22-4-96
Sáng nay sau khi cúng xong tôi ngồi thiền quán chỉ mới năm phút là mất kiên nhẫn, và lấy quyển The Secret of the Golden Flower (Kim hoa Bí pháp) của Richard Wilheim dịch ra đọc lại vài đoạn.
Thế là tôi tìm ra bệnh "buồn rầu và muốn chết" của mình. Thật xấu hổ, đó chính là "bệnh lười biếng". Tuy nhiên, bệnh lười biếng mà biết được thì còn đôi chút sáng suốt. Bệnh lười biếng khó chữa hơn bệnh đầu óc bị phân tán vì thiếu "tỉnh thức". Trong sách viết:
"Distraction can be counteracted, confusion can be straightened out, but indolence and lethargy are heavy and dark." (Xao nhãng có thể đối phó, lẫn lộn có thể chỉnh đốn, nhưng giải đãi và hôn trầm thì nặng nề và u ám).
Chỉ có “thở” mới trị được bệnh này.
Có lẽ tôi bỏ ngồi tham thiền quá lâu, và có khi không kịp cúng lạy buổi sáng nữa, vì quá bận bịu với việc hàng ngày. Có khi tôi tự an ủi là trước kia mình chịu khó dành nhiều thì giờ tĩnh lặng để quán tưởng, nhìn thấy việc gì mình nên và không nên làm. Bây giờ thì nhiều việc phải làm quá, và có khi việc làm tốt còn có lợi cho đạo, cho đời quan trọng hơn là ngồi thiền quán.
Trước kia buổi sáng đến trường, tôi hay đậu xe xa cuối bãi để cảm thấy yên tĩnh trước cảnh đồi núi trùng điệp. Gần đây tôi dành hết thì giờ làm việc. Còn một điều nữa là còn lo tập thể thao. Khi khám phá ra chân bị mọc xương và đau quá, tôi không còn tập các môn như đi bộ, đạp xe, để giúp tim khỏe, bớt calories và bớt... mỡ. Lúc này tôi chỉ tập weight training, tức như loại tập tạ cho xương và các bắp thịt rắn chắc. Rốt cuộc vì tập không đúng cách cho nên còn... lên cân, vì ăn nhiều hơn.
Có khi tôi thấy đầu óc mình sao trống rỗng, trái tim sao trống rỗng, như không có ai trong đó. Mặc dù suốt hai tuần nay, tôi cứ nằm chiêm bao thấy ba về thường làm việc với tôi. Cách đây mấy hôm, tôi lại chiêm bao thấy mẹ nói với tôi mẹ tu và bảo tôi cắt tóc ngắn cho mẹ. Lúc về nhà, lục lọi tìm lại hai bài "Tình yêu Đại đồng” và "Như là" đọc lại. Tôi viết hai bài này vào hôm 18 và 22 tháng 12-1994. Đọc lại sao thấy trùng hợp với trong sách quá, ở trang 42 viết:
"The awakening of the spirit is accomplished because the heart has first died. When a man can let his heart die, then the primal spirit wakes to life. To kill the heart does not mean to let it dry and wither away, but it means that it has become undivided and gathered into one.
"The Buddha said: "When you fix your heart on one point, then nothing is impossible for you." The heart easily runs away, so it is necessary to concentrate it by means of breath-energy."
(Sự thức giác của tinh thần được hoàn mãn vì trước tiên là cái tâm đã chết. Khi một người có thể để cho tâm mình chết, thì tinh thần uyên nguyên sẽ thức tỉnh. Giết cái tâm không phải là để cho nó khô héo và tàn rụng đi, mà có nghĩa là nó trở nên không còn phân chia và phối hợp lại thành một.
Đức Phật từng dạy: "Khi định tâm vào một điểm, thì không có gì là bất khả nữa." Tâm rất dễ dàng động loạn, do đó cần phải định nó lại bằng cách hít thở năng lực).
