Thuyền nhân tự sát tập thể

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 33694)
Thuyền nhân tự sát tập thể

10-5-96

Những chóp núi cao xa tít trắng xóa dưới ánh nắng chói chang của buổi sáng bước sang mùa hè. Tôi nhìn vẻ trầm tĩnh hùng vĩ của dãy núi để bình tâm. Tôi cùng núi đều im lặng. Nhưng tâm tôi thì sao?

Việc gì đến phải đến. Tất cả đều xáo trộn biến chuyển vào những giờ phút sau cùng cho sự chuyển hóa. Cuộc đổi thay lịch sử nào cũng có tang thương, đau đớn, có máu và nước mắt. Chỉ có khác là bối cảnh.

Hai mươi mốt năm trước, các đài phát thanh hải ngoại thông báo những cuộc rút lui của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Có bản tin thông báo sau cuộc thoái bộ, có tin thông báo trước, hay có những cuộc rút lui chạy tháo dở sống dở chết bởi các bản tin.

Thơ từ trại Thái lan, anh Lê Văn Nho, hội trưởng ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo / Sikiew cho biết tất cả các đài VOA, BBC, Diễn đàn Dân chủ, Chân Trời mới... đều thông báo các bản tin về người tị nạn bị cưỡng bách hồi hương, và chính sách của Hoa kỳ về việc tái phỏng vấn cho những người hồi hương đoàn tụ sang Hoa kỳ...

Hôm qua, đại diện cộng đồng người Việt Nam Cali đã đến gặp các viên chức Tòa Lãnh sự Mã lai Á tại Los Angeles nhằm phản đối chính sách tàn bạo đối với thuyền nhân bị giam giữ tại trại Sungei Besi.

Phái đoàn đã được ông S. Thuraisingam tiếp xúc. Ông này cho biết ông Tổng lãnh sự không thể tiếp phái đoàn, và cũng đã từ chối đề nghị về vấn đề tình hình ở trại, viện lý do không có thẩm quyền giải quyết. Dù vậy, phái đoàn vẫn không nản chí, đã tìm cách nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp của vấn đề thuyền nhân tại Mã lai Á. Các đại diện đoàn thể trong phái đoàn, luật sư Nguyễn Quốc Lân, cô Phượng Fabre và anh Nguyễn Luân, ban điều hành LAVAS, em tôi Nguyễn Thanh Thu, đại diện Phật giáo Hòa Hảo, đều cố gắng đưa ra các ý kiến về vấn đề thuyền nhân và chương trình mới ROVR của Hoa kỳ, đề nghị Mã lai Á cứu xét và lưu ý đến vấn đề nhân đạo; đồng thời cho biết cộng đồng Việt Nam không muốn tạo cuộc biểu tình lớn cho nên chỉ có phái đoàn đại biểu đến mà thôi. Ông Thuraisingam cho biết sẽ đệ trình tất cả văn bản thỉnh nguyện thư do ông nhận từ phái đoàn lên ông Tổng lãnh sự và xếp đặt một cuộc họp khác.

Sáng hôm nay, ký giả Maggie Farley, báo Los Angeles Times, cho biết có 200 thuyền nhân tại Trại Bạc Đầu thoát chạy vào núi sau khi nổi lửa đốt văn phòng chính có chứa hồ sơ của trại. Một số lính bị những người ở lại giữ làm con tin.

Cảnh sát Hong Kong đến, bắn 500 lựu đạn cay vào trại, và thuyền nhân ném đá ra chống cự. Buổi trưa có 55 người chạy thoát vào làng bị bắt trở lại, và các nhân viên trại được giải thoát đưa vào bệnh viện trị liệu. Theo ký giả Maggie Farley, có người đã ở trong các trại cấm này hơn mười năm.

Đó là phản ứng của kẻ tuyệt vọng, nhất là bị buộc phải trở về với chế độ độc tài. Tuần rồi, báo Mỹ lại tràn đầy hình ảnh một bà mẹ Việt Nam định bế con nhảy xuống biển. Bà ngất xỉu khi cảnh sát tước đoạt đứa con của bà. Rồi tin 25 người khác tự sát khi bị lính Mã lai lùa lên tàu để về Việt Nam.

Có ai mà không muốn sống nơi quê hương mình, nếu nơi đó có an lành, có tự do dân chủ, đừng nói chi đến cơm no áo ấm.

Sáng nay trên đường lái xe đến trường, tôi tự nhắc nhở mình về những gì đã viết trong đoạn cuối Cô bé làng Hòa Hảo: "Muốn xây dựng lại Việt Nam phải có cái nhìn xa và dài. Những người muốn làm việc phải chuẩn bị khởi công xây dựng. Muốn xây dựng phải có hành trang bằng kỹ thuật, giáo dục, tư tưởng, tinh thần và thể xác. Muốn xây dựng phải có sự quyết tâm dù khó khăn cũng không tháo lui, dù biết khó thành công cũng phải bắt tay chứ không lựa chọn những gì dễ làm, dễ thành công, còn việc khó lại tránh né. Khi đã biết việc gì phải làm, nên làm và quyết định thực hiện, thì dù cho khó đến đâu cũng không thối lui. Tôi đã tâm niệm cho dù còn một người trong trại tị nạn tôi cũng không bỏ cuộc. Ánh sáng của lịch sử sớm hay muộn cũng sẽ chứng minh cho lẽ phải".

17-5-96

Má chồng tôi qua đoàn tụ tháng 10-1989 trước khi ba tôi mất hai tháng. Vậy mà đã bảy năm qua. Bà thích đọc báo và nghe radio suốt ngày, có khi cả ban đêm. Bà biết hết tên các xướng ngôn viên. Dạo này nhiều đài quá nên bà nói không nhớ hết tên, chỉ nhớ Little Saigon; đài "Xi-A gì đó”, tức đài VNCR của báo Người Việt và Thế Kỷ 21; và đài Hải Ngoại tức "Saigon Radio Hải ngoại".

Mấy hôm nay, buổi tối khi vợ chồng tôi dùng cơm, bà hay ngồi nói chuyện về tình hình Việt Nam trước Đại hội Đảng. Bà nói họ cho người trẻ lên thế người già. Bà nói chuyện các cán bộ cao cấp tham nhũng vân vân... Bà xem phóng sự truyền hình tang lễ Hùng Cường và kể lại có khoảng 500 người đưa tiễn ông, với các nhân vật như Kiều Chinh, Lê Bá Chư... cô Mai Lệ Huyền khóc nhiều, rồi ông Việt Hùng hát vọng cổ tiễn bạn, còn thầy Thích Minh Mẫn chủ lễ...

