Phái đoàn người Việt tại Paris và Strasbourg

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30785)
Phái đoàn người Việt tại Paris và Strasbourg

blank

Ông Jean Jack Fritz, Giám đốc Thông tin và Đối ngoại, kiêm đại diện thường trực Quốc Hội Âu Châu, chụp hình lưu niệm với phái đoàn người Việt tại Centre de Press, trụ sở QHÂC tại Strasbourg, 26- 5- 94.

24-5-94

Hôm nay là ngày trọng đại vì chúng tôi bắt đầu cho chương trình vận động chính giới Pháp. Phái đoàn có trên hai mươi đại biểu đã đến tòa nhà Quốc hội Pháp vào lúc 3:00 giờ chiều.

Nhóm chúng tôi từ khách sạn Majesty ở đường Irvy, khu chợ Tàu ở Paris 13, đi bộ xuống trạm metro dưới hầm. Mọi người đều được giáo sư Lê Tinh Thông nhắc nhở “coi chừng bị móc túi”.

 

Tối hôm trước chúng tôi đã chuẩn bị cất giấy tờ, thẻ tín dụng và tiền mặt vào những chiếc túi nhỏ để “đeo trong mình”. Vì thế nhiều người mặc đồ vét, áo đầm chỉnh tề mà đôi khi trên cổ áo có ló ra sợi giây vải. Ai có mang bóp thì ôm chặt vào mình hoặc đeo choàng ra phía trước.

 

Nét mặt mọi người đều có vẻ hơi căng thẳng, nhất là khi được tiếp kiến bởi bác sĩ Denis Jacquat, phó chủ tịch đặc trách An sinh Xã hội và Nhân đạo Pháp, và cũng là phó chủ tịch đảng Cộng Hòa PR, vào lúc 4:00 giờ chiều. Trông ai cũng có vẻ chăm chú, tập trung tinh thần để nghe. Riêng tôi thì được dịp kiểm thảo cái vốn liếng tiếng Tây của mình xem còn được mấy chữ sau bao nhiêu năm được cất kỹ trong ký ức. Người nào trong phái đoàn mà nói tiếng Tây lưu loát thoạt nhiên trở thành “ngôi sao sáng”.

 

Khởi đầu là ông Lại Thế Hùng giới thiệu thành phần tham dự; rồi ông nói đến buổi hội thảo ở Génève, và vấn đề Nhân Quyền tại Việt nam. Ông Denis Jacquat cho biết ông đã từng đi thăm trại tị nạn, nên mọi người mắt cứ sáng lên, nghĩ rằng ông có thể thông cảm hơn. Sau khi bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ đặt một số câu hỏi, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói đến tình trạng nguy kịch bất ổn đe dọa thuyền nhân, nhiều người đã tự sát vì không có lối thoát. Thắng xin ông Jacquat đưa vấn đề vào nghị trình cuộc họp về Thuyền Nhân ở Bangkok vào ngày 2-6-1994.

Thắng đề nghị một số biện pháp như: làm sao có cơ chế để nhận ra bất công, ngưng bạo lực, ngưng cắt giảm thực phẩm; yêu cầu Cao ủy Tị nạn dùng quyền Phủ Quyết để thừa nhận người tị nạn trong các trường hợp oan ức. Yêu cầu chính phủ Pháp cấp chiếu khán định cư cho các trường hợp bị chà đạp nặng nề về nhân quyền ở Việt Nam như các tu sĩ và tù chính trị, trẻ mồ côi và nạn nhân hải tặc, và các trường hợp đoàn tụ gia đình.

 

Sau cùng, Thắng nói cộng đồng tị nạn Việt Nam hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Pháp và Hoa kỳ hầu giải quyết vấn đề thuyền nhân một cách hợp lý và nhân đạo.

 

Tiếp theo, Thượng tọa Thích Minh Tâm bày tỏ lý do có thuyền nhân, vì tại Việt Nam không có nhân quyền và tự do tôn giáo. Thầy nhấn mạnh là cưỡng bách hồi hương không giải quyết được vấn đề mà cần phải có tái thanh lọc những người bị gán cho vượt biển vì lý do kinh tế, nhất là 48 tu sĩ ở trại Sikiew, Thái lan, các cựu tù nhân cải tạo, các thương phế binh, phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp, và trẻ mồ côi.

