Gia đình người hàng xóm

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30369)
Gia đình người hàng xóm

20-12-94

Tôi thường ngồi tịnh tâm sau khi lạy Phật vào buổi sáng sớm. Những tư tưởng hoặc thể tài hay đến vào lúc đó, và tôi lại cầm bút lên. Tôi thường viết khi còn đang mặc áo tràng nâu và kê giấy lên chiếc bàn nhỏ dùng làm nơi kê các quyển kinh Phật.

Có hôm tôi vẫn thắp nến sáng rực khi viết về các thể tài tâm linh huyền nhiệm, hoặc những tư duy riêng trên con đường đạo. Với các thể tài thường nhật, tôi tắt nến kéo ghế ngồi cạnh chiếc bàn nhỏ kề bên cửa sổ, vừa viết bài vừa nghe chim hót.

Nhìn xuyên qua khung cửa sổ trời vào đông, các buồng cau vàng vọt khô cằn buông rũ xuống. Sương mù vẫn còn trắng xóa và mặt trời chưa lên. Mảnh vườn bé nhỏ của tôi tuy không được chăm sóc kỹ, nhưng các đóa hồng nhung đỏ thắm chen lẫn cùng hoa impatiens màu hồng trắng vẫn cứ nhuộm sắc tươi không khác chi đầu thu, chỉ trừ thiếu ánh nắng mặt trời óng ả.

Nhìn sang khu vườn nhỏ bên cạnh của vợ chồng Mary, tôi nhận biết nỗi bất thường nội tâm của gia đình hàng xóm. Một buổi sáng cách đây mấy hôm, tôi thấy nhiều quần áo còn tốt vứt bừa bãi trên mảnh vườn trồng cà, bí, đang héo úa vì trời lạnh. Cả ba đứa con của Mary đều là con trai trạc tuổi nhau, nên tôi không nhận biết của đứa nào, nhưng đoán là của Tony, vì Mary nói đứa con út này đã theo băng đảng, đã hút xách, và lấy thẻ tín dụng của Mary xài mất $700 mỹ kim thì Mary mới hay. Đứa con trai lớn tốt nghiệp trung học xong theo học nghề sửa xe, nhưng có một dạo không hành nghề được vì bị án treo lái xe khi say rượu. Nghề sửa xe mà không có quyền lái xe thì họ không mướn. Thế là cậu lớn chuyển sang làm thợ sơn và nhờ đó mà cậu em kế Mark cũng theo làm thợ sơn.

Tôi thương Mary nhưng mỗi lần tâm sự xong, Mary vẫn không làm theo các lời khuyên của tôi. Đã trên mười năm rồi mà Mary vẫn cứ nói với tôi là muốn đi làm bán thời gian để có thì giờ ở nhà với con nhưng không thực hiện. Lúc tôi dọn về đây hai đứa con lớn của Mary còn học tiểu học, thằng út học mẫu giáo. Bây giờ thì muộn rồi. Những con số quái ác vẫn đeo đuổi Mary, tiền lương cao hàng tháng, tiền hưu bổng... Căn nhà mua từ lúc mới cất nên tiền hàng tháng trả thật rẻ. Mary muốn ly dị nhưng ông chồng đòi đưa tiền mặt của nửa căn nhà, Mary không chịu nên dọn ra ở phòng thuê, tốn kém quá, lại dọn về.

Có nhiều lúc tôi mừng rỡ khi nhìn thấy vườn tược của Mary gọn gàng, sạch sẽ, hoa hồng được cắt tỉa vun quén. Mảnh vườn nhỏ ngày xưa có bụi chuối xanh tươi xum xuê đã bị đốn, bỏ hoang một thời gian, sau đó được đào xới lên trồng cà đỏ, cà tím, dây bí xanh um treo lủng lẳng những quả dài bầu bĩnh.

Một thời gian sau, mảnh vườn lại đầy những thùng rác chứa ngập các lon bia và rác rến. Mỗi buổi vừa chợp tối cho đến thật khuya, nơi vườn sau nhà Mary vang dội tiếng lạch cạch của các trái bi da đập vào nhau, tiếng khua của các lon bia vất vào thùng rác, và các thứ tiếng ồn ào khác.