Nghệ sĩ Hùng Cường là một tài danh tân cổ nhạc của Việt Nam, một thời chinh phục con tim của hàng triệu khán giả tại Việt Nam trước 1975, nhất là khán giả cải lương yêu chuộng tài ca diễn của cặp tài danh Hùng Cường - Bạch Tuyết. Hùng Cường còn ca tân nhạc rất hay, từng đoạt giải thưởng ngay trước cả khi bước lên sân khấu cải lương, và nổi nhất là các màn song ca cặp cùng Mai Lệ Huyền trong các bản nhạc dành cho lính. Thời gian qua Mỹ, Hùng Cường còn làm nhiều thơ tranh đấu, dưới bút hiệu là Nhất Quốc Tâm, và là một khuôn mặt tích cực của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Ông mắc bệnh nặng từ nhiều năm qua, phải mổ nhiều lần ở bệnh viện, và sau cùng đã vĩnh viễn ra đi, để lại trong lòng người mộ điệu nhiều luyến tiếc.

Hôm trước Nguyễn Đình Thắng từ Washington D.C. qua, Nguyễn Quốc Lân họp một số người quan tâm đến tình hình người tị nạn cùng ngồi lại với nhau để tìm phương thức tiếp tục làm việc với tất cả những gì liệu có thể thực hiện cho thuyền nhân.

Tình hình tổng quát là Cao ủy Tị nạn sẽ rút lui, các quốc gia có trại tị nạn sẽ hành xử riêng rẽ và thời điểm 1-7-1996 là mùa tranh cử ráo riết ở Hoa kỳ. Chính quyền sẽ không muốn thấy các cuộc cưỡng bách thuyền nhân đẩm máu trong một chương trình tị nạn có sự lãnh đạo của Hoa kỳ.

Mọi người tìm kế hoạch tổng hợp như: chận việc cưỡng bách hồi hương, vận động giải pháp hậu CPA (Comprehensive Plan for Action = Chương trình Hành động Toàn diện), và can thiệp các hồ sơ "mạnh".

Về việc chặn cưỡng bách hồi hương thì quá trễ đối với Mã lai Á vì họ đã chở thuyền nhân về mấy đợt rồi, chỉ còn đủ thời gian gấp rút phát động chiến dịch gửi thỉnh nguyện thư và bưu thiếp; cũng như tiếp xúc với tòa lãnh sự Thái lan và Nam dương; kêu gọi mọi người tẩy chai các hãng hàng không hợp tác với chương trình cưỡng bách hồi hương; tạo áp lực cho chính phủ Hong Kong qua các vụ kiện của LAVAS, Pam Baker, Lawyers for Refugees...

Về giải pháp hậu CPA thì mọi người cố vận động Hoa kỳ tái xét hồ sơ ở các trại tị nạn và xin định cư trực tiếp từ trại hơn là về Việt Nam; tiếp tục đăng thư ngỏ trên các báo lớn Hoa kỳ; lập phái đoàn vận động Quốc hội, đặc biệt là dân biểu Berman vốn có ảnh hưởng với Bộ Ngoại giao Hoa kỳ; vận động sự lên tiếng của Giáo hội Công giáo vân vân...

Cuối cùng là vấn đề can thiệp cho các hồ sơ đoàn tụ gia đình, các hồ sơ bị hồi hương qua ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees = Cơ hội Định cư cho Người Việt Hồi hương); kiểm tra việc thực hiện ROVR qua cuộc điều tra của GAO (General Accounting Office = Văn phòng Tổng Quản lý). Ngoài ra còn cần vận động Quốc hội Hoa kỳ chuyển các hồ sơ mạnh cho Cao ủy Tị nạn để tái xét. Trong thời gian tái xét thì Cao ủy đương nhiên phải bảo vệ không để cho các đương sự bị cưỡng bách hồi hương.

Một tham dự viên cho rằng chính phủ Mỹ sợ dư luận, nhưng cộng đồng Việt Nam đòi hỏi nhiều lại tham dự ít trong việc bỏ phiếu, vì thế tiếng nói của mình không gây ảnh hưởng nhiều cho việc can thiệp thuyền nhân.

6-6-96

Chỉ còn hơn ba tuần là đến ngày đại lễ 18-5, và cũng là những ngày quan trọng của Việt Nam: Đại hội đảng cộng sản. Báo Người Việt loan tin nơi trang nhất “Hà nội ngưng cấp chiếu khán vào Việt Nam trong tháng Sáu".

Tin Đào Duy Tùng đang bị hôn mê do triệu chứng "tai biến mạch máu não" được loan truyền trong giới Trung ương đảng tại Hà nội. Nguyên do là hôm Hội nghị lần thứ mười, Bộ Chính trị đã giới thiệu và bầu thử các thành viên trong Bộ, ông chỉ đạt được 1/10 trong tổng số các ủy viên Trung ương Đảng hiện diện.

Tại Hong kong vào ngày 4-6-96, báo chí loan tải nguồn tin về việc Bắc kinh cho Hong Kong thỉnh một Phật tích quý báu. Đó là Răng của Đức Phật, một Xá lợi vô cùng quý báu, đã được phụng thờ trong một ngôi cổ tự ở Bắc kinh, sẽ được thỉnh sang Hong kong trưng bày cho Phật tử chiêm bái, hầu đánh dấu ngày Hong kong được chuyển giao cho Trung quốc vào năm 1997.

Cũng trong ngày 4-6-97, dân Hong kong và Macau đã cử hành lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ đàn áp phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ tại quãng trường Thiên an môn, Bắc kinh.

Trên trang nhất hôm nay, báo Người Việt đã loan tin một chuyển biến quan trọng trong giới truyền thông người Việt Nam tị nạn: "Người Việt Nam khắp thế giới đều được nghe chương trình phát thanh VNCR". Kể từ sáng thứ hai, chương trình phát thanh VNCR (Viet Nam California Radio) bắt đầu trực tiếp phát trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Khán thính giả vừa nghe vừa đọc và xem hình ảnh trên màn hình.

Hiện nay chỉ có các hãng truyền thông lớn ở Hoa kỳ như ABC, CBS, NBC, CNN và hai đài phát thanh lớn là Net.Radio của IBM ở Minnesota và một ở Florida là áp dụng kỹ thuật mới này.

Nhiều báo của người Việt Nam đăng tải tin nữ tài tử Kiều Chinh vừa đoạt giải lớn nhất của ngành truyền hình Mỹ, đó là giải "Emmy Award" với phóng sự truyền hình tiểu sử về đời lưu vong và trở về thăm nhà của cô, qua phim “Chuyến Về Thăm Nhà" do cô thủ vai chính. Phim này do Patrick Perey sản xuất cho hãng truyền hình Fox, băng tần 11 tại Los Angeles, California.

17-6-96

Sáng nay trước khi đi họp tại Hội quán để chuẩn bị Đại lễ 18-5, và Đại hội các Trưởng lão về việc thành lập Viện Nghiên cứu Giáo lý Phật giáo Hòa Hảo, tôi đọc điện thư, và chuyển gấp qua Úc châu, Hiệp Hội người Việt tại Nhật và một số bạn bè có lòng, nhờ tiếp tay.

Trước nhất là thỉnh nguyện thư cho ông Birabhongse Kasemsri, bí thư của quốc vương Bhumibol Adulyadej ở Bangkok, Thái lan. Thư yêu cầu đừng cưỡng bách hồi hương vì Hoa kỳ đã cho phép một số gia đình được đoàn tụ thẳng từ trại tị nạn Thái lan và một số gia đình tự nguyện hồi hương. Xin quốc vương nới rộng thời hạn, cho phép người tị nạn ở lại qua ngày 30-6-96, như chính phủ Phi Luật tân đã cho phép.

