Bức tường Bá Linh và người Việt tại Đức

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 33662)
Bức tường Bá Linh và người Việt tại Đức

12-9-95

Bước xuống xe lửa ở một nơi hoàn toàn xa lạ và nổi tiếng thế giới như Bá Linh, tôi không sao diễn đạt được sự vui mừng khi gặp được ngay một gương mặt Việt Nam thân thiện: ông Phạm Ngọc Đảnh, đến đón chúng tôi qua sự giới thiệu của ông Phạm Quốc Bảo và anh Huỳnh Thoảng.

Một ngạc nhiên khác khi đến nhà ông là bà Đảnh đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi một nồi phở gà thơm bốc khói. Khi nghe chúng tôi bày tỏ sự áy náy đã làm phiền, ông bà cười vui vẻ và cho biết, nhà của ông bà ở cạnh bức tường Bá Linh, cho nên có dịp tiếp đãi và giúp đỡ không biết bao nhiêu người Việt tị nạn vượt bức tường thành, nay đã bị phá vỡ hoàn toàn chỉ còn một đoạn nhỏ.

Ông Phạm Ngọc Đảnh làm việc nhiều năm cho Hội Hồng Thập tự tại đây, và bà cũng là một thiện nguyện viên đắc lực của cộng đồng. Bà thường hướng dẫn các đồng hương về đời sống cũng như chỉ dẫn họ làm giấy tờ, nhất là lúc người tị nạn từ Đông Đức tràn sang.

Lúc chúng tôi đi bộ đến nhà ông Đảnh thì gặp ngay bức tường Bá Linh. Tôi muốn quan sát bức tường cho thỏa tính tò mò, nhưng ông Đảnh hẹn với chúng tôi ngày hôm sau, sẽ đưa chúng tôi đi xem những danh lam thắng cảnh cùng những nơi kỷ niệm lịch sử tại Bá Linh. Ông cứ như một tự điển sống về lịch sử tại Bá Linh. Thật là may mắn cho tôi!

Đêm đến, tôi cứ trằn trọc mãi, với sự cảm xúc bất ngờ khi nghĩ mình đang nằm bên cạnh bức tường lịch sử của thế kỷ 20, chỉ cách vài bước bên kia đường. Đối với một người Việt tị nạn bên kia trời Mỹ như tôi, quả thật chuyện hãn hữu.

Bức tường biểu tượng cho sự chia cắt nước Đức vì ý thức hệ và chiến tranh, nay chỉ còn một đoạn trong khoảng giữa nhà ga xe lửa phía đông với đường Warschauer Str. Những tay họa sĩ vô danh đã vẽ lên nhiều hình ảnh với màu sắc đậm đà phủ đầy mảnh tường còn sót lại này.

Tôi từng tìm hiểu nhiều về bức tường Bá Linh trước khi đến đây. Bức tường được xây lên đồng loạt và phá vỡ cũng đồng loạt. Vào đêm ngày 12 qua rạng sáng ngày 13 tháng 8-1961, chính quyền cộng sản Đông Đức huy động quân đội và dân chúng, đồng loạt dựng lên một bức tường bao quanh Tây Bá Linh. Lúc đầu, đó chỉ là những tấm bê tông lắp ghép được làm sẵn, sau đó, được xây dựng kiên cố dần và cao tới 3 mét. Vào tháng 10 năm 1961, tại cửa khẩu Checkpoint Charlie, xe tăng của Mỹ dàn hàng đối đầu với xe tăng của Liên xô, quyết tâm bảo vệ Tây Bá Linh. Cửa biên giới Checkpoint Charlie đã luôn là trung tâm chú ý của dư luận quốc tế, vì ở đây có nhiều người Đông Bá Linh tìm cách vượt sang Tây Bá Linh. Cũng ở đây vào ngày 17-8-1962, anh Peter Fechter bị bắn trong khi tìm cách vượt sang Tây Bá Linh, và đã chết dần vì mất máu ngay trên hàng rào biên giới, trước sự chứng kiến tận mắt của báo chí thế giới. Bức tường từ đó được mệnh danh là “bức tường ô nhục.”

