Viếng đài RFA và VOA

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 34530)
Viếng đài RFA và VOA

15-3-97, 9:05 giờ tối - Phi trường Los Angeles.

Lúc rời cổng kiểm soát tôi không sao nín được cười. Tôi cứ cười hoài, cười mãi cho đến khi Tài và tôi đến cổng 68B. Tài vừa đi vừa cằn nhằn, lắc đầu: “Vậy mà cũng đứng uống tỉnh bơ!”

Nếu Tài không càu nhàu, hoặc không nói năng gì cả mà mặt quạu đeo, chắc tôi không tức cười dữ như vậy.

Vừa rồi, khi gần đến cổng kiểm soát, tôi bước qua cửa có máy dò, còn Tài đặt cái cặp da của tôi có máy điện toán lap-top vào cổng nhỏ, có miếng cao su kéo đồ vật lăn qua máy dò vũ khí. Tôi hỏi ông Mỹ đen liệu có hư không. Ông lắc đầu nói không sao. Thấy tôi qua khỏi cổng xong, ông nhìn cái ly plastic tôi cầm trên tay hỏi:

- Cái gì vậy?

- Nước tôi uống.

- Bà uống một chút được không?

Tôi gật đầu, xé tấm ny-lông ra, bẻ cong nấp một chút, rồi uống một ngụm. Ông ta gật đầu. Tôi nhìn quanh không thấy Tài đâu. Tôi đi tìm, thấy Tài đang mở máy điện toán ra, bấm bấm. Bà Mỹ đen gác cổng bảo: “Không có pin”. Bà lấy chiếc máy trở lại bỏ vào máy rà lần thứ nhì xem có gì trong đó không. Tài lắc đầu nói tiếng Việt: “Hư mẹ bây giờ”.

Khi hai đứa đi dài dài theo hành lang, Tài hỏi, "Sao hồi nãy trong nhà hàng không uống phức cho rồi?" Tôi nói, "Ăn no quá uống không được”. Đó là ly thuốc bắc của ông Hoa Đà cho tôi uống để có sức đi Washington D.C. Hồi sáng này tôi phải đến cho bác sĩ Phúc chích một mũi Vitamin C vào gân tay và một mũi Vitamin B12 vào thịt. Mặt mày tôi ốm xanh hốc hác.

Tôi phải ngưng viết để gọi mẹ. Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi xa mà lụp chụp quên thắp nhang cúng Phật.

10:10 giờ tối. Cổng 68B phi trường.

Mẹ vui mừng khi nghe tiếng tôi gọi từ phi trường, nhất là khi nghe chuyện tôi kể biểu diễn uống thuốc Bắc tại cổng kiểm soát cho ông Mỹ đen xem. Tôi chỉ còn đợi máy bay có một mình, còn Tài đi đến cổng số 80 chờ chuyến bay của anh đi Boston, ở tận đầu kia của phi trường. Tôi nhờ mẹ thắp nhang cúng Phật. Thịnh hứa cúng, nhưng còn đi xi nê với bạn, khuya mới về đến nhà. Khi lên máy bay, thì chỗ tôi ngồi bị trùng với một ông Mỹ khác đi với vợ có số vé giống hệt như của tôi. Anh chàng tiếp viên hàng không phải dắt tôi ra phía hàng ghế gần sau cùng. Thế là uổng công Tài kỹ lưỡng đặt cho tôi một chỗ ngồi từ hôm mới mua vé. Anh biết tôi thích ngồi phía giữa máy bay để không bị chóng mặt.

19-3-97

Tại tiệm Saigon Flavor đường L gần đài Á Châu Tự Do.

Tôi ngộ ra rằng tâm tôi bình yên nhất chính là vào lúc tôi muốn chết, và có những lúc khác tâm cũng bình yên tự tại, tôi lại muốn sống. Muốn sống không phải cho tôi, nhưng chính cho tha nhân.

Anh Khiêm lo về kỹ thuật thu âm của Đài Á Châu Tự Do, nói với tôi là sau khi nghe xong bài anh Trần Điền, tức N.V.T., phỏng vấn tôi cho mục "Tạp chí hàng Tuần", anh cho biết rất có cảm tình với tôi, vì tôi nói đúng những gì anh nghĩ.