Qua bản tin của Nguyễn Đình Thắng, giám đốc Cơ quan Giúp Người Vượt biển ngày 16-5-1996, thì có mấy chục thuyền nhân ở Mã lai tự sát tập thể, trong đó có một người chết là ông Phan Tồn, MC 518.031, cựu trung sĩ hải quân VNCH, đã chết trên chiếc tàu cưỡng bách hồi hương. Trong cuộc biểu tình năm 1995, ông đã tuyệt thực hai tháng và tự sát, nhưng được cứu sống.

Một bản tin khẩn khác của BPSOS thì sau khi đồng ý với Hội đồng Giám mục là tạm ngưng kế hoạch cưỡng bách hồi hương thì chính quyền Phi Luật tân đã gửi mật lệnh xuống cho Bộ Tư lệnh miền Tây (Wescom) để chuẩn bị kế hoạch bố ráp và cưỡng bách hồi hương. Theo như họ dự định, quân đội sẽ mai phục sẵn ở Wescom, chờ thời điểm hành động. Khi được lệnh, họ sẽ bao vây trại Palawan và bắt toàn bộ thuyền nhân về tập trung tại Wescom. Trại Palawan sẽ được san bằng lập tức. Tại trại tập trung, thuyền nhân sẽ được chia làm ba thành phần như sau:

- Những người đồng ý ghi danh tự nguyện hồi hương sẽ được chuyên chở bằng máy bay với sự đài thọ của Cao ủy Tị nạn.

- Những ai không ghi danh sẽ bị chở bằng tàu thủy cưỡng bách hồi hương.

- Những ai chưa có tên trong danh sách được về Việt Nam sẽ bị giam giữ cho đến khi Việt Nam chấp nhận cho hồi hương.

Ngày hôm nay, Wescom bắt đầu thương lượng với một hãng tàu tại địa phương để mướn sẵn hai tàu thủy. Hôm qua 18-5, lính Phi Luật tân đã vào đóng trong trại, mục đích là để áp tải những người tình nguyện ghi danh hồi hương lên máy bay vào cuối tháng 5, để tránh tình trạng họ rút tên vào giờ phút chót.

Hiện Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đang làm việc ráo riết với các dân biểu, nghị sĩ, các hội Cựu Chiến binh Hoa kỳ để vận động cùng Tổng thống Phi. Ủy ban kêu gọi cộng đồng người Việt tị nạn khắp nên tích cực lên tiếng cùng Tổng thống Phi Luật tân trong thời gian ông đang lấy quyết định tối hậu về số phận của thuyền nhân Việt Nam tại Phi.

Tôi làm việc như máy, không biết có còn chút kết quả mong manh nào không, trước một vấn đề hầu như sắp vượt ngoài tầm tay với. Trong ký ức của tôi, hình ảnh các bàn tay nhỏ bé của các em bé ngơ ngác, rách rưới, bơ phờ tại các trại tị nạn đang giơ lên, sau các hàng rào kẽm gai. Mắt tôi nóng bừng...

Một điều tôi đã nghĩ ra khiến tôi không thể nào ngưng bỏ cuộc. Cuộc tranh đấu cho người tị nạn không phải là kết thúc, là thua cuộc, với sự cưỡng bách hồi hương và đóng cửa hết tất cả trại tị nạn. Đồng bào sau khi bị cưỡng bách hồi hương, đã về nước, vẫn còn cần bàn tay tiếp sức tranh đấu, tiếp nối và rọi sáng lý tưởng của họ đã hy sinh tất cả để bỏ nước ra đi. Đó là cuộc tranh đấu cho nhân quyền, nhân phẩm của tất cả mọi người Việt Nam còn bị kèm kẹp trong chế độ độc tài đã gây sự chán ghét cho nhân dân. Các tổ chức tranh đấu của chúng ta phải tiếp tục hoạt động, nhắm vào các cơ quan quốc tế liên quan đến việc vận động cho người tị nạn và bảo vệ nhân quyền. Công việc làm quả thật còn quá nhiều. Con đường vẫn còn dài đăng đẳng trước mắt.

 

 

 

 

 

 

THƯ KHẨN TỪ CÁC TRẠI TỊ NẠN

Thư Nguyễn Đắc Thắng - Mã Lai Á

MC 445011, ID 163911

Sungei Besi Camp - Malaysia

Sungei Besi ngày 30-3-96

Kính gởi cô Huỳnh Mai

Sau khi lùa hết đồng bào ra khỏi trại họ lục soát đồ đạc cá nhân, muốn tịch thu món gì tùy ý họ, dù là đồ MRCS cấp phát. Buộc chụp hình từng người. Bắt các lãnh tụ phong trào đấu tranh đòi quyền tỵ nạn, lãnh tụ các đảng phái (HĐVNTD, Dân Xã đảng, Quốc Dân đảng). Cảnh bắt bớ đánh đập tàn nhẫn xảy ra hàng ngày. Tất cả phải sống cảnh màn trời chiếu đất không cho về Longhouse đến nay hơn 2 tháng đồng bào chịu biết bao nhiêu khổ cực, tủi nhục vì sự hành hạ của đơn vị giữ an ninh (cảnh sát) Mã Lai. Họ trả thù hoặc làm nhục mình với bất cứ vấn đề gì nếu họ muốn. Nửa tháng đầu mọi người bị nhiều khủng hoảng dưới nhiều hình thức. Bắt bớ, đánh đập, giam cầm. Sự làm nhục của giới chức Mã Lai nhằm mục đích khiến đồng bào lo sợ, khủng hoảng mà đăng ký hồi hương trốn thoát cảnh đọa đày, dù họ rất đau khổ khi liều sống chết chạy trốn CSVN trong 7 năm trời mà giờ phải đầu hàng sự đàn áp, khủng bố, đánh đập của giới chức đảm trách cưỡng bức thuyền nhân hồi hương.

Đến nay khoảng 2000 thuyền nhân đã đăng ký hồi hương, gần 3000 người có list ORP (ra về có trật tự) do bộ nội vụ VN chấp nhận cho nhập cư. Đó là cơ sở để giới chức Mã Lai hành hạ cưỡng bức thuyền nhân dưới nhiều hình thức. Ngày 14-3-96 một giới chức cao cấp Mã Lai Ishamel gọi một số đồng bào có list ORP chính ông đã đánh đập để bắt buộc người ta ký tên tự nguyện hồi hương. Ông đe dọa rằng nếu không ký tên sẽ bị nhốt monkey house (nhà tù gọi là "chuồng khỉ" của trại) và dùng nhiều hình thức bó buộc (đánh đập) đến khi nào đăng ký mới được nhẹ nhàng thân xác. Hiện nay số đăng ký hơn 1000 và số người có list ORP còn khoảng hơn 500, khoảng 700 người chưa có list ORP, đặc biệt các tỉnh và TPHCM đều có mà tỉnh An giang thì chưa ai có list ORP. Nghe tin cố vấn MRCS cho biết 20-4-96 sẽ đưa chuyến đầu tiên bằng tàu khoảng 250 người theo kế hoạch sắp xếp của Cao ủy đưa người hồi hương với hai bản đăng ký là về bằng máy bay hoặc bằng tàu.

