Mộng và Thực

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29905)
Mộng và Thực

25-7-96

Mấy trái dưa gang tròn lẳn nằm trên thảm lá xanh, dưới ánh nắng dìu dịu của buổi trưa hè sắp chuyển sang thu. Những tàu lá chuối non lay nhẹ trước gió. Tiếng máy cắt cỏ của anh Mễ tây cơ vang động không khí đang yên tĩnh trong khu xóm.

Buồng cau trước khung cửa sổ đỏ rực những trái chín. Tôi ngồi thật lâu nơi đây, lắng nghe từng tiếng động của cây lá. Tôi thèm được đi xa thật xa ở một chân trời nào đó chỉ có một mình tôi, hoặc không có cả sự hiện diện của tôi. Nơi đó không có sự chịu đựng những gì mà bất đắc dĩ mình phải chịu đựng.

Tôi thầm cảm ơn mẩu xương thừa nơi bàn chân. Sáng mai tôi phải rời bỏ nó. Nó ra đi, để lại cho tôi một duyên cớ hay một cơ hội hầu cắt đứt hoặc giảm bớt mọi sinh hoạt “trần đời”. Tôi đã xem nó như một cái phao mà tôi phải nhanh tay chụp lấy, như một dịp may cuối cùng trước khi buông mình trôi nổi lặn hụp theo dòng đời.

Tôi phải thu hình, trụ tâm, tu tập. Tôi không thể để cho mình đi xa hơn nữa trong nhiều sinh hoạt ngoài đời như thế trong khi chưa hoàn toàn chuẩn bị cho một nội tâm thật vững mạnh, trí tuệ minh mẫn nhạy bén. Tôi sẽ phải đối phó với những gì?

Cách đây hai hôm, tôi đưa hai con đi ăn tiệm. Sau đó, mấy mẹ con đi chợ mua thức ăn. Tôi mua bông hoa, cây trái cúng Phật. Về nhà, sau khi lễ Phật xong, tôi gọi hai con đến nói chuyện. Tôi rất vui vẻ và hài lòng là chúng đã lo học và mạnh khỏe cao lớn, biết tiếng Việt, văn hóa Việt. Tôi bảo Cường đã 20, và Thịnh 22, tuổi trưởng thành để bắt đầu quyết định cuộc sống như thế nào cho có ý nghĩa. Tôi nói về giáo lý tứ ân của Phật giáo Hòa Hảo, gồm có bổn phận của các con đối với tổ tiên cha mẹ, với đất nước Việt Nam, với Phật Pháp Tăng, và đồng bào nhân loại.

Sáng nay, tôi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, xếp đặt lại hồ sơ Đuốc Từ Bi, Thuyền Nhân, soạn riêng tài liệu, bài vở của chương cuối và phụ lục, phụ chú của quyển Hồn Thiêng Dân Tộc để lo hoàn tất.

Sau đó, tôi đánh máy bài "Những khó khăn của Phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại” và gởi cho chị Đào Thị Hợi, phó chủ tịch chấp hành, phu nhân của ông Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa kỳ. Tôi có thông báo với chị là bác sĩ nói tôi đến thuyết trình vào ngày 4 tháng 8 có thể được nhưng chân phải gác lên ghế. Tôi đề nghị có khăn trải phủ lên bàn thuyết trình để trông đỡ kỳ. Chị bảo sẽ tìm một cái khăn đẹp phủ lên chân đau.

Chương trình Diễn đàn Phụ nữ năm nay có đến 30 nhân vật nữ đại diện cho các ngành nghề khác nhau, đến thuyết trình. Tôi sẽ trình bày về khó khăn của phụ nữ đối với gia đình trong hai xã hội Việt-Mỹ, cũng như phương cách có thể giúp giải quyết phần nào sự dị biệt văn hóa và môi trường đó.

