Vườn Lộc Uyển

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 23075)
Vườn Lộc Uyển

blank

Thượng tọa Thích Minh Tâm đang cung kính
chiêm nghưỡng Xá Lợi Phật tại chùa Tích Lan,
gần vườn Lộc Uyển, tại Ba la Nại (15-11-97)

14-11-97 - Varanasi, Ấn độ

Hôm nay là ngày rằm, chúng tôi thức dậy lúc 2:30 giờ sáng và khởi hành đi Varanasi (Ba La Nại) vào lúc 4:00 giờ sáng. Đường đi khá dằn nên vài người bị nôn mửa, tuy nhiên, nhờ đi sớm nên không bị kẹt xe.

Buổi chiều đi vườn Lộc Uyển, nhưng thủ tướng Ấn độ đang viếng, nên chúng tôi chỉ được vào một chút, hôm sau sẽ được chiêm ngưỡng Xá lợi Phật và đi sông Hằng vào lúc 4:00 giờ sáng.

15-11-97

Xe buýt bỏ chúng tôi xuống khu phố gần sông Hằng vào lúc tờ mờ sáng. Người đi trên vỉa hè, trên đường nhựa đông như nêm cối, lẫn lộn cùng xe ngựa, xe đạp, xe hơi. Mạnh ai nấy đi, mặc cho đèn xanh, đèn đỏ.

Chúng tôi hơi lo sau lời dặn dò của vị thầy dẫn đường. Tôi mang chiếc xách tay bằng cách quàng xéo qua vai bên kia. Đàn ông đi theo đàn ông, còn các bà thì đi hàng tư. Cứ bốn bà câu tay nhau không cho ai đi chen vào giữa, phòng ngừa lạc nhau, và cùng xem chừng nhau bị móc túi.

Đến gần bờ sông Hằng thì một cảnh tượng náo nhiệt bày ra trước mắt chúng tôi. Người bán hoa, kẻ buôn nhang đèn, kẻ bán đồ kỷ niệm. Tốp người ăn xin trờ tới. Ban tổ chức dặn dò chúng tôi đứng một nơi, không mua sắm gì cả. Sau đó, họ phát cho chúng tôi một đèn dầu nho nhỏ. Mọi người lần lượt xuống xuồng.

Thuyền thả chầm chậm trên sông Hằng. Dọc theo hai bên bờ sông, nhiều người đang tắm gội và cầu nguyện. Nhà cất ven sông cũ kỷ và cổ kính. Nhiều nơi có các giàn củi đang bốc khói. Người Ấn tin rằng sông Hằng là một nơi linh thiêng và cao quý, vì nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi của người từ trần. Vì thế, họ thường mang xác thân nhân đến đây hỏa táng và ném tro xuống dòng sông.

Sông Hằng bắt nguồn từ dãy Hy mã Lạp sơn, chảy băng qua Tây Tạng và Ấn độ, với chiều dài trên 5575 km. Dòng sông hùng vĩ và tuyệt đẹp. Quả thật như lời đồn, đây là một nơi lý tưởng để ngắm cảnh mặt trời mọc. Mọi người bỏ qua cảnh thiêu xác chết và tắm gội dưới sông, vội vàng lấy máy ảnh ra chụp cảnh mặt trời mọc huy hoàng, và chụp hình chung để kỷ niệm nơi nổi tiếng trên thế giới.

Trời sáng tỏ dần, và chúng tôi quay về, cùng nhau bước vội lên những bậc thang cấp để lên bờ. Lại nắm tay nhau vượt qua các con hẽm nhỏ để ra phố chợ, lên xe trở về khách sạn, chuẩn bị đi thăm Vườn Lộc Uyển.

1:00 giờ trưa.

Mọi người xếp hàng trong chùa Tích lan chờ đến lượt xem Xá lợi Phật. Sau khi niệm hồng danh Phật Thích-ca Mâu-ni ba lần, quý thượng tọa và chư tăng Tích lan đi ra phía sau bàn thờ, mở cửa hầm để thỉnh Xá lợi Phật ra. Đó là Quốc Bảo của Tích lan.

Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn. Thầy Minh Tâm đội Xá lợi Phật ra, lúc đó còn phủ khăn. Vị sư Tích lan thành kính nâng Xá lợi Phật đặt trên bàn. Phía sau thượng tọa Minh Tâm và Viên Lý là chư vị đại đức và tăng ni. Tiếp đến là Quyên, theo sau là tôi và phái đoàn Phật tử.

Vị sư Tích lan ra hiệu cho chúng tôi bước lên Phật Đài. Trên bàn Phật, tràng hoa vạn thọ vàng sẫm của tôi cúng dường được đặt ở giữa, tràng hoa của Quyên bên trái, và nhiều tràng hoa nữa được trải dài chung quanh và hai bên.

Chúng tôi đi từ bên trái vòng ra sau lưng bàn thờ Phật và tiến đến phía sau thầy Minh Tâm. Một vị sư già giở chiếc khăn phủ hộp đựng Xá lợi Phật, một vị khác một tay rọi đèn pin vào, tay kia cầm chiếc que nhọn chỉ vào ngọc Xá lợi nhỏ xíu.