Mọi người đang hoang mang và chờ đợi giai đoạn cuối cùng. Thà chịu đánh chịu nhục lúc nầy còn hơn đăng ký trở về với CS. Tất cả radio, cassette bị tịch thu nên đồng bào rất mong tin tức ở hải ngoại để biết số phận mình ra sao để quyết định. Sự mong chờ dự luật của Quốc hội Mỹ về thuyền nhân quá mỏng manh vì sự thúc ép của Cao ủy và chánh quyền sở tại càng ngày càng thêm khẩn cấp. Họ áp dụng nhiều biện pháp rất tinh vi mà không ai lường trước được. Trễ nhất là cuối tháng 6 này tất cả thuyền nhân bị buộc rời khỏi đất Mã Lai. Mong cô và các đồng đạo quan tâm đến người tỵ nạn cho lời khuyên, cũng như những tin tức cần thiết có liên quan đến số phận người tỵ nạn kém may mắn còn kẹt tại các trại ĐNA. Tất cả các nhà thờ, chùa chiền đều bị ngăn cách không còn tín đồ đến nơi được nên chỉ cầu nguyện trong lòng. Sắp đến ngày lễ Đức Thầy Thọ Nạn mà anh em không họp mặt được ở văn phòng Giáo hội thật đau lòng, giống cảnh sống ở Việt Nam mà tôn giáo mình bị đàn áp thẳng tay dưới mọi hình thức.

Chúc cô cùng quý đồng đạo và gia đình được vạn an.

Thân mến

Thắng

P.S.: Các tín đồ mong cô cho biết tin gấp.

Thư Huỳnh Văn Lành - Mã Lai Á

MC 414004, ID 164352

Sungei Besi Camp - Malaysia

Sungei Besi 12-02-1996

Kính gởi: Cô Huỳnh Mai

Cuộc biểu tình ngày 23/1/95 đến ngày 10/8/95 thì bị cảnh sát Mã Lai dẹp vô Long House và rào từng khu, nhưng đồng bào ở đây vẫn tiếp tục làm bàn thờ Tổ Quốc và tiếp tục cho đến ngày 18/1/96 thì bị cảnh sát dùng lực lượng đặc biệt dẹp biểu tình vô trại lúc 4 giờ sáng đồng bào chống cự đến 10 giờ lại ngưng và đến 12 giờ lại tiếp tục cho đến 2 giờ thì cảnh sát vào trại lùa đồng bào ra khỏi trại, ở khu vực nhà bếp và trường học cũ, lớp ở ngoài sân, sau khi đó bắt khoản 120 người đánh đập bắt phải đăng ký, và sau đó đồng bào quá khủng hoảng tiếp tục đăng ký khoản 1300 còn riêng tín đồ Hòa Hảo đã bị bắt 2 em ở đoàn thanh niên còn lại thì vẫn bình yên và hiện nay thì chưa ai đăng ký hết, và đang bị nguy cơ trả về Việt Nam trong vòng trật tự, và khi ra khỏi Long House thì nhà bị cháy 2 Long House nên không còn gì. Và nay chúng tôi biên thư này xin ý kiến của cô và cô cũng rộng lượng giúp đỡ chúng tôi số tiền để tiêu xài trong lúc nầy đang gặp khó khăn, còn phần Giáo Hội cũng đều bị như nhau. Còn riêng Cao Đài và Phật Giáo nằm ngoài khu vực không bị thiệt hại gì cả. Thưa cô, ở bên đó chắc cô cũng nghe đài nói về trại Sungei Besi hôm ngày 18 rồi, nay biên ít hàng cô rõ không dám biên rõ ràng và nhiều mong cô thông cảm cho.

Cuối thư, chúng tôi xin cầu chúc cô, cô Thanh Thu cùng đồng đạo hưởng một mùa xuân vạn sự như ý.

Huỳnh Văn Lành

 

Thư Nguyễn Văn Thao - Hong Kong

VRD 232/90 F/N: 3551

D1/G/16A D.C. Tai A Chau - Hong Kong

Hong Kong 22-5-1996

Chị Huỳnh Mai kính mến,

Nhận "Đuốc Từ Bi" rất vui. Bọn em cám ơn chị quan tâm đến. Thưa chị, Hong Kong đang ráo riết cưỡng bức... khó thoát! Một số nhà văn, thơ đã bị khiêng về Việt Nam.

Vì hoàn cảnh khẩn cấp, Bảo Nguyên và Khải Hoàn đã thư kêu cứu đến nhiều nơi... kết quả không thấy gì.

Chị có cần giấy tờ để tiện cho việc can thiệp từ bên ngoài không tin cho bọn em biết. Tất cả thuyền nhân đang trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Đọc "Đuốc Từ Bi" cho em nhận thấy, hiểu thêm về Phật giáo Hòa Hảo... (Nhiều người còn rất mù mờ về Phật giáo Hòa Hảo vì tuyên truyền của Việt cộng). Em đang tìm xem ai ở trong trại theo PGHH để tặng và cho địa chỉ “Đuốc Từ Bi".

Thảo Nguyên quê nội ở Bến Tre. Hiện nay ba em đang sống tại Bến Tre. Nhưng do hoàn cảnh phân ly, em không biết nhiều về quê nội, thật đáng tiếc. (Nếu bị cưỡng bức, em về Bến Tre sống).

Đồng bằng sông Cửu Long - em luôn mơ về thăm... chỉ trong mơ. Qua anh Vi An được liên lạc cùng chị, thật quý hóa. Một niềm tin cho bọn em... Trong thời buổi này kiếm người cùng chí hướng, tâm huyết cho quê hương thật khó (tâm huyết thật sự).

Quá bận, lo lắng, thư cầu cứu khắp nơi... Sắp tới em sẽ góp bài cho Đuốc Từ Bi... thêm tình thân hữu.

Em luôn cầu nguyện... cầu nguyện cho bản thân, cho quê hương và thuyền nhân cuối mùa... Hy vọng ngày mai tốt đẹp.

Xin dừng. Kính chúc chị, ban biên tập Đuốc Từ Bi truyền đạt thông tin tư tưởng Đức Huỳnh Giáo chủ soi sáng về Việt Nam - xóa sạch lũ vô thần. Xin xiết chặt tay chị.

Thân kính

Thảo Nguyên

TB. Chị cho bọn em xin tập Hồi ký "CÔ BÉ LÀNG HÒA HẢO" và bút ký của chị. Nếu được. Cám ơn!

 

Thư Huỳnh Văn Đền - Nam Dương

Gereja Presbeteryan Iln Bakar Batu N. 6-7

Tanjung Pinang 29112 - Indonesia

Tanjung Pinang ngày 25/2/96

Kính gởi Cô Nguyễn Huỳnh Mai

Thưa Cô.

