Bồ Đề Đạo Tràng

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 24051)
Bồ Đề Đạo Tràng

blank

Sau khi tụng một thời kinh, Thượng tọa Thích Viên Lý khuyên mọi người nên buông xả hết tất cả cho tâm nhẹ nhàng, rồi cả phái đoàn ngồi thiền. Xung quanh chúng tôi nhiều vị sư Ấn độ cũng đang ngồi tham thiền dài theo hàng rào bao quanh chân tháp. Sau đó cả phái đoàn đi kinh hành và niệm Phật đi nhiễu quanh tháp ba lần rồi bước vào Đạo tràng dưới gốc Bồ Đề

8-11-97

2:30 giờ trưa - Phi trường Singapore (11:30 giờ tối ngày 7-11-97 tại California).

Trước mặt tôi là những khung cửa sổ lớn nhìn ra sân bay. Những chiếc máy bay Malaysia, Singapore Airlines, Air France xếp hàng ngang dọc theo các tầng lầu nơi hành khách ngồi đợi. Cách khoảng nhau là những đường thang nổi như những cánh tay dài vươn ra, nối vào các cánh cửa máy bay cho hành khách lên xuống.

Bên hông gần đầu và đuôi máy bay, nhân viên phi trường đẩy các nấc thang quay đến cho hành lý chạy xuống xe để chuyển vào nơi lấy hành lý. Rồi kẻ lo xăng nhớt, người lo mang thức ăn, hay quét dọn. Tất cả đều làm việc nhịp nhàng, máy móc cho mỗi chuyến máy bay mới đến, rồi lại bay đi về một khung trời khác, nối liền thế giới lại, người đi kẻ đến chi chít khắp nơi như một mạng lưới bao trùm trái đất.

Hình như đầu óc tôi khó kéo ra khỏi những gì liên quan đến Việt nam. Tôi đã không làm đúng những gì tôi định làm. Tôi dự định không mang sách báo theo, cố trở về với chính mình khi lên máy bay đi hành hương về đất Phật. Có lẽ tôi và đất nước tôi quá ràng buộc như hơi thở rồi chăng?

Lúc nãy, thầy Thích Viên Lý mượn tờ báo Người Việt có bài về giáo sư Đoàn Viết Hoạt, thầy cười bảo: "Chị là nhà báo có khác, đi đâu cũng có báo”.

Tôi đã nghĩ đúng, có nhiều người làm việc âm thầm, và làm việc âm thầm mới là "làm thật" và "có kết quả".

Đó là câu chuyện của ba người bạn H.O. thân nhau ở California, một kỹ sư Pháp và ký giả Patrick Poivre d’Arvor đã âm thầm làm việc. Ba cựu tù nhân Thanh Cẩm đã tham khảo và vẽ đường cho các phóng viên Pháp đầy đủ chi tiết về cách đi từ Hà nội vào Thanh hóa và lên trại tù Thanh Cẩm.

Nhờ bản lộ trình đó mà ngày chủ nhật 2-11-97, ngày tôi đi dự buổi họp thành lập Mạng Lưới Tranh Đấu cho Nhân Quyền, nhóm phóng viên truyền hình Pháp đã bất ngờ đột nhập khu lao động của trại Thanh Cẩm. Họ đã quay được cảnh các tù nhân đang bị cưỡng bách lao động, mà rất tiếc là giáo sư Hoạt không có mặt ngày hôm đó.

Một nhóm truyền hình Pháp khác cũng đến tận nơi sinh trưởng của giáo sư Hoạt ở Hà đông để quay phim.

Tuần trước, một nhóm truyền hình Pháp khác về Sàigòn quay hình ảnh viện Đại học Vạn Hạnh hiện đang bị cộng sản chiếm. Họ đã khôn ngoan hẹn trước với linh mục Chân Tín và giáo sư Nguyễn Ngọc Lan để phỏng vấn vào buổi lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn. Cuộc phỏng vấn này và cảnh các tù nhân lao động sẽ được chiếu ra mắt quần chúng Âu châu vào tháng tới.

