Dưới chân Tour Eiffel, 4:30 giờ chiều.
Tài và Cường đang đi thang máy lên xem Tour Eiffel. Tài chỉ lên tầng thấp nhất, tốn 20 franc, còn Cường lên tầng cao nhất, tốn 55 franc. Đoạn giữa giá 35 franc. Tôi không muốn lên vì đã đến đây lần thứ ba. Lần nhì khi qua tranh đấu cho thuyền nhân, đêm cuối cùng được các anh em trong Tổng hội Sinh viên Paris đưa đi chơi một vòng, có đến khu Saint-Germain, nơi các nghệ sĩ ngồi đàn hát và các họa sĩ ngồi vẽ.
Lúc trên máy bay xuống, tôi bảo thích nhất là đến Paris. Cường hỏi tại sao. Tôi nói vì mẹ học trường Pháp ở Miên và Việt Nam, nên bị ảnh hưởng văn hóa Pháp ít nhiều. Nhất là âm thanh của ngôn ngữ này nghe quen tai và hiểu được. Tiếng Tiệp nghe buồn, tiếng Đức nặng, còn tiếng Pháp nghe hay như chim hót.
Tôi ngồi nơi băng gỗ. Trời Paris chiều thu phơn phớt nắng, gió thổi mạnh mát lạnh. Du khách nói đủ thứ tiếng, chim đi xen với người, chúng dạn dĩ vì thường được du khách cho ăn.
Lúc nãy tôi mua một số thiệp định gởi bạn bè và gia đình. 2 franc một cái nhỏ; loại lớn như khổ hình 8x10 giá 11 franc có cả bao thư. Hình Tour Eiffel dài cỡ 1 tấc rưỡi giá 115 franc. Lúc nãy Tài đổi tiền tại phi trường bị anh Đinh Hùng rầy vì mắc quá, 1 mỹ kim đổi 4.73 franc; trong khi đó anh nói ở chợ Tàu đổi được 5 franc, còn đến ngân hàng đổi trên 5 franc. Các đồ gắn chìa khóa kỷ niệm có hình Tour Eiffel giá 28 franc, tức là trên 5 mỹ kim.
Bảo tàng viện Louvres - 15-9-95
Chúng tôi đứng trong một Kim tự tháp bằng kiếng. Bảo tàng viện Louvres thay đổi quá nhiều so với năm 1984, lần đầu tiên tôi được đến viếng. Khác với lần trước ở tại Paris, lần này chúng tôi ở nhà anh Đinh Hùng ở ngoại ô. Anh Hùng cũng là bạn học với Tài tại Chính trị Kinh doanh Đà lạt. Phía sau nhà anh Hùng là một khu rừng và một con suối nho nhỏ thơ mộng. Nhưng chúng tôi và anh đều buồn, vì thiếu Lily, vợ anh, đã mất vì bệnh ung thư cách đây một năm. Thiếu mẹ nên Coco, con anh, bắt đầu quên bớt tiếng Việt Nam.
Sáng nay Coco đưa chúng tôi đến bến xe lửa ga Sucy-Bonneuil đổi chuyến xe đi thẳng đến bảo tàng viện Louvres. Từ nhà ga dưới mặt đất có đường đi thẳng vào khu thương mại rất lớn, dính liền với bảo tàng viện.
Vào bảo tàng viện bằng metro dưới đường hầm tiện lợi hơn đến bằng xe bus hoặc xe hơi trên đất liền, vì khỏi phải xếp hàng vào kim tự tháp bằng kiếng, sau đó lại phải đi thang máy xuống dưới mặt đất để mua vé vào cửa.
Anh Hùng bảo nếu muốn xem cho hết phải đi cả ngày, nên chúng tôi phải chọn nơi nào thích nhất để xem. Cường bảo thích xem tranh Mona Lisa (La Joconde) của Leonardo da Vinci, và tượng nữ thần Venus (Venus de Milo). Cường thích các bức tranh của những danh họa Ý quá, Cường cứ ghé sát mặt xem kỹ các bức tranh, rồi bảo, “Họ vẽ đẹp và hoàn hảo quá.” Tôi chỉ nhìn hình ảnh phụ nữ rồi bảo Cường là nét đẹp phụ nữ ngày xưa phải bầu bĩnh, tròn trịa, đầy đặn mới đẹp, chứ không phải gầy ốm thon nhỏ như ngày nay.