Tay tôi bắt đầu run rẩy, tôi buông máy ảnh, nhìn xuống hai tay run nhiều. Nỗi xúc động mạnh tràn lên đầy ngực khiến tôi thật khó thở. Tôi nhìn các ngón tay run rẩy không sao kềm chế được của mình, than nho nhỏ cùng Quyên.

Tôi nhìn thầy Minh Tâm đang nhìn ngọc Xá lợi. Vị sư Tích lan giải thích, thầy gật gật đầu và cúi xuống chấp tay xá. Tôi nhớ trực lại mắt kiếng. Nếu không có mắt kiếng, tôi sẽ không thấy được ngọc Xá lợi, tôi vội lần bàn tay run run vào tìm trong túi xách.

Trước đó một giờ, cô bạn trao cho tôi sợi dây gắn vào mắt kiếng để tôi có thể treo vào cổ không sợ bị rớt mất. Sợi dây đó bây giờ là cái nạn cho tôi, vì nó quấn chặt và rối bời vào mắt kiếng. Tôi cố gắng mở, càng mở càng rối, vì hai bàn tay tôi run rẩy quá không sao điều khiển được. Tôi phải gọi Quyên đi phía trước tiếp tay cho tôi. Quyên cũng mở không được, bèn tuột luôn sợi dây ra khỏi hai đầu kiếng. May quá, phút chót Quyên lấy được sợi dây ra. Tôi mang vội vào mắt. Vừa ngay sau đó, đến lượt Quyên chấp tay tiến dần đến Xá lợi Phật.

Đến phiên tôi, tôi cúi đầu trước Xá lợi Phật rồi mới nhìn. Một vị sư nói bên tai tôi về phước duyên của tôi khi được chiêm bái ngọc Xá lợi. Một mảnh lớn và ba mảnh nhỏ. Mắt tôi như chụp lấy một bức ảnh cô đọng về ngọc Xá lợi. Viên lớn có dáng như hình vuông, và ba viên nhỏ xíu có hình tam giác. Vị sư nói đều đều, chỉ vào ngọc Xá lợi, rọi ánh sáng nơi đặt Xá lợi sáng rực long lanh.

Tôi mím chặt môi rời bước, tay vẫn chấp phía trước mặt. Trong chùa rền vang tiếng niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi lần bước xuống khán đài, đứng vào một góc, cạnh cửa sổ, nơi đó, Quyên đang khóc vì xúc động, hai vai run lên. Quyên trao cho tôi một khăn giấy.

Toàn thân tôi rung chuyển. Tôi ôm chặt lấy hai vai mình, cúi người xuống, vì lúc đó hai chân bắt đầu run rẩy. Thật là một nguồn năng lực phi thường. Tôi không sao kềm chế được cơn xúc động mãnh liệt kéo dài đến cả mười phút. Tiếng niệm Phật rền vang bên tai tôi. Sau đó, ngước nhìn lên chánh điện, tôi thấy thầy Viên Lý vẫn còn không ngớt lau nước mắt.

Chúng tôi thật vạn hạnh khi được chiêm ngưỡng Xá lợi Phật, vì từ 25-11, chư tăng sẽ không còn mang ra cho Phật tử cung bái nữa. Sau phái đoàn người Việt Nam, một phái đoàn người Ấn độ may mắn khác cũng được cho xếp hàng vào chiêm bái ngọc Xá lợi.

Chúng tôi tập trung lại, và đi bộ sang vườn Lộc Uyển, đến ngôi tháp nơi Đức Phật chuyển Pháp luân sau khi thành đạo. Ngài đã giảng đạo cho năm anh em ngài Kiều Trần Như, và thu nhận họ làm đệ tử. Thầy Minh Tâm hướng dẫn Phật tử tụng kinh và kinh hành vòng quanh tháp. Thầy Viên Lý nói về sự mầu nhiệm của Tứ Diệu Đế, bộ Kinh nền tảng của Phật giáo, mà Đức Phật đã thuyết cho năm đại đệ tử, hóa độ họ thành năm vị A la hán, và thành lập tăng đoàn Phật giáo.

Thầy Nguyên Tánh nói về sự tích của vườn nai cạnh đó. Trong một tiền kiếp, Đức Phật là một con nai chúa, đã hy sinh tánh mạng của mình thay vào số phận của một con nai cái đang có bầu, để hiến cho nhà vua ăn thịt, khiến vua bỏ luôn ý định đi săn và ăn thịt từ đó.

Thầy kể, trước khi Đức Phật thành đạo, 500 vị Độc Giác Phật hay tin, đã bay lên không dùng lửa tam muội tự đốt cháy thân mình, khiến xá lợi rớt xuống vườn này, hầu cúng dường cho Đức Phật, nên ngôi vườn nai này còn được gọi là "chư Thiên đọa sứ”.

Trước khi đến vườn Lộc Uyển là trụ đá của vua A Dục xây để cúng dường Phật, có bốn đầu sư tử; và một tu viện đã bị người Hồi giáo phá hủy, nay chỉ còn trơ nền và một chút vách tường.

Buổi chiều, chúng tôi trở lại ngôi tháp để cầu nguyện, tụng kinh, nơi Đức Phật đã từng chuyển pháp luân. Sau đó, tôi cùng Quyên sang lễ tượng Phật và chư đại đệ tử. Tôi phát trầm hương cho tất cả mọi người trong đoàn, và cả những người Ấn độ quanh đó, để cùng cúng tháp và cầu nguyện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880