Quyết định mới, phương tiện mới: Internet

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31799)
Quyết định mới, phương tiện mới: Internet

20-6-95

Hôm nay cảnh vật đẹp lạ thường. Tôi ngồi cạnh cửa sổ câu lạc bộ nhìn xuống đồi. Bãi đậu xe còn trống. Những dãy đậu xe trên lưng chừng dọc theo sườn đồi đã có vài chiếc đến chiếm ngự. Nơi đó tôi thường đậu hướng về mặt trời mỗi buổi sáng để khép mắt tịnh tâm, hay trải dài tâm tư.

Cảnh vật như hiện rõ ba chiều chứ không có vẻ bằng phẳng như những buổi có nhiều mù sương hay mây mờ u ám. Mây che mặt trời nhưng vẫn có ánh nắng lọt qua những nơi mây mỏng khiến cho cảnh vật tuy hiện rõ mà vẫn không chói chang. Những chóp núi, những đọt cây ngời sáng, tương phản với những thung lũng và những chòm cây phía thấp, nơi ánh sáng đến ít.

Hôm qua, khi nghĩ đến việc sẽ đưa tập san Đuốc Từ Bi lên hệ thống điện toán Internet, lòng tôi rộn rã một niềm vui. Một nguồn sinh lực mới tràn ngập cả châu thân.

Thứ sáu tuần rồi tôi ra công ty lo bài vở và thư từ (tràn ngập). Tôi dự định ghi danh vào America-on-line như Thanh Thu, nhưng tôi quên đem giấy tờ của máy điện toán theo nên Thu nói chờ tuần tới, vì mỗi ngày tôi đi học chỉ còn thứ sáu mới ra hãng được thôi.

Thanh Thu lấy tên trên E-mail (Electronic Mail - điện thư) để nhận và gởi thư là Blue-Falls. Thu hỏi tôi muốn lấy tên gì, tôi bảo tên pghh (Phật giáo Hòa Hảo).

Tối chủ nhật, linh mục Trần Công Nghị gọi đến khen buổi Đại lễ diễn ra quá tốt đẹp, thức ăn ngon. Linh mục cũng nói, nhờ có dịp ngồi lại với nhau trong Hội đồng Hợp tác các Tôn giáo mà ngày nay các tôn giáo hiểu nhau và biết thêm những giáo lý cao siêu ngoài tôn giáo mình, và cũng nhờ vậy không xa cách cùng các tôn giáo khác.

Tôi nói với linh mục về dự định vào America-on-line, thì ông đưa ý kiến vào Inter-com. Hệ thống này dễ hơn, và có nhiều tổ chức Việt Nam vào, chính ông cũng lên báo Công giáo vào đầu tháng 7-95. Chương trình này mỗi tháng còn 40 giờ miễn phí, và mỗi đêm miễn phí từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Ông dặn tôi đến luật sư Phạm Văn Phổ hỏi thăm chi tiết.

Tối hôm qua, tôi cũng vui vì Thịnh đi học tiếng Việt ở Orange Coast Community College với giáo sư Võ Kim Sơn. Bà còn tình nguyện dạy lớp tiếng Việt ở đại học Fullerton, vì họ không có ngân quỹ. Tôi nhờ Thịnh gởi sách biếu bà, và xin gặp bà để phỏng vấn.

Cường cũng dự định trọn năm tới sẽ học ba khóa chữ Việt tại đại học UCSD ở San Diego. Cường bảo học chữ Việt Cường dễ hiểu hơn chữ Tây ban nha. Vậy là uổng công Cường học Tây ban nha từ trung học đệ nhất cấp và 4 năm tại trung học.

22-6-95

Tôi vừa mới nghe tiếng của ông Nguyễn Hộ qua radio trên xe do đài Little Saigon chuyển vận đài BBC Luân đôn. Ông Nguyễn Hộ, cựu chủ tịch Câu lạc bộ Kháng chiến ở Việt Nam, cho biết có thể ông sẽ bị nhà nước Hà nội bắt lại lần thứ ba. Nếu lần này bị bắt, chắc ông không sống được. Tôi nghe nhói tim gan.

Ông Nguyễn Hộ cho biết, hai ông Đỗ Trung Hiếu và Đoàn Minh Chính cũng đã bị bắt. CS xét nhà hôm 13-6, đưa họ về sở Công an, đến 14-6 đưa họ về nhà, và nghe công an đọc bản án tại nhà. Ông Hiếu bị đưa ra Hà nội, còn ông Chính bị đưa ra ngoại ô chớ không phải ở bộ Nội vụ. Họ mang tội “chống lại chủ nghĩa cộng sản”.