Ngay khu thương mại trong bảo tàng viện có một tiệm bán dĩa nhạc đủ loại nhạc Pháp. Tôi cố ý tìm đôi ca sĩ thần tượng của tôi hồi thời con gái theo trung học Marie Curie. Hồi đó trong phòng tôi có treo trên vách một tấm poster lớn hình của cặp Sylvie Vartan và Johnny Hallyday. Sau này nghe nói hai người ấy ly dị, tôi cũng buồn.
Halliday có vẻ vẫn còn nổi tiếng tại Pháp với nhiều video, CD, và một hàng dài đủ loại băng cassette. Có một số bản nhạc của Halliday mà ngày xưa tôi chưa biết như: Je suis victime de lamour (Tôi là nạn nhân của tình yêu), Est-ce que tu me veux encore? (Em còn muốn có anh không?), vân vân...
Sylvie Vartan cũng có CD mới, có hình để tóc dài. Các bản mới của cô như: Je pense encore à toi (Em vẫn còn nghĩ đến anh), Lamour cest aimer la vie (Tình yêu là yêu đời). Các bản nhạc cũ vẫn còn thu chung trong dĩa mới như: Quand le film est triste (Khi phim buồn), Le loco-motion (Chuyển động), vân vân... Có một CD vẫn còn mang hình của chàng và nàng tên: Les tendres années (Những năm êm đềm).
Còn nhiều ca sĩ ruột của tôi ngày xưa như Dalida, Yves Montand, Enrico Macias. Có một CD của Francoise Hardy mới vẫn còn hai bản mà ngày xưa tôi mê thích là: Le temps de lamour (Mùa tình yêu) và Mon amie la rose (Bạn tôi hoa hồng).
Tối nay chúng tôi sẽ đến quán Bình Minh ở Chợ Tàu, nơi các anh em thuộc Tổng hội Sinh viên Paris hay đến ca hát tập họp vào mỗi đêm thứ sáu.
18-9-95
Còn một ngày nữa chúng tôi sẽ trở về California. Chúng tôi ngồi đợi xe metro ở Sucy-Bonneuil để vào Paris. Nguyệt bảo tối qua đọc quyển Cô bé làng Hòa Hảo đến 1:00 giờ sáng. Rồi cả đêm Nguyệt nằm chiêm bao thấy toàn là chuyện trong sách của tôi. Nguyệt bảo bao nhiêu kỷ niệm của hai đứa hiện ra trong đầu Nguyệt, khiến Nguyệt cứ thức dậy bao lần nghĩ đến.
Lúc ở Cao miên, ba tôi có phần hùn trong công ty SOCFECT, và ba Nguyệt làm thơ ký trong hãng. Tôi và Nguyệt trở thành bạn thân, và học cùng trường. Phi Long, hôn phu của Nguyệt, cũng học tại trường Lycée Descartes.
Tôi bảo Nguyệt lúc Phi Long và Nguyệt chạy loạn từ Cao miên về Việt Nam, tôi có nghe tâm sự của Nguyệt, và viết cho báo Chính Luận bài “Tâm sự cô gái Việt trên xứ Miên.” Nhiều người đọc cảm động, và tưởng tôi là cô gái trong câu chuyện. Nguyệt thích quá và tò mò bảo tôi về phải gởi điện thư cho Nguyệt đọc.
Sáng qua, Long rước tôi về nhà, trong khi anh Tài và Cường đi họp hội Cựu Sinh viên Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, chuẩn bị tiệc họp mặt vào tháng tới. Anh Hùng làm giám đốc và có phần hùn trong một công ty du lịch Pháp-Việt Nam. Phi Long và Nguyệt làm việc cho công ty thực phẩm gia súc hiệu “Con gà.” Nguyệt lo bộ phận mua bán cùng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mỗi lần khách hàng ở Việt Nam trả tiền chậm trễ, Nguyệt hay bị mắng vốn là Việt Nam của “vous” làm việc vậy đó!
