Lựa chọn thái độ mới

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30641)
Lựa chọn thái độ mới

19-7-97 - 3:30 giờ sáng

Cơn nhức đầu đã hành hạ tôi từ hôm qua đến nay. Mỗi khi có điều gì khó khăn hay trở ngại là tôi như bị đánh thức để tiếp tục hành trình của mình sau một giai đoạn nghỉ ngơi ngắn ngủi, với đầu óc trống rỗng của một cô bé lên ba ngày nào ở làng Hòa Hảo.

Mỗi khi càng đau, càng mệt, tôi lại như bị xua đuổi khỏi sự cô đơn để dấn thân ra ngoài làm việc một cách dồn dập; chỉ trừ khi bị đau quá không chịu nổi, phải nằm nghỉ, dằn một bịch nước sôi dưới cổ, một bịch nước đá trên đầu cho đỡ đau, rồi mê mang như hồn lìa khỏi xác. Sự đau đớn thân xác sẽ khiến tôi ra đi chăng? Không thể trong lúc này. Thế là tôi vội vã nuốt mấy viên thuốc đau đặc biệt cho những cơn đau đầu dữ dội như thế, rồi khi vừa đỡ đau, tôi trỗi dậy làm việc.

Hôm qua, tôi bắt đầu in ra một số bài cho Đuốc Từ Bi số Đặc biệt 18-5, và vào bao thư quyển Hồn Thiêng Dân Tộc gởi các anh ở Đông Âu như Yên Phong báo Thiện Chí, Nguyễn Nguyên Thanh báo Tia Sáng, Đinh Văn Lý báo Hy Vọng, Đỗ Ngọc báo Cánh Yén, Võ Long Triều báo Tiếng Gọi Dân Tộc, chị Bùi Bích Hà Chương trình Phụ nữ đài Little Saigon, Nguyễn Anh Dũng Giáo hội PGHH tại Houston, vân vân...

Suy nghĩ về việc sắp lên đài phát thanh, tôi quyết định phải xem thính giả như người thân của mình, và không sợ sẽ bị bắt chẹt với những câu hỏi khó vì thiếu chuẩn bị. Người phỏng vấn sẽ hỏi tùy theo sự đối đáp của mình. Khi mình cảm thấy tự tin, thì họ sẽ không có ý định tấn công mình. Khi mình biết đưa ra vấn đề, đặt vấn đề, nhấn mạnh các ý kiến, điều hệ trọng của vấn đề mà mình muốn đưa ra làm đề tài sẽ lôi cuốn sự chú tâm của thính giả.

Từ nay tôi sẽ làm chủ tình hình, là người chủ động, tích cực, dù có trên làn sóng đài phát thanh, hay truyền hình, hay trên các diễn đàn của bất cứ nơi nào. Tôi phải nỗ lực phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc.

Muốn làm việc gì có hiệu quả, sự tận lực không chưa đủ, mà phải có phương pháp nghiên cứu, phải có sự quả cảm để đối đầu với mọi tư tưởng khác biệt hoặc người không có chủ kiến, để đưa về một phương hướng có ích cho mục tiêu chung: quốc gia dân tộc và đạo pháp.

Tôi không còn là tôi của ngày nào, chỉ vì muốn thúc thủ mà mang nhiều mặc cảm, nhún như

ờng trước mọi vấn đề. Tôi muốn thành công phải mạnh dạn bước đi. Phải tỏ cho mọi người biết rằng, tôi biết tôi nghĩ gì và làm gì. Nếu tôi nói điều tôi thấy, biết, hiểu và tin mà còn rụt rè, e dè, đắn đo, vấp váp, tôi sẽ tạo cảm nghĩ cho người khác là mình “không chắc lắm” với những điều đó.

Dù nói hay hoặc nói dở, tôi phải cho họ thấy rằng tôi tự tin, và nhất quyết theo

đuổi điều tôi tin là đúng, thì họ sẽ tin như tôi, hay ít nhất phải lưu ý và tìm hiểu đến niềm tin của tôi. Nếu nhiều người cùng một niềm tin thì sẽ tạo thành sức mạnh tư tưởng của quần chúng, và sức mạnh đó sẽ là động lực thúc đẩy, giống như câu “điều mà mọi người tin tưởng mới có thể xảy ra".

