Bùi Tín và công nhân Việt tại Tiệp

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 32904)
Bùi Tín và công nhân Việt tại Tiệp

8-9-95

Tôi đang ngồi trên chuyến xe lửa từ Praha sang Đức. Cường đã sang toa xe lửa nhà hàng để uống nước. Tôi gọi Cường về ngồi bên cạnh, vì hơi ngán mấy ông ngoại quốc xa lạ, bộ dáng lùm xùm, đầu tóc rối bung, mang ba lô túi xách, quần áo bụi đời. Sáng nay tôi hơi thấm mệt vì tối hôm qua dự tiếp tân, buổi cảm tạ các diễn giả và các viên chức chính quyền cùng báo chí Tiệp.

Tôi lật tập ra viết thì thấy tờ giấy ghi mấy câu hỏi dự định phỏng vấn ông Bùi Tín vẫn còn nguyên. Tôi gặp ông hôm qua, trông thấy ông có vẻ cô đơn, già nua, tóc bạc đầu hói, nên không muốn phỏng vấn làm gì.

Các câu dự định hỏi ông Bùi Tín:
1) Mỗi lần nghe đến tên Bùi Tín, thì người Việt Nam, nhất là những người phải bỏ nước ra đi, bị khơi dậy một kỷ niệm rất đau lòng. Vì ông là người đầu tiên đã tiến chiếm dinh Độc Lập. Theo ông thì làm sao mới có thể hàn gắn vết thương này?
2) Cảm giác và cảm tưởng của ông khi chiếm dinh Độc Lập năm 1975 và cảm nghĩ của ông khi hồi tưởng lại chính ông trong lúc đó?

3) Theo kinh nghiệm và nhận xét của ông thì tỷ lệ người muốn từ bỏ đảng cộng sản khoảng là bao? Họ chưa có cơ hội hay họ không đủ khả năng để tạo cơ hội?

4) Lý do ông đến dự hội nghị Praha?

5) Theo ông việc chính quyền Tiệp khắc tiếp phái đoàn người Việt Nam hải ngoại nói lên điều gì? Tạo ảnh hưởng gì trong nước?

Có lẽ tôi còn nhiều câu sẽ hỏi nữa khi phỏng vấn nhưng thôi. Phỏng vấn để làm gì? Hỏi khó hỏi dễ để làm gì? Giúp ông giải thích chăng? Có thích thú gì khi hỏi những câu khó trả lời, hay phải trả lời khác đi sự suy nghĩ vì các lý do chính trị hay vì hiện tại ông ghét CSVN vì họ không cho gia đình ông đoàn tụ.
Ông Bùi Tín cầm ảnh gia đình đưa cho từng người nếu có ai quan tâm đến ông. Nếu không ông chỉ lủi thủi một mình. Bây giờ có ai nghĩ đến ông thì hầu như họ chỉ lợi dụng ông vào một mục tiêu nào đó.

Ông nói là vào năm 1975, ông đã có ý chán Hà nội ngay, nhất là khi thấy chính quyền lùa nhốt các cựu quân nhân miền Nam vào các trại học tập cải tạo. Nhưng tại sao khi đó ông vẫn tiếp tục làm báo giúp chế độ? Tại sao ông không dùng ngòi bút và vị trí của mình khéo léo giúp đỡ cho những người còn bị mê mờ trong sự chiêu dụ của CS được tỉnh ngộ? Thay vì vậy, ông còn tiếp tục cộng tác dối gạt nhân dân cho đến khi quyết định ra đi vì một sự thất sủng nào đó. Tại sao ông không ở lại trong nước và giúp thay đổi chính sách, giúp cho Việt Nam được dân chủ hóa, như những người Tiệp khắc đến thuyết trình. Dĩ nhiên, ông có các lý do riêng khá dài dòng, nhưng khi nhìn thấy ông, tôi đã không còn ý định hỏi đến.

Ông Bùi Tín cho tôi xem thơ của con ông làm bác sĩ trong nước, viết cho ông, và chửi thủ tướng Đỗ Mười là ngu xuẩn, độc ác; và báo cho ông biết, vì ông viết sách về chính quyền Hà nội cho nên gia đình bị theo dõi. Hiện nay ban đêm họ rình rập lục soát, gia đình ông rất lo sợ. Ông khoe với tôi quyển sách bằng tiếng Anh của ông mới xuất bản, và nhờ tôi phổ biến cùng giới trẻ.

Tôi không hiểu sao báo chí hải ngoại có vẻ xem ông quan trọng quá. Lúc ông qua Cali, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ xin gặp, nhiều người muốn tiếp xúc và tổ chức các buổi gặp gỡ long trọng, rồi sau đó các tổ chức và báo chí làm rùm beng lên. Phải chăng vì lúc đó ông là người có thể xem như trí thức và giữ địa vị khá quan trọng trong đảng CS thoát ra bên ngoài, lại có ý hoặc có chiêu bài chống đối Hà nội.