Chiều hôm qua, Long đưa chúng tôi đi viếng thánh đường Notre-Dame de Paris. Thánh đường đang chỉnh trang, chúng tôi mua một số áo thun T-shirt có in hình Paris để làm quà, cứ phải tìm số Extra Large với hai chữ XX, vì các anh Mỹ trong công ty nhà đều to quá. Số X-Large của Pháp vẫn còn nhỏ. Giá cả ở đây khá cao, một ly kem ở góc đường giá đến 10 mỹ kim, một ly bia 8 mỹ kim, và khách được ngồi vỉa hè nhìn du khách tứ xứ đổ về đi qua lại trước mắt.
Nguyệt và tôi đi dài dài vào các tiệm, mua sắm ít quà cho mẹ và má chồng tôi. Khăn vuông đội đầu bằng hàng polyester mỏng có in hình Tour Eiffel giá 50 franc tức 10 mỹ kim, khăn vuông nhỏ 15 franc, khăn dài quấn cổ giá 35 franc. Tôi mua áo T-shirt cho hai cháu ngoại nuôi, giá mỗi cái 50 franc.
Ban đêm cũng như ban ngày tại Paris tấp nập người đi phố, đi ăn, đi dạo. Họ sống bên ngoài nhiều hơn trong nhà. Khi đến tiệm, họ dùng đủ các món ăn, từ khai vị, món chánh, tráng miệng, mỗi món khẩu phần tương đối nhỏ vừa đủ ăn. Họ uống nhiều thứ rượu khác nhau trong bữa ăn, rượu khai vị, rượu cho món thịt, món cá... thường là rượu nho. Ăn rồi còn uống cà phê, trà... Ở Mỹ, tuy thực đơn cũng thế, nhưng ít ai ăn đủ bộ, vì phần ăn lớn hơn nhiều, nhất là món thịt bò bít tết hoặc đút lò, nguyên một miếng to tướng cả cân anh, còn thêm súp, sà lách, khoai tây, bánh mì, vân vân... Tôi chỉ ăn nổi phân nửa phần ăn, lúc nào cũng phải mang về nhà. Ở Mỹ việc chia nhau thức ăn hoặc mang thức còn dư “left-over” về nhà là chuyện thường, ngay cả trong nhà hàng lớn; nhưng tại Pháp không ai làm việc đó, bốn người đi ăn gọi đủ bốn phần, còn dư thì bỏ. Tiền ăn có tính tiền phục vụ trong đó, nhưng luôn luôn phải cho thêm tiền tip, gọi là “pourboire.” Đi taxi hay bất cứ dịch vụ khách hàng nào cũng phải cho “pourboire,” hay tiền “tip”.
Trên không trung từ Paris về Los Angeles - 19-9-95
Máy bay rời phi trường Charles de Gaulle vào khoảng 4:00 giờ chiều tại Paris, thứ ba 19-9-95, về đến Los Angeles cũng thứ ba 19-9-95,lúc 6:00 giờ chiều. Chúng tôi sẽ có một ngày dài vì 3:00 giờ chiều là 7:00 giờ sáng tại California.
Tôi quyến luyến Paris nên tối qua ăn cơm xong tại Montmartre cạnh nhà thờ Sacre-Coeur de Paris, tôi vẫn còn chưa muốn về. Anh Hùng đưa chúng tôi đến viếng khu Quartier Latin, nơi có nhiều sinh viên vì gần các trường đại học. Các tiệm ăn dài theo các con hẻm nhỏ có nhiều thực đơn rẻ hơn các nơi khác, chỉ khoảng 50 franc.
Sáng nay, Nguyệt điện thoại cho tôi hay đã tìm được các bức ảnh ngày xưa của hai đứa lúc ở Cao miên. Tôi cũng nói chuyện điện thoại cùng chị Quản Mỹ Lan nhóm Thông Luận, và tiếc rằng không có thì giờ phỏng vấn chị. Chị bảo anh chị làm sao là CS được mà vẫn bị chụp mũ. Chị cho biết có làm truyền hình tại Paris, làm cho đài Radio VOA, và hiện làm cho đài truyền hình Úc châu.