Lúc mới quen, hai đứa chúng tôi thường hay đi phố Bolsa ăn uống hoặc đi chợ. Mary mê phở nên thường hay xin thêm bánh phở ăn mới đủ no. Lúc Mary mới lấy chồng ở chung với mẹ chồng và chị em chồng. Khi cãi lộn hoặc ấu đả, Mary đánh họ mà lại gọi cảnh sát đến và nói rằng bị vây đánh. Có một lần Mary bắt được chồng có mèo bên ngoài, về nhà đập hết đồ đạc, tivi...

Thấy những khó khăn về con cái của Mary, khiến tôi càng chú tâm đến hai con của mình hơn. Có nhiều lúc tôi muốn dọn đi nơi khác khi thấy Mark tụ tập bạn bè về đông quá; chỉ hiềm nhà cửa đang xuống giá, bán nhà này không thể mua một cái khác tương đương như vậy ở khu tốt. Chỉ còn cách cố gắng theo sát để hướng dẫn con cái mình.

Dù chúng tôi cấm cách mấy thì Thịnh vẫn chơi với Mark vì ở sát cạnh nhà và quen nhau từ nhỏ. Điều tôi không ngờ là thực tế của Mark, bỏ học, có con, hút xách, vân vân... lại khiến cho Thịnh quan tâm hơn đến việc học vì thấy tương lai mờ mịt của bạn.

Bây giờ thì hai con tôi đều vào đại học, ở trong trường nơi xa, tôi đã bớt lo lắng như xưa. Nhiều người bạn cho rằng vợ chồng chúng tôi theo dõi con cái quá không để chúng tự phát triển và sẽ khiến chúng thiếu tự lập. Có lẽ bạn tôi nói đúng phần nào thôi. Đến bây giờ Thịnh học năm thứ ba, còn Cường đã vào năm đầu đại học, hai đứa vẫn còn xin phép chúng tôi khi phải đi đâu hay làm gì. Chúng tôi vẫn tiếp tục phận sự mà mình đã cho rằng đúng, vì ở xã hội văn minh này, với phim ảnh, âm nhạc đầy bạo lực, dục tính, và nhiều môi trường xã hội đầy ô nhiễm, ảnh hưởng rất nhiều đến con người, nhất là giới trẻ mới lớn lên, có thể sa ngã bất cứ lúc nào.

24-12-94

“Con người chỉ thật sự là con Người khi biết mình là ai; đến đây làm gì; biết chọn lựa, quyết định; và sống với sự chọn lựa quyết định đó đến cùng.”

Điều tôi đã ghi nhận được trong một mùa Giáng sinh lạnh lẽo nơi xứ người.

3-1-95
- Sao con không chơi với nhiều bạn gái?
Không nhìn tôi, Thịnh vừa ăn vừa hỏi lại tôi:

- Sao mẹ biết con không có nhiều bạn gái?

- Mẹ thấy như vậy. Lúc trước mẹ thấy con còn nói chuyện điện thoại, nhưng lúc này mẹ không thấy nữa. Với lại mẹ thấy con không có mua quà tặng trong mùa lễ vừa qua.

Thịnh im lặng tiếp tục ăn. Hai mẹ con tôi đang ngồi ăn ở tiệm cà phê Pháp nho nhỏ ở South Coast Plẵa. Tiệm này có bánh mì Pháp rất ngon.

Tôi nhìn Thịnh lòng rào rạt tình thương:

- Con à, mẹ muốn con giao thiệp với nhiều bạn gái để tánh con mềm mỏng hơn. Con hay gắt gỏng và nóng tánh quá.

Hôm nay là lần đầu tiên tôi nói chuyện mà Thịnh nghe và không cãi. Tôi tiếp tục câu chuyện còn bỏ dở:

- Con à hay con quen với các cô gái Á Đông đi. Các cô ấy dịu dàng hơn gái Tây phương.

Thịnh hỏi sang chuyện cuốn sách của tôi. Tôi bảo Thịnh phải gầy đi vì hôm ra mắt sách tôi sẽ tổ chức hội luận và sẽ giới thiệu Thịnh, Cường và Trang, chị nuôi của hai đứa. Thịnh hỏi nhà xuất bản ở đâu. Tôi nói ở San Francisco. Thịnh hỏi in bao nhiêu. Tôi nói, chỉ in 1000 mà thôi.

