9-11-95
12:00 giờ đêm Thái lan - 1:00 giờ sáng Nhật bản
Trên máy bay Japan Airline từ Bangkok đến Tokyo
Tôi thật vui mừng khi được lưu trú tại tu viện của chùa Hoàng gia Cẩm thạch Thái lan cạnh thành vua. Năm 1991, tôi đi viếng trại tị nạn Thái lan cùng Tài, phải ở tại khách sạn. Năm đó nhằm lúc có chương trình sinh nhật của hoàng hậu Thái lan rất long trọng, chúng tôi theo dõi trên truyền hình. Tất cả các công tư sở, hoàng gia, quần thần và dân chúng đều ăn mừng. Dù những nơi không có sự hiện diện của bà, cỗ bàn thịnh soạn cũng được trưng bày để chung vui.
Lần đó, trước trại Phanat Nikhom có dựng một sân khấu có trưng bày một chân dung phóng đại của hoàng hậu Thái lan. Các ban trị sự PGHH tại Thái lan đều cho biết trong trại có làm lễ mừng sinh nhật của hoàng hậu để cảm tạ bà cho người Việt Nam cư ngụ trên đất Thái.
Hai mẹ con người Ai cập ngồi bên cạnh bảo tôi giống Nhật bản quá. Tôi lắng nghe nhạc mới của Nhật trên radio. Nhạc thật hay, ca sĩ hát rất truyền cảm. Chắc tôi phải học lại tiếng Nhật, vì cảm thấy thích thú lắm.
Năm giờ sau, trên màn ảnh máy bay đang chiếu các thắng cảnh tại Nhật bản, nơi du khách thường thăm viếng. Có cả Disneyland, phố Ginzai và phố Tokyo. Trong ngôn ngữ Nhật có rất nhiều danh từ Anh ngữ, nhưng đọc hơi khác một chút theo vần của họ, và khi viết thì dùng chữ Katakana. Thí dụ chữ Coca-Cola thì họ phiên âm thành Koka-Kora vì họ không có vần “l” nên chữ “la” trở thành “ra”. Hiệu nước ngọt Sprite trở thành Supuraito. Chữ Apple (trái táo), thành chữ Apporu. Chữ Beer trở thành Biru; Coffee thành Cohi vì không có vần “f”. Còn Butter (bơ) thành Bataa (kéo dài âm a).
Ngoài trời vầng hồng ló dạng phía trước bên phải của máy bay. Trên màn ảnh, một thiếu nữ Nhật bản đang dạy vài động tác cho thư dãn. Một số hành khách làm theo cho đỡ mỏi mệt. Những cái đầu quay quay, những cánh tay duỗi ra bẻ ngược vào người, những cái vai nhún lên nhún xuống... Tôi lại sắp sống nơi một thế giới khác, với ngôn ngữ quen thuộc và ưa thích từ thuở xưa, lúc mới vào đại học Vạn Hạnh năm 1968, học với thầy Châm Vũ và thầy Thích Mãn Giác. Thầy Mãn Giác có cho tôi một quyển sách dạy viết thơ bằng Nhật ngữ, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa viết được thơ lưu loát, nếu không muốn nói là đã trả tiếng Nhật lại cho thầy hết rồi...
11-11-95 - Yashio, Tokyo
Tôi đang ở trên đống rác. Một đống rác khổng lồ của nhà giàu tại Nhật bản. Hà bảo người Nhật bắt đầu đổ rác tại đó từ khi Đỗ Thông Minh mới sang du học, có lẽ năm 1970. Hiện tại có 5.000 gia đình, tổng cộng 50.000 người dân trên khu Yashio mới thành lập bằng rác của thành phố Tokyo. Có nhiều cao ốc cao đến 14 tầng.