Tôi đang lo lắng chờ đợi tin từ Việt Nam, xem số tiền tôi gởi cho chú Ba có đến được tay chú không để giúp cho Lợi và những đồng đạo đã bị cưỡng bách hồi hương. Qua thư từ của các đồng đạo còn ở trại Sikiew, họ hay biết về buổi đốt nến cho thuyền nhân. Cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Thái lan tại Los Angeles vào ngày thứ năm 18-7-1996 được tổ chức rất chặt chẽ và đoàn kết giữa các hội đoàn, nhưng lại yếu về mặt truyền thông Hoa kỳ cho nên không gây nhiều tiếng vang. Ngày hôm đó, báo chí và truyền hình Mỹ đang tập trung vào hai tin nóng hổi là cảnh sát vừa bắt được một người Việt Nam 25 tuổi bắn chết cảnh sát Mỹ, và chiếc máy bay TWA 800 phát nổ trên trời khiến cho trên 200 người thiệt mạng. Các tin này ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng Mỹ hơn.

Cuộc biểu tình rất đầy khí thế, đám đông hàng ngàn đồng bào Việt hải ngoại, với rất nhiều đoàn thể tổ chức và các vị lãnh đạo tinh thần khác nhau, và rừng cờ cùng biểu ngữ phản đối, đến trước lãnh sự quán Thái lan ở Los Angeles để biểu tình chính phủ Thái dùng bạo lực cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt. Cuộc biểu tình do hai nhóm trẻ tổ chức, LAVAS và Project Ngọc, đã được sự tiếp tay của hầu hết các tôn giáo, đoàn thể, hiệp hội. Phái đoàn Liên Tôn với Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo đã làm lễ cầu nguyện cho người bị nạn nơi bàn hương án trước cửa sứ quán Thái lan. Cuộc biểu tình này mang tên là "Chấm dứt đổ máu" (Stop the Bloodshed) nhằm kêu gọi các giới chính trị Thái lan đối xử nhân đạo cùng thuyền nhân Việt Nam.

Tôi đi trong đám biểu tình, tay ôm bức ảnh xác của anh Nguyễn Ngọc Châu, PST 2292, bị lính Thái đánh đập và ném anh từ trên nóc nhà xuống gẫy tay, đầu cổ mặt mày anh đầy máu. Sau đó, xác của anh Châu bị giấu mấy hôm mới được loan báo chính thức cái chết của anh.

Đám biểu tình vẫn giữ trật tự và thái độ ôn hòa, dù đồng bào rất phẫn nộ trước thái độ tàn nhẫn của chính phủ Thái lan đối với thuyền nhân. Một phong trào "tẩy chay" các sản phẩm Thái lan cũng bắt đầu được kêu gọi phát động. Ngoài ra, người tham dự còn nhắc đến nạn “hải tặc Thái lan”, những tội phạm của thuyền nhân, đã hãm hại, cướp bóc, cưỡng hiếp và giết chết biết bao nhiêu người vượt biển.

3-8-96 - 20:15 giờ đêm

"Chỉ khi nào Nguyễn Huỳnh Mai va chạm tuyệt lộ và chợt thấy rằng tất cả đều là sơn cùng thủy tận thì lúc đó một rừng Mai Vàng sẽ vụt xuất hiện".

Tôi đọc câu cuối cùng của bài giới thiệu của thầy Phạm Công Thiện viết tại Monterey Park, ngày 1-8-1995. Hôm nay là ngày 3-8-1996. Đúng một năm lẽ hai ngày. Tôi vẫn còn ngồi đây với một cái chân mặt băng trắng xóa, và một cặp nạng... Quyển sách chưa xong, vì tôi thêm vào chương 7 và một số bài phụ lục.

Nơi đâu là "tuyệt lộ" và nơi đâu là "sơn cùng thủy tận"? Có phải tất cả chỉ là ở trong tôi, một khi nó được phực sáng lên để đẩy màn đen vô minh còn che phủ cả đầu óc tăm tối ngu muội của tôi?