Tôi đã nhận được lá thư của cô đề ngày 30/1/96 và một chèque 400. Thật may thư đến vào ngày 25 Tết, tôi có đủ thời gian để chuẩn bị cho đồng đạo ở Tanjung Pinang và ở trại Galang đón mừng Xuân mới trong hoàn cảnh của mình. Tôi đã xét theo từng đồng đạo một trong hoàn cảnh khó khăn nhất là bệnh trạng khá nặng như Nguyễn Hồng Quang là chánh thư ký BTS Galang đã bị bệnh phổi hiện đang điều trị tại bệnh viện Galang II, và hôm nay tôi cũng vừa nhận được thư báo đồng đạo Phan Minh Thuấn AS 185038 boot KW-0323 đã bị bệnh phổi rất trầm trọng đang nằm bệnh viện Galang II. Trong những hoàn cảnh trên số tiền cô gởi đổi thành tiền Indo là 735.000 RP, đã chi cho những đồng đạo khó khăn, lập thành danh sách kèm theo để cô được rõ.

Thưa cô số tiền GH Hoa kỳ đã cho còn tồn lại 20.000 RP đã chi Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ tại trại Lembaga Tahanan Pinang 25-11 Ất Hợi.

Kính thưa cô Nguyễn Huỳnh Mai, một nắm khi đói bằng một gói khi no. Chúng tôi mong được phát huy nền đạo PGHH mà Đức Thầy đã khai sáng lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới để khỏi phụ công Đức Thầy chỉ bảo, mới xứng đáng là một tín đồ trung kiên giữ Đạo chờ Thầy. Thưa cô nhân ngày đầu Xuân Bính Tý, chúng tôi kính chúc thân mẫu của cô bá niên trường thọ, gia quyến vạn sự an lành.

Cố vấn BTS: Nguyễn Thành Tân

TM BTS và đồng đạo -

Hội Trưởng: Huỳnh Văn Đền

TN Long Vân PGHH -

Đoàn Trưởng: Trương Văn Chiến

Thư Lê Văn Nho - Thái Lan

PST 5097 House C-9

PO Box 1302 Bangkok 10501

Sikiew 22/4/96

Kính gởi Chị Mai

Thưa Chị! Trước tình hình bế tắt của đồng bào tỵ nạn hiện nay. Hôm qua, Hai Joe đã kêu tôi lên làm việc suốt 2 giờ liền, đại ý cho tôi biết rằng ít ngày tới đây sẽ cưỡng bức hồi hương thuyền nhân khu A (1180 người).

Qua thời gian chất vấn, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị điều tra nhiều nhứt. Theo sự nhận xét của tôi, Thái Lan đang chuẩn bị đưa đồng bào khu A về Việt Nam. Hết A rồi đến B và C theo chương trình ORP. Hai trại B và C sẽ nhẹ hơn, chung quy phải về đến Việt Nam hết để dẹp trại. Cũng có một lý do khác là Thái Lan thực hiện trễ hơn Malaysia cho nên từ đây đến 30/6/96 có lẽ không thực hiện được, sau 30/6 chắc chắn còn người ở trại. Ngoại trừ có những biện pháp mạnh mẽ hơn do sự thúc giục từ Cao ủy Tỵ nạn UNHCR.

Thưa chị! Tinh thần ở trại rất sa sút, đồng đạo, đồng bào mình ai cũng lo âu cho số phận khi phải đối phó với CS khi đặt chân đến quê nhà. Tôi đã báo cho Lợi việc này rồi chị ạ. Qua lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy ra đi 25/2 AL. Chúng tôi tổ chức đơn giản nhưng chu đáo, uy nghiêm, sau 10 ngày xin phép mới được chấp thuận, có sự hiện diện của đầy đủ quan khách và đồng đạo.

Sau cuộc lễ thì quỹ điều hành cũng cạn, sự giúp đỡ xã hội mấy tháng nay cũng khá, vì trong đồng đạo có nhiều người đau và sinh nở, chúng tôi đều có đến tặng quà cáp, an ủi trong bệnh xá hoặc tại nhà. Chúng tôi cũng không biết quyết định ra sao? Có nên khuyên ai về ai ở hay không? Chắc là không dám khuyên rồi chị ạ! Ở được lúc nào thì ở... Chứ không có can đảm đăng ký hồi hương. Lúc này đồng bào cũng đang trông ngóng công bố chung của Hoa kỳ về người tỵ nạn Việt Nam (nghe các đài nói là cuối 4/96) để họ tự quyết định.

Kính lời thăm chị và gia đình được khỏe, tu hành tấn tới và thành công trên đường phục vụ đạo pháp.

Kính chào chị

Lê Văn Nho

Hội trưởng BTS/PGHH/Khu B

Thái Lan 19-5-96

Chị Mai kính mến!

Chúng tôi rất cám ơn chị cùng quý đồng đạo hội đoàn hải ngoại đã ra sức đấu tranh cho người tỵ nạn trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên thế giới đã ngoảnh mặt và sẽ kết thúc thảm cảnh tỵ nạn một cách đau buồn đầy nước mắt.

Thưa chị! Chính phủ Mỹ đưa ra chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees) sẽ cứu vớt một ít người đủ tiêu chuẩn đã đặt chúng tôi vào một thế thật khó xử: về cũng khó mà ở lại càng khó hơn. Anh em Ban trị sự có họp bàn khai triển vấn đề này, ở lại cũng không được bao lâu vì ngày dẹp trại cũng sắp đến, chương trình ROVR là cơ hội chót cho người tỵ nạn còn kẹt ở trại. Nên tôi quyết định trở về Việt Nam vào 19-6-96 này. Liều mạng mà trở về chứ tôi cũng biết nhiều khó khăn nguy hiểm cho cá nhân tôi!!!

Mọi việc ở Hội quán tôi sẽ bàn giao cho người ở lại, và tiếp tục sinh hoạt giáo sự cho đến ngày cuối.

Riêng về tình hình Thái Lan sẽ xúc tiến cưỡng bức hồi hương số người khu A một ngày gần đây chị ạ! Họ điều nghiên kỹ lưỡng. Hôm qua có Không lực Hoàng gia Thái Lan đến họp. Có lẽ họ cho A về bằng Hàng không Quân sự.

Vài hàng kính chúc chị và quý quyến an khang được hạnh lành của Thầy Tổ.

Kính chào chị

Lê Văn Nho

 

Thư Nguyễn Văn Rao - Thái Lan

PST #3369 HOUSE C1 THAI RED CROSS SOCIETY

P.O. Box 1302 Bangkok 10.501 Thailand

Khu A biệt giam, ngày 17/4/1996

Kính chị Nguyễn Huỳnh Mai - Hoa kỳ

Kính chị!

