Âm hưởng từ những chuyến đi

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30441)
Âm hưởng từ những chuyến đi

Mission Viejo, Cali - 21-11-95, 12:00 giờ khuya

Trên bàn phấn trong phòng ngủ của tôi tràn đầy thư từ, và trước cửa phòng thờ một xấp báo cao do Tài để dành theo lời tôi dặn. Nào là Người Việt, Việt Báo Kinh Tế, Viễn Đông Kinh Tế, Thời Luận, Diễm, Saigon Time, Công Luận, Florida Việt Báo, Xây Dựng, Hồn Việt, vân vân...

Trong trí óc tôi vẫn còn in đậm hình ảnh của Tokyo. Tôi nói với ông Wake khi tôi mời ông ăn trưa ở khu Chợ Cá tại Tokyo trước khi đến phi trường Narita là, nơi này khiến tôi rất nhớ đến Sàigòn với những con đường nhỏ và các cửa tiệm, hàng quán dọc hai bên đường.
Khi tôi nói hai mươi năm qua chưa bao giờ tôi thấy người da vàng tóc đen nhiều như vậy, ông cười vang. Ông càng cười to hơn khi tôi bảo ngạc nhiên khi thấy người Nhật ăn mì không nhai, họ chỉ hút một cái rột cho mì chạy luôn vào bao tử. Ông bảo người Nhật không quan trọng tiếng động lúc ăn.

Đây là chuyến đi mà tôi thích nhất từ trước đến nay, vì được sinh hoạt gần gũi cùng người Thái lan và người Nhật bản để hòa vào đời sống của họ.

Tôi từ giã gia đình Minh và Hà sau khi Minh vừa từ California trở về Tokyo được một hôm. Minh vừa xuất bản thêm một số sách do anh biên soạn có giá trị hữu ích cho giới chuyên viên trẻ tại hải ngoại cũng như trong nước như: Từ điển Tin học Tổng hợp dạng Điện tử (Electronic General Informatics Dictionary), Từ điển Tin học Tổng hợp Việt-Anh, Thảo chương bằng Ngôn ngữ C, và Cẩm nang bằng Ngôn ngữ C, vân vân... Số sách do Đỗ Thông Minh xuất bản đã lên 14 cuốn.

Tôi bảo với Tài trên đường từ phi trường Los Angeles về nhà là sau này văn hóa sử Việt Nam sẽ ghi công của Đỗ Thông Minh. Minh nói anh đã dùng chữ Hán như là chìa khóa để mở cửa về quá khứ và tương lai văn hóa Việt Nam. Anh đã được 60 cơ quan truyền thông của Nhật bản giới thiệu, và báo của Bộ Ngoại giao phỏng vấn, in ra 14 thứ tiếng, trong đó có 20.000 số đã được phát hành tại Việt Nam qua các cơ quan của Nhật. Với sự trợ giúp của một số đoàn thể và thân hữu người Nhật, trường Nhật ngữ Đông Du do ông Nguyễn Đức Hòe làm hiệu trưởng sẽ phát hành 3.000 hay 4.000 quyển Super Little Dictionary gồm 1945 chữ Hán-Nhật-Anh có đối chiếu Việt-Hoa-Hàn để tặng cho người học tiếng Nhật tại Việt Nam.

Trung tâm Mekong của Minh và Hà đầy ắp sách báo, băng nhạc, CD, laser disk vân vân... và đủ loại sản phẩm Á Đông, có thể xem là một tụ điểm cho người Việt Nam tại Nhật. Tuy nhiên, việc làm chính của Minh là dùng toàn thời gian để nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, thực hiện sách vở. Ngoài ra Minh còn làm các bản tin từ Nhật bản gởi đi đến mấy ngàn người Việt Nam tại Nhật và hải ngoại, để thông báo nhiều tin tức và tài liệu hữu ích, từ các sản phẩm điện tử mới, cho đến các tin tức và nghiên cứu về nạn động đất, lịch sử người Việt tại Nhật bản, hay giáo phái Aum dùng chất sarin giết người...

Tôi tâm sự với Tài là có quá nhiều điều mà tôi đã học được khi viếng hai quốc gia trên. Có một số điều mà tôi cho là quan trọng hơn hết là, Phật giáo tại Thái lan và nếp sống văn minh trật tự vệ sinh tại Nhật bản.