Đời sống lý tưởng và đời sống phục vụ như hai con đường đi ngược chiều. Tôi phải làm sao cho hai con đường này giao thoa một cách hài hòa và êm đềm. Tôi vẫn hằng mơ ước được ngồi mãi, yên lặng một mình dưới rặng núi Yên Ngựa. Tôi cảm thấy một sự bình yên vô tận tại đó và lúc nào cũng phải luyến tiếc khi rời nó. Lâu rồi tôi không còn ra bãi biển để nhìn ánh bình minh rạng ngời trên mặt nước với những ngọn sóng mạnh mẽ hung hăng đập vỡ mình vào những chởm đá, bốc tung nước văng tung tóe. Biển xao động không biết mệt mỏi, biển luôn có sức sống mãnh liệt bền bĩ. Tôi phải tìm đến biển để biển chuyền cho tôi nhựa sống, để giúp tôi dũng mãnh hơn trên bước đường phục vụ. Tôi còn quá ươn hèn. Tôi muốn phục vụ tha nhân, tôi muốn phục vụ quê hương, nhưng tôi chuộng một cuộc sống phẳng lì bình an. Tôi như vùng vẫy đau đớn không muốn rời khỏi nơi ẩn núp an lành của mình. Con người dũng sĩ của tôi ở đâu, phải chăng thỉnh thoảng nó chỉ bộc phát lên tư tưởng, tràn qua ngọn bút, rồi tắt ngúm trong sự ươn hèn nhút nhát của tôi? Có phải đó là bản chất của một con bé nhỏ ngày nào luôn mở to đôi mắt nhìn cuộc đời với sự sợ sệt và mặc cảm yếu đuối của mình.

Con người dũng sĩ, cứng đầu cả quyết của tôi luôn luôn bắt tôi phải làm những điều mà tôi không thích. Nó buộc tôi phải xuất hiện trước đám đông, lên truyền hình, truyền thanh, bục gỗ, ánh đèn... Tôi phải tập nói lên những gì mình suy nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm, những gì mình mơ ước, thao thức, yêu thương, những gì mình biết được khi thần thức va chạm tương lai sẽ xảy đến.

Ngày mai, sáng mai, mặc dù phải chống nạng, tôi vẫn phải đi thuyết trình để nói lên các vấn đề khó khăn của phụ nữ, mà chính tôi đã từng thật sự kinh nghiệm. Tôi biết rằng, phụ nữ có vai trò trọng đại trong tương lai của nước Việt Nam tôi, nhất là một đất nước với toàn là các người trẻ, rất cần đến tư tưởng trái tim yêu thương của phụ nữ qua biểu tượng của người mẹ hiền...

5-8-96

Tôi chợt mở mắt ra, trên người tôi đang phủ một chiếc mền nhung dầy mềm mại mua từ bên Nhật. Bàn chân phải quấn băng gác nhẹ trên chiếc gối vuông màu xanh lá mạ.

Tôi cảm thấy mình bé bỏng trong chiếc ghế dài nơi phòng khách. Tôi ngẩng mặt nhìn lên căn phòng thờ trên lầu. Trước mắt tôi là khung trần dà màu nâu sẫm, viền một đường chỉ nhỏ mạ vàng óng ánh. Bên trái dưới thấp hơn, là bức ảnh của Đức Thầy, đầu đội khăn đóng, mặc áo dài, khuôn mặt nghiêm nghị hiền hòa, nét cười thoáng trong ánh mắt. Bên phải là bản đồ Việt Nam do anh Trác ba của Trang vẽ tặng. Trước bức bản đồ, khoảng một năm nay tôi đã an vị tượng Phật Bà Quan Thế Âm, với niềm tin Mẹ sẽ đưa tay ra cứu vớt hơn 70 triệu người đang sống chìm đắm trong đau khổ dưới những bàn tay vô thần.