Tôi nói với anh, tôi chọn nghề viết báo vì câu nói của giáo sư Lê Thái Bằng là, nhờ nó tôi có thể giúp cho hàng triệu người. Tôi nói, khi viết và tranh đấu cho thuyền nhân, tôi cám ơn họ, vì họ đã nhắc nhở vị trí của tôi, chính là một người tị nạn. Tôi nói, tôi mơ ước về Việt Nam để thăm quê hương, nhưng chỉ muốn thấy người dân được sống tự do no ấm, và những người cầm quyền biết nghe tiếng nói của người dân. Và đặc biệt (với riêng tôi), tôi mong sẽ được về Thánh Địa dự lễ đạo PGHH mà từ 30-4-1975 đã bị cấm đoán hành lễ.

Chiều nay và sáng mai phát thanh, mà bây giờ nghĩ đến tâm sự tôi chuyển về quê hương, đến tai đồng bào và đồng đạo, tim tôi đau nhói và tôi muốn khóc.

Khi tôi bình an, thì tôi sống giữa sự sống và sự chết. Những lúc muốn ra đi vĩnh viễn, tôi mong có một quyền lực tối thượng mang tôi đi, và không trở lại. Nhưng đồng thời, tim tôi lại tràn ngập yêu thương tha nhân, và sự sống lại bật dậy nơi tôi, khiến tôi làm đủ mọi cách để thân thể mình có thể vùng lên, sống mạnh, sống khỏe, để tiếp tục làm việc, tiếp tục lên đường, tiếp tục viết...

 

Đài Á Châu Tự Do, Từ Người Đến Việc

(tường trình của Nguyễn Huỳnh Mai từ Hoa Thịnh Đốn)

Đài Á Châu Tự Do tức RFA (Radio Free Asia) tọa lạc tại lầu 3, số 2025 đường M giữa thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nếu cho rằng tầm quan trọng tùy thuộc vào số nhân viên, thì Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do có 8 người, sắp được tăng cường thêm 3 người nữa, trong đó có bà Đoàn Viết Hoạt và anh Thanh Quang, từng làm việc 10 năm với đài BBC, Luân Đôn.

Bên cạnh văn phòng của Đài Á Châu Tự Do Ban Việt ngữ là Ban Hoa ngữ với 15 nhân viên, Ban Tây tạng với 8 người, Ban Hàn quốc 5 người, và Ban Cao miên cũng như Ban Lào mỗi ban chỉ có 1 người.

TĂNG CƯỜNG TẦN SỐ

Chương trình Việt ngữ của RFA bắt đầu phát thanh hướng về nội địa Việt Nam vào ngày 5-2-1997, và đã được đưa lên Liên Mạng Toàn Cầu vào hai tuần sau đó, ngày 20-2-97, giúp người Việt Nam tị nạn ở khắp nơi có thể đón nghe rất rõ ràng. Chúng tôi được biết một số đài phát thanh ở các nơi khác đã thu và phát lại cho thính giả của địa phương theo dõi.

Theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Ngọc Bích, giám đốc Ban Việt ngữ, địa chỉ Internet của RFA là www.lesea.com, xong vào Real Audio rồi Angel 3 (short wave), từ 9 đến 10 giờ sáng miền Đông Hoa kỳ, tức 6 đến 7 giờ sáng ở California.

Đáp câu hỏi về vấn đề chính quyền Hà nội phá sóng, ông Nguyễn Ngọc Bích cười đáp: “Chúng tôi đã giải quyết được phần lớn vấn đề này bằng cách điều chỉnh làn sóng hay tăng cường tần số. Điều này làm cho Hà nội phải mệt mỏi bắt theo kịp các làn sóng của các đài phát thanh vào trong nước, và họ phải chi tiêu một số tiền khổng lồ để ngăn chận. Điều này chỉ làm một số người tò mò muốn nghe đài gia tăng.”

HĂNG SAY LÀM VIỆC

Cũng như ban giám đốc của Đài Á Châu Tự Do, tôi rất ngạc nhiên về sự hăng say của toàn Ban Việt ngữ đài này. Mọi người đều đến đài thật sớm, có khi 5, 6 giờ sáng; và trở về nhà lúc 6, 7 giờ chiều mỗi ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Sự hăng say của mỗi người thể hiện qua ánh mắt, nụ cười luôn luôn nở trên môi, dù qua một ngày dài làm việc.

Được biết ban biên tập của đài gồm những người có kinh nghiệm về truyền thông, và là những tiếng nói hay khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ông Nguyễn Văn Khanh, trước là ký giả báo Người Việt, thông tín viên của đài Radio Little Saigon, và sau đó làm việc cho đài VOA; hiện là phụ tá giám đốc Ban Việt ngữ với sự sắp xếp chương trình mỗi ngày cho các buổi phát thanh.