Hà bảo nhờ có khu này nên mới mướn được nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi nhà tắm nhà vệ sinh, lại không quá đắt. Những khu đắt đỏ nhà đã nhỏ xíu mà lại không có nhà tắm. Mỗi chiều người Nhật phải xách quần áo, lon, xà phòng, khăn để đi tắm. Người Việt Nam ngồi xếp lên đùi không quen, lại phải xách cả ghế ngồi. Con cái còn nhỏ tắm chung với cha mẹ. Nếu đi với mẹ thì tắm chung hồ với đàn bà. Còn đi với bố thì qua tắm khu đàn ông.
Đỗ Thông Minh đang ở California để ra mắt mấy cuốn sách của anh, nên tôi ở với Hà, vợ Minh, và ba con, Toàn 12 tuổi, Minh An 8 tuổi và Chi Lan 6 tuổi. Có lẽ quen thấy bố suốt ngày soạn sách nên đứa nào cũng chăm học và đọc sách. Chúng nói chuyện với Hà và tôi bằng tiếng Việt, nhưng nói với nhau bằng tiếng Nhật.
Gia đình Hà cũng như hầu hết gia đình Nhật bản, cứ mỗi tối mọi người đều tắm sạch sẽ rồi ngâm mình trong hồ nước nóng. Tắm xong, đậy nấp hồ lại giữ cho nước nóng. Nếu hà tiện một chút thì để dành đến hôm sau vặn máy hâm nước ấm lại tắm một ngày nữa, rồi mới bỏ nước đó đi.
Khác với Âu châu, người Nhật tắm và giặt giũ mỗi ngày nên quần áo khăn lau đồ lót đều trắng phau sạch sẽ. Tuy giặt tiệm đắt tiền, một áo khoác hấp gần 20 mỹ kim, một váy khoảng 10 mỹ kim, nhưng vì công việc làm ăn vững vàng, lương cao, nên họ vẫn cứ ăn xài.
Hà bảo phần lớn những người trẻ làm việc xong đi ăn uống, hát karaoke đến khuya mới về. Mấy cô ca sĩ kịch sĩ còn trẻ, khoảng 14, 15 tuổi, mới được ưa chuộng. Đến 22 tuổi là phải đi hát ở xa vì khán giả chê già.
Hôm qua tôi đến phi trường Narita vào lúc 6:20 giờ sáng. Lúc đó ở Bangkok mới 4:20 giờ sáng. Tôi có giấu trong giỏ xách một hoa sen trắng ở chùa mang sang tặng Hà. May quá tôi không bị giữ lại. Kỳ trước tôi mang hoa lan và ổi, nhãn cho Minh với Hà bị họ tịch thu hết. Ông Yoshio Wake đón tôi với tấm bảng “Sea One Seafoods”, tên công ty của chúng tôi.
May cho tôi là không bị kẹt xe như vào các ngày thứ sáu khác. Ông Wake bảo trong tháng những ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 là ngày lãnh lương nên hay kẹt xe lắm. Ông bảo người Nhật trẻ thích đi ngoại quốc chơi vì giá máy bay đi nội địa cao tương đương. Từ Tokyo đi Okinawa khoảng 600 mỹ kim, và đi Hokaido khoảng 550 mỹ kim; với số tiền trên họ có thể đi Thái lan chơi.
Hôm qua tuy mệt nhưng tôi nóng lòng muốn ra phố Nhật chơi, với lại muốn xem đường đi cho quen, nên theo Hà ra tiệm ở quận Shanagawa. Hà chỉ tôi cách đón xe bận đi ở trạm Yashyo Koen Maé (trạm trước công viên) trước cửa nhà; còn về thì xuống trạm Yashio Kitta Shyogakkoo (phía bắc của trường tiểu học). Bận đi thì đi xe buýt số 91 của trạm Oi Machi, còn về xe 91 đón tại trạm Shanagawa.