Trong đầu tôi vẫn còn hiện lên rất rõ một cây nến đỏ cao, được thắp sáng trên một dĩa kiểu lớn bằng bàn tay. Đó là hình ảnh mà tôi thấy trước khi mở choàng mắt dậy. Ngọn đèn đã và vẫn được thắp sáng trong tâm tôi, và tôi mong nó sẽ mãi mãi soi sáng để tôi không trở về sự ngu muội ngày nào.

Thực tế và những gì ta nghĩ ta tưởng "luôn luôn khác nhau". Ai cũng mong chế độ vô thần sụp đổ. Người này thì tiên đoán sẽ có đảo chánh, kẻ kia cho rằng sẽ có nội loạn vân vân... Có ai biết được sự chuyển đổi có chăng và sự chuyển đổi như thế nào?

6-8-96 - 2:00 giờ sáng

Trước khi làm việc gì ta cho rằng đã Thấy đã Biết trước những việc sẽ xảy ra. Khi việc xảy ra dù cho có đúng với cái Thấy cái Biết trước của ta, thì những việc xảy ra cũng không hoàn toàn giống hệt như những gì ta dự trù. Và trái với dự đoán của ta, có một số việc thực tế xảy đến ngoài những "dự đoán” và "Thấy Biết" đó. Hay nói rõ hơn, nó có những điều xảy ra y như ta dự đoán, và có một số điều xảy ra “ngoài" dự đoán.

Những gì xảy ra "hơn" dự đoán của tôi đã khiến tôi thấy rõ sự liên hệ và tương quan chặt chẽ giữa tôi và những người chung quanh. Tôi được cơ hội nhìn mình, công việc mình đang làm, và nhìn những người trong gia đình cùng những người thân với mình rõ hơn. Tóm lại không phải việc mổ chân là một việc làm vô bổ, mà nó là một bài học lớn cho tôi tự thấy sự khác biệt giữa "mộng" và "thực", giữa sự "thấy biết" của sự việc chưa xảy ra và khi sự "thấy biết" đó xảy ra.

Trước kia tôi hay ao ước đời sống tu sĩ của một người bạn. Nay thấy bạn tôi trụ trì nơi một ngôi chùa. Bạn bận rộn suốt ngày tiếp khách, lễ lạc, cầu siêu, ma chay, chạy tiền để lo tiền nhà tiền điện tiền nước vân vân... Nếu tôi là một tu sĩ, liệu tôi có chịu đựng nổi tất cả sự khó khăn và bận rộn như bạn tôi chăng? Đó là chưa kể phải trì chay, giữ giới, phải giảng đạo. Rồi bao Phật tử tìm đến để được an ủi, khuyên dạy lúc gặp khó khăn đau buồn. Liệu bạn tôi có được chút thì giờ để an nghỉ, tĩnh lặng chăng?

Trong tủ lạnh nhà tôi hôm nay chất đầy những thức ăn hộp mua ngoài tiệm. Mặc dù tôi đã có nấu sẵn một số thức ăn trước khi mổ chân, những chỉ đủ ăn vài hôm. Một vài hôm sau mổ, tôi vào bếp nấu ăn. Chân gác lên bàn vì bác sĩ không cho đặt dưới thấp máu sẽ dồn xuống chân gây đau nhức.

Sau hôm đó, Tài không cho tôi làm bếp nữa. Thế là Thịnh trổ tài nấu ăn, Tài hâm thức ăn, còn Cường thì dọn dẹp. Ba người đàn ông lăng xăng trong bếp, chia nhau công tác. Tôi được dịp làm phiền ba người thân mà không ai giận hay than trách gì cả. Tôi sung sướng trong sự săn sóc đó và suy nghiệm về ý nghĩa của nó.

Những ngày Tài đến Hội quán hội họp làm báo Đuốc Từ Bi, tôi không đi nhưng đầu óc tôi cũng để ở Hội quán. Tuy đau nhức nhưng tôi vẫn thức sửa bài, soạn bài. Dĩ nhiên là tôi không cắt đứt được những gì liên hệ với tôi, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng như tôi vẫn chống nạng đến Diễn đàn Phụ nữ hôm chủ nhật rồi, để phát biểu những suy tư và chia sẻ kinh nghiệm sống của mình, trong buổi hội thảo do Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa kỳ tổ chức.