Một giọng nói quen thuộc khác là Phan Dũng của đài VNCR tại miền Nam Cali. Ngòi bút quen thuộc của báo Diễn Đàn Tự Do tại Hoa Thịnh Đốn là Trần Điền. Trịnh Thông mấy mươi năm với đài VOA. Việt Long với chương trình "Anh Vẫn Sống" của Little Saigon Radio. Phần kỹ thuật do anh Nguyễn Diễm, một cựu giáo sư trường Võ Bị Đà Lạt đảm trách.

GIỌNG NỮ DUY NHẤT CỦA RFA

Giọng nói nữ duy nhất của Ban Việt ngữ đài RFA hiện nay là Ánh Chân, từng cộng tác nhiều năm với đài BBC. Đôi mắt sáng, nụ cười tươi, cộng với sự nhanh nhẹn và thoải mái, là đặc điểm của đóa hoa “độc thân” duyên dáng này.

Ánh Chân gốc người Cần Thơ, miền Tây nước Việt, lớn lên ở Pháp, tốt nghiệp về Ngôn ngữ học. Cô từng làm việc với Ban Việt ngữ đài phát thanh BBC, cộng tác với các hãng thông tấn ngoại quốc, phiên dịch Anh-Pháp-Việt cho nhiều cơ quan, chính phủ, và tòa án về các vấn đề liên quan đến pháp luật. Với đời sống linh hoạt trong môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, Ánh Chân có tinh thần cởi mở, ham học hỏi, tìm hiểu để mở rộng kiến thức.

Ánh Chân cho biết rất thích công việc thông tín viên cô mới nhận được ở RFA. Nhiệm vụ hàng ngày của cô là làm tin, viết phóng sự, bình luận, làm xướng ngôn viên, và phụ trách trang phụ nữ. Cô gửi về nước các bài viết về đời sống và vai trò của phụ nữ tại các nước Đông Nam Á.

Theo Ánh Chân, đặc điểm của phóng viên đài phát thanh là sự tự tin, bộc lộ qua giọng nói rõ ràng, vững chải, mạch lạc, cho người nghe cảm thấy mình có thẩm quyền trong vấn đề, và hiểu rõ những gì mình nói. Ngoài ra, cần phải có sự say sưa, thích thú, và lòng yêu nghề. Học hỏi không ngừng cũng là một yếu tố quan trọng khác.

ĐA NĂNG VÀ NHIỀU KINH NGHIỆM

Theo ông giám đốc Nguyễn Ngọc Bích, thì nhờ có kinh nghiệm và tinh thần chuyên nghiệp cao nên ban biên tập làm việc với nhau rất dễ dàng. Mỗi người đều phải có khả năng viết tin, dịch tin, viết bài nằm, ráp nối, làm xướng ngôn viên, tức phải đa năng.

Về phương diện kỹ thuật, máy móc của đài RFA thuộc loại tối tân. Trong khi một số các đài khác còn dùng băng nhựa, thì RFA đã chuyển sang điện toán. Sau khi chương trình thu xong, biên tập viên có thể nghe lại, sửa đổi, cắt xén ngay trên máy điện toán của mình.

Được biết, ngoài nhiệm vụ thông tin hàng ngày, mỗi tuần Ánh Chân còn lo "Trang Phụ nữ", Phạm Điền phụ trách mục "Diễn đàn Báo chí", Nguyễn An soạn bài cho "Tạp chí Truyền thanh" và "Khoa học Kỹ thuật".

NGHIÊM CHỈNH XÂY DỰNG

Chương trình Ban Việt ngữ của đài phát thanh RFA hiện là nửa giờ mỗi buổi trong ngày, được lặp lại sau đó để thành một giờ buổi sáng, rồi một giờ buổi tối. Đường lối của đài hoàn toàn cởi mở, dành cho nhiều ý kiến khác nhau, miễn đó là những ý kiến nghiêm chỉnh, xây dựng, có cơ sở khoa học hay lý luận, chứ không phải loại ý kiến "nói cho vui".

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, đài RFA có chủ trương dân chủ, tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm tôn trọng sự thật, nhất là sự thật đến từ nhiều phía. Ông nói: “Chúng tôi chỉ chống sự độc quyền sự thật, sự bít bùng thông tin, sự khóa miệng những thành phần nghĩ khác mình."

