Câu lạc bộ Saddleback College - 16-1-96
Tâm phải luôn bất động. Dãy núi nói với tôi trong im lặng. Đã lâu rồi tôi không tâm sự cùng núi. Các ngọn núi xám đậm phủ cỏ khô úa in hình trên nền trời xám nhạt có vài nơi mây mỏng, ánh sáng tỏa xuống thành những tia mong manh. Khung trời quạnh vắng không một bóng chim. Tôi ngồi thật lâu trong sự bất động lặng lẽ của dãy núi và tâm hồn tôi.
Dưới chân đồi, bãi đậu xe của trường bắt đầu đầy xe. Các cô cậu sinh viên đang bương bả đi lên đồi đến lớp. Hôm qua là lễ Martin Luther King được nghỉ, nên hôm nay xem như ngày khai trường. Câu lạc bộ đông người đến dần, phía sau tôi các cô cậu Mỹ chuyện trò vui vẻ. Đằng kia tiếng máy tính tiền, tiếng các đồng xu chạm nhau nhịp nhàng.
Thật không ngờ đã xa núi quá lâu. Những chân trời xa lạ, những cuộc hành trình dài đăng đẳng. Tôi đã đi qua một tiểu bang lớn tại Hoa kỳ. Rồi lại đi qua năm nước trong hai chuyến đi liên tục. Gặp gỡ thật nhiều người, làm việc trong mục tiêu và bối cảnh rộng lớn. Và rồi lại trở về đây, ngoan ngoãn tiếp tục làm cô học trò nhỏ bé lắng nghe lời dạy khuyên của núi. Tôi có vọng động, bận rộn cách mấy đi nữa rồi cũng bắt giữ lại được chính mình. Tôi thương và gần với núi.
17-1-96
Chỉ nhìn thấy dãy núi vững chắc, mạnh mẽ dưới ánh bình minh rực rỡ là tôi cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái rồi. Sáng nay vì bận gọi các đồng đạo ở tiểu bang xa nhắc nhở gởi bài về Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ cho phần tin nội bộ của Đuốc Từ Bi, nên tôi đến trường trễ. Thế là hết chỗ đậu xe, tôi phải tìm một bóng mát, ngồi chờ chỗ trống.
Sáng nay tôi hơi bị cảm có lẽ vì cả buổi chiều hôm qua dầm mưa chạy quanh khu Little Saigon để đưa bài và hình cho các báo quanh vùng. Trước khi đi học tôi còn gởi thêm hai bài Ý nghĩa ngày Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ và Lý do hình thành Ban Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo cho vài tờ báo nghiên cứu khác.
Hôm qua, lúc tôi đến Việt Báo Kinh Tế, chị Quân trao cho tôi hai số điện thoại của những người đáp ứng mẫu rao vặt Cần Người của tôi. Má chồng tôi thích sống cùng chúng tôi. Tuy nhiên, mỗi khi cả nhà đi vắng chúng tôi không an lòng vì bà ở nhà có một mình. Tuy bà còn mạnh khỏe so với tuổi 82, nhưng lại mắc bệnh cao máu, vì thế chúng tôi cần có người ở gần trông nom. Một bà gọi đến xin làm việc tuổi trên 62. Khi nghe chúng tôi ở xa khu Little Saigon 30 phút, bà nói sẽ suy nghĩ lại. Một cặp vợ chồng mới qua tỏ ý muốn ở chung với chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ cần một bà hủ hỉ với má chồng. Nhà chúng tôi chỉ còn lại một phòng cho Cường Thịnh về vào cuối tuần hay ngày lễ nghỉ.
Má chồng tôi bảo nếu không tìm được ai ở nhà thường xuyên và ngủ đêm với bà, chắc bà sẽ về Việt Nam. Tôi bảo bà ở Việt Nam chúng tôi không yên tâm, vì lo cho sức khỏe của bà. Mặc dù ở Việt Nam dễ tìm người săn sóc bà hơn.
22-1-96
Tôi muốn ngồi yên nhắm mắt để thiền định, nhưng không được, vì thiên nhiên quanh tôi quá thanh nhẹ, quá yên tĩnh và trong sạch. Tôi lại ngắm dãy núi, và lắng nghe bản tin BBC phát ra giọng nói của Lê Phan, mà bây giờ tôi mới biết là Phan Lâm Hương, cô chủ nhiệm tuần báo Tìm Hiểu nơi tôi làm việc lúc mới ra trường. Lương ký giả của tôi mới ra trường năm 1972 là 10 ngàn đồng một tháng, và mỗi tuần tôi viết một bài về phụ nữ.