Tôi nhớ lại hôm chuẩn bị đi giải phẫu, tôi có nghe lại băng giảng Bồ Đề Hành Kinh. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng có nói, Thiền Định là Trí Huệ. Thiền tức bên ngoài bỏ các tướng, và Định là bên trong bỏ các loạn động. Nói rõ hơn, khi bên trong ta bỏ tất cả sự tán loạn tâm thức tức là Định, và bên ngoài ta không chấp vào tướng có nghĩa là Thiền. Ngài dạy, Thiền là Định, mà Định tức là Huệ.

Tôi tự xét mình chưa có đủ khả năng để tu Thiền Định, mà phải nhờ vào cái chân đau để cột lấy thân và tâm, có nghĩa là còn quá "yếu hèn" chưa đủ “nội lực”, “tâm lực” để “tĩnh tâm”, “quán chiếu”.

Thế ra tôi đã viết về Thiền và Định mà vẫn chưa hiểu và chưa đạt được Thiền Định và Không Tánh. Hoặc là Thiền Định đến rất tự nhiên như hơi thở, và tôi đã viết về Thiền và Định trong Không Tánh đến bất chợt vào lúc đó?

Điều chắc chắn, Thiền Định không phải là sự suy nghĩ hay suy luận bằng đầu óc. Hiện tôi đang suy nghĩ về Thiền Định, và điều đó khiến tôi cảm thấy mình như một người sắp đi cầu tuột. Trước khi buông mình, hai tay còn chới với muốn nắm lấy, chụp lấy bất cứ một thứ gì để mong giữ mình lại được.

Phải chăng đó là sự sợ hãi trước Không Tánh???

7-8-96

Tôi đứng nơi cửa sổ phòng thờ nhìn xuống sân trước nhà. Tất cả cây lá hoa cỏ cùng vạn vật như hiện rõ ra từng nét, từng nét một. Màu xanh cây lá chiếm gần hết khoảng trống trước mắt tôi. Những tàu lá chuối nõn nà, lá mía xum xuê bên nhà hàng xóm, những lá dừa vút cao cùng các loại hoa đủ màu sắc trong khu vườn nhỏ nhà tôi tinh khôi tươi đẹp một cách lạ thường. Cây quỳnh bên cổng ra vào đơm đầy nụ, tôi âu yếm đếm, có đến hai mươi mốt đóa quỳnh hoa sắp nở, đầu chóp hoa đã vươn lên hướng về phía có ánh nắng mặt trời buổi sáng.

Hôm nay tôi mới được khoác lại chiếc áo tràng cúng Phật. Buổi sáng tôi nhờ Tài cắt cho vài đóa hồng dâng Phật. Tôi đặt trước ảnh Đức Thầy chiếc bình hoa nhỏ có đóa hoa hồng trắng xóa.

Tôi thường hay dâng hoa trắng hoặc vàng lên Đức Thầy, màu trắng tượng trưng cho lòng ngưỡng mộ kính trọng của tôi, và màu vàng để gợi lại biệt hiệu của Ngài là Hoàng Anh, con chim nhỏ màu vàng. Tôi vẫn luôn khấn nguyện và quyết tâm theo chân Đức Thầy. Tôi biết rằng mình còn nhiều khuyết điểm, còn yếu đuối, còn u tối. Nhưng có điều tôi không bỏ cuộc, dù biết rằng đây không phải là con đường kém khó khăn, chông gai và nguy hiểm.

Nếu Ngài đã trọn vẹn hy sinh cho Tha Nhân, thì tại sao tôi lại quá ươn hèn ôm lấy hạnh phúc cá nhân của mình mà không dám hy sinh. Tôi luôn luôn sống chập chờn giữa mộng và thực. Học hỏi, trì chí tu hành. Biết nhìn, biết thấy, nhưng rồi cái biết thấy đó chỉ vô dụng nếu không biết thực hành và áp dụng.