Thường thường mỗi khi tôi trải qua một giai đoạn tu học, thử thách, tôi cứ hay ở trạng thái "trống không", giống như người bị thất nghiệp; lần này thì bị công việc tấn công ghê quá, tưởng chừng như bị đuổi sau lưng làm không kịp. Tuy nhiên, tôi bị thúc đẩy nhưng tim và óc lại được bình an. Thể xác có mệt mỏi, biếng lười, nhưng vẫn không ù lì trì trệ, vì nhờ có tinh thần nhạy bén làm việc hăng say. Cơ thể nhiều lúc muốn nằm, tôi bắt nó đi, đứng, lái xe, vân vân...
Thật ra vô thức tôi bắt kịp sự bất quân bình đó, nên tuần rồi tôi trở về lớp Tai Chi tập lại. Kỳ này, ông Vincent bắt chúng tôi tập tám động tác thể dục gọi là Ba Duan Jin. Mỗi động tác có hiệu lực giúp cho toàn bộ hệ thống cơ thể mình từ bắp thịt, trí não, thần kinh, lục phủ ngũ tạng được mạnh khỏe. Sau đó mới tập Tai Chi. Tập xong, ông bảo ngồi yên nhắm mắt nghe ông đọc một đoạn thơ trong quyển The Way of Chuang Tzu (Đạo của Trang Tử) của Thomas Merton. Bài này có tên là The True Man (Chân Nhân).
... They had no mind to find Tao
They did not try, by their own contriving,
To help Tao along
These are the ones we call free men.
*
Minds free, thoughts gone
Brows clear, faces serene
Were they cool? Only as autumn
Were they hot? No hotter than spring
All that came out of them
Came quiet, like the four seasons
(Tạm dịch)
... Họ không có tâm tìm Đạo
Họ không cố gắng, hoặc lo lắng
Để giúp Đạo trường tồn
Họ là những người được cho là tự do.
*
Tâm tự do, niệm đi mất
Mày thanh, mặt sáng
Họ có mát chăng? Chỉ như là mùa thu
Họ có nóng chăng? Không nóng hơn mùa xuân
Tất cả đều đến từ chính họ
Đến lặng lẽ, chẳng khác chi bốn mùa.
Sau đó tôi tìm được hai bài dưới đây tôi đã viết từ năm 1994:
Tình Thương Đại Đồng
Tại sao khi tình thương Đại Đồng phát triển theo cấp số nhân thì tình cảm cá nhân gia đình càng giảm???
Tình cảm cá nhân mãnh liệt khi con người còn ích kỷ muốn vật hay người mà mình thương yêu phải thuộc sở hữu của mình. Vì thế sự thương yêu càng nhiều sự đau khổ càng tăng.
Khi cái ngã, sự ích kỷ thu nhỏ dần và mất đi thì tình thương đại đồng gia tăng mãnh liệt và hạnh phúc thật sự cũng gia tăng vì ta không còn những mối lo âu mất mát đe dọa làm xáo trộn tâm thức ta nữa.
Điều làm cho con người đau khổ là nỗi lo sợ mất mát. Đó là đầu dây mối nhợ cho sự đau khổ ở trần gian.
Vì thế người ta phải đi từ sự sở hữu đến vô sở hữu. Nếu đã buông sở hữu này để buộc vào sở hữu khác thì có khác chi mở chiếc cùm này để cột vào dây xích nọ.
Muốn thoát khổ ta phải đối diện, trực diện với sự mất mát. Một trong những sự mất mát to lớn là sự chết. Đó là sự mất mát tột đỉnh, hơn bất cứ người hay sự vật nào mà ta sở hữu.
Tình yêu bình thường đau khổ chính vì nó đi đôi với sự mất mát. Tình yêu đại đồng đã và sẽ không bao giờ mất, vì nó không có tính chất chiếm hữu.