BTS/GH/PGHH Khu A biệt giam đã tổ chức thành công tốt đẹp buổi lễ kỷ niệm năm thứ 49 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đi 25/2 AL năm Bính Tý (nhằm ngày 12/4/1996). Trong ngày lễ này có khoảng hơn 90 người về tham dự (quan khách và tín đồ) và 24 học viên của 2 lớp Giáo lý Trẻ em và Thanh niên. Buổi lễ có trao giải thưởng xuất sắc và khuyến khích cho các học viên hai lớp.

Như chúng tôi đã báo cáo đến chị trước, chương trình giáo lý đã được duy trì và tổ chức khảo sát hai ngày 22, 23/2 al (trước lễ 25/2 al hai ngày). Và trong những ngày tới đây, chắc sẽ có nhiều biến chuyển về vấn đề tị nạn. Hiện tại bên này có nhiều nguồn tin không sáng sủa, tốt đẹp cho thuyền nhân về việc cưỡng bức hồi hương về Việt Nam. Bởi vậy, tinh thần của đồng bào, đồng đạo đã xuống dốc nhiều, nên việc duy trì, phát triển giáo lý trong những ngày sắp tới đây không biết có tổ chức và duy trì không? Nếu tiếp tục duy trì tổ chức, chúng tôi sẽ kính báo cáo đến chị sau.

Kính chị! Hôm ngày 16/4/96, lúc 1 giờ 30 trưa, có một phái đoàn, tất cả gồm 11 xe các loại, lớn, nhỏ, tiến vào cổng trại có đoàn hộ tống của cảnh sát, đến Ban Quản lý để làm việc. Được biết phái đoàn này của Bộ Nội vụ Thái lan. Tỉnh Rat Chasima và quận Sikiew, phái đoàn này gồm toàn các vị cao cấp của ba nơi đến làm việc với văn phòng quản lý trại, gồm khoảng trên 20 người đủ các sắc phục như cảnh sát, các vị hành chánh cao cấp các nơi. Sau cuộc họp, phái đoàn đã đi quan sát từng khu vực như B-C và khu A biệt giam, rồi phái đoàn ra về lúc 3 giờ cùng ngày.

Được biết, cũng đêm 16/4/96, tất cả các đài VOA, BBC, Úc châu, Chân Trời Mới, đều có lập đi lập lại vấn đề cưỡng bức hồi hương ở Mã Lai vào thứ 5, 6 tới đây, với số lượng 3000 người, trong đó có 1800 người tự nguyện hồi hương sẽ ra về bằng máy bay, và 1200 người chống đối sẽ được đưa về bằng tàu hải quân, đợt đầu 400 người bắt đầu vào thứ 5 tuần tới, và sau đó sẽ tiếp tục đưa 800 người còn lại.

Khu A biệt giam, Sikiew ngày 30/6/1996

Kính chị Nguyễn Huỳnh Mai

Nguyên vào ngày 28-6-96 (11 giờ), lực lượng Quân Đội đến bao vây Trại. Đến 3:00 giờ sáng ngày 29-6-96, lực lượng cảnh sát và quân đội, quân khuyển (chó), xe vòi ròng... ồ ạt tấn công biển người vào Khu A1 - A2, bắt người cưỡng bách hồi hương. Do những tên Việt gian chỉ điểm (MOI người Việt) nên đại đa số thành phần Ban Đại diện + Liên Tôn + Đảng phái đều bị bắt trọn.

Với lực lượng khoảng 3000 người, vây chặc trại. Họ thực hiện cho bằng được mọi ý đồ của họ. Đồng bào đã chống đối bất bạo động bằng cách tự hủy hoại thân thể (đập đầu, mổ bụng...) Đến 12 giờ trưa, lực lượng này đã giảm dần, và đến 3 giờ chiều thì chấm dứt.

Kết quả: Họ đã bắt đi và chuyển đến phi trường quân sự thuộc quận Nakorn, tỉnh Ratchasima hơn 100 người, trong số này có khoảng 20 người mổ bụng và một số đồng đạo bị cưỡng ép lên máy bay thuộc Việt Nam đưa về. Trong đồng đạo bị cưỡng bách có: đồng đạo Nguyễn Tấn Lợi, PST 3043 (chánh thư ký) + Nguyễn Hữu Nghĩa (kiểm soát) có vợ là cô Thái Thị Thủy hiện ở Úc châu = đồng đạo Trần thị Kiều + vợ chồng Thái Lâm + Phạm Thị Lượng PST 1773 (tất cả đều mổ bụng, hiện đồng đạo Lượng vì thương tích nặng còn nằm viện tại trại), còn tất cả đưa về Việt Nam.

Đến 17 giờ chiều ngày 29-6-96, lực lượng quân đội lại vào vây quanh trại, và đến 21 giờ đêm, LAM CHO cùng một số người Việt làm tay sai (MOI) lại tràn vào Khu A1 - A2 khủng bố đánh đập trả thù. Do lòng căm phẫn tột độ của đồng bào đối với người Việt làm tay sai nên đồng bào đã kêu la vang rền và báo ra ngoài vòng rào cho quân đội Thái biết là MOI đánh đập đồng bào. Sau đó (khoảng 30 phút) im lặng lại.

* Tin thêm: có khoảng 70 người tự sát.

Hiện có khoảng 30 người còn nằm điều trị tại bệnh viện trại.

Tương lai không biết sẽ ra sao? Mong chị thông tin đến mọi nơi cứu giúp chúng tôi. Có tin gì khác sẽ báo sau.

Ngày Đại lễ 18/5 chắc chỉ tổ chức trong sự cho phép thôi.

..........

Kính,

Nguyễn Văn Rao

 

Thư Tăng Phước Thiện - Thái Lan

3369C PO Box 220 Nakorn Ratcha Sima 30.000 - Thailand

Sikiew, 01/07/96

Chị Mai kính,

Chị Mai kính! Trang sử bi đát dành cho 1177 người bị giam khu biệt giam A đã làm em không thể nào quên được, trong ký ức của em trong 7 năm trời tị nạn nơi Thailand này. 100 người đầu tiên bị Cao ủy cùng Bộ nội vụ Thailand cưỡng bách về Việt Nam vào 4:30 giờ đêm 29-6-96, một cảnh tượng rùng rợn, hơn 3 ngàn quân đội, cảnh sát dã chiến, trang bị đầy đủ đã vào trại khu A và khống chế toàn bộ khu B+C. An ninh người Việt Nam đã khống chế toàn bộ các nhà khu B+C không một ai được phép ra khỏi nhà mà không có nhiệm vụ.

Chị kính! Chị là một phóng viên nhà báo đã từng chứng kiến những chuyện trong cuộc sống ở một xã hội văn minh với đầy đủ những kỹ thuật tinh vi, nhưng em tin chắc rằng nếu chị chứng kiến được tận mắt cảnh đấu tranh bất bạo động, bằng hình thức MỔ BỤNG TẬP THỂ... của đồng bào A1+2, thì chị không thể nào cầm nổi ống kiếng để quay nổi chị ạ.