Với quan niệm, con người sẽ được thoải mái khi được rộng quyền suy nghĩ, rộng đường dư luận, rộng đường quyết định mọi việc trong đời sống, ban biên tập Ban Việt ngữ đài RFA mong sao cho 77 triệu đồng bào bên nhà sớm có được sự thoải mái đó.

Cho rằng ở trong một khung cảnh mà mọi chuyện từ lớn đến nhỏ đều do người khác quyết định giùm, thì cuộc sống đó không thể được xem là đáng sống, ông Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ thêm:

"Điều làm cho chúng tôi vui nhất là có cơ hội đóng góp vào tiến trình dân chủ ở quê nhà qua sự mở rộng thông tin."

 

Thăm Ban Việt Ngữ Đài VOA

(tường trình của Nguyễn Huỳnh Mai từ Hoa Thịnh Đốn)

Trong khi đài phát thanh Á Châu Tự Do gần đây vừa thổi một làn gió mới về quê nhà, thì chương trình phát thanh Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ là tiếng nói quen thuộc, thân thương của hàng triệu thính giả Việt Nam từ nhiều thập niên qua.

Với chủ trương thông báo trung thực các tin tức tại Mỹ và trên thế giới, cũng như những gì liên quan đến Việt Nam, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã góp công trong việc nâng cao kiến thức người dân trong nước và giúp cho họ biết được những sự thay đổi, tiến bộ bên ngoài chính sách bưng bít thông tin của chính quyền CS Việt Nam.

NGƯỜI LÝ TƯỞNG

Hiện nay chương trình Việt ngữ của đài VOA phát thanh mỗi ngày ba lần do hai ban biên tập hùng hậu gồm 17 người thay phiên thực hiện, dưới sự điều hành của ông Richard M. McCarthy, giám đốc Ban Việt ngữ lẫn Thái ngữ.

Được mọi người gọi là "Ông Già" một cách thân mến, ông McCarthy, trong buổi tiếp xúc tại văn phòng đài VOA, đã chỉ một bản tin bằng chữ Thái trên bàn, cười bảo đùa:

"Tôi thường nói với mọi người, tôi là người lý tưởng trong công việc tại đây, vì tôi không nói được cả hai ngôn ngữ này."

Hiện nay chương trình Việt ngữ thu thanh vào buổi sáng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ do bà Huyền Trang chủ biên, và buổi chiều do ông Lê Văn phụ trách. Ngoài ra, ban biên tập buổi sáng còn có thêm một số chương trình vào lúc trưa do ông Nguyễn Hữu Trí, cựu giáo sư đại học Vạn Hạnh thực hiện.

BA CHƯƠNG TRÌNH KHÁC NHAU

Theo bà Huyền Trang thì ba chương trình hoàn toàn khác nhau. Chương trình thu vào buổi sáng sẽ được phát vào buổi tối, nên có tính cách nhẹ nhàng hơn chương trình thu vào buổi chiều phát vào buổi sáng khởi đầu ngày.

Chương trình bà Huyền Trang phụ trách khởi đầu bằng 11 phút tin tức, sau đó có ba phần. Phần thời sự có một đề tài về Việt Nam, do biên tập viên chọn và viết từ tin tức của các hãng thông tấn ngoại quốc hoặc trên Internet. Sau đó là một bài hát. Tiếp đến là Americana, tức là sinh hoạt, đời sống tại Hoa kỳ, và những bài chính trị hay thời sự trong ngày. Mỗi ngày chọn một đề tài khác nhau. Thí dụ như: thứ hai có mục thể thao, thứ ba y tế, thứ tư điện toán, thứ năm không gian và khoa học, thứ sáu có âm nhạc và phụ nữ...

Khi được hỏi thính giả trong nước thích những đề tài gì, Huyền Trang, một biên tập viên kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm tại đài VOA, chớp mắt vui vẻ trả lời:

"Qua thư từ chúng tôi nhận được, thính giả tại Việt Nam thích tin tức quốc tế, chương trình dạy Anh văn, và âm nhạc."

Ban biên tập buổi sáng còn có Ngọc Lan, một giọng nói truyền cảm trên 30 năm của đài, Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Thiên Ân từng cộng tác với BBC, Chu Văn Hải, Minh Phượng, Nguyễn Đình Vinh, Nông Thị Chuyên.