Tôi nhớ là đã viết một bài về những người đàn bà buôn bán hàng xén ở chợ Vườn Chuối, mỗi ngày phải thức sớm để nhóm chợ; tôi còn phỏng vấn bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai và một cô ký giả có tiếng...
Mưa lại bắt đầu lâm râm, tuy nhiên bầu trời vẫn còn những khoảnh nắng sáng chen giữa các đám mây thưa trải dài theo các đỉnh núi màu nâu với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau tùy theo vị trí gần xa tầm mắt.
Đến sáng hôm nay vẫn chưa có kết quả cuộc bầu cử Ban Đại diện cộng đồng người Việt Nam Cali. Cả ngày hôm qua đồng hương xếp hàng tại năm địa điểm để đi bầu. Người đi bầu thì đông, hăng hái, dù trời mưa tầm tã. Nhưng lại có quá nhiều thư bất hợp lệ, và dĩ nhiên cả đêm các ông các bà của hai liên danh tranh cãi nhau nên không mở thêm thùng phiếu.
Tôi hoàn toàn ngạc nhiên lúc trở lại xe sau khi đến gặp ông Cain, giáo sư lớp Circuit Training, vì dãy núi trước mắt đã hoàn toàn thay đổi.
Mặt trời soi thủng qua các đám mây xám chiếu sáng rực rỡ cả một vùng nhiều màu sắc. Các dãy núi xa trở thành màu xám đen, và các sườn núi đối diện tôi có màu nâu vàng. Những nơi gần nhất có pha lẫn chút màu xanh lá cây vì cỏ non bắt đầu mọc xen kẽ cùng cỏ khô tàn. Xuân về.
Vừa rồi, lúc tôi đến lớp thể dục thì các cô Mỹ phần nhiều khá to cỡ trên 200 cân anh đang đo người cho nhau, rồi ghi vào giấy có kẻ sẵn ô. Cũng có vài cô ốm tong teo, từ trên xuống dưới suôn đuột. Một số khác đang gò lưng đạp xe, mồ hôi lấm tấm mặc dù lúc đó trời đang mưa và rất lạnh.
Ông thầy ký tên vào giấy cho tôi đổi lớp. Hôm nọ tôi ghi lớp Weight Training and Physical Fitness, vì trong sách của trường có giải thích là lớp học sẽ giúp cho tôi có sức khỏe chịu đựng dẻo dai, bớt mệt mỏi và giúp tôi biết cách sử dụng các loại dụng cụ, máy móc thể thao. Không ngờ khi đến lớp đó thì tôi dội trở ra ngay, vì thấy máy móc loại khổng lồ, và các anh sinh viên cao lớn bắp thịt cuồn cuộn đang tập. Thì ra đó là lớp dành cho các anh đấu football. Ông Stuetz chỉ tôi chuyển qua lớp này, và tôi thấy toàn là các cô đang tập cho thon gọn.
29-1-96
Hôm qua là buổi họp thường niên của Hội đồng Hợp tác các Tôn giáo tại Hội quán. Linh mục Trần Công Nghị bảo tôi chuyển bài qua máy điện toán. Tôi bảo tôi chưa biết cách, chỉ biết gởi điện thư e-mail tiếng Anh thôi, còn chuyển bài bằng chữ Việt thì chưa làm được.
Lâu quá tôi không nhận được thư của Ban Trị sự PGHH ở Sungei Besi Mã Lai, vì đồng bào không liên lạc được với bên ngoài. Hôm 18-1-96 có 100 cảnh sát Mã Lai tấn công trại để lục soát vũ khí. Có 17 thuyền nhân bị thương, 6 người bị nặng và 1 bị lạc đạn chết để lại đứa con 12 tuổi. Cảnh sát Mã Lai tước đoạt tiền bạc nữ trang và đánh đập đồng bào. Họ đi vào nhà tắm phụ nữ, buộc đàn ông Việt Nam cởi đồ trong khu này cho phụ nữ xấu hổ...