18-12-94 - 11:50 giờ tối
Trực Diện Với Sự Sống
Con người thực sự trực diện với sự sống khi bừng tỉnh giác ngộ. Sự rung động bây giờ không còn bị ảnh hưởng bởi lục giác và hỉ nộ ái ố mà là sự nhìn thấy sự hiện diện của sự sống của con người và sự vật, thiên nhiên, với tất cả sự hiển nhiên mà mình chấp nhận không có sự chống đối hay chấp nhận của nội tâm.
Con người luôn luôn tiếc rẻ khi rời một tầng giới tâm thức này để tiến hóa sang một tầng giới tâm thức cao hơn, xa rời dần sự gò bó ích kỷ của cá nhân nhỏ bé. Càng đi xa dần với sự nhỏ hẹp của cái nhân nội tâm bé nhỏ ích kỷ ta càng thương yêu hơn, nhưng sự thương yêu rộng lớn bao quát này không còn bị ảnh hưởng vây quanh của tình cảm, của sự xúc động đôi khi mãnh liệt của trái tim. Sự thương yêu của sự tĩnh lặng không biên giới. Sự thương yêu với sự vắng mặt của sự sợ hãi, ràng buộc, chiếm hữu.
Như thế thì trái tim của ta đã chết rồi chăng? Trái tim phải chết để rồi sống lại thật sự để không bị rung động và xúc động bởi sự ích kỷ, chiếm hữu, và sự vui sướng với hiện diện của đau khổ.
Ta đã qua một cái chết của sự thay đổi của con tim trần gian để rồi sống lại bằng một con tim mới mẻ với những nhịp đập điều hòa hơn tưởng chừng như lạnh lùng vì vắng bóng sự sôi nổi đam mê. Nó không còn đau đớn hay sung sướng khi được xoa dịu bởi tình cảm cá nhân hay gia đình.
Ta đang sống trong tình cảm chứa chan tràn đầy của tình yêu nhân loại thật sự đồng thời với sự lạnh lùng không cảm xúc của con người thường nhật. Một trạng thái thật khó diễn tả.
Phải chăng con người chỉ nhìn, thấy, đạt được sự công bằng khi ở trạng thái này. Một trạng thái cần giữ như thế để con người thật sự được quân bình và sáng suốt. Có như thế ta mới nhìn và chấp nhận con người và sự vật như là.
4-12-94 - 3:00 giờ sáng
24-4-96
Mấy hôm nay tôi đang làm phụ chú cho quyển sách Hồn Thiêng Dân Tộc. Khi làm đến chữ Nine Dragons River, tôi phải lên thư viện của trường tìm bài hoặc sách viết về sông Mekong. Chương cuối của sách dịch ra Anh ngữ cho nên bài "Cửu Long giang Vùng dậy", Kim Lan đề nghị dịch là "The Awakening of the Nine Dragons River".
Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông Thomas ONeil viết bài "Mekong River", đăng trong National Geographic số Feb. 1993, có đủ dữ kiện cần thiết. Ông viết, sông Mekong còn có tên là: River of Stone, Dragon Running River, Turbulent River, Mother River Kong, Big Water và the Nine Dragons. Sông Mekong dài 2600 dặm, phân nửa bên Trung quốc, rồi chảy qua Diến điện (Myanmar), Lào, Thái lan, Cao miên và Việt Nam.
Ông Thomas còn ghi sông Mekong vào Việt Nam bằng hai nhánh Tiền giang (Upper River) và Hậu giang (Lower River). Sông chia ra làm bảy nhánh chảy ra biển China Sea, hai nhánh còn lại bị bùn lấp. Ông nói người Việt Nam cho rằng số 9 là điểm lành nên vẫn còn gọi là Cửu Long hoặc Nine Dragons.