Thế rồi, ngày 09-11-1989, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ủy viên bộ chính trị đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (tức đảng Cộng sản ở Đông Đức), ông Gunter Schabowski công bố quyết định của chính phủ Đông Đức cho phép công dân của mình được tự do ra nước ngoài, các cửa khẩu biên giới Đông-Tây Bá Linh đã mở rộng cho người dân tự do qua lại, và “bức tường ô nhục” đã bị dân chúng cả hai bên Đông Tây Đức đồng loạt đập vỡ nát.

Sau đó, ngày 22-06-1990, bộ trưởng ngoại giao của bốn cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga và của hai nước Đức, đã tổ chức buổi lễ chính thức dẹp bỏ cửa khẩu Checkpoint Charlie. Ngày nay tại đây, đã mọc lên Viện Bảo tàng Checkpoint Charlie, nơi các du khách có thể tìm hiểu về bức tường Bá Linh.

Sự kiện bức tường Bá Linh sụp đổ gây một chấn động trong cộng đồng người Việt tại Đông Đức cũ, đa số là công nhân lao động chân tay do Hà nội cho xuất khẩu. Ngay khi mở cửa biên giới, có nhiều người Việt hòa cùng làn sóng người Đức, qua Tây Bá Linh chỉ với mục đích đơn giản là mua thực phẩm Á Đông. Sức mua của họ lớn đến mức chỉ vài tuần sau khi mở cửa biên giới, chủ nhân cửa hàng này đã trở thành triệu phú, trong khi trước đó người chủ định chào bán lại vì quá ế ẩm. Khoảng một tuần sau khi tường sụp, thì xảy ra hiện tượng người Việt vượt sang Tây Bá Linh xin tị nạn. Đa số là những người sống ở miền Nam Việt Nam, và một số am hiểu tiếng Đức. Lúc này, việc công khai qua cửa biên giới rất khó khăn, vì lính biên phòng Đông Đức được lệnh không cho người Việt ra khỏi biên giới. Số người Việt từ các tỉnh khác muốn sang tị nạn dồn về Bá Linh ngày một đông, và thường vượt biên bằng cách đi lẫn vào giữa dòng người Đức qua biên giới, thường rất đông không kiểm soát nổi vào ngày cuối tuần. Bằng không, họ phải chọn cách chui rào hoặc leo qua tường vào đêm khuya có sương mù hay tuyết rơi. Những người vượt qua bức tường Bá Linh thường được ông Đảnh và các Việt kiều ở Tây Bá Linh giúp đỡ rất chu đáo.

13-9-95 - 8:30 giờ sáng

Tôi thức dậy cảm thấy người ê ẩm, mỏi mệt. Chỉ trong một giây tôi trực nhận là mình đã nằm ngủ cạnh bức tường Bá linh.
Tôi vén màn cửa sổ để nhìn cho rõ thành phố cũ kỷ và vắng vẻ trong ánh nắng ban mai. Trong lòng tôi khởi dậy một cảm giác hơi mơ hồ, bâng khuâng, và xúc động phức tạp. Nơi đây đã từng có một bức tường nổi tiếng về sự chia cắt ô nhục của một đất nước đầu mối của cuộc đại chiến thứ II, mà sự sụp đổ của nó mang trả lại tinh thần toàn khối cho dân tộc Đức, cũng như niềm hân hoan đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Chiến tranh lạnh trên toàn thế giới.

Tôi trở lại ngồi viết trên chiếc bàn nhỏ của cô Phạm Thu Hồng, con gái ông bà Phạm Ngọc Đảnh, được mệnh danh là “thổ địa” tại Berlin. Ông bà thuê được căn nhà này, vì sát cạnh bức tường Bá linh nên không ai mướn, dù là nhà mẫu, các sinh viên kiến trúc thường đến chụp hình, báo chí quay phim. Nhờ vậy ông bà có được căn chung cư những sáu phòng, vì ông bà có năm đứa con. Sau khi ở đến mười ba năm, các con đều đã trưởng thành đi làm việc đi học ở khắp nơi, chỉ còn ông bà và hai cô con gái học dược sĩ và y sĩ.