Tôi mang các thỉnh nguyện thư do Nguyễn Đình Thắng chuyển để quý vị lãnh đạo tôn giáo ký tên gởi cho Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad, và các tòa đại sứ Mã Lai ở khắp nơi. Cả thỉnh nguyện thư gởi cho Tổng thống Phi Luật tân Fidel Ramos, can thiệp về việc không cất nhà lại cho 2500 thuyền nhân bị cháy nhà ở Palawan.
Hôm qua Nguyên Phương, trưởng nhóm Câu lạc bộ Thanh niên Bách Việt gọi cho tôi. Phương phụ trách thêm chương trình Nét Đẹp Đông Phương trên đài phát thanh, ngoài một chương trình cho giới trẻ. Phương muốn phỏng vấn tôi trên đài về việc nhập thất. Tôi bảo Phương nên phỏng vấn quý tăng ni, vì tôi không nghiên cứu sâu xa về lãnh vực này. Phương bảo muốn phỏng vấn tôi vì tôi sống ngoài đời bình thường nên gần với mọi người. Tôi ngại vì nói đến một đề tài không chuyên môn, nhưng vì muốn chia sẻ cùng thính giả những gì tôi thực hành trong cuộc sống hàng ngày cho tâm yên tĩnh, nên cuối cùng tôi nhận lời.
Hai sinh hoạt khác được nhiều người quan tâm gần đây là các buổi nói chuyện của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, và sự ra đời của quyển sách The Secret Army, the Secret War của ông Sedwick Tourison, nói đến mấy trăm biệt kích Việt Nam được Hoa kỳ thả ra miền Bắc 30 năm trước đây, bị họ bỏ quên hoặc giấu kín. Ông Tourison nói tiếng Việt Nam như người Việt, có vợ người Việt.
Tuần rồi khi đọc bản tin “Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị bệnh nặng”, lòng tôi đau xót đến rơi nước mắt, thương cho những người chịu đau khổ trong tù đày bạo lực chỉ vì lý tưởng tranh đấu cho tự do quê hương. Còn rất nhiều vị cao tăng và trí thức đang bị giam cầm trong ngục tù của cộng sản chỉ vì dám nói lên sự thật. Thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, sử gia Lê Mạnh Thát, bác sĩ Nguyễn Đan Quế... Tôi nghĩ nhiều đến bà Đoàn Viết Hoạt.
Ông Đoàn Huy, em út của ông đã vượt gần ba ngàn cây số đi ra trại giam Thanh Cẩm mà chỉ được gặp ông đúng mười phút. Ông Hoạt đang đau nặng vì bệnh thận hành nhức nhối. Gia đình ông gởi thơ xin chính quyền Hà nội cho ông được bác sĩ khám và chuyển về nhà hoặc các trại giam gần Sàigòn để chăm sóc.
Việt Nam khá xáo trộn do các vụ bắt bớ gần đây. Tin tức gởi đi trên các mạng lưới điện toán, máy fax, và điện thoại đã giúp nhiều cho sự chuyển đổi bên nhà. Chính quyền Hà nội vừa cho xe hủ lô cán nát các băng video, cassette, CD... nhưng họ làm sao bôi xóa hoặc đổi thay tư tưởng trong đầu óc của người dân, nhất là thành phần trí tuệ sáng suốt. Các lá thư của Hà Sĩ Phu, Nguyễn Hồng Hà, La Văn Liếm, vân vân... được luân lưu khắp nơi.
Các ông chóp bu bắt đầu moi chuyện nói xấu nhau. Một số cán bộ tham nhũng bắt đầu ôm tiền trốn mất. Chuyện gì tới tất nhiên phải tới. Nhanh hay chậm là tùy theo “sức sống” của người dân.
31-1-96
Cô Mỹ ngồi cùng bàn trước mặt tôi bỗng nhiên cúi xuống, le lưỡi dài thòng. Tôi thấy cô đeo một chiếc bông từ trên lưỡi xuống, rồi lấy chiếc chuôi nhỏ ụp vặn vào bên dưới. Xong xuôi cô nhìn tôi rồi cười.Tôi hỏi cô đeo bông vào lưỡi đâu có ai thấy. Cô trả lời, tại vậy nên cô mới đeo bông vào lưỡi. Cô chỉ lông mày bên phải và nói, “Tôi định đeo trên lông mày nhưng chỗ tôi làm việc họ không thích.” Cô đang học hai năm tổng quát, và làm việc nơi chuồng nuôi súc vật ở trường, dự định khi tốt nghiệp sẽ chuyển trường để học bác sĩ thú y. Cô bảo cô thích đeo bông vào lưỡi vì thích thay đổi. Thay đổi đối với cô rất tốt. Giá bấm lỗ trên lưỡi và bông tốn mất 150 mỹ kim.