 

Sau hết là phần tường trình của nhân chứng Ngô Văn Hà. Em kể lại câu chuyện của mình với giọng nói đầy xúc cảm, và đôi mắt ứa lệ, khiến các bà các cô trong phái đoàn phải len lén lau nước mắt.

 

Sau khi trao thỉnh nguyện thư cho bác sĩ Denis Jacquat, mọi người ra bên ngoài ngơi nghỉ; rồi trở vào lúc 6:00 giờ chiều, để tiếp xúc cùng dân biểu Michel Pelchat, phó chủ tịch khối Pháp-Việt và Đông Dương tại Quốc hội Pháp, phó chủ tịch đảng Dân chủ Hợp nhất UDF, đại diện cựu Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing.

 

Các đại diện phái đoàn đã kêu gọi chính phủ Pháp giúp đỡ về vấn đề thuyền nhân, cũng như đòi hỏi C.S.V.N. phải trả tự do cho các tù chính trị như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, các thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu...

Ông Pelchat hứa sẽ trình bày nguyện vọng của phái đoàn trong buổi tiếp tân với Thủ tướng Balladur vào hai ngày tới. Ông hứa sẽ cử phái đoàn y tế đến trại Palawan và sẽ liên lạc với cơ quan Boat People S.O.S. và Hội Y Sĩ để giúp đỡ.

 

26-5-94

 

Sau những ngày làm việc liên tục thức khuya dậy sớm cùng với nỗi niềm lo âu chung, mọi người thấy thân nhau và quý nhau hơn. Trước kia, chúng tôi chỉ biết nhau qua e-mail, biết nhau qua giọng nói Trung, Nam hay Bắc trên điện thoại. Giờ thì có dịp sát cánh bên nhau làm việc cho cùng mục đích, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, nghề nghiệp.

 

Mọi người đều đặt trọng tâm làm việc là trên hết, cùng nhau thảo văn thư, dịch sang Pháp văn, phân chia nhau các phần vụ để trình bày.

 

Chúng tôi cùng ăn cơm chay ở chùa Khánh Anh, Thầy Minh Tâm cho mượn máy fax, computer, điện thoại, vân vân. Nguyễn Đình Thắng đánh máy, in ra. Giáo sư Lê Tinh Thông mệt quá, nằm ngay dưới đất đọc lại, sửa chữa. Tôi chạy vào bếp phụ các sư cô nấu ăn, dọn cơm.

 

Sáng hôm qua, tôi và Thu phải nhờ khách sạn đánh thức vào lúc 3:00 giờ sáng, vì 4:00 giờ sáng, ông Lại Thế Hùng, chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Âu châu, mang xe van đến đón chúng tôi đi Strasbourg để tiếp xúc các chính khách tại Quốc hội Âu châu (Parlement Européen) gồm 12 quốc gia, và Nghị hội Âu châu (Conseil de l’Europe) gồm 33 quốc gia. Ông Lại Thế Hùng và gia đình đã tiếp đãi chúng tôi tại nhà riêng với một bữa ăn sáng thật ngon.

 

Chúng tôi được ông Jean Jacques Fritz, giám đốc Thông tin và Đối ngoại, kiêm đại diện thường trực Quốc hội Âu châu tiếp kiến tại Centre de Presse, trụ sở Quốc hội Âu châu (IPE) vào lúc 11:00 giờ sáng.

 

Sau khi nghe phái đoàn trình bày, ông Fritz hứa sẽ đưa các kiến nghị trên vào nghị trình khẩn cấp của khóa họp Tân Quốc hội vào ngày 21-9-1994 sắp tới.

 

Sau khi trở về nhà ông Lại Thế Hùng nghỉ ngơi và dùng cơm chay, chúng tôi quay trở lại Quốc hội Âu châu vào lúc 2:00 giờ cùng ngày, để tiếp xúc với ông Klaus Schumann, giám đốc các Vấn đề Chính trị và Đối ngoại, đại diện Tổng thư ký Nghị viện Âu châu; cùng các cộng sự viên của ông như: ông Simon Newman, giám đốc Khối Tị nạn và Di trú; ông Mark Neville, giám đốc Thông tin và Nhân quyền; ông Hans de Jange, trưởng khối liên lạc Quốc hội Nghị viên.