Tôi thấy hiện nay ông chỉ là một kẻ lạc lõng, bơ vơ, những điều ông tưởng đều là “không tưởng.” Khi vào chiếm được miền Nam, ông mới thấy miền Nam khác với những gì ông nghĩ. Khi phục vụ lâu cho đảng CS Hà nội, ông mới thấy đảng khác với những gì ông muốn. Khi ra hải ngoại thì ông thấy cộng đồng và thế giới không đối xử với ông như ông tưởng. Các anh em ở Tiệp khắc đi du học trước kia, nay đang hoạt động cho tự do dân chủ Việt Nam, nhận định rằng, trước khi chết, ông Bùi Tín chỉ muốn làm một điều gì đó để khi nhắm mắt không hối hận.

Có nhiều điều ông không hề nói là hối hận - như việc là người đầu tiên xông vào dinh Độc Lập, hay việc căn bản hơn nữa, là một người mang danh trí thức mà không suy xét tận tường con đường mình đi. Có nhiều điều ông không thật tâm hối hận, một khi con ông vẫn còn làm bác sĩ hay ông này bà kia ở chế độ chứ không phải đã vào trại cải tạo vì có người cha ra ngoài chống báng chế độ như ông. Vì vậy, dù cho ông có viết sách lên án những sai lầm của chế độ đã không còn trọng dụng ông, hoặc sỉ vả các người ông từng cộng tác, như thế vẫn chưa đủ gọi là “Thành Tín.” Trước tiên một người thành tín phải chân thật tận đáy lòng mình, thấy lỗi mình trước, sửa sai mình trước.

Hôm thứ ba, 6-9-95, sau khi viếng Tổng thống Václav Havel về, lúc ăn trưa trong khách sạn, tôi ngồi cạnh Nguyễn Văn Bình. Anh từng đến Tiệp khắc làm công nhân, và xin tị nạn chính trị. Anh nói, dân Hà nội không biết tổng biên tập báo Nhân Dân Bùi Tín, và Bùi Tín cũng không nhìn thấy dân, không nhìn thấy bộ đội, vì ông ở trên cao quá, còn chúng tôi ở dưới thấp.

Bình đi bộ đội chín năm. Anh bảo đi bộ đội không bằng ở tù bên Tiệp khắc. Anh phải khuân vác bê tông lên đồi xây công sự để chiến đấu chống Trung quốc. Loại bê tông 80 ký thì mỗi ngày anh phải vác đến 15, 16 tấm. Những người to khỏe hơn anh một chút phải vác loại một tạ và vác 12 tấm.

Bình nói nếu ốm đau thì họ buộc phải khám bác sĩ xem có đau thật không, mà bác sĩ lại là loại “thổ phỉ”, cướp rừng. Nếu không cho hắn thuốc lào thì hắn bảo, “Mầy không có thuốc cho thì mầy ốm tao nói mầy không ốm.” Bình cười, tiếp, “Nếu không thấy thì không biết đó là sự thật.” Bình nhìn Bùi Tín ngồi ăn ở bàn gần đó, phê bình:

“Trẻ thay đổi được cách nhìn, còn già mới nhận được thì hơi muộn, đợi lúc chết mà không biết mình làm gì. Ở Việt Nam có nhiều người già mà không có nhận thức; hoặc có nhiều người an phận chỉ lo sao cho có ăn. Như Bùi Tín, theo em nghĩ, ông ta lên tiếng để sau này đất nước có thay đổi cũng đỡ hổ thẹn.”

Xe lửa ngưng lại ga Ústinad Labem, gần đến biên giới Tiệp khắc và Đức. Trời vào khoảng 2:00 giờ trưa, nắng mùa hè oi ả.
Nhà cửa hai bên đường trông cũ kỷ, loang lỗ và thiếu tiện nghi. Người dân cũng còn nét đăm chiêu buồn bã của những người sống trong chế độ độc tài nghèo khổ. Bốn năm được tự do, chưa đủ xóa đi hết các ưu tư căng thẳng tinh thần vì đã quen bị rình rập kiểm soát theo dõi, cũng như đời sống kinh tế chưa được phục hồi.