Thỉnh thoảng tôi xem hội thoại talk show trên truyền hình, thấy có nhiều cô cậu đeo bông ở mũi, môi. Họ nói đeo cả đầu ngực và chỗ kín. Nhiều vị phụ huynh quá đau lòng ngồi khóc trên màn ảnh.
Sinh viên bắt đầu rời câu lạc bộ sau khi ăn trưa để trở lại lớp. Một nữ sinh viên ngồi gần tôi phải chống gậy vì cô quá mập, khoảng 350 cân anh. Bụng của cô thòng xuống trông thật tội nghiệp.
Richard Simmons có chương trình giúp những người mập. Ông ta tổ chức đi du thuyền, tập thể thao và ăn kiêng. Ông lên truyền hình giới thiệu nhiều bà xuống được cả trăm cân và ôm ông hôn khóc vì mừng. Ông nói với các bà: “If you dont give up, you never fail. Farewell fat for yourself. The letter cant is out of your dictionary. If you dont have time, you have nothing.” (Nếu bạn không bỏ cuộc thì sẽ không thất bại. Từ giã mỡ cho chính bạn. Chữ “không thể” xóa bỏ trong tự điển của bạn. Nếu bạn không có thì giờ tức là bạn không có gì cả).
Hôm nay bà Carolyn Gillay dạy điện toán bị té phải nghỉ dạy, nên bà Connie Van Horn vào thế. Bà cho rằng bà Carolyn dạy ngược phương pháp nên sinh viên phải vào phòng lab thực tập mò mẫm một mình rồi bà ấy mới chỉ dẫn, còn bà thì chỉ rõ cách thức làm trước khi cho thực tập. Khi bà nói chuyện, người bà cứ vặn vẹo hoài khiến cho sinh viên khó tập trung.
Nhiều người thực tập ở nhà bằng máy điện toán có Windows 95 mới tung ra, nên gặp khó khăn. Hỏi bà, thì bà nói, máy điện toán thay đổi nhanh quá, giáo sư viết sách ra không kịp, cho nên bà chưa biết Windows 95.
Tôi nói đùa với chú tôi là tôi đóng cửa đạo học và thiền học để mở cửa học điện toán và sinh ngữ. Tôi mua băng Pháp văn và Nhật ngữ về học. Mỗi loại đều có tự điển và bài học. Mỗi lúc lên xe, tôi để thay phiên băng Pháp văn và Nhật ngữ vào nghe và nói theo. Băng do Crown Publishers, Inc. xuất bản, có bài giảng bằng Anh ngữ.
Bộ tiếng Pháp có 40 bài và 2 băng cassette 90 phút. Có một quyển dạy đối thoại, ngữ vựng, tập chia động từ; và một quyển tự điển với 20.000 ngữ vựng, 7.000 thành ngữ có định nghĩa và diễn tả ý nghĩa, 1.000 chữ đặc biệt được in đậm để dễ tìm.
Bộ tiếng Nhật cũng có tự điển Nhật-Anh và Anh-Nhật, 15.000 ngữ vựng, 8.500 thành ngữ, câu nói và định nghĩa, 1.000 chữ đặc biệt in đậm vân vân... Tất cả chữ Nhật đều được viết bằng chữ Romaji cho người ngoại quốc dễ đọc. Chữ Romaji viết theo mẫu tự Latinh vần A, B, C. Riêng người Nhật thì viết bằng chữ Katakana hoặc Hiragana và Atarashi Kanji (chữ Hán tự mới).