Căn phòng nào cũng gọn gàng tươm tất, ngăn nấp. Điển hình là phòng cô Hồng mà tôi chưa từng biết mặt. Những cuốn băng xếp trên kệ khiến tôi lưu ý. Chẳng hạn có nhiều cuốn tựa đề “Truyện Kiều dưới con mắt Thiền quán”, “Tiếp xúc với Tổ tiên”, “Cô đơn, Thương yêu và Hạnh phúc”, “Làm sao thương người khó thương”... do thầy Nhất Hạnh giảng; “Thương và Giận”, “Đạo Phật và Tuổi trẻ”, “Người Phật tử tu như thế nào” do sư cô Như Thủy; “Vô Niệm”, “Ba Pháp Ấn” do Sư cô Trí Hải tại đại học Vạn Hạnh; “Văn Tư Tu”, “Giới Định Tuệ” của Hòa thượng Thích Thanh Từ; “Ba Pháp đưa đến Hạnh phúc” của Hòa thượng Đức Minh; “Cái đẹp của hai nền Văn hóa”, “Chuyển hóa Phiền não” của thầy Tịnh Từ; “Chủ đích của đạo Phật”, “Kệ Giải thoát”, “Kinh Bảo Tích”, “Dân Ca,” vân vân...

Nhìn qua các đề tài tôi thấy được sự chuẩn bị của cha mẹ cô và chính cô đã dọn cho mình một hành trang khá đầy đủ về tư tưởng, văn hóa và đạo đức để bước vào đời sống, để có sức chịu đựng cũng như sự hiểu biết hầu lựa chọn cho mình một cuộc đời đáng sống.

Ông bà Đảnh có đến năm người con, một số lượng khá lớn đối với các bậc cha mẹ ở hải ngoại. Tôi thấy đời sống ở các nước Đông Âu và Đức có phần khó khăn về vật chất, và ít người Việt; nhưng cái ít đó lại giúp cho hệ thống gia đình và ngôn ngữ được tồn tại để cha mẹ có thể truyền đạt, dạy dỗ các con hơn tại Mỹ và Pháp. Tiếng Đức khó nên các bà mẹ nói tiếng Việt cùng các con nhiều hơn.Úc châu thì tôi chưa biết vì chưa đến.
Trong chuyến đi này, Cường được dịp nghe và nói toàn tiếng Việt. Nếu Cường chêm thêm tiếng Mỹ thì ít ai hiểu, nên phải nói toàn tiếng Việt thôi. Cũng nhờ biết tiếng mẹ đẻ nên đi đâu cũng hòa hợp được. Ngày mai qua Pháp, Coco con anh Hùng cũng biết nói tiếng Việt, Cường có bạn rồi. Nếu các bậc cha mẹ đều dạy cho con mình nói tiếng mẹ đẻ thì dù cho ở quốc gia nào trên thế giới đều có thể chuyện trò thông cảm nhau, và trở về Việt Nam làm việc. Không có gì kỳ dị và xấu hổ bằng nếu hai nhà ngoại giao hay thương mại gốc Việt Nam nói chuyện với nhau mà phải có thông dịch viên.

14-9-95

Trên máy bay từ phi trường Berlin-Tegel sang phi trường Charles de Gaulle, tôi ghi vội vài hàng về những người Việt bên bức tường Bá linh. Người từ giã chúng tôi để rời bức tường lịch sử sang thủ đô ánh sáng Paris là anh Nguyễn Nguyên Thanh, trưởng ban biên tập phụ trách kỹ thuật lên trang của tạp chí Tia Sáng.

