I của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại, với rất đông chư tăng ni tham dự. Thầy Phạm Công Thiện phát biểu một số điều trong đề tài "Phật giáo và Văn hóa” khiến tôi rất lưu ý, có lẽ vì đúng với trạng huống hiện tại của tôi. Thầy nói:

"Điều đáng nhớ nhất là đối với người muốn nói trước đám đông quần chúng: khi mình chịu khó tu hành đàng hoàng một chút thôi thì mình sẽ không bao giờ cảm thấy rụt rè sợ hãi lúc đứng nói trước công chúng. Tất nhiên, chúng ta cũng cần hiểu điều đáng nhớ này một cách sáng suốt hơn nữa và đúng hơn nữa cho được “liễu nghĩa kinh”. Không phải ăn nói thao thao bất tuyệt và rất là hùng biện, vững vàng, dứt khoát, rành rẽ, hấp dẫn, biết pha trò đúng lúc, tự tin trọn vẹn, học thuộc bài đúng theo loại sách “học làm người" như những quyển sách có tên khêu gợi như "Nghệ thuật nói trước quần chúng", "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", vân vân... thì có nghĩa ngây thơ rằng mình đã thực hiện được điều đáng nhớ trong kinh Phật; có thể tóm tắt điều đáng nhớ ấy trong một câu ngắn gọn: “Không sợ thính chúng, vì mình đã cố gắng tu hành chút ít trong khả năng rất giới hạn của mình". Nếu tạm được như thế, thì dù có nói năng ấp úng, lưỡng lự, không trôi chảy đi nữa cũng có thể có ích lợi cho mình và cho những người khác."

Thầy nói rằng, Phật giáo là "Nhớ Phật, Nhớ Pháp và Nhớ Tăng” tức là nhớ "Không Tánh". Mà Không Tánh là không Hý Luận, và Hý luận là Văn hóa. Thầy cho biết, Arnold Toynbee cho rằng năm 1897 là thời điểm đánh dấu tất cả Đông phương và thế giới đã nằm dưới sự cai trị toàn diện của Văn hóa Tây phương. Tuy nhiên, hiện nay văn hóa Tây phương đang sụp đổ.

Trước khi chết, Arnold Toynbee đã báo động:

“Văn hóa và Văn Minh Tây phương đang đưa loài người đến vực thẳm", và ông kêu gọi đời sống tôn giáo tâm linh cao cả. Trong mấy ngàn năm văn hóa và văn minh nhân loại, trong quyển sách cuối cùng Mankind and Mother Earth thì ông thấy chỉ có 5 bậc đạo sư vĩ đại nhất (Zarathustra, Deutero-Isaiah, Pythagoras, Khổng Tử và Đức Phật), và theo Toynbee, một người suốt đời nghiên cứu mấy chục nền văn minh nhân loại, thì Đức Phật là kẻ vĩ đại nhất, cao siêu nhất, và đồng thời là kẻ sâu sắc nhất, triệt để nhất (trang 179: “The Buddha, who was the most sublime of the five... was also the most radical of them").

Thầy Thiện tóm tắt:

“1. Không thể đặt Phật giáo ngang hàng với Văn hóa;

"2. Phật giáo là suối nguồn nuôi dưỡng Văn hóa;

"3. Không thể Tây-phương-hóa Phật giáo mà ngược lại;

"4. Phải cần Phật-giáo-hóa khoa học hiện nay mà không thể ngược lại;

"5. Cộng sản Việt Nam chỉ là sản phẩm hậu thời cuối mùa của Văn hóa Tây phương”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880