Tại Thái lan, người dân rất tôn kính những vị tu hành, và ai cũng có cơ hội tự mình dấn thân vào con đường xuất gia. Các cậu bé tiểu học cũng được đến chùa tu vào mùa hè. Còn thanh niên Thái lan đều qua các khóa tu khi trưởng thành. Tín chúng có thể xuất gia xuống tóc vào chùa sống theo phương thức của tăng chúng. Các vị vương gia, quan chức, quân nhân... được các nhà tu dân giả xuống tóc và dạy đạo. Con cái có thể vào chùa tu một thời gian để dốc tâm cầu nguyện cho hương hồn cha mẹ ông bà tổ tiên. Nhân viên, lính tráng cũng tu để hồi hướng công đức cho các vị lãnh đạo tôn kính của mình. Một quốc gia có nhiều người dốc tâm tu tập sẽ giúp cho đời sống tinh thần hướng thượng, cách cư xử với mọi người bình đẳng và hòa hợp.

Điều mà tôi mê nhất tại Nhật bản là nếp sống cao rất trật tự và vệ sinh. Trật tự giúp cho xã hội được ổn định yên vui, vệ sinh giúp cho sức khỏe và hạnh phúc. Tôi cho rằng sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định là căn bản của một quốc gia có hạnh phúc; và từ đó người ta mới dễ dàng hướng đến tôn giáo tâm linh với sự tinh tấn hơn.

Ở Nhật bản, trên mặt báo chí, ngoài một số biến cố bất thường như giáo pháo Aum, hay sự kiện lính Mỹ hãm hiếp em bé gái Nhật, tin tức hàng ngày không có nhiều chuyện bạo động tội ác giết người như tại Mỹ. Khi tôi ở đó, truyền hình Nhật có những chương trình phóng sự đặc biệt về một vài người bẫy chim. Các phóng viên ôm máy micro chạy theo phỏng vấn chủ nhân của một chú thỏ bị ai đó bắn trúng, mũi tên còn ghim trên cái tai dài.

Hà kể cho tôi nghe một dạo đi đâu cũng nghe người ta bàn về một đàn vịt. Có một gia đình ở gần hoàng cung nuôi một con vịt mẹ đẻ một đàn vịt con. Cứ mỗi buổi sáng vịt mẹ lại dắt đàn con băng ngang qua đường lộ đến hồ nước ở hoàng cung bơi lội tắm táp. Thế là cả đoàn phóng viên chạy theo đàn vịt mỗi ngày để quay phim. Và dân Nhật thích thú trìu mến theo dõi các con vịt mỗi ngày. Những tin tức hiền hòa như thế đó làm chủ đề cho các chương trình truyền thông phát trên toàn quốc.

Truyền hình Hoa kỳ hôm nay đang tường thuật vụ một cô người mẫu bị mất tích. Dạo này tại Hoa kỳ số người bị bạo sát hàng loạt, hay bị bắn chết bừa bãi rất nhiều. Nhiều vụ do các em học sinh nhỏ tuổi xách súng vào trường bắn chết bạn học hoặc thầy cô, có em giết chết luôn cả cha mẹ. Chuyện cướp bóc giết người hầu như hàng ngày đều có nói đến trên truyền hình, đôi khi dính dấp đến cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Chi và Hà bảo tôi ở Nhật thật an toàn, có đi đâu ban đêm ở các nhà ga cũng không có gì phải sợ hãi lo lắng. Chuyện cướp bóc hay giựt bóp móc túi cũng không thấy xảy ra như ở bên Paris hay nhiều xứ giàu khác. Hôm nọ Hà bỏ quên bóp trên chiếc xe đạp ngay ngoài cửa chợ thế mà vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ Hà quên bóp đựng giấy tờ ở chợ Tàu, khi trở lại tìm, người Nhật nào đó đã cẩn thận treo bóp lên trên cây.

Tại Nhật, người ta không nhận tiền tip hay pourboire. Nếu khách để lại cho, người hầu bàn sẽ gọi lại để trả. Có khi họ mắc cở, coi như đó là một sỉ nhục.

Người Việt Nam ở Nhật bản khó tiếp tục học cao vì chữ Nhật khó, nhất là chữ Kanji (chữ Nho). Tuy nhiên, công việc làm bảo đảm, phần nhiều đi làm ở công xưởng. Riêng người Nhật, nếu làm cả đời khi về hưu họ sẽ được lãnh khoảng hai đến ba trăm ngàn mỹ kim, cộng tiền hưu trí hàng tháng là mấy trăm nữa. Vì tiền lương cao chịu khó tiêu xài nên hiện nay người Nhật đi đến quốc gia nào cũng được tiếp đón niềm nỡ, nhất là họ quen lệ thấy giá để bao nhiêu thì cứ mua chứ không trả giá.