Tia Sáng do đảng Xã hội Dân chủ Việt Nam thực hiện tại Đức. Theo anh Thanh thì từ trước các anh em trí thức đã được đào tạo từ Đông Đức và Đông Âu thành lập nhóm “Nguyễn Vĩ Quốc” tại Sàigòn. Lúc đó các anh em nhận thấy chủ nghĩa CS không đem hạnh phúc cho dân nên họ muốn thay đổi đất nước, từ bỏ chế độ, nhưng chưa biết phải làm gì, các anh cố gắng tìm cho mình một hướng đi. Lúc Đông Âu chưa sụp đổ, các anh cử người sang các quốc gia này để tìm một đường hướng mới cho dân tộc, bằng nhiều con đường hợp pháp như đi lao động, du học, nghiên cứu làm luận án... Năm 1989, trước khi bức tường Bá linh sụp đổ, một số các anh em nòng cốt của nhóm Nguyễn Vĩ Quốc đã cùng nhân dân Đức tham gia cuộc biểu tình vào thứ hai hàng tuần ở Leipzig. Thành viên nhóm Nguyễn Vệ Quốc sau đó được công nhận là những người sáng lập đảng XHDC Việt Nam trong đại hội chính thức thành lập đảng vào tháng 09-1990. Các anh bắt đầu thấy con đường đi và liên hệ cùng tổ chức SPD (Soziademokratish Partei Deutsche). Đó là một đảng có đường lối dân chủ xã hội. Các anh thấy phù hợp với lý tưởng, truyền thống đạo lý Đông phương, nên thành lập với mục đích thu thập các người CS Ly Khai, và những người quen sống trong xã hội chủ nghĩa. Đảng đặt nặng tinh thần xã hội nhưng đề cao dân chủ.

Năm 1990, đảng Nguyễn Vĩ Quốc chính thức trở thành đảng Xã hội Dân chủ Việt Nam với đa số thành phần nòng cốt từ Việt Nam qua, số còn lại là người trí thức tại hải ngoại và một số thành phần lao động nghĩ đến quê hương. Đảng từ bỏ chế độ CS hoàn toàn.

Mặc dù thời gian ở Bá Linh rất ít, nhưng ông bà Phạm Ngọc Đảnh đã thay phiên nhau đưa chúng tôi đi khắp nơi. Chúng tôi theo ông Đảnh đến viếng cổng thành Brandenburg, biểu tượng của thành phố Bá Linh. Đại lễ mở cửa lại cổng thành tượng trưng cho sự tái thống nhất Đông-Tây Đức diễn ra vào trước Giáng sinh 1990, với sự hiện diện của hai thủ tướng Đông, Tây Đức.

Trụ sở Quốc hội Đức bị đốt cháy thời Thế chiến II, đã được sửa chữa với một mái vòm có hình cầu bằng pha lê và thép tân kỳ, khiến cho ánh sáng thiên nhiên chiếu vào các phòng họp rộng rãi. Phía trên cổng chính của Quốc hội có khắc dòng chữ “Vì Nhân Dân Đức.”

Nằm cách cổng thành Brandenburg không xa về phía tây là tượng đài nữ thần Chiến thắng bằng đồng mạ vàng, cao 48 mét, với 285 bực thang. Sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh với nước Pháp năm 1870-1871, vua Wilhelm đệ nhất quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng này bằng chiến lợi phẩm thu thập trong chiến tranh. Đài được hoàn tất vào năm 1873, theo mẫu của J.H. Strack. Tượng nữ thần Chiến thắng trên đỉnh cột lại theo mẫu của F. Drake. Đến năm 1939, Hitler cho nâng cao tượng đài này thêm 6,5 mét nữa.

Bà Đảnh cùng chúng tôi đi xe lửa đến Postdam, ngoại thành Bá Linh, thành phố nổi tiếng ở Đông Đức, để xem Lâu đài mới, gọi là Newen Palais. Gần lâu đài có dinh thự của một cô công chúa Pháp tên Sans Soucis (Vô Ưu). Nghe nói công chúa này bị gả đi xứ khác thời Nã phá luân để giúp cho bang giao của hai nước được tốt đẹp. Đây là nơi nghỉ hè cho đại đế Friedrich từ 1745 đến 1747. Phòng hòa nhạc và các bức tranh trên tường của A. Pesne rất nổi tiếng.

Chúng tôi theo du khách đi bộ vào lâu đài khá xa. Trời nóng và ẩm, có lúc mưa lâm râm. Tuy nhiên, khi đứng trên lâu đài nhìn xuống vườn hoa với những hàng rào thấp bằng dây nho phủ đầy các trái nho bé tí xíu, chúng tôi cảm thấy thật thoải mái trước cảnh tượng đẹp đẽ hùng vĩ của thiên nhiên.