Ký giả Patrick Poivre d’Arvor thuộc hệ thống truyền hình Pháp TF-1 đã lên tiếng trong cuộc họp báo với sự tham dự của 150 ký giả thuộc Hiệp hội Ký giả Quốc tế, vào thứ tư 5-11-97, trước hôm tôi rời California một ngày. Họ đòi CSVN phải trả tự do cho giáo sư Đoàn Viết Hoạt và các tù nhân tôn giáo chính trị khác. Trong đó có các cao tăng Phật giáo nổi tiếng được quần chúng ngưỡng mộ như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu... Ký giả Pháp tài ba này đã làm cho Hà nội mất mặt, vì họ đang chuẩn bị cho Hội nghị các Nước nói tiếng Pháp (Francophone) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Tất cả như có một sự hỗ trợ, sắp đặt của Ơn Trên, vì trước đó một ngày, vào 4-11-1997, Hội Báo chí Thế giới (Association Mondiale des Journaux) họp tại Istambul, Thổ Nhĩ kỳ, đã trao tặng giải Ngòi Bút Vàng của Tự do Báo chí cho giáo sư Đoàn Viết Hoạt.

Hội Báo chí Thế giới, đại diện cho 15.000 tờ, đã ngợi khen thành tích của giáo sư Hoạt là: "Có quyết tâm và can đảm phi thường trong cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận tại Việt Nam". Họ nhấn mạnh: "Bị tù 12 năm, vừa được thả ra đã tiếp tục tranh đấu cho Tự do Báo chí, điều đó chứng tỏ ông Đoàn Viết Hoạt có một ý chí phi thường làm chúng ta phải kính phục. Ông là người đã có những hy sinh vĩ đại để bảo vệ những nguyên tắc của mình".

Hôm thứ bảy 2-11-97, tôi có gặp bà Đoàn Viết Hoạt trong buổi họp về việc thành lập Mạng Lưới Điện Toán Nhân Quyền tại Holiday Express ở Santa Ana, California. Chúng tôi mừng nhau, vì cùng là dân Đại học Vạn Hạnh, nhưng không có dịp chuyện trò, vì tôi phải ra về. Tôi chỉ nói với bà là tôi phục bà lắm.

Đầu tuần qua, một tin mừng khác nữa, là Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa kỳ thông qua Nghị quyết về Nhân quyền do dân biểu Dana Rohrabacher (Cali) đưa ra, nhằm tái khẳng định cam kết của dân tộc Hoa kỳ đối với việc khuyến khích tự do ở Việt Nam. Nghị quyết này đặc biệt chú trọng đến tình trạng biến động ở Thái bình, Thanh hóa, Hưng yên, Nghệ an, Xuân lộc... kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù chính trị và tổng tuyển cử trong tự do và công bằng để người dân lựa chọn người lãnh đạo xứng đáng cho dân tộc. Bà Dana Rohrabacher tuyên bố:

“HRES.231 phát đi thông điệp là nhân dân Hoa kỳ ủng hộ nhân dân Việt Nam đang chấp nhận hiểm nguy để thay thế chế độ cộng sản bằng nền dân chủ. Chúng ta không muốn nhân dân Việt Nam thất bại”.

Trong khi các niềm vui chưa dứt, thì tin buồn trong nước bay ra hải ngoại, khiến các gia đình có mối liên hệ với các tỉnh miền Tây gọi điện thoại về nhà tới tấp: "Bão Linda đã tàn phá miền Nam Việt Nam". Thống kê tạm thời đăng trên Người Việt 5-11-97, có 120 người chết, 1000 người mất tích ngoài khơi, cùng với 1300 thuyền đánh cá bị đắm, 1000 người khác mất tích ven biển. Tại Cà mau, sự thiệt hại ước tính 170 triệu mỹ kim, 125.000 ngôi nhà bị phá hủy hay hư hỏng. Kiên giang thiệt hại 60 triệu và Bạc liêu có 11.000 nhà bị sập.