Trên đường lái xe đến trường, tôi nhớ lại hôm đến báo Người Việt đưa hình ảnh và bài phát biểu cảm tưởng nhân ngày Đại lễ 18-5. Anh N.X.H. muốn phỏng vấn cảm tưởng của tôi nhân dịp sắp có bang giao Mỹ-Việt. Tôi nghĩ nếu có phát biểu, tôi sẽ nói là, đối với tôi bang giao hay không chẳng quan trọng, vì Việt Nam chắc chắn phải thay đổi trong những ngày rất gần.
Lòng dân là lòng trời, và rất nhiều người Việt Nam yêu nước muốn phục vụ tổ quốc, dù có theo chủ nghĩa CS, cũng đã thức tỉnh; họ sẽ là thành phần chủ lực trong việc lật đổ hoặc đổi thay chế độ hiện tại.

Trưa hôm qua, tôi và Thu đến dự buổi tiếp tân của đài VNCR (Vietnam Cali Radio) ở trụ sở hội VAALA, cũng là tòa soạn Thế kỷ 21. Đinh Quang Anh Thái mời chị Kiều Chinh tài tử điện ảnh, luật sư Trần Thái Văn và tôi vào phòng thu để phỏng vấn.

Tôi phát biểu cảm tưởng, “Vườn hoa Truyền thông Việt Nam đến hồi nở rộ, và mừng có thêm một cơ quan truyền thông phục vụ cộng đồng. Tôi nghĩ phát thanh rất có hiệu quả vì mau chóng và trực tiếp, tạo sự cảm thông nhờ giọng nói của xướng ngôn viên đến cùng thính giả.”

Nếu có nhiều giờ hơn tôi muốn nói thêm đoạn: “Vì truyền thanh có hiệu quả, tạo ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, nên người làm truyền thanh phải hết sức thận trọng, tin tức phải chính xác, nhất là không nên tạo ảnh hưởng không tốt đối với một cá nhân nào khi mình chưa hiểu rõ vấn đề, hoặc dù cho hiểu rõ cũng không nên đả kích cá nhân. Chỉ nên phổ biến tin tức hơn là lèo lái tin tức hay tạo tác ảnh hưởng khiến cho thính giả phải nghĩ theo mình. Đúng ra chỉ nên phổ biến nguồn tin, rồi để cho thính giả tự xét đoán chứ đừng bóp méo sự thật.”

Tôi đã nhận lời cùng Câu lạc bộ Bách Việt, trong chương trình giáo dục văn hóa lịch sử tôn giáo cho thanh niên, tôi sẽ đảm nhận dạy viết tin và viết bài tường thuật cho các em. Tôi sẽ hướng dẫn cách ghi chú, sắp xếp ý tưởng, và cách viết phóng sự hay; sao cho khi khóa học kết thúc, họ sẽ hấp thụ được một số dữ kiện có ích cho việc học hỏi trong tương lai, không tan theo mây gió. Nhóm này phần đông các em là con của cựu tù nhân chính trị mới qua Mỹ, đứng đầu là Nguyên Phương.
Tôi cũng đang làm cố vấn cho nhóm thanh niên Về Nguồn, gồm các em thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, chuẩn bị cho một buổi đại nhạc hội Về Nguồn, cùng hát những bài ca dân tộc.

Cuối tuần này, Tài, Thịnh và tôi sẽ đến ra phi trường đón Quân, con của một người bạn từ Pháp sang chơi, về nhà làm bạn với Thịnh. Thịnh có vẻ rất vui.

27-6-95
Tôi đọc lớn bằng tiếng Pháp về “Những điều giảng dạy sơ đẳng cho người học Phật giáo” trích từ Tiểu sử và Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Tôi hỏi Quân có mệt không, Quân nói có, nhưng giải thích chỉ vì tập thể dục quá nhiều với Cường tối qua tại Holiday Spa.
Quân đang xem tivi trên lầu lúc tôi gọi xuống nhà giúp tôi học tiếng Pháp, như Quân đã hứa. Khi chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn, tôi giải thích lý do tôi muốn đọc quyển sách cũ này, là vì tôi muốn đưa nó lên Internet bằng ba thứ tiếng Việt-Anh-Pháp, trên hệ thống Viet-net với khoảng 20.000 độc giả Việt Nam trẻ tuổi khắp thế giới tìm xem hàng ngày.

Khi tôi đọc đến Tứ Ân, Quân bảo đồng ý với ân tổ tiên cha mẹ, nhưng không đồng ý với ân đất nước, có lẽ vì cậu sanh ra và lớn lên ở Pháp, chỉ nói tiếng Pháp và Anh ngữ. Tôi bảo Quân điều này có giải thích trong sách, và tôi đọc lại:

"ÂN ĐẤT NƯỚC: Sanh ra ta phải nhờ Tổ tiên cha mẹ, sống ta cũng phải nhờ đất nước quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

“Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến nỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

“Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.”
Tôi không đọc đoạn Ân Tam Bảo: Phật Pháp Tăng, vì hơi khó đối với Quân. Tôi đọc một đoạn trong đệ tứ Ân, đó là Ân đồng bào và nhân loại cho Quân nghe.

“ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI: Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh, và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

“Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn, họ cùng chịu với ta.
“Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.”

10-7-97

Tôi giữ lại những e-mail đầu tiên để kỷ niệm:

(chuyển ngữ từ Anh văn)

Subj: Đi Nam Dương
Date: 95-07-07 18:26:59 EDT
From: BLUEFALLS57
To: BPSOS

Hello em thân,
Chị vừa nói cùng Thanh Thu là không ngờ em thật kiên trì trong vấn đề thuyền nhân. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Sikiew, Thái Lan, vừa cử hành Đại lễ ở trại A1 và A2. Theo thư mới nhất của họ, mà chị nhận được hôm nay, thì chúng ta có thể gởi tiền hoặc thư qua cha Peter Surin Prasomphol, P.O. Box 220 Nakorn Ratchasima 3000 Thailand.

Về trường hợp ông Thiệu ở Houston, Texas. Chị vừa mới nói chuyện cùng ông ấy. Ông đã gởi tất cả tin tức đến Tòa Đại sứ Indonesia một tuần trước. Ông Thiệu còn nói là muốn chờ cho họ tìm đến trước. OK? Nhưng chị đoán chắc em không có sự lựa chọn.

Chị Huỳnh Mai

Subj: Đi Nam Dương
Date: 95-07-09 10:43:22 EDT
From: BPSOS
To: BLUEFALLS57

Hello chị Huỳnh Mai
Wow! Ghê thật. Chị đã đi vào niên kỷ điện toán. Welcome to Internet.

Xin tiếp tục làm việc cùng ông Thiệu và theo đuổi vấn đề đó. Indonesia không chịu tìm đến trước đâu, trừ phi ông Thiệu có chiêu gì đó độc đáo lắm trong tay áo. (Tiếng Việt còn nói là: nằm chờ sung rụng). Chúng ta cần phải khởi động và làm áp lực từ mọi hướng đến Indonesia.

Em cũng không chắc là có kiên trì hay không. Ngoài ra, đó là vấn đề đạo đức. Mỗi cuộc sống đều có giá trị và đều tuyệt vời. Tự chính nó đã chứa cả một vũ trụ. Chúng ta không thể nào để nó bị hủy hoại. Tuy nhiên, em có thể cảm thấy niềm đau của người khác, và em không thể không cố làm giảm bớt cơn đau này.

Chân thành,
Em Thắng của chị

24-7-95

Khóa hè gần xong. Dolores vừa cho bài thi văn phạm thử; nhưng tôi chưa có thì giờ làm.

Cuối tuần lúc nào cũng bận rộn. Thứ sáu tôi phải đến văn phòng để Thanh Thu huấn luyện cho cách sử dụng America-on-line hầu gởi E-mail; vì máy điện toán của tôi bị hư phải gởi về hãng ở Texas sửa.

Tôi tháp tùng phái đoàn Liên Tôn Việt Nam tại Hoa kỳ đi dự tang lễ của Thượng tọa Thích Thiện Thanh ở Long Beach; trong khi Tài đại diện cho PGHH miền Nam Cali. Thầy Thích Thiện Thanh là một vị cao tăng nổi tiếng uyên bác về Phật học, du học nhiều năm ở Ấn độ, từng giảng dạy tại các đại học Mỹ.
Sau đó, chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật cho mẹ tôi vào chiều thứ bảy tại nhà Thanh Thu, nơi đó tôi bỏ chút thì giờ ra tập dùng Internet để thông tin cùng thế giới. Tôi đã gởi thư cảm ơn đến Trung tâm PEN Hoa kỳ về bức thư của họ gởi cho Thủ tướng Đỗ Mười can thiệp cho giáo sư Đoàn Viết Hoạt đang bị cầm tù tại Hà nội.

Chủ nhật hai vợ chồng tôi viếng chùa Diệu Pháp ở Monterey Park và dùng cơm chay. Trên đường về chúng tôi đến hiệu sách Bodhi Tree ở West Hollywood. Tôi rất thích đến đó và mua rất nhiều sách. Tôi có cảm tưởng cần phải đọc lại nhiều về Krishnamurti. Tôi nhớ lần đầu tiên tiếp xúc cùng ông ấy qua quyển “Nhật ký cuối cùng” của ông viết năm 1981. Tôi muốn đọc lại Krishnamurti, vì ông ta đã nói đến các đề tài liên hệ đến các khó khăn chủ yếu nội tại và xã hội như: sợ hãi, sống và chết, bạo lực...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880