Trung tâm Mekong của Minh với Hà ở trên đường Kuyakushodori, rất trù phú, đủ loại cửa hàng. Nhiều người Việt Nam gọi điện thoại mua hàng, mua vé máy bay, thức ăn, băng nhạc, video. Tiệm không thiếu một món gì cả, từ sách báo, CD, video, băng nhạc, đến chai nước mắm, hay các món gia vị Thái lan.
Tôi thích thú thả bộ dài dài ngắm từng cửa hàng, chỗ nào cũng sạch sẽ, ngăn nấp. Người Nhật đi đường ăn mặc rất tươm tất. Nhất là các cô gái trẻ mặc các bộ váy rất xinh xắn. Người đi bộ và đi xe đạp chia nhau vỉa hè. Xe đạp phần lớn màu đen, phía trước và phía sau đều có gắn giỏ đựng đồ.
Tôi nói với Hà tôi thích mặc áo Nhật chụp hình. Hà nói mắc lắm. Một đứa bé cỡ như con Hà mượn áo kimono của tiệm chụp, họ tính đến 300 mỹ kim.
Tôi rũ Hà vào một tiệm bình dân ăn trưa. Trước cửa họ bày thức ăn mẫu với giá tiền và số. Tô mì nhỏ nhất có vài cọng rong biển ở trên, giá trên 300 yen. Tô lớn một chút, có một miếng thịt và vài cọng rong biển giá 500 yen. Còn một tô cơm có thịt chiên và một tô súp khoảng 700 yen. Tiền đổi tại ngân hàng Sanwa Ginko là 97.95 yen một mỹ kim. Như thế, giá sinh hoạt tại Nhật bản đắt hơn tại Thái lan nhiều. Tại Bangkok, một tô hủ tiếu có đủ thứ tôm mực thịt giá chỉ có trên 1 mỹ kim. Thảo nào các anh chị Nhật cứ thích đi nước ngoài chơi là phải.
13-11-95
Khi tôi ra bao lơn phơi quần áo thì nhìn thấy bao lơn của các cao ốc xung quanh đã đầy những mền, nệm, ra, khăn, áo quần các thứ.
Tôi cảm thấy hòa mình vào nếp sống siêng năng tại Nhật, và chịu thua sự kiên nhẫn của đàn bà Nhật hay đàn bà Việt Nam tại Nhật. Tôi cúi xuống đứng lên nhặt những chiếc vớ, áo lót bé xíu của Minh An, Chi Lan, kẹp vào các chiếc kẹp bằng mũ treo toòng teng trên mấy khoanh cao su thòng xuống từ mái nhà. Đàn bà ở đây mỗi ngày phải giặt giũ, tắm rửa con cái, giặt thảm, giặt mền, áo gối, khăn đắp, futon lót nằm... thường xuyên. Rồi nấu nướng, đi chợ, dọn dẹp, đi làm. Một cuộc sống thật bận rộn.
Tối hôm qua tôi đến nhà chị Đặng và anh Dũng, dự nghi thức Phép Nhà của anh chị với linh mục Nguyễn Hữu Hiến và chị Tuyết Mai nhóm Linh Thao. Nhà chị Đặng cũng thật sạch sẽ và tươm tất. Tính theo tiêu chuẩn của Nhật thì nhà có hai phòng 6 chiếu và một 4 chiếu. Đó là tiêu chuẩn trung bình của Nhật cho hai vợ chồng và hai con.
Nhà Nhật nhỏ nên luôn luôn được vén khéo không bày nhiều bàn ghế. Mền gối được xếp hết vào tủ dành chỗ đi đứng và ngồi vào ban ngày. Tôi thích thú nhìn ngắm từng ly từng tí, cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh, và nhất là sạch sẽ. Từ đồ đựng giấy vệ sinh cũng được thêu hoa che phủ, bên dưới lại có một bọc may cùng màu để đựng một cuộn mới, và bọc phía dưới nữa đựng băng vệ sinh. Những loại áo thảm bọc vào nấp cầu hay bồn nước đều được các nhà thiết kế nghiên cứu sao cho thật xinh xắn, màu sắc trông vui tươi và mát mắt.