Con người, vạn vật, vũ trụ xoay vần biến đổi. Tất cả cái biết cái thấy trong một thời điểm nhất định nào đều phải biến chuyển theo thời gian và không gian để có được sự hòa hợp, phối hợp nhịp nhàng giữa con người và vũ trụ. Tất cả phải hòa với nhau như cùng một nhịp thở. Tất cả phải quyện vào nhau như cùng một thể, chỉ có một chút sai lầm, một chút sơ hở, thì như chiếc xe lửa không kịp chuyển đường rầy, sẽ đi về một hướng khác, hay lọt ngay xuống hố thẳm.

Tất cả những Thấy Biết (tri kiến) đều ở trong một thời điểm nhất định, còn những sự liên hệ với sự thấy biết đều thay đổi, uyển chuyển không ngừng. Người Thấy Biết phải uyển chuyển, biến hóa sự Thấy Biết đó theo mọi sự liên hệ của nó, để Biến Thiên Vạn Năng sự Thấy Biết của mình thì mới hữu dụng và sử dụng được sự Thấy Biết đó.

Những nhà chính trị thường dựa vào tam đoạn luận, dựa vào lịch sử quá khứ, dựa vào kinh nghiệm hiểu biết của mình để phỏng định tương lai chưa xảy đến.

Những nhà đạo học biết được tương lai vì họ hội nhập và hòa nhập được với sự biến thiên của Trời Đất và Người. Nói đến tương lai, ta không thể chỉ nhận định người với người mà thôi, mà phải có sự liên hệ, phối hợp, hòa nhập giữa ba cõi Thiên-Địa-Nhân thì mới có giải đáp đúng.

Không thể lấy sử xưa mà phỏng đoán sử nay. Con người và vạn vật tiến hóa, trái đất thay đổi chuyển biến các tầng lớp. Tại Việt nam, sông ngòi, đất đai đã biến chuyển theo những cơn lụt lội, bão tố, các địa chấn. Những loại bùa ngải linh phù từng ếm đặt hầu chuyển đổi các thế đất, cũng sẽ bị thiên nhiên hay loài người quét sạch, rồi lại liên tục thay thế bằng các loại bùa ngải chú trù khác. Lòng người thay đổi qua nhiều chiến trận, tranh chấp. Họ chuyển biến từ vô hình cho đến hữu hình; kẻ vô thần thành hữu thần, và kẻ hữu thần cũng có thể biến thành vô thần. Kẻ đồ tể buông dao biến thành thầy tu, thì thầy tu thời mạt pháp cũng có kẻ trở nên ích kỷ, tham lam, phá đạo. Đức Phật đã từng dạy ngài A-Nan-Đà những điều đó. Oán thù đã tan dần chứ không còn ngùn ngụt tại hải ngoại, vì đời sống vật chất tiện nghi sung sướng đã không tạo nên môi trường thích hợp cho người tu tập, mà là vùng đất phì nhiêu phát triển lòng tham. Tham sống, tham danh, tham tiền, tham ăn, khát khao vật chất danh vọng địa vị, hình danh sắc tướng. Khi đã có thừa tiền của thì còn muốn danh vọng tiếng tăm, muốn nổi bật trong cộng đồng, muốn phô bày trên báo chí.

Tất cả là một sự đảo lộn toàn diện, mà chỉ có người có thiện căn, thức tỉnh lo tu tập, mới đủ sức đứng ra khôi phục lại tình thương và phục vụ cho một Việt Nam phú cường trong tương lai, trong đó sẽ không còn tranh chấp chủ nghĩa, mà chỉ có những người thực tâm yêu quê hương, yêu nhân loại.

Minh vương là gì? Minh vương là ai?

Lá cờ quốc gia là gì? Là của ai?