Từ lâu tôi ao ước đến Đông Âu tìm gặp các anh chị em trẻ tuổi từ bên nhà sang, hầu tâm sự, thăm hỏi. Thế nhưng mấy ngày qua thật bận rộn, chương trình sắp xếp liên tục với nhiều công ích, khiến chúng tôi không có chút thì giờ nào nói chuyện riêng tư. Nhiều lắm là bắt tay, vỗ vai, cười, chào hỏi, khen tặng. Mỗi đêm tôi đều viết bài, xong gọi các anh trong ban tổ chức vào khoảng 12:00 giờ đêm, để giao bài cho họ gởi điện thư về Hoa kỳ. Tất cả đều nghèo, chỉ có một người duy nhất có xe. Sinh sống và hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn mà tổ chức được một buổi hội thảo hoàn mỹ, sống động, hữu ích và có chất lượng. Các diễn giả đều là người có kinh nghiệm sống thực, vào tù ra khám, sống kề cận tử thần. Họ đến với mọi lãnh vực chuyên môn, từ tôn giáo, chính trị, đến truyền thông, kinh tế, vân vân... hầu chia sẻ bao kinh nghiệm quý báu có khi phải đánh đổi gần cả cuộc đời. Họ đã giúp tham dự viên được mở rộng kiến thức và quan điểm rất nhiều. Thật là hữu ích cho những ai thật sự quan tâm đến sự thay đổi và phục hồi đất nước.

Hôm nay khi chúng tôi đã ra về, ban tổ chức hướng dẫn phái đoàn còn ở lại viếng thăm bộ Ngoại giao lúc 8:00 và bộ Nội vụ lúc 12:00 giờ trưa. Cũng may tôi đã gặp được viên chức ngoại giao đặc trách về Việt Nam trong buổi tiếp tân vào tối hôm qua, và biếu ông hồ sơ tị nạn cùng quyển Cô bé làng Hòa Hảo, báo Thế Kỷ 21, Đuốc Từ Bi và quyển Lịch sử Phật giáo Hòa Hảo bằng Anh ngữ. Ông nói tiếng Việt thật rành rẽ và hứa khi nào trở lại Việt Nam, ông sẽ mang sách cho tôi.

Xe lửa đến Decin, biên giới Đức và Tiệp khắc. Cảnh sát Tiệp khắc mặc đồng phục màu xanh dương xét thông hành. Trong khi chờ đợi, tôi mua mấy tấm postcard phong cảnh Tiệp khắc, mà đến lúc gần lên xe lửa mới có giờ viết. Tôi gởi cho Nguyễn Đình Thắng một tấm, phía sau chỉ dặn Thắng gởi đến ông cố vấn của Tổng thống Havel - đặc trách ngoại giao kinh tế trực thuộc khối Á Phi và Úc châu - chi tiết cách thức giúp cho một thuyền nhân là ông Hiếu. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Bình, vợ của ông phụ tá Tổng thống Havel, và nói cùng chị là tôi hoàn toàn không quen biết ông Hiếu. Tôi chỉ tìm cách xin Tổng thống Havel can thiệp, vì thấy trường hợp nguy hiểm của ông Hiếu, thuộc tổ chức Nhân quyền tại Việt Nam, lại sắp bị cưỡng bách hồi hương. Tổ chức này được thành lập nhờ sự gợi ý của Tổng thống Havel trước kia ở Tiệp khắc. Chị Bình xúc động vô cùng khi nghe tôi kể về hoàn cảnh của người tị nạn đang bị nhốt. Chị nói bên này không hay biết gì cả. Tôi cũng dặn Thắng gởi danh sách các người bị đánh đập nhốt tù và bị cưỡng bách hồi hương cho ông phụ tá của Phó Thủ tướng là ông Václav Slavicek, thuộc đảng Công giáo Dân chủ Tự do hoạt động rất mạnh ở Tiệp khắc. Ông hứa sẽ chuyển cho các tổ chức nhân quyền tại Tiệp khắc.

Xe lửa vào ga Bad Schandau, biên giới vào nước Đức. Cảnh sát Đức mặc đồng phục nâu xét thông hành.

Sau khi qua ga Dresden Hbt, chúng tôi đến ga Dresden - Newstadt vào lúc 3:15 giờ chiều.

Tôi nhìn xuống nhà ga và thấy ngay sự khác biệt. Trong tầm nhìn của tôi, một cô gái Đức tóc vàng hoe đang ngồi ăn bánh mì thịt nguội. Hai bàn tay cô đeo bảy chiếc nhẫn vàng. Tóc cô uốn quăn phía trước và bới lên cao. Nét mặt xinh xắn trang điểm rất khéo léo. Cô mặc áo vét trắng, quần jeans đen, chân mang vớ mỏng và đi giày cao gót màu trắng. Cô ngồi hai chân chéo vào nhau, ăn thật tự nhiên, trông rất thoải mái. Một đôi trai gái choàng vai nhau đi ngang qua, tươi cười rạng rỡ. Hành khách tới lui nhộn nhịp, đa số tóc chải gọn, xịt keo, bôi mousse kỹ lưỡng. Nhà cửa hai bên đường xe lửa tuy cũng cũ kỷ nhưng nhiều tầng, có cái lợp nóc gạch ngói đỏ, tường sơn trắng mới toanh. Xen kẽ là các tòa cao ốc bằng kiếng rất tân thời. Xe cộ nơi đây cũng lớn hơn những chiếc xe con cóc nhỏ xíu bên Tiệp khắc đã làm Cường cứ phì cười, bảo là giống như xe trẻ con chạy chơi ở các khu giải trí bên Hoa kỳ.