Anh chị Dũng mời linh mục Nguyễn Hữu Hiến về nhà, cùng các anh chị ở cộng đoàn Kawasaki thuộc tỉnh Yokohama, sau khi họ dự thánh lễ bằng tiếng Việt mỗi tháng một lần tại nhà thờ Mĩono-kuchi vào lúc 2:00 giờ trưa. Nơi này có đông giáo dân hơn thánh lễ buổi sáng tôi tham dự ở Trung tâm Quốc tế Cứu viện ở Yashio gần nhà Minh, chỉ có 20 người.
Năm 1991, lúc tôi đến viếng Trung tâm này, thì còn rất đông người tị nạn, nay chỉ còn 60 người thuộc thành phần đã được Nhật bản nhận định cư từ các trại Hongkong, Mã Lai, vân vân... Theo linh mục Nguyễn Hữu Hiến thì tại Nhật bản còn ba trung tâm lo cho người tị nạn là Yamamoto ở Fujisawa, Quốc tế Cứu viện Shinagawa và Trung tâm Himéji gần Kobé, nơi đã xảy ra trận động đất lớn.
Linh mục Nguyễn Hữu Hiến là tuyên úy của cộng đoàn Tokyo, và là phó sứ nhà thờ Koenji tại Suginamiku-Tokyo. Cha lo làm lễ cho người Việt Nam tại Tokyo, Osaka, Kobé, Himéji, Nagoya miền Nam và Niigata, Karasuyama và Maé Bashi miền Bắc nước Nhật.
Được sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Hữu Hiến và cô Tuyết Mai thuộc nhóm “Chia sẻ Lời Chúa” tại Tokyo, chúng tôi đến viếng thăm cộng đoàn Kawasaki thuộc thành phố Yokohama.
Thánh lễ được tổ chức vào lúc 2:00 giờ chiều cùng ngày tại nhà thờ Mĩonokuchi. Thánh lễ tại đây quy tụ khoảng 50 người Việt Nam. Hai em bé tròn trĩnh dễ thương làm phụ lễ tên là Lê Quốc Việt và Lê Quốc Hùng; tên Nhật của các em là Suzuki Koichi và Suzuki Zushi.
Được biết người Việt Nam tại Nhật bản khi vào quốc tịch phải viết tên họ mình theo Hán tự và đọc theo âm Nhật. Vì không thể giữ nguyên tên cũ của mình, nên mọi người phải thay đổi hẳn họ và tên Nhật cho dễ gọi.
Nhân dịp này, anh Đoàn Viết Phương, đại diện cộng đoàn Kawasaki lên cho biết một số sinh hoạt của giới trẻ tại đây. Họ bán bẵar (garage sale) giúp cộng đoàn được 24.000 yen. Tuyết Mai giúp bán thiệp giáng sinh để giúp các em bé mồ côi, nghèo, bệnh tật tại Việt Nam. Giá mỗi tấm thiệp là 150 yen và quyển thánh ca Alleluia giá 2500 yen.
Tuyết Mai là ca viên cho ca đoàn Cecilia thuộc cộng đoàn Nhật, đó là cộng đoàn người Việt đông nhất tại Nhật bản. Mỗi thánh lễ quy tụ được 200 người. Tuyết Mai hoạt động rất hăng say trong việc đạo và việc thiện nguyện. Nhóm trẻ Linh Thao “Chia sẻ Lời Chúa” gồm khoảng 20 người, hiện thực hiện các công tác nhằm giúp đỡ các trẻ em bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi tại Việt Nam. Các anh chị nấu thức ăn, làm chả giò bán, hoặc hát thánh ca Việt Nam để gây quỹ. Vào dịp Giáng sinh tới, đoàn Linh Thao được nhà thờ Nhật Hodogaya ở Yokohama mời đến trình diễn thánh ca cho giáo xứ này. Tuyết Mai vượt biên từ Nhà Bè năm 1989, trên chuyến tàu 173 người được tàu Hoa kỳ vớt khi chở xăng qua Nhật bản. Hiện cô đang làm việc cho một hãng điện.