Minh vương không phải là một ông vua theo chế độ quân chủ, mà là một lãnh tụ sáng suốt yêu nước, thương dân, có sứ mạng đối với Việt Nam.

Cờ quốc gia là là cờ của tổ quốc Việt Nam, và của dân tộc Việt nam.

8-8-96

Mấy trái dưa gang vàng nhạt nổi bật trên mặt đất nâu sẫm của khu vườn nhà bên cạnh, vì khóm lá bò oằn oèo chung quanh đã héo úa, sắp tàn rụi hết sau một tuần lễ trời cuối hè nóng dữ dội. Sau nhà tôi, những chậu hoa lồng đèn cũng đã héo úa, làm cho tôi cứ xuýt xoa tiếc rẻ sự mát mẻ sung mãn tràn đầy hoa lá của chúng hôm mới mua về trước ngày giải phẫu chân. Những chùm cau đỏ nhạt đã đổi sang màu sậm như những phong pháo ngày tết bên nhà. Phía trên, hai tàu lá cau vừa rụng bay đâu mất, hé lộ hai buồng cau mới màu tím nhạt còn cuộn tròn vào trong.

Tối hôm qua có bốn hoa quỳnh nở. Tôi nhờ Tài cắt hoa vào cúng Phật, vì hoa chỉ nở có hai giờ rồi tàn, nhờ thế hôm nay tôi không thấy sự rũ rượi của các đóa hoa tàn. Những búp hoa cuối cùng còn phong nhụy trong các cánh màu nâu hồng vẫn mạnh mẽ vươn mình trên những chiếc lá xanh dài.

Tôi cảm thấy lòng bình an dịu dàng, dù cho tất cả các tin tức bên ngoài sôi động vẫn tiếp tục đến với mình qua truyền hình, e-mail do Thu gởi về hàng ngày, thơ từ của Đuốc Từ Bi, điện thoại vân vân...

Các khoa học gia họp báo, Tổng thống Bill Clinton lên tiếng về vụ hòn đá rơi từ Hỏa tinh xuống, về kết quả sự nghiên cứu mới nhất từ mẫu đá này cho thấy có sự sống từ lâu trên hành tinh nóng bỏng này.

Tôi ước mong là đừng bao giờ phải dính vào các danh xưng, chức vụ, địa vị... vì nếu có "mình sẽ là một người chết". Mình sẽ không bao giờ là mình nữa, và sẽ biến thành "cái danh xưng”, “cái chức vụ”, “cái địa vị” đó.

Dính vào một trong những thứ đó chẳng khác nào bị bọc trong một chiếc áo quan (tài) gỗ cứng ngắc. Tôi cố tránh điều đó. Chẳng hạn như trong quyển sách sắp xuất bản, tôi chỉ muốn dùng chữ "Zennin" mà không muốn dùng chữ "Thiền sư". Khi tôi viết về Thiền, tôi chỉ cho mình là một hành giả, một người thực tập và hành thiền, nghĩa là đang trong một tiến trình sống động. Tôi cũng không hề áp dụng một phương pháp ngồi hoặc thở gì đặc biệt; vì nếu ngồi tréo chân kiết già lâu chân tôi sẽ bị tê cứng, và dĩ nhiên là tâm sẽ bị động. Tôi chỉ thực tập một điều là làm cho tâm mình lắng đọng. Chỉ có mỗi điều đó mà tôi vất vả bao nhiêu năm, và nay vẫn thấy mình có lúc động như thường.

Tôi không thích làm "Thiền sư", vì một khi làm thiền sư, tôi sợ rằng lúc tâm động tôi vẫn phải đóng kịch để che giấu cái động của mình, và tôi sợ nhất là lại phải giấu giếm che đậy cái động đó với chính mình, để khỏi phải tự xấu hổ, vì đã mang danh thiền sư mà tâm còn vọng động.

Tôi ước vọng bây giờ và mãi mãi tôi sẽ là tôi. Tôi tự do sống. Tự do vui cười, bay nhảy, tự do hờn dỗi, cáu kỉnh. Tôi mong mình sống tốt lành như một con người tự do.