Sự rụt rè chính là một hình thức của sự sợ hãi. Sự khiêm nhường trong giờ phút này chính là sự nhút nhát. Tôi phải tỏ ra tự chủ với niềm tin của mình. Khi mình thiếu tự tin sẽ dễ sinh ra ngập ngừng ấp úng không trả lời

được thắc mắc hoặc công kích của người khác. Khi đã tự tin đương nhiên sẽ có bình tỉnh và sáng suốt, mối liên hệ giữa nội tâm và ngoại cảnh không bị cắt rời, nhờ đó mà có sự giao cảm cùng tha nhân, từ đó làm chủ được tình hình, bằng một trật tự thông suốt, dần dà trình bày ra những kiến thức đã tích lũy chuẩn bị cho sự đối đáp, hỗ trợ cho lập luận, làm nổi bật được vấn đề niềm tin muốn nêu ra. Mọi tư tưởng, nhất là các tư tưởng mới giải pháp mới, đều bắt nguồn từ quá trình lâu dài với nhiều dữ kiện tư duy và khám phá; và sự sợ hãi chính là trạng thái cắt đứt mối liên hệ giữa nội tâm hiện hữu với nội tâm quá khứ tích lũy các dữ kiện đó. Vì vậy, không thể nào để bối cảnh hoặc tha nhân tác động hay áp đảo làm lung lạc ý chí và chặt đứt cây cầu bắc giữa ta và người, giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa hiện tại và quá khứ cùng với cả tương lai.

Khi tôi làm việc thì sức khỏe hay nhan sắc không còn quan trọng nữa, mà tôi dồn hết tâm ý, sức lực

để đẩy mạnh công việc. Tôi sẽ không còn là một người lúc thì mạnh dạn xông xáo, lúc thì chỉ muốn quy ẩn buông bỏ để được an tâm tu hành giải thoát.

Giáo lý Tứ Ân không cho phép tôi làm

điều đó, mà tôi phải "Đời Đạo Song Tu". Nếu là người khác, dù cho là đồng đạo, họ có quyền chọn lựa đời sống ẩn dật, nhưng tôi, trong giai đoạn khó khăn này của Đạo Pháp, trong vị trí và bối cảnh cá nhân cùng gia đình đoàn thể đạo đời của mình, tôi cảm thấy mình không được phép làm điều mà tôi luôn luôn khao khát đó. Tôi chỉ có thể quy ẩn thường xuyên trong nội tâm, và phải tỉnh thức trong mọi hành động. Tôi phải xông xáo ra bên ngoài với một nội tâm mạnh mẽ vững chắc, một ý lực dũng cảm, không thối chuyển trước mọi trở lực.

Hơn lúc nào hết, tôi phải tĩnh tâm

định hướng, như lời cầu nguyện hàng ngày gởi đến Ơn Trên Chư Phật Thầy Tổ, cửu huyền thất tổ, ông bà tổ tiên, và cả ba tôi, xin hướng dẫn và hỗ trợ cho mọi việc làm của mình. Tôi xin chư vị thiêng liêng gia hộ và trợ lực cho tôi hoàn thành bổn phận của mình để giữ gìn mối đạo và nhất là gìn giữ cho tôi "đi đúng đường” mà Ơn Trên đã vạch sẵn.

Tôi nói với Nguyên Phương,

đài Á châu Tự Do, trong cuộn băng phỏng vấn. Đúng hơn tôi đọc một đoạn trong quyển “Hồn Thiêng Dân Tộc" là: Việt Nam sẽ có “sự thay đổi”. Sự thay đổi đó phải bắt nguồn từ chính cá nhân nhỏ bé rồi mới lan ra người khác chung quanh, và dần dà thành một cái lực lớn lao để chuyển hóa Việt Nam. Muốn thay đổi, muốn truyền đạt, thì tự cá nhân mình phải "mạnh mẽ lên đường dấn thân" vậy.

3:40 giờ sáng

Sau khi xé năm trang giấy tôi vừa viết xong gắn vào tập Lên Đường, tôi lấy tập viết về Tâm Linh ra đọc, thì giở đúng bài "Đức Tin và Niềm Tin". Đọc lại mới thấy, từ trước đến nay tôi chưa thể hiện được những điều mình đã viết ra trong giờ phút quán nghiệm xuất thần.

ĐỨC TIN VÀ NIỀM TIN

Sự sợ hãi chỉ dùng cho những người không biết mình là ai, làm gì, nghĩ gì, lo sợ vẩn vơ, mông lung, và không có Đức Tin lẫn Niềm Tin về việc mình đang làm.

Sự sợ hãi khiến cho mình tự cho là sai và giúp cho người khác tưởng họ đúng.

Không ai có thể hại và nghi ngờ mình

được nếu Đức Tin và Niềm Tin mình mãnh liệt. Đó là sức mạnh tâm linh hoán chuyển mọi xúc phạm đến danh dự, uy tín của mình.

Đức Tin và Niềm Tin luôn luôn thắng mọi mưu

đồ cá nhân lẫn tập thể. Không ai hại ta bằng chính ta. Nếu ta tự nghi ngờ thì người khác sẽ phát triển sự nghi ngờ đó, và họ càng cho ta sai và họ đúng.

Niềm Tin và sự Tự Tin càng lớn mạnh, phát triển, giúp cho ý chí ta mạnh mẽ kiên trì

đánh tan mọi dư luận tái lập lại danh dự, uy tín cho ta."