Băng Pháp văn giúp tôi nhớ lại ngữ vựng và văn phạm đã từng học hồi còn bé. Mỗi sáng tôi thức dậy lúc 6:00 giờ để nghe chương trình Le Journal trên đài KSCI/TV. Bản tin có phụ đề Anh ngữ, tôi phải đọc mới theo kịp bản tin vì mấy ông tây bà đầm nói nhanh quá và tôi lại dốt danh từ chính trị kinh tế. Có nhiều chữ Anh tôi cũng không hiểu nốt. Chương trình này có giới thiệu băng cassette Champs-Élysées. Tôi mua qua điện thoại thì họ gởi cho tôi băng, một cuốn báo có tất cả bài trong băng và bài làm. Tôi nghe qua thấy hơi khó vì toàn là đề tài thời sự, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng. Băng Champs-Élysées dành cho những người đã khá Pháp văn nên tôi nghe thật vất vả, nhất là từ trước đến nay tôi lại không thích nghe chính trị kinh tế.
Các băng Nhật ngữ thì tôi ít nghe hơn, vì nếu học băng tôi phải có thì giờ đọc bài, mà tôi lại quá bận rộn với bài vở của Đuốc Từ Bi, viết tin, và học điện toán.
Tôi hơi bị chậm trong lớp điện toán, nên tối qua phải thức đến 12:00 giờ đêm học bài và thực tập. Tôi bắt đầu cảm thấy mình thích điện toán và có thể học được. Thì ra con người thường hạn chế đầu óc và khả năng mình bằng những định kiến và thành kiến về chính mình; và thường “ghét những gì mình dở”. Ngày hôm nay tôi phải đối phó với những gì tôi ghét từ trước đến giờ.
Khi đi xuất ngoại, nhất là lúc qua Pháp và qua Nhật, tôi mới sung sướng làm sao khi mình có thể nói được một ngôn ngữ khác, cho dù không... giỏi. Và nhận thấy có nhiều người cũng nói nhiều ngôn ngữ trong một lúc một cách rất “tự nhiên”.
Chẳng hạn như hôm tôi đi núi Phú Sĩ, có bà ký giả Wan Hua, người Mã Lai ở Pháp, bà cứ nói chuyện với đám bạn đầm, rù rì tâm sự nói lén người khác bằng tiếng Pháp, rồi chuyển sang tiếng Anh nói chuyện nghề nghiệp, chụp hình cho tôi, trao đổi địa chỉ. Một ông Tây khác làm về chương trình môi sinh cho Liên Hiệp quốc nói chuyện với tôi lúc thì tiếng Pháp, lúc thì ông chuyển qua tiếng Anh hồi nào không biết; và tôi cũng nói chuyện với ông như thế mà chẳng ai cười ai, mà cũng không cảm thấy là mình nói lộn xộn cả hai thứ tiếng.
Tôi biết là tôi cần phải tiếp tục học điện toán nhiều hơn để có thể trình bày báo một mình, không phải lệ thuộc vào thì giờ và tâm tính của người khác. Nếu muốn làm việc hữu hiệu và có kết quả nhanh chóng, phải có khả năng làm một mình. Sở dĩ việc làm báo khiến cho tôi nhiều khi thấy phiền hay chán nản chỉ vì lệ thuộc quá nhiều người khác. Mỗi một lần không có người lay-out thì báo phải dời lại một tuần, hoặc phải mướn người tốn tiền mà còn tùy thuộc vào thì giờ của họ, còn phải hẹn nhau kéo mấy người đến ngồi bên người lay-out để sửa chữa cho ý kiến.
Đuốc Từ Bi số 51 Xuân này tôi bỏ rất nhiều thì giờ để trích thư từ và hồi âm, giới thiệu sách, kêu gọi những người dọn nhà liên lạc vì gởi theo bulk-rate, bưu điện không chuyển mà còn gởi thơ phạt 50 cents. Thế là mất một số báo cộng với tiền phạt.
Tôi nhờ Thu lay-out những bài do tôi và Tài đánh máy, phải làm việc thật nhanh để ra kịp báo Xuân.
5-2-96
Hôm nay là ngày tôi thoải mái nhất kể từ hôm tựu trường, vì tôi đã làm xong bài tập từ trưa thứ tư tuần rồi, trong phòng thực tập sau giờ học. Tài hỏi tại sao tôi học dữ vậy vì tôi về nhà trễ.