Hôm đầu tiên đến Tiệp khắc, chúng tôi dắt Cường ra phố. Chú tài xế taxi bẻ đồng hồ, có thể theo giá ban đêm nên nhảy rất nhanh. Ông ta chạy vòng vo rất lâu vào cả các con hẽm nhỏ xíu, người đi bộ phải nép sát vào các cửa tiệm để tránh. Ông chạy ra trung tâm thành phố. Đồng hồ nhảy trên 300 đồng korun tiền Tiệp - 1 mỹ kim ăn 25 korun. Trong khi đó người ta dặn chúng tôi nên trả giá 10 mỹ kim. Ông ta biết khách ngoại quốc nên chỉ chịu chạy theo kim đồng hồ. Tài bảo các cô gái ở Tiệp khắc trông thật giản dị và tự nhiên. Tôi bảo vì họ không có tiền chưng diện. Các cô hầu hết tóc dài, gầy gò, mặc màu nhạt và mát, đa phần là màu vàng nhạt, nâu, xanh dương. Nếu có bông hoa cũng chỉ in hình mờ nhạt. Có cô mặc váy ngắn, nhưng không thấy hở hang hay mỏng manh gì, dù là ở Tiệp mới vào thu trời chưa lạnh. Ngay cả trong tiệm hoặc ngoài sạp nhỏ ở phố cũng chỉ treo các thứ áo quần đơn sơ, loại rẻ nhất ở bên Hoa kỳ. Đặc biệt về sản phẩm của Tiệp khắc bây giờ là đồ da và thủy tinh. Cửa hàng các bà các cô ưa nhìn nhất không phải là hiệu vàng kim cương đá quý, mà là tiệm chưng bày đồ nữ trang bằng mã nảo màu nâu hay vàng nhạt. Tôi thấy có một tiệm vàng và vài tiệm bán mỹ phẩm, trong đó chưng bày các loại hiệu thường nhất có bán trong các hiệu như Target bên Hoa kỳ, chứ không có loại nổi tiếng đắt tiền. Phụ nữ ở đây không đeo nữ trang, tóc tai không kiểu cọ. Nếu có chút ít nữ trang thì cũng rất đơn sơ.

Tiệp khắc là nước hậu cộng sản chỉ mới phục hồi được bốn năm, dù được xem là tiến nhanh nhất trong khối Đông Âu. Nơi này lương thấp lắm, tuy nhiên, trợ giúp xã hội khá đầy đủ; nếu đã làm nhiều năm mà bị mất việc thì sẽ lãnh tiền thất nghiệp dài dài và được trợ giúp y tế.

Như gia đình anh Hoàng Nam, vợ anh qua đoàn tụ với anh ba năm, sanh một đứa con nhỏ. Mỗi tháng chính phủ cấp cho hai mẹ con 2.200 korun, tức dưới 100 mỹ kim. Hà nội không biết anh lén xin tị nạn sau một thời gian làm công nhân trả nợ hộ cho nhà nước. Anh lo đường dây lậu cho vợ anh sang sau đó, bằng cách trả tiền cho người bạn làm giấy mời vợ anh, và bên Việt Nam chạy chọt giấy tờ mất tất cả tiền đút lót và máy bay hơn 2000 mỹ kim.

Lương ít, trợ cấp thấp, nhưng nhờ nhà cửa và nhất là thức ăn rẻ nên dân sống được. Khi đến nhà ga, tôi thấy một quán bán thức ăn loại fast food cho hành khách. Một miếng pĩza bằng bàn tay giá 15 korun, một ổ bánh mì 17 korun, một dĩa sà lách loại 2.50 hoặc 3.00 mỹ kim tại Hoa kỳ, ở đây chỉ tốn 25 korun, tức là 1 mỹ kim mà thôi.

Khi lên xe lửa, tôi còn dư được 100 korun nên mua được hai ổ bánh mì, một chai coca, một chai nước lạnh loại một lít, thế mà vẫn còn dư tiền. Có điều là, đi toilet ở nhà ga phải trả 2 korun, và họ phát cho một miếng giấy vệ sinh nhỏ hơn bàn tay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880