CẢI TIẾN CHƯƠNG TRÌNH

Được biết đài VOA có thông tín viên khắp nơi trên thế giới, và số thông tín viên địa phương thay đổi tùy theo ngân sách; khi cần thiết Quốc hội sẽ gia tăng để đáp ứng với số giờ. Vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, như trước 30-4-1975 một năm, có lúc mỗi ngày đài VOA phát thanh đến 7 tiếng.

Gần đây, theo Lê Văn, với chương trình cải tiến các buổi phát thanh về Việt Nam, đài VOA đã liên tục gởi thông tín viên Ngọc Hoán và Minh Phượng về nước, mỗi chuyến kéo dài trong vòng 5 tháng. Riêng Lê Văn, tuy không được cấp giấy vào Việt Nam, ông cũng đã công tác tại nhiều nước Á châu khác, trong đó có Cao miên.

Được hỏi về chuyến đi này, Lê Văn nói: “Lúc đó, người Việt Nam bị tàn sát ở vùng Biển Hồ, Cao miên. Có đêm cả làng chài lưới mấy trăm người bị ’cáp duồn’ chết hết. Hàng chục ngàn người bỏ chạy về nước, nhưng lính biên phòng Việt Nam lại không cho họ vào vì không có quốc tịch Việt. Việc này đã gây chấn động trên thế giới. Sau đó, nhờ sự can thiệp của LHQ, họ mới được trở về nơi sinh sống với nỗi lo âu phập phồng không biết tương lai sẽ ra sao.”

Theo ông Lê Văn, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có thêm hai văn phòng; một ở Tokyo để lấy tin tại Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc; và một trụ sở lớn ở Bangkok, Thái lan, chuyên theo dõi diễn biến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt-Miên-Lào.

BẮC MỘT NHỊP CẦU

Lê Văn cho biết, cũng như nhiều người Việt khác, sau năm 1975, ông rất đau buồn nghĩ rằng “Mất Sàigòn là mất luôn". Trong khi nhạc sĩ Nam Lộc viết bài "Sàigòn Vĩnh Biệt", thì nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác "Trên Đường Tạm Dung" và nhiều bài khác. Khi thấy hầu hết các ca nhạc sĩ đều ra đi trong đợt đầu, Lê Văn lo rằng đồng bào mình bị "mất hết vốn liếng âm nhạc". Với những tình cảm và suy tư trên, Lê Văn muốn làm công việc "bắc một nhịp cầu", gởi về nước tiếng hát của các ca sĩ, qua những bản nhạc mới sáng tác của các nhạc sĩ tài danh. Với chương trình "Âm nhạc Việt Nam ở Hải ngoại" do Lê Văn đề nghị, thính giả tại Việt Nam không mất liên lạc với những người họ mến mộ, vẫn nghe giọng ca tiếng nói, biết các cảm nghĩ suy tư của các nghệ sĩ lưu vong.

Lê Văn, một nhân viên kỳ cựu của đài VOA từ thuở còn là sinh viên năm 1964, cho biết: “Khởi đầu, vì muốn bảo vệ cho những người muốn liên lạc, chúng tôi có phổ biến Hộp thơ Vô danh 66 Hong Kong". Lấy mảnh giấy bằng ba ngón tay từ một chồng thư trên bàn, ông bảo, "Sau khi phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Hồ, một thính giả ái mộ đã nhờ tôi trao giùm lá thư nhỏ bé này."

Qua hộp thư, thính giả còn nhờ tìm thân nhân, chuyển thư đến các cơ quan thiện nguyện, hoặc góp ý xây dựng chương trình, hỏi về các chính sách của Hoa kỳ, chương trình đoàn tụ, chương trình HO... Để đáp ứng các nhu cầu trên, phóng viên của đài VOA đã phỏng vấn trực tiếp các giới chức có thẩm quyền, hầu giải đáp các thắc mắc trong ngoài nước.

Chương trình buổi chiều hàng ngày dài 60 phút, đặt nặng về các thời sự hoặc các mục tường trình tại chỗ của các thông tín viên vào giờ chót, như kết quả các cuộc bầu cử địa phương.

Cũng như chương trình buổi sáng, các buổi phát thanh buổi chiều cũng có sự đóng góp của nhiều cây bút đầy kinh nghiệm như Bùi Bảo Trúc, thường xuất hiện trên báo Người Việt với Lá Thư Hoa Thịnh Đốn; Trần Nam, Nguyễn Sơn, Phương Lan, Đặng Trần Lê, Hạ Đức Kiêm, vân vân...