Chị kính! Cuộc đấu tranh của Ban đại diện Liên Tôn các tôn giáo A rất là khốc liệt, em đã chứng kiến tận mắt, cảnh sau khi nghi lễ cúng xong các tôn giáo, anh Thọ đọc bản tuyên thệ xong, tất cả giơ tay quyết tử, anh Thọ cầm dao đâm vào bụng ngã xuống, xong đến anh Huệ, anh Lợi, Đăng... lần lượt ngã xuống, vợ con nhào ra ôm khóc. Chị chứng kiến cảnh đó chị không làm sao khỏi phải rơi nước mắt. Em đứng ngoài mà nhìn thấy anh Lợi ngã xuống mình còn mang chiếc áo màu đen, em không làm sao được, em đã rớt nước mắt muốn khuỵu xuống bên đám quân cảnh sát rầm rộ, một con người suốt cuộc đời hy sinh vì đạo pháp. Nhưng rồi cũng bị cảnh sát sóc nách mang đi, đau lòng cho những thằng an ninh VN làm tay sai khốn nạn đã mặc đồ lính trà trộn vào chỉ mặt bắt toàn bộ 100 người kia, những người mổ bụng nằm kia có tên trong danh sách đều bị giải đi, đến nay số phận anh Lợi ra sao??? Và hôm nay 6 giờ một toán cảnh sát tóm 200 người khu A đưa qua viện không có tên đưa về VN chuyến đầu ra cửa sau lặng lẽ, chị ơi số phận của 60 người mổ bụng kia rồi sẽ ra sao??? Em kính mong chị với lương tâm một người chị và một người cầm bút binh vực cho lẽ phải, chị hãy làm một tiếng chuông báo động cho thế giới và nhân loại biết những đồng bào tại Sikiew Thailand không có một hành động nào chống đối và làm thiệt hại cho Bộ Nội vụ Thailand, và vương quốc Thailand đưa 100 người cưỡng bách về VN đã có 60 người mổ bụng, và trong 100 người về có hơn 30 người mổ bụng, chị nhìn cảnh tượng kia chắc có lẽ chị không thể nào làm ngơ được. Thôi em stop nếu chị tin em là đứa em chị xin chị liên lạc cùng em.

Em

Thiện

6-7-96

Quá nhiều nguồn tin liên tiếp đến, trên mạng lưới, trên báo chí, trên thư từ, trên làn sóng điện... Tất cả hầu như là tin dữ.

Ngày 2-7-96 có lẽ là ngày tôi nhận được nhiều thư không hay nhất, vì ngày 29-6-96 chính là ngày mà đồng bào và đồng đạo tại trại Sikiew Thái lan bị cưỡng bách hồi hương, sau một cuộc phản đối bất bạo động thê thảm với mấy mươi người tự mổ bụng, đầy máu me thương tích. Sau cùng thì các người tranh đấu nhất cũng bị bắt ra đi. Theo các nguồn tin lần lượt đến, thì đồng đạo hội trưởng Sikiew trại B-C đã hồi hương, sau đó là các đồng đạo trại A. Qua thơ của Nguyễn Tấn Lợi thì trại cấm A rất căng thẳng thương tâm, và qua bản tin của cha Peter Nam Vong gởi cho Việt Báo Kinh Tế thì nhiều người bị bắt giữ.

Nguồn tin đầy đủ nhất được chuyển trên mạng lưới, của Ủy ban Cứu Người Vượt biển, đề ngày 6-7-1996, có những đoạn quan trọng như sau:

“86 đồng bào thuyền nhân ở trại Sikiew, Thái lan, đã tự sát tập thể khi 1,500 cảnh sát và lính Thái tấn công vào trại để bắt người cưỡng bức hồi hương. Ngoài ra 30 đồng bào khác đã bị cảnh sát đánh đập đến trọng thương.

"Lúc 4 giờ sáng ngày 29 tháng 6, một lực lượng hỗn hợp cảnh sát và lính Thái đã ập vào trại Sikiew, gần thành phố Nakorn Ratchasima. Lực lượng này gồm hai tiểu đoàn cảnh sát chống bạo động, một tiểu đoàn địa phương quân, một tiểu đoàn cảnh sát biên phòng, hai đại đội cảnh sát chống khủng bố, một đơn vị cảnh sát hóa học, một đơn vị thuộc ủy ban an ninh quốc gia, cảnh sát phòng và chữa cháy, một số nữ quân nhân, sinh viên trường lục quân, và một trung đội chó chuyên nghiệp.

"Sau hai giờ bao vây và tiến quân vào khu A, đặc biệt là khu A1 và A2, lực lượng Thái đã bắt đi 160 người, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em, và những người đã kiệt sức sau nhiều tháng tuyệt thực. Trong số 160 người này, 86 người đã tự rạch bụng phản đối, và 30 người khác bị cảnh sát hành hung. Tổng cộng có gần 80 thuyền nhân bị trọng thương và phải đưa đi bệnh viện điều trị.”

“Bị đánh đập nặng nhất là anh Nguyễn Ngọc Châu, PST 2292. Sau khi bị đánh, anh đã bị cảnh sát đem đi mất tích. Đồng bào trong trại tình nghi rằng anh đã bị chết và chính phủ Thái cũng như Cao ủy Tị nạn đang cố tình phi tang.

"Trong số 100 người có danh sách cưỡng bức hồi hương đợt đầu, hết 17 người đã ở trong số bị trọng thương, do đó cuối cùng chỉ có 83 người bị đưa lên máy bay và cưỡng bách về Việt Nam vào ngày 29 tháng 6. Ngay trong nhóm 83 người này, 40 người cũng bị thương tích nhưng không đến nỗi trầm trọng.

"Thái Lan công bố rằng số người còn lại sẽ tiếp tục bị cưỡng bức hồi hương sau vài ngày điều trị. Cuộc cưỡng bức hồi hương kế tiếp dự trù sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng 7.

"Đặc biệt trong đợt tấn công này, một số người Việt làm tay sai cho lính Thái đã là thành phần hung hãn nhất trong việc chỉ điểm và đánh đập đồng bào của mình. Có tin đồn rằng họ được hứa hẹn rằng phái đoàn JVA-ICMC sẽ can thiệp để Hoa kỳ nhận định cư nếu họ năng nổ phục vụ chương trình cưỡng bức hồi hương."

Những người "tay sai" này được ghi thành danh sách hẳn hoi trong Bản tin của Ủy ban Cứu Người vượt biển. Đồng thời, Ủy ban cũng thông báo về chiến dịch "Giác Thư" nhằm phanh phui những sai trái trong thanh lọc và tình trạng người hồi hương bị bắt bớ trong nước ngày càng nhiều.

Ngoài ra chương trình Nightline của ông Ted Koppel và bà Dana Wolfe, đang tiếp tục thu hình làm cốt chuyện cho phim thời sự về tình trạng thuyền nhân trên các đài truyền hình. Chương trình này nhờ sự móc nối của UBCNVB và LAVAS, đã lưu tâm thực hiện các chương trình về thuyền nhân. Ngoài ra còn có sự bảo trợ kiên trì của các ông Dick Kẵan, thương gia Mỹ gốc Do thái, và phóng viên Dave Marash, từng tham dự cuộc Đi bộ cho Thuyền nhân của LAVAS.