Lâu đài rộng lớn với các khu đặc biệt như: khu nhà khách được trang trí bằng đá quý. Nơi sưu tập tranh của các họa sĩ Đức, Hòa lan và Ý. Nhà Rồng tám góc, cung điện mới với nhiều tượng điêu khắc, là chốn ngự phòng của nhà vua. Điện thờ cổ, nhà nghỉ mát phòng trà kiểu Trung hoa với nhiều đồ sứ cổ. Nhà tắm kiểu La mã, vân vân...

Khi trở lại nhà ga, tôi mua mì xào của một quán nhỏ có tên là China Quick. Nghe giá tiền sang lại quán nhỏ này, tôi thật không ngờ vì quá đắt. Chủ nhân của nó là một công nhân bị bắt đi lao động từ miền bắc Việt Nam sang Đông Đức, đã vượt biên sang Tây Đức, tìm cách ở lại làm ăn, rồi sang được hai quán như thế, mỗi quán trên một trăm ngàn mark. Mỗi năm họ đều về Hà nội thăm gia đình.

Bà Đảnh cũng dắt chúng tôi đi rất nhiều chỗ ở Berlin. Một vé xe lửa 20 mark có thể đi gần 40 giờ mà không mất tiền, kể cả đi xe bus. Trạm chót chúng tôi xem là chiếc cầu trao đổi tù binh gọi là Gleinicke Brucke. Tài bảo sao giống cầu Bến Hải quá. Ở Berlin cũng có tháp Funkturm nhỏ; trung tâm thương mại Âu châu Europa-Center có đồng hồ nước rất đặc biệt; con lộ chính Kurfunstendamn, gọi tắt là khu Kundamn. Mall bán quần áo và đồ đạc lớn nhất ở Berlin là khu Kraufhous des Westens gọi tắt là Kadew.

Tôi được biết, sau khi Đức thống nhất đồng tiền, chính phủ Đông Đức chịu bồi thường 3.000,00 DM cho người lao động Việt Nam nào chịu về nước. Đây là một khoản tiền không nhỏ, xấp xỉ với ba chục tháng lương của họ thời đó. Cộng thêm vào là lời đe dọa không tiếp tục gia hạn ở lại cho người Việt. Điều này khiến cho đa số công nhân Việt Nam ở Đông Đức khi đó quyết định về nước. Nhưng sau này, phần lớn trong họ lại tìm cách quay trở lại Đức. Cũng trong khoảng thời gian này, có rất nhiều người Việt lao động khác từ Tiệp khắc, Liên xô, Ba lan... lại tìm đường vào tị nạn tại Đức.

Người Việt ở Đông Đức cũ tập trung ngày càng nhiều về Đông Bá Linh. Một số người đã trở thành triệu phú. Ở Đông Bá Linh có hai trung tâm thương mại bán sỉ, và hàng trăm cửa hàng, cửa tiệm bán lẻ của người Việt. Đông Bá Linh xứng đáng với cái tên gọi là “Hà Nội nhỏ” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong mọi trung tâm, cửa hàng, cửa tiệm của người Việt ở đây bày bán toàn bộ báo chí, sách, truyện trong nước Việt, từ các tập san của tỉnh Hà Tỉnh, đến các tờ báo Công An, An Ninh Nhân Dân, Nhân Dân... của đảng CS Việt Nam.

Ngoài số người có công ăn việc làm, còn lại rất đông người thất nghiệp chuyên bán thuốc lá “chui,” vì họ là người đang xin tị nạn nên không có giấy phép lao động. Họ phải nộp “thuế” cho băng đảng Nghệ Tỉnh. Băng này nghe nói phải nuôi toán giết thuê tuyển từ Việt Nam sang. Chính phủ Đức rất nhức đầu về những người “lậu” này, và các cuộc điều đình cùng Hà nội để hoàn trả lại họ rất gay go.

Ngày cuối tại Đức, chúng tôi còn được ông Đảnh đưa đi thăm viếng Niệm Phật đường Linh Thứu. Tại đây có khoảng năm mươi em thuộc Gia đình Phật tử sinh hoạt. Hàng tuần, các em đến đây học tập, và tự nấu ăn. Ông Đảnh cho biết, các em được dạy, mỗi ngày lặp lại ba câu như sau: “Em tưởng nhớ Phật. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em. Em thương người và thú vật.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880