CHƯƠNG TRÌNH NHẸ NHÀNG

Chương trình nhẹ nhàng văn nghệ của đài VOA được phát thanh vào 10 giờ đêm, người phụ trách là Nguyễn Văn, tức Nguyễn Hữu Trí, tác giả tập truyện Thằng Ngọ.

Theo Nguyễn Văn, ngoài phần tin tức thường lệ, chương trình có những tiết mục thay đổi trong tuần. Thứ hai mục Á châu Thái Bình dương tóm lược tin phổ biến trong tuần qua. Thứ Ba mục Đọc Truyện do Thái Hà phụ trách. Thái Hà là tiếng nói thân thuộc của chương trình Hội thoại Phụ nữ do bà phụ trách nhiều năm qua trên làn sóng đài phát thanh Little Saigon. Thái Hà tức là nhà văn nữ Bùi Bích Hà, được độc giả ái mộ qua mục Tâm tình trên báo Người Việt, tác giả tập truyện Buổi Sáng Một Mình, Bạn Gái Nhỏ To. Đêm thứ tư là chương trình Âm Nhạc Việt Nam Hải ngoại cho Lê Văn thực hiện. Thứ năm là phần Phỏng vấn Người Việt tại Hải ngoại, phụ trách bởi Nguyễn Nam Anh, tức nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng. Thứ sáu là chương trình Thơ Nhạc, phụ trách bởi Bích Huyền, tác giả Lối Cũ Sao Quên. Bích Huyền là một ký giả năng động, thường viết về các đề tài xã hội, giáo dục, thiện nguyện.

Nguyễn Văn còn cho biết, Ban Việt ngữ đài VOA có các thông tín viên ở nhiều nước, như Tô Hà Giang ở Nga; Vân Trang ở Tiệp; Phan Ngọc ở Pháp; Thanh Phương ở San Jose; Nguyễn Huỳnh Châu, Houston Texas; Việt Tiến, Toronto Canada; và nhạc sĩ Trường Kỳ phụ trách Chương trình Nhạc Trẻ ở Montreal, Canada.

24-3-97 - 7:30 giờ sáng

Để cho nước mắt ngừng rơi, tôi chỉ còn cách cầm bút lên viết. Kể từ ngày hôm qua, tôi quyết định, dù bận rộn cách mấy, mỗi sáng sẽ phải lạy Phật và ngồi thiền như lúc trước, chứ không vì công việc mà nhiều lúc đến tận khuya hay sáng sớm mà cứ mải lo làm, xao nhãng việc tu tập.

Sáng hôm qua, thay vì viết bài báo cho sinh viên Long Beach, tôi lại lo viết thơ cho chú Minh. Sáng nay, thay vì viết về đài Á Châu Tự Do, tôi lại ngồi thiền. Nếu không cầm bút lên, thì tôi không biết sẽ khóc đến khi nào mớt ngưng được. Nước mắt cứ tuôn tràn khi tôi đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Tôi lặp lại mãi câu chú cuối cùng:

"Yết đế yết đế. Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế. Bồ đề tát bà ha".

Không có giấy, không có khăn, tôi lau mặt, lau mũi bằng hai tay áo và vạt áo tràng. Tôi nhận thấy vạt áo có nhiều vệt trắng khô, dấu vết để lại của những dòng nước mắt trước đây. Mỗi lần đọc Tâm Kinh, nước mắt tôi cứ rơi không ngừng. Nhất là sau khi xa vắng không tụng một thời gian dài.

Ngọn nến trên bàn thờ cháy chỉ còn phân nửa, nhang đã tàn rụi từ lâu, nắng ấm mùa xuân lùa vào ngập tràn từ khung cửa sổ, rọi sáng giấy bút và mấy hàng chữ tôi đang vội vàng ghi xuống.

Ngoài kia, bên sân vườn hàng xóm, những cây chuối cây mía lá khô úa vì vừa qua một mùa đông. Bên vườn nhà tôi, lá non và nụ hồng vừa mới đâm chồi nảy lộc, hứa hẹn một mùa xuân mới tràn trề sức sống.

Tôi cầu nguyện cho tâm lực mình mạnh mẽ, khả năng phát triển theo cấp số nhân, để có đủ sức đóng góp cho Đạo và Tổ quốc Việt Nam. Như tôi đã từng nói lên tâm nguyện trên đài VOA, tôi nguyện cố gắng, tận lực, làm hết sức mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880