Buổi tối khi về nhà anh chị Lê Quang Dũng, cha mẹ của hai em bé Quốc Việt và Quốc Hùng. Anh Dũng gốc Quy Nhơn, chị Đặng ở Thủ Đức, vượt biên và gặp gỡ kết hôn trong trại Omura ở miền Nam Nhật bản. Bất cứ thuyền nhân nào đến Nhật cũng đều phải vào trại chuyển tiếp để phân loại rồi mới được đưa sang các trại khác. Nhờ được hướng dẫn và chăm sóc, nên mọi cựu thuyền nhân đều có việc làm vững chắc.
Buổi tiệc thức ăn Việt Nam nhưng được bày ngay dưới sàn nhà theo kiểu Nhật bản. Thực khách ngồi xếp bằng ăn uống thật vui vẻ trong tình đồng hương trên đất Phù tang.
Theo linh mục Hiến cho biết, tại Nhật bản có ba Trung tâm dạy Nhật ngữ cho người tị nạn. Ở miền Tây có Trung tâm Himéji gần Kobé, chỉ còn một số ít người Việt chuẩn bị đi định cư; Trung tâm Yamamoto ở Fujisawa, miền Đông, dạy cho người Việt-Miên-Lào; và Trung tâm Quốc tế Cứu viện Shanagawa. Tất cả các trung tâm trên đều lo việc ăn, ở và tìm việc làm cho người chuẩn bị đi định cư. Tất cả số người rớt thanh lọc đều đã hồi hương. Riêng 26 người hồi hương rồi lại trốn đi bằng thuyền, bị bắt hồi tháng 10-1995 khi ghé Nhật xin nhiên liệu, hiện đang bị biệt giam tại trại Omura Nagasaki ở miền Nam.
Tôi được tiếp xúc cùng hai đại diện giáo dân tại Trung tâm Quốc tế Cứu viện Shinagawa là ông Nguyễn Văn Chuyển và Vũ Quốc Thái. Ông Chuyển gốc người miền Bắc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông cho biết tiêu chuẩn mỗi đầu người tại trung tâm mỗi ngày ăn ở 1000 yen cộng tiền phụ trội gọi là “tiền nước và thuốc” được 100 yen. Mỗi người dù là tị nạn hay đến Nhật đoàn tụ đều được trung tâm nuôi 6 tháng, gồm 4 tháng học Nhật ngữ, và 2 tháng học về xã hội. Sau khi mãn khóa, họ tìm việc làm và nhà cửa, cho tiền chuyên chở đồ đạc xuất viện, đồng thời cấp cho mỗi đầu người từ 15 tuổi trở lên 15.000 yen. Người đến từ trại tị nạn được cho nhiều hơn một chút.
Ông Chuyển cho biết có hai anh là bộ đội đi chiến trường B đến 12 năm. Khi vào Nam, các anh của ông đã gặp lại các ông chú đi từ năm 1954, và được nghe những lời tâm sự, nên sau 1975 họ đã vượt biên và đều định cư ở Úc châu. Riêng ông Chuyển được miễn dịch, nhưng vợ làm bộ đội ba năm ở đường mòn Hồ Chí Minh. Ông đã chuẩn bị từ trước nên sau 1975 toàn thể gia đình ông vào Nam làm lại giấy tờ đi từ năm 1954 để có dịp trốn ra nước ngoài.
Ông Vũ Quốc Thái qua đoàn tụ cùng hai con hiện đang học tại Nagoya. Cô Thủy đã tốt nghiệp y khoa và anh Hòa sắp tốt nghiệp kiến trúc sư.