 

Ông Mark Neville cho biết ông đã phục vụ tại Mã Lai Á năm 1991 với tư cách luật sư của Cao Ủy Tị nạn nên rất thấu hiểu hoàn cảnh thuyền nhân cùng những thủ tục thanh lọc. Ông đặc biệt quan tâm đến những trường hợp thanh lọc bất công mà phái đoàn đã đệ trình, và ông đã yêu cầu được gặp riêng một số thành viên của phái đoàn tại văn phòng của ông để thảo luận về những trường hợp thanh lọc bất công và những giải pháp cho thuyền nhân Việt Nam.

 

Tiếp đến, phái đoàn được ông Newman hướng dẫn tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Nghị hội Âu châu để gặp gỡ thượng nghị sĩ Louis Jung, Chủ tịch Thường vụ Quốc hội Nghị hội Âu châu (l’Assemblée Parlementaire du Conseil de l’Europe). Phái đoàn đã nhận được sự tiếp đón niềm nỡ của Chủ tịch Jung, một vị từng là nghị sĩ trên 30 năm, và hiện là Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp. Ông có rất nhiều ảnh hưởng trong chính giới Âu châu. Ông đặc biệt thông cảm và nhấn mạnh: “Dù nơi đây hay tại Thượng viện Paris, tôi luôn luôn quan tâm đến những khổ đau mà dân tộc quý vị đang gánh chịu. Nhưng tôi tin rằng một ngày không xa, dân tộc quý vị sẽ giành lại được Tự do và phú cường.”

 

Trên đường về Paris lúc 7:00 giờ chiều, chúng tôi cảm thấy trong lòng nhẹ phần nào những nỗi ưu tư. Khi chúng tôi dùng cơm nơi một nhà hàng nhỏ bên đường, anh Phạm Long thực hiện một buổi phóng sự trực tiếp về đài Little Saigon Radio. Mọi người cảm thấy tuy đang ở trời Âu mà như đang ở nhà, thật gần gũi cùng đồng hương, thính giả đang nghe đài tại miền Nam California.

 

27-5-94

 

Buổi gặp gỡ cuối cùng kết thúc chuyến đi vận động tại Âu châu đã diễn ra vào sáng hôm qua, với ông Michel Katz, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng khối điều hành các Ủy ban đảng cầm quyền “Tập hợp Cộng hòa Đại chúng” (RPR: Rassemblement pour la République). Ông Katz đại diện Chủ tịch đảng Jacques Chirac, tiếp kiến phái đoàn tại trụ sở của đảng. Tại đây, phái đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ nồng hậu, và Phó Tổng thư ký Katz hứa sẽ chuyển đạt những nguyện vọng của phái đoàn đến Tổng thống Chirac, Thủ tướng Balladur và Ngoại trưởng Alain Juppe, là những người lãnh đạo đảng hiện nay.

 

Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Việt Nam, gồm trên 30 đại diện, với nhiều thành phần, từ Tị nạn, Tôn giáo, Nhân quyền, Y sĩ, Truyền thanh và Truyền hình, từ nhiều quốc gia đã đến Âu châu để cùng nói lên nguyện vọng của những người Việt hải ngoại với những giải pháp đề nghị cụ thể, và kêu gọi các chính khách, các vị dân cử Quốc hội Pháp và Nghị hội Âu châu khẩn cấp hành động để kịp thời ngăn chặn những thảm họa đang và sắp xảy ra tại các trại tị nạn Đông Nam Á và Hong Kong. Phái đoàn đã nêu rõ cho dư luận Âu châu thấy thuyền nhân Việt Nam không những là nạn nhân của vi phạm nhân quyền ngay tại Việt Nam, mà còn là nạn nhân của vi phạm nhân quyền ngay trên các phần đất của thế giới tự do này. Phái đoàn cũng đã kêu gọi quý vị lãnh đạo của thế giới tự do hãy đưa ra các sáng kiến cụ thể và hữu hiệu hầu chấm dứt vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nguồn gốc các vấn đề tị nạn, và những bất ổn hiện tại, giúp người dân có thể trở về sống an cư lạc nghiệp ngay chính tại quê hương mình.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880