Như thế là tuyệt nhất!!!

8-8-96 - 2:30 giờ trưa

Bóng cây dừa của nhà tôi che mát khoảng sân xi-măng của nhà hàng xóm. Các nụ hoa quỳnh đong đưa trên mái nhà gần cổng trước đã phồng to hơn ban sáng, chuẩn bị nở rộ vào đêm nay.

Lúc sáng trước khi ngồi phơi nắng sau nhà, tôi chợt nhìn thấy Tony, đứa con út của bà láng giềng Mary, đang rón rén đi từng bước một từ con đường nhỏ bên hông nhà tôi vào sân sau. Nó nhìn vào cửa sau nhà tôi, rồi dừng chân. Nó quay đầu lại một chút nhìn ra phía sân trước, rồi len lén bước đi vào sân sau. Lúc đó tôi đang nói chuyện điện thoại với mẹ, tôi bảo rằng cần nói chuyện với hàng xóm, rồi cúp dây, tôi không dám nói gì hơn sợ mẹ lo.

Tony đang rón rén đi vào trong hàng hiên về phía cửa sau nhà tôi. Nó chợt nhìn thấy tôi đang ngồi ngoài khoảng sân có nắng nên khựng lại định thối lui. Chỉ một vài giây, nó lấy lại bình tỉnh, lên tiếng hỏi Cường, rồi hỏi Thịnh. Tôi nói Cường và Thịnh đều không có nhà. Nó quay mình theo ngõ hẽm, và trở ra sân trước về nhà.

Tôi “kịp” ngăn mình không có phản ứng, và đặt cho nó một số câu hỏi về vụ nhiều lần nhà tôi bị mất trộm. Điều may mắn thứ hai là nó đã nhìn thấy tôi nên chưa bước vào nhà, và dĩ nhiên chưa làm gì cả. Nếu nó đã vào trong lấy được thứ gì và khi trở ra mới gặp tôi, liệu nó có để cho tôi yên không hay có khi tôi sẽ bị giết vì lỡ bắt gặp nó? Tại xứ Mỹ và tại khắp nơi trên thế giới, tội ác đã xảy ra ngày càng nhiều hơn, với sự cố ý, cũng có khi chỉ bất dắc dĩ.

Tại Việt Nam hiện nay, sự thanh toán nhau ngày càng nhiều. Giữa các kẻ ác với nhau; và kẻ ác đối với người lương thiện không cùng ác cùng tham như họ hay chỉ vì biết việc kẻ ác làm.

Tôi chợt cảm thấy mình biếng lười, nhút nhát, ích kỷ một cách quá đáng. Một dũng sĩ rụt rè, một chiến sĩ "dõm". Tôi dung thân mình quá đáng. Tôi đã trốn tránh trách nhiệm của một người cứ cho rằng mình yêu nước. Một kẻ cầm bút hèn nhát cứ dự định trốn chạy khỏi đấu trường tàn nhẫn của sự thật.

Chúng ta không thể để yên cho một dân tộc cứ bị khống chế, bị tàn hoại, bị tiêu diệt bởi một thứ chủ nghĩa ngoại lai, vô thần, vô lý.

Tôi phải gom hết sức lực tinh thần và thân xác để vùng dậy, phải làm việc, dù phải chống nạng, đi trên một chân. Phải vươn dậy đuổi đi hết các chứng bệnh giả tưởng của thể xác lẫn tâm linh, để hồi phục lại sức lực và nội lực của mình. Phải nâng niu, chải chuốt đứa con tinh thần cho hoàn hảo, để chuẩn bị cho nó chào đời. Đứa con phải mạnh, phải sống, và tôi cũng có bổn phận nuôi dưỡng nó vì tôi được góp phần tạo dựng ra nó: một đứa con từ Tình Yêu của Mẹ Việt Nam, được hun đúc bởi Hồn Thiêng Sông Núi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880