Mission Viejo - 22-9-95
Cuộc đời tôi sẽ vô nghĩa nếu không có sự tỉnh thức. Thiếu tỉnh thức tôi sẽ bị lôi cuốn vào sự bất định, chạy theo những gì đang xảy ra chung quanh, cộng đồng tôi, tôn giáo tôi...
Những xấp báo đầy ắp, thơ từ khắp nơi gởi về, thêm những cuốn sách của độc giả gởi tặng trao đổi, băng thu âm những bài trong Cô bé làng Hòa Hảo của Thy Lan... Tất cả đều quan trọng như nhau, nhất là thư từ trại tị nạn của đồng đạo Nguyễn Tấn Lợi trong tù Sikiew. Lợi cho biết 200 mỹ kim của gia đình chúng tôi gởi, nếu chia đều thì mỗi người được một... “chén cơm.” Vì tôi không nói rõ là cho đồng đạo hay đồng bào, nên Lợi vẫn còn giữ nguyên số tiền.
Ôi thật là những tấm lòng trong sạch quý báu. Thư gởi từ tháng 7-95, đến vào tháng 8, và nay là cuối tháng 9 mà số tiền vẫn còn giữ nguyên trong khi mọi người đang tuyệt thực, không nhận gạo từ Cao ủy, vì không chấp nhận bị cưỡng bách hồi hương.
Đó là việc tôi phải giải quyết trước nhất, trả lời thư và gởi thêm tiền vào Ủy ban Liên Tôn để mua thuốc men cho đồng bào đang đau ốm và tuyệt thực. Tôi sẽ gởi các bài báo viết về Hội nghị Praha và sẽ khuyên nếu muốn tranh đấu cho quê hương, cho đồng bào, và đồng đạo thì phải trở về Việt Nam. Định mạng của dân tộc chỉ ở trong tay những người trong nước chứ không ở những tổ chức la hét kêu gào ở hải ngoại.
4-10-95
Mấy hôm nay tôi nghe nhiều băng thuyết giảng Kinh Phật tại chùa Diệu Pháp và chùa Viên Thông. Cuối tuần rồi tôi cùng Thùy Trang, con gái nuôi, đến chùa Viên Thông, thầy Thích Thông Niệm biếu một số băng thuyết pháp.
Tôi đang nghe Bồ Đề Hành Kinh đến đoạn giảng về ngày vía Đức Quan Thế Âm Bồ-tát. Hôm đó thầy PCT giảng luôn giờ của đại đức Thích Minh Dung vì thầy Minh Dung bận đi họp ở Hội đồng Liên Tôn tại Hội quán Phật giáo Hòa Hảo ở Santa Ana. Tôi còn nhớ hôm đó có biếu sách và nói cùng thầy Minh Dung là đọc sách xong sẽ khám phá ra “ni cô Huỳnh Mai.”
Chắc ai nghe tôi xưng “ni cô” cũng buồn cười, vì ni cô sao lại có gia đình? Trong băng thầy có nói “chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng nhiều khi chiếc áo cũng giúp cho mình nhiều.” Tôi chợt nhận ra, mình đang mặc, và thường thích mặc, bộ đồ vạt mẻ nâu (hơi giống áo tràng, gài một bên, nhưng ngắn) của mẹ gởi may từ Việt Nam. Tôi có hai bộ màu nâu và lam, và cả hai áo tràng cùng màu, để khoác thêm mỗi lần đi lạy Phật. Khi ở nhà một mình, tôi cũng mặc như vậy luôn luôn, và cảm thấy bình an chẳng khác nào mình đang ở chùa. Cũng đi cúng lạy Phật, đọc kinh, ra sân sau thắp nhang nơi bàn thông thiên, đi dọn hoa, quét lá, vân vân... thật chẳng khác gì một ni cô.