Trong đoạn cuối câu chuyện của ông Thomas thật giống với đoạn cuối bài thơ "Cửu Long giang vùng dậy" của tôi. Ông kể, khi tàu du hành của ông sắp ra biển, thì công an cộng sản bắt ông phải quay lại, và tả cảnh trên sông lúc đó như sau:
"Ánh tà dương xuống dần khi chúng tôi quay trở lại Cà Mau. Những con dơi ăn trái quét ngang bầu trời sẫm tối. Các con hạc đêm bay về phía đồng lầy. Không bao lâu chúng tôi đi vào trong chỗ lưu thông của tàu bè, tháp đoàn cùng đám dân chài lưới, dân làm gỗ, trẻ con đi học, các bà đi chợ, tất cả chia chung nhịp điệu di chuyển chậm chạp của dòng Cửu Long.
Bóng tối đến khiến ta hầu như quên đi chiếc bóng đen của chiến tranh và hỗn loạn đã rơi xuống quá thường xuyên trên các vùng đất cổ xưa này, và tưởng tượng đến các dòng nước của sông Cửu Long trôi chảy như một con rồng sáng chói - một tinh thần hiền hòa, mạnh mẽ và đầy nguồn sống - xuyên qua trái tim của Đông Nam Á."
Tôi có làm phụ chú chữ Pháp Thân cho sách qua cuốn Kinh Pháp Bảo Đàn phần 19 "Tự Tánh của mình chính là Pháp Thân" và phần 20 khi thầy Huệ Năng nói về Tam Thân Phật và dạy bài tụng:
"Tôi xin quy y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi xin quy y trăm, ngàn, ức Hóa Thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi xin quy y Viên Mãn Báo Thân Phật của tương lai trong chính sắc thân mình."
Còn trong cuốn Phật Giáo Thánh Kinh thì có phần D trong chương Phật Đà, nói về Pháp Thân theo Kinh Di Giáo, Kinh Phật Cảnh Giới, Kinh Hoa Nghiêm và Đại Bát Nhã.
Đọc bài Lời Tựa của quyển sách này, tôi thấy cảm phục bà Dương Tú Hạc đã dày công trích yếu trong ba tạng: Kinh, Luật và Luận, gồm 175 bộ Kinh. Tổng số 13 vạn lời. Thầy Trí Nghiêm nói những bộ Kinh vĩ đại nhất của Phật giáo đều có mặt ở trong cuốn này như bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, Tạp Thí Dụ 80 quyển, Hoa Nghiêm 80 quyển, và bộ Hoa Nghiêm được trích dẫn đến 80 lần. Công trình biên khảo của bà là quyển kinh tổng hợp đầy đủ năm thừa giáo lý từ thấp đến cao. Nội dung phân khoa chia mục trình bày thứ tự theo phương pháp khoa học khiến độc giả dễ nhớ dễ hiểu “tránh được nỗi phiền phức phải lẩn quẩn trong rừng giáo lý.”
Đọc lá thư bà trả lời thầy Trí Nghiêm, mới biết bà trước đây là tín đồ Cơ Đốc giáo. Khi làm Phật tử, bà lại "đóng cửa xem Kinh, mới nhận thấy Phật Pháp là vĩ đại, Kinh Tạng uyên thâm là dường nào; tất cả các môn học của thế gian không sao sánh kịp..."
Tôi còn làm phụ chú cho chữ Chánh Pháp trong bài thơ "Tình Thương không Chủ nghĩa" với đoạn cuối:
... Từ đây, mây tan, gió lặng
Ánh bình minh rực rỡ trên quê hương Việt Nam
Chim có tổ
Người có tông
Dân Việt Nam ta ùn ùn trở về nguồn cội
Có ông bà, cha mẹ
Có trên, có dưới
Có Trời, có Phật
Toàn Dân quy nguyên Chánh Pháp
Dẹp tan lũ vô thần đã tàn phá non sông.
Từ nay dân tộc Việt Nam
Chỉ có một chủ nghĩa duy nhất
Đó là tình thương không chủ nghĩa!