Thế rồi, thêm một trang khác

đã gắn sẵn trên tập Tâm Linh 94-97. Đó là bài Chú Lăng Nghiêm do thầy Minh Mẫn chùa Huệ Quang cho tôi để tôi đọc mà phát nguyện:

"Nguyện đem thân tâm này phụng sự tất cả chúng sanh trên cuộc đời vì thế được gọi là báo ơn cho Phật vậy.

Xin cúi đầu cầu thỉnh Đức Thế Tôn hãy chứng minh cho lời nguyện của con như sau:

Đời ác năm trược con nguyện sẽ là người dấn thân vào trước hết, nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, dứt khoát con không vị kỷ mà chọn lấy cảnh an lạc một mình.

Lạy đấng đại hùng đại lực đại từ bi, xin thẩm xét mà phá trừ những mê lầm nhỏ nhất còn sót lại trong tâm thức của con, để con có thể sớm bước vào biển tuệ của chư Phật mà an trú trong đạo tràng mười phương pháp giới. "Dù cho tánh chất trống rỗng của hư không có thể tiêu tan, nhưng tâm nguyện kiên cố của con không bao giờ lay chuyển".

Tôi thấy những mê lầm nhỏ lớn gì cũng còn nhiều quá trong tôi. Sự tính toán lý luận còn đầy dẫy. Tôi mong được đốt cháy nó tiêu tan để chỉ còn có mỗi "Tâm Nguyện Chí Thành" của tôi.

5-8-97 - 9:45 giờ sáng

Bất cứ việc gì xảy ra, dù khó khăn quan trọng đến đâu, điều đầu tiên phải làm là giữ cho tâm an tịnh. Tôi thường đọc đi đọc lại bao nhiêu lần câu của Benjamin Disraeli mà tôi dán trên vách hay trên bàn viết:

"The Secret of success in life is for a person to be ready when his opportunity comes"

(Bí mật của sự thành công trong cuộc đời của một người là sẵn sàng khi cơ hội đến).

Việc quan trọng trong đời sống của tôi từ mười mấy năm nay là suy nghiệm, dành cho mình nhiều thì giờ yên tịnh để tâm hồn an tĩnh. Tâm hồn không bình an trong sáng thì ta cũng chỉ như người nhìn mà không thấy gì cả.

Việc gì đến thì đến, cứ thản nhiên không lo sợ, bối rối, không nên nghĩ đến việc phải đối phó. Vì đối phó sẽ khiến ta phải tính toán, phê phán hay dở phải trái. Khi tâm ta tính toán để đối phó, sự trung thực của ta sẽ bị đánh mất, và sự trung thực mất đi, kẻ đối diện có thể tìm cách đối phó và vặn vẹo, câu chuyện không cởi mở cảm thông mà còn trở nên một cuộc nói chuyện với hai bên, một bên dè dặt thủ thế ứng phó, bên kia tìm kẽ hở khuyết điểm nhược điểm, cứ thế thay phiên đối đầu với nhau. Tất nhiên, cuộc đối thoại sẽ trở thành đối nghịch, thay vì đối diện tìm hiểu để cảm thông gần gũi, sẽ trở thành hai phe đối địch xa cách nhau hơn.

Khi bị hỏi khó khăn, ta có thể sợ sệt không dám nói sự thật, vì không biết điểm nào có lợi điểm nào có hại. Ta bối rối mất tự nhiên, đâm ra nói năng quanh quẩn, càng làm cho kẻ tiếp xúc hỏi chuyện trở nên nghi ngờ bất đầu mất cảm tình cùng ta.

Thế là những gì ta lo sợ sẽ trở nên sự thật, mà nguyên nhân của việc xảy ra là do nơi ta.

Nên khi tiếp xúc với ký giả của một tờ báo lớn xa lạ có tiếng nói mạnh như L.A. Times, là một cơ hội tốt cho việc làm của ta, mà ta lại tính toán, lo âu thái quá, dè dặt trong cách trả lời, hậu quả dẫn đến là anh ta có thể không viết một bài báo hay về đạo mình, hoặc bài báo thiếu trung thực; vì khi ta liên hệ cùng người khác mà tâm ta không bình an, thì sự không bình an của ta sẽ ảnh hưởng đến tâm thức người đó, do đó sự cảm thông hai chiều gặp trở ngại, trở nên tiêu cực.

Nên bình an, cởi mở, thanh tịnh, nhẹ nhàng. Khi tiếp xúc nhận được sự thanh nhẹ đạo vị của người đối diện, anh ký giả sẽ cảm thấy thoải mái, an nhiên; nhờ vậy anh sẽ lãnh hội được những gì ta muốn trao gởi đến anh, và anh sẽ không ở trong tư thế tấn công ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880