Thịnh lựa quần áo rất khó, nên lần nào hai mẹ con đi mua sắm, tôi đi bộ mỏi cả chân cuối cùng có khi về không. Nhưng không phải là Thịnh chỉ thích đồ đắt tiền, trái lại còn biết tiết kiệm cho tôi, hiệu nào hoặc tiệm nào quá đắt Thịnh không mua.

Thịnh chọn mua một quần jeans rộng thùng thình. Tôi lắc đầu. Thịnh bảo bây giờ họ mặc như vậy. Tôi nói:

- Tụi nó mặc nhiều nhưng coi không được con à. Con bắt đầu 21 tuổi phải ăn mặc đàng hoàng, không còn quần đùi áo thun hoài nữa. Con mặc cái quần thùng thình này trông xấu quá, nó làm con mập mà không sang.

Thịnh đưa tôi đến tiệm Old Navy bán đủ loại quần jeans cho đàn ông, đàn bà, con nít. Thịnh chọn hai áo vải tay dài màu xanh, bảo là nếu giống như vậy mà ở tiệm có gắn nhãn hiệu là giá gấp đôi. Tôi rất hài lòng.

Khi Thịnh lái xe trên xa lộ, tôi nhỏ nhẹ nói với Thịnh nhiều về đạo Phật giáo Hòa Hảo. Thịnh im lặng nghe.

Tôi giảng cho Thịnh nghe về tôn giáo của chúng tôi, vì hôm chủ nhật Thịnh Cường đi dự lễ Đản Sanh của đức Huỳnh giáo chủ ở Hội quán, hôm đó có bầu lại ban trị sự mới. Luôn dịp tôi giải thích tựa đề và sơ lược nội dung quyển sách của tôi là Cô bé làng Hòa Hảo cho Thịnh nghe.

Tôi bảo tôi viết về kỷ niệm ở làng Hòa Hảo nơi Đức Thầy sanh trưởng và lập đạo. Đạo Phật giáo Hòa Hảo là đạo Phật được giản dị hóa, không làm hình tượng và lập chùa lớn, vì Đức Thầy khuyên nên để dành tiền giúp cho người nghèo khổ, tàn tật, bị tai nạn; tức là làm việc thiện giúp đỡ xã hội. Tôi tiếp:

- Con thấy tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thờ tấm trần màu nâu không? Đó là biểu tượng sự hòa hợp mọi tôn giáo, chủng tộc, các đẳng cấp xã hội không phân biệt giàu nghèo sang hèn... Đức Thầy cũng dạy mình phải kính trọng ông bà đã sanh ra mình. Dạy yêu nước yêu quê hương nơi sanh trưởng ra mình, nên con thấy cạnh bàn thờ có bản đồ Việt Nam. Và trên hết là thờ Phật, đấng đã dạy cho mình con đường đạo để dẫn dắt đến một đời sống tốt đẹp.

Thịnh hỏi:
- Không có thầy tu như ở chùa hả mẹ?

- Phật giáo Hòa Hảo là đạo tu tại gia, có thể lập gia đình, có chồng con. Tu theo Phật giáo Hòa Hảo có nghĩa là sửa đổi, bỏ tánh xấu, con đường xấu để bước vào con đường tốt. Ngoài ra theo mẹ nghĩ, người có gia đình dễ quân bình về tâm sinh lý, không chịu sự đè nén về tình dục hay các thứ khác. Có nhiều người quá dồn nén một phương diện nào đó, mà không biết cách để điều hòa hay khắc chế - bằng cách tu hành đúng mức theo Phật pháp - có thể phát ra bằng các ham muốn khác, như danh vọng, quyền lực, hoặc tiền bạc vật chất.

Tôi trở lại giải thích lý do tôi đã viết sách:

- Mẹ chỉ muốn xuất bản sách để được chia sẻ với mọi người về tình thương yêu của mẹ với gia đình, dân tộc và đời sống nói chung, sự suy nghĩ của một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Đức Thầy dạy mẹ nhiều nhất về tình yêu quê hương. Và mẹ cố gắng tu tập để triển khai con đường chánh đạo.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880