California mùa này thật nóng, trên 95 độ là thường. Thời tiết lộn xộn bất thường, vì bầu khí quyển thay đổi. Lúc này nhà thật vắng vẻ, cả hai đứa nhỏ đều đi học. Cường thì học UCSD ở San Diego, còn Thịnh đã chuyển về học đại học Long Beach, nơi tôi học ngày xưa. Thịnh mê lịch sử nên học Chính trị học và Hành chánh. Hè rồi học chữ Việt, và khóa này học về Chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Tôi lắng nghe đoạn băng giảng về nhẫn nhục và chịu đau khổ. Lại nghĩ đến thân phận của mình. Mỗi lần sắp đi xa, làm việc gì quan trọng, đều bị rải thơ rơi. Trước khi đi Đông Âu cũng thế, khi về cũng thế, khi sắp đi chuyến kế tiếp này cũng thế.
Tôi chép ra đoạn băng giảng tại chùa Diệu Pháp, do cô trưởng lớp đọc trong Kinh Quan Thế Âm, để suy gẫm thêm:
Kệ I: Sau khi có được nhẫn nhục, hành giả phải trau dồi sức tinh tấn, bởi vì quả bồ đề thành hay không là tùy sự tinh tấn. Không có tinh tấn thì không có công đức nào thành tựu, cũng như không có gió thì không có sự di động nào cả.
Kệ II: Thế nào là tinh tấn?
- Đó là siêng năng.
- Ngược lại với tinh tấn là gì?
- Là lười biếng, chán nản, thích tạo ác, không tin tưởng chính mình.
Sau đó là ba bản dịch của học giả Pháp về kiên nhẫn và tinh tấn:
Bản Một: Khi chúng ta có được sự kiên nhẫn thì chúng ta phải trau dồi, rèn luyện về sự tinh tấn. Bởi vì sự giác ngộ chỉ ở nơi kẻ đầy tinh thần tinh tấn, giống như không có gió thì không có sự di chuyển, và công đức sẽ không được tăng trưởng nếu không có sự tinh tấn.
Thế nào là tinh tấn? Tinh tấn là say mê, hăng hái làm việc thiện.
Những đặc tính trái ngược như thế nào? Là đeo say mê, níu vào cái xấu, dính líu với điều bất thiện, chán nản, khinh bỉ chính bản thân mình.
Bản Hai: Sau khi kiên nhẫn, chúng ta phải trở nên anh hùng, vì sự giác ngộ chỉ đạt được khi chúng ta hùng mạnh. Không có sức mạnh thì không có công đức, cũng như không có gió thì không có cử động.
Thế nào là sức mạnh? Đó là sự cố gắng nỗ lực một cách thích ứng.
Đối nghịch lại với sức mạnh? Đó là sự lười biếng, giãi đãi, đeo níu, đam mê vào những việc đáng khinh bỉ, tuyệt vọng, thất vọng và tự khinh mình.
Bản Ba: Đã gỡ thoát được kiên nhẫn thì chúng ta phải khai triển sự hào hứng, hăng hái, vì sự giác ngộ chỉ lưu trú nơi những kẻ nào đã tự nỗ lực cố gắng, cũng như không có sự chuyển động, di động, nếu không có gió. Và công đức không thể nào xuất hiện được nếu không có sự hăng say hào hứng.
Thế nào là hào hứng. Đó là tìm cái vui trong điều thiện, trọn vẹn, trong sạch, tốt, lành mạnh.
Sự đối nghịch của nó là gì? Đó là sự lười biếng và bị lôi cuốn vào cái xấu và tự khinh bỉ mình vì buồn bã.
Tôi thích nhất là bản dịch thứ nhì nói về sức mạnh tâm thức sau khi kiên nhẫn đau khổ và chịu đựng. Có lẽ cũng nhờ đó mà tôi “dám” ra sách, bằng không chắc nó sẽ trở thành “Bà lão làng Hòa Hảo” và bản thảo để cho mọt ăn dần.
Tôi phải cám ơn những người đã khuyến khích và đẩy tôi ra trận. Dù sao thì cũng đã quen bị đả kích và thơ rơi liên miên. Bài giảng còn nói là đừng thù oán và trả thù hận, để cho tan nghiệp quả.