25-11-95

Có lẽ thần kinh của khán giả căng thẳng tột độ khi các phóng sự truyền hình tối hôm qua đã quay nơi ngôi mộ vùi lấp sơ sài tại khu rừng Los Angeles.

Các đài truyền hình cứ chiếu đi chiếu lại hình ảnh các cảnh sát dắt tên phó nhòm cao lớn trắng trẻo đẹp trai, hết leo lên lại leo xuống từ xe nọ đến trực thăng kia, để đi tìm nơi hắn vùi xác cô người mẫu do hắn giết.

Các phóng viên, các ống kính truyền hình vây quanh căn nhà của cha mẹ cô gái đáng thương. Hôm mới về tôi còn thấy họ quay cảnh bà mẹ nằm soãi ra ghế salon khóc nức nở. Hôm nay thì sao. Có lẽ tim bà mẹ đã vỡ tung ra vì đau khổ. Còn đau khổ nào hơn khi mở truyền hình ra nhìn thấy cái chết của đứa con yêu dấu được tận tình khai thác như một đề tài câu khách, còn hơn cả phim trinh thám nghẹt thở.

Tiếp theo nguồn tin về hung án bạo tàn này thì truyền hình lại loan thêm một loạt tin giết người kinh tởm khác. Một người con đang cho phép truyền hình phỏng vấn. Hắn thú tội trước ống kính là đã giết mẹ mình vì cho bà là ma quỷ. Một người mẹ đốt nhà, hai đứa con chết cháy, một đứa sống nhờ nhảy qua cửa sổ. Một em bé bị mẹ hành hạ chết, bằng cách đập vỡ đầu, hai tay em còn đầy thương tích. Một cảnh sát vừa bị bắn vào màng tang chết tốt, rồi thêm một người suýt giết cảnh sát vì ông này đã từng đánh đập người Mỹ đen tên Rodney King, vân vân...

Có phải đó là phản ảnh của xã hội Hoa kỳ đầy bạo loạn không? Hay đây chỉ nhằm đáp ứng sự quan tâm của khán giả Hoa kỳ? Hoặc là một hình thức hấp dẫn quần chúng bằng cách đưa ra những tin tức nóng hổi cho có nhiều người theo dõi hầu thu được tiền quảng cáo cao? Cũng có thể là truyền thông Hoa kỳ cùng người Hoa kỳ đều thích nhìn, nghe, quan tâm nhiều đến bạo loạn. Một thứ ảnh hưởng hỗ tương?

Tôi vừa mới từ Nhật bản về. Tinh thần còn nhẹ nhàng, do đó trở nên hơi nóng tính khi va chạm vào bầu không khí nhiễu loạn. Có phải đó chỉ là sự tưởng tượng bên trong, hay là do ảnh hưởng từ bên ngoài? Hoặc chỉ vì đi du lịch đến những nơi tốt lành; chưa kể sự hạn chế về ngôn ngữ khiến cho tôi không biết rõ được xã hội Nhật có bạo động hay không?

Tôi lật quyển sách Siêu Tự điển của Đỗ Thông Minh tặng trước khi tôi từ giã Tokyo. Cuối cuốn sách có phần thống kê về Nhật bản dựa vào 9 tài liệu của nước này. Có những con số khiến tôi chú ý.

Dân số Nhật hiện có 124.32 triệu người (1993). Dân Nhật sống lâu nhất thế giới. Đàn ông trung bình 76 tuổi, và đàn bà 82 tuổi. Năm 1990, đàn ông 20 tuổi cao trung bình 171 cm và nặng 63,6 ký. Đàn bà 20 tuổi cao trung bình 158 cm và nặng 50.9 ký.

Người Nhật biết đọc biết viết 99%, đứng đầu trên thế giới. Con số máy truyền hình là 71,5 triệu cái, đứng nhì sau nước Mỹ (1988).

Về tôn giáo, người Nhật có 116 triệu người theo Thần đạo Shinto, 92 triệu theo Phật giáo, và đạo Thiên Chúa giáo là 1,68 triệu. Nhật bản có tất cả là 230.000 nơi thờ phượng.
Về con số tử vong, năm 1945 có 210.000 người chết vì bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Cho đến giờ vẫn còn 400.000 người bị ảnh hưởng vì các loại chất độc này. Con số chết vì bệnh tim là 0.735%, vì sưng phổi 0.468%, đụng xe 0.112%, và tự tử 0.187%

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880