Sáng nay như thường lệ thứ hai và thứ tư hàng tuần, tôi nghe chương trình truyền hình Pháp Le Journal, sau đó sửa soạn đi học, vừa nghe đài 106.3 FM chương trình của Nhật. Thỉnh thoảng tôi mới hiểu được một vài tiếng Nhật, nhưng tôi lại rất thích thú. Tối hôm qua sau khi suốt ngày cùng Tài làm Đuốc Từ Bi ở Hội quán về, tôi xem kịch Nhật bản trên truyền hình trước khi đi ngủ. Tôi luôn nghĩ rằng kiếp trước tôi là người Nhật hoặc đã từng ở Nhật nên cứ thích học và nghe tiếng Nhật lắm. Tôi rất vui sướng trong lúc ở Nhật, đi dạo trên đường phố, và lắng nghe tiếng Nhật chung quanh, mặc dù không hiểu bao nhiêu. Hôm đến nhà in Việt Nam Nghệ Xã của anh Lê Linh ở Tokyo, tôi có trao đổi vài câu tiếng Nhật với cô thư ký, khiến các anh hơi ngạc nhiên. Lúc đưa tôi về tiệm Mekong của Minh, anh Ngọc bảo tôi có giọng Nhật khá và nói đúng giọng, nếu có cơ hội học thêm tôi sẽ khá. Hy vọng là thế.
Thầy Cain hôm nay cân đo ấn định số mỡ trong người tôi để ra chương trình cho tôi tập thể dục. Ông bảo tôi phải tập thể dục một tuần bốn lần, cách một ngày phải tập tạ cho bớt mỡ và gia tăng bắp thịt, ông bảo mỗi ngày tôi đi bộ 20 phút ở Holiday Spa rất tốt. Có thể tôi sẽ tăng trọng lượng, nhưng đừng lo, vì bớt mỡ và gia tăng bắp thịt, và sẽ... gầy hơn. Ông cười bảo như vậy thì tôi sẽ thích phải không. Tôi cười gật đầu. Ông bảo tôi bớt ăn mỡ. Tôi hỏi ông nếu ăn chay được không. Ông bảo cũng tốt nhưng ông cho tôi một bản chỉ dẫn các loại thức ăn phối hợp để có đủ chất đạm, và nói chất đạm trong thịt thì đầy đủ hơn.
Tôi thấy thì giờ quá ít và còn có nhiều điều phải học hỏi và thực hiện. Có nhiều lúc tôi cứ tự nhủ mình phải từ từ, nhưng rồi lại sợ là... không kịp cho nhu cầu. Tôi biết rằng mình cần học Windows 95 và lay-out để làm việc. Nhưng học điện toán phải đi từng bước một. Đầu óc tôi đi quá nhanh trong khi thời giờ giới hạn, và công việc quá nhiều đến cùng một lúc.
Chuyện chọn người chăm sóc cho má chồng vẫn chưa giải quyết. Từ hôm đăng báo đến nay đã có hơn hai mươi người gọi đến. Phần lớn đều muốn làm quanh quẩn khu Little Saigon. Họ thích sáng đi chiều về. Có bà chỉ vì con không cho nói chuyện điện thoại, giận con nên xin đi làm. Có người muốn nghỉ nghề may nên đi làm. Có một cô nàng có vẻ chuyên viên trông nom các cụ già; cô bảo cô được trả 900 mỹ kim một tháng, đi ăn nhà hàng với bà cụ và ở với bà trong một căn nhà lớn, rất khỏe, cuối tuần các con bà về và cô được đi chơi. Tuy nhiên, mỗi bà cô đều làm được chỉ có một năm thì chết!
Má chồng tôi còn mạnh khỏe, nhưng chúng tôi rất ái ngại khi để bà ở nhà một mình. Lúc đi học tôi về nhà sớm, nhưng khi phải ra sở để lo thư từ bài vở việc làm, tôi phải đợi đến 5:00 giờ mới về cùng Tài, có khi bận bịu kéo dài đến 7:00 giờ tối. Cuối tuần, cho dù có bớt ra ngoài, vẫn khó từ chối các lời mời tham dự tiệc cưới hỏi hội họp vân vân... của bạn bè thân hữu. Đó là chưa kể các buổi họp của Giáo hội để tổ chức lễ hay làm báo hoặc các việc cứu tế... thì lại càng không bỏ được. Mà việc Đạo thì làm sao tính giờ được, luôn luôn triền miên và bất kể giờ giấc nào.