Trong khi đó, Nam Dương cũng đang bắt đầu gia tăng chiến dịch cưỡng bức hồi hương, và hôm 27 tháng 6 đã đưa 244 thuyền nhân về bằng tàu. Nam Dương tuyên bố nhóm người này không thuộc diện tình nguyện nhưng cũng không chống đối hồi hương, chứ không bị cưỡng bách.

Đồng thời, một số đồng đạo từng ở Mã Lai đã bị hồi hương, liên tục gửi thư sang báo cáo và nhờ giúp đỡ. Họ nói không có một Ban Trị sự PGHH nào ở Việt Nam cả. Họ có về Thánh Địa quan sát xem nhưng chưa tổ chức được các cuộc lễ đạo.

Thư Nguyễn Tấn Lợi - Long Xuyên

Long Xuyên, ngày 2/7/1996

Kính chị Nguyễn Huỳnh Mai - USA

Kính Chị!

Lẽ ra thư này đến tay chị lúc về ở trạm tiếp nhận Thủ Đức, vì trong mình không ai có một tờ giấy, viết nào cả, thậm chí tất cả 88 người lớn nhỏ, chẳng ai có một đôi dép nào cả.

Sau đây em xin trình bày sự việc chuyến cưỡng bách đầu tiên 100 người từ khu A biệt giam (riêng A1-A2). Ngày 28/6/1996 (buổi chiều) BQL trại dán list 100 người bị cưỡng bách hồi hương, tình hình thấy rất căng thẳng. Tối đêm 29/6/1996 xe cảnh sát ra vào liên tục để hội họp đến 10 giờ 30 đêm họ ra về. Nhưng phía ngoài vòng rào của toàn trại lực lượng cảnh sát quân đội Thái lan bao vây tất cả dầy đặc, ước độ khoảng 2 trung đoàn, đủ mọi thành phần. Tưởng cũng được nhắc lại trong ngày 28, MOI VN đem kẽm gai (Consetinal) bao vòng khu A1-A2, khu A5-A6 họ đưa khung lưới Bô 40 làm cho đến khuya ngày 29/6/96 cho xong. Đến 3 giờ 30 khuya, lực lượng cảnh sát quân đội, an ninh người Việt tiến vô cổng trại ào ạt đứng dầy đặc, con kiến không lọt qua được, lực lượng này bao vây khu A1-A2 có hơn 1000 người, dùi cui bảng đỏ, mặt nạ, họ cắt kẽm gai để tiến vào, lúc đấy các đồng bào đang cầu nguyện, đám thanh niên câu tay chặt vào nhau để bảo vệ đàn bà phụ nữ, nhưng họ bất chấp việc mổ bụng và cầu nguyện van xin, tiếng gào thét và đập thùng ghê rợn, nhưng họ vẫn thẳng tay đàn áp tiến vào bắt kéo lê y như con vật để thẩy lên xe bít bùng (loại xe giải tù). Thanh niên thấy vậy tự mổ bụng ào ạt ngã xuống để cho họ chùng bước, nhưng không ăn thua gì, người nào ngã họ kéo lê ra xe, trong đó cũng có em, anh Nghĩa cũng bị kéo lê thảy lên xe bít bùng. Sau mấy tiếng đồng hồ ruồng bắt, họ thảy lên 4 xe bít bùng. Người nào có tên trong list, họ để yên, người nào không có tên họ quăng xuống đưa vào khu lại. Một số người chạy trốn bị họ đánh đập vô cùng tàn nhẫn, chưa từng thấy từ trước tới giờ (có thể nói cuộc cưỡng bách quy mô của Thái hơn của Hồngkông nhiều, vì đồng bào không bạo động mà chỉ tự mổ bụng, lạy lụt van xin mà thôi).

Một số người vì vết thương quá nặng nên họ phải đẩy lại cấp cứu ở bệnh viện lớn, một số được chở trên xe hồng thập tự chạy theo đưa ra phi trường quân sự của tỉnh Nakorn Ratchasima. Ra đến khoảng 8 giờ 30, ở đây lực lượng cảnh sát và các giới chức cũng dầy đặc cả phi trường bao bọc xung quanh chiếc Pacific Boeing 737 của VN đang đậu sẵn. Được biết trong đợt cưỡng bách hồi hương này, người chỉ huy là 1 vị tướng cùng rất nhiều sĩ quan cao cấp cùng nhiều phóng viên nhà báo quay tại chỗ. Ở đây sau khi lục soát và băng bó vết thương cho số mổ bụng, họ kè từng người một lên máy bay, nhiều tiếng khóc, dẫy dụa, nhưng họ vẫn kè lên máy bay không thương tiếc chi cả. Đến 10-11 giờ máy bay cất cánh, mỗi người trong chuyến này chỉ có còn một số được mang theo vài túi xách còn phần đông không ai được mang theo gì cả, trên người chỉ có một bộ đồ mà thôi. Về đến phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 12 giờ 30 trưa, và sau đó đưa vào Thủ Đức lúc 3 giờ chiều, lập thủ tục hai ngày, một ngày UNHCR đặc trách ở VN phỏng vấn một số người bị cưỡng bách và bảo mỗi người lập bảng tường trình sự việc đã xảy ra, và tài sản bỏ lại phải kê khai, để họ tìm cách cứu giúp, và họ cho biết lúc cưỡng bách Thái lan họ đánh đập đồng bào đã chết 2 người, 10 người bị nặng, nên số đưa về đầu tiên cưỡng bách của Thái chỉ có 88 người. Trong đó đồng đạo chúng ta có em, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Kiều, Thái Lâm vợ và con. Em được đưa về tới Long Xuyên lúc 3 giờ 30 ngày 1/7/96. Sáng ngày nay 2/7/96 trọn ngày gặp cán bộ công an tỉnh phỏng vấn chưa xong, tiếp tục ngày mai nữa. Kính chị tìm cách cứu giúp báo động khắp nơi cứu giúp em, vì bên này họ đã biết em hoạt động cho tôn giáo. Kính chị thông báo dùm đến anh Lộc và chú Long cùng các nơi Việt Nam để biết. Riêng Bình (con Lộc) sẽ về chuyến 4/7/96. Kính mong chị giúp đỡ cho số đồng đạo mà em đã nói trên cùng đấu tranh cho em đang gặp những khó khăn trước mắt.

Vì ra phi trường họ lấy tất cả giấy tờ của em hết cả nên địa chỉ không còn biết để liên lạc cho anh Lộc và các nơi. Kính mong chị giúp cho. Sẽ có thư đến chị những ngày tới.

Kính chúc chị và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, an lành, hạnh phúc. 4 giờ đêm rồi, hình ảnh ghê rợn trên vẫn còn ẩn hiện trong đầu không bao giờ quên được chị ạ.

Kính thư,

Em của chị

Nguyễn Tấn Lợi

Thơ về cho em chị ghi về:

......................

Long Xuyên, An giang, South VN

Ngoài bì thư chị đừng ghi tên chị, có thể chị ghi tên chị Thanh Thu và ký tên luôn, vì bên này chúng nó biết chị đó.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880