Báo trong nước gọi là Bão số 5, đã ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh Bình thuận, Đồng nai, Sàigòn, Bà rịa, Vũng tàu, Tiền giang, Bến tre, Long an, Đồng tháp, Vĩnh long, Trà vinh, An giang, Cần thơ, Sóc trăng, Bạc liêu, Cà mau, Kiên giang. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, gần 100 năm nay mới xuất hiện một trận bão lớn như thế. Một cư dân ở Cà mau cho biết: "Cơn bão tràn tới với tiếng gió hú nghe như tiếng tru của loài vật".

Tuần qua, tôi được xem truyền hình về Buổi họp Hội nghị Thường niên 1997 của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Tổng Giám mục Hà nội. Nhìn thấy quang cảnh 24 giám mục mặc áo đỏ ngồi tham dự hội nghị, đặt dưới quyền chủ tọa của đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, tôi ước mong một ngày gần đây, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam được tái hoạt động sau 22 năm hoàn toàn bị triệt tiêu kềm chế tối đa.

Hội nghị trên khai mạc ngày 6-10-97 và bế mạc 11-10-97. Hội nghị đã nghe báo cáo của các giám mục đi dự các Nghị hội ở ngoại quốc trở về. Hội nghị đề cử 9 giám mục chính thức và 2 dự khuyết sẽ đi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Á châu được tổ chức ở Roma vào tháng 4-1998. Đức Hồng y Phạm Đình Tụng cũng được mời tham dự với tư cách Hồng y.

Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi văn thư từ 40, Phố Hàng Chung, Hà nội, đề ngày 11-10-1997, cho Thủ tướng chính phủ CSVN yêu cầu giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo và giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Một số khó khăn Giáo hội còn gặp phải như tại một số địa phương, các giám mục và linh mục đi lại làm nhiệm vụ trong giáo phận hoặc giáo xứ còn phải xin phép, và phải có giấy tờ với nhiều con dấu khác nhau. Việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục không được mau lẹ nên có nơi giáo dân phải chờ nhiều năm. Nhiều thanh niên thiếu nữ muốn vào tu viện gặp khó khăn nên phải "tu chui". Hội đồng Giám mục xin phép mở thêm hai đại chủng viện tại Thái bình và Xuân lộc, thêm vào hai nơi khác tại Hà nội và TPHCM, và cho chiêu sinh, tu tập. Đồng thời, xin phép mở trường và sinh hoạt xã hội y tế... Tại một số nơi, việc cho phép tu sửa nhà thờ cũng bị phạt vạ vì những chuyện nho nhỏ, như kích thước ít nhiều nửa mét. Thủ tướng chính phủ CSVN ngày 2-2-1996, cho phép Hội đồng Giám mục xuất bản một tập san, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Cuối cùng, là việc Giáo hội muốn xin lại một số cơ sở, nhất là cơ sở Giáo hoàng Học viện tại Đà lạt thuộc Tòa Thánh Vatican.

Trên xe lửa đi Bồ Đề Đạo Tràng

10-11-1997, 10:00 giờ sáng thứ hai

Trên xe lửa từ New Delhi đi Bồ Đề Đạo tràng.

Tôi đang ngồi trên giường tầng trên trong một phòng nhỏ của toa xe lửa. Phía dưới nhiều người trong phái đoàn đang ngồi đâu mặt vào nhau ở hai bên giường và một giường ngang. Kẻ nói chuyện đạo, người nói chuyện đời thân mật, cởi mở, vui vẻ. Họ cùng chia nhau các miếng bánh, viên kẹo mang theo.

Thỉnh thoảng nhân viên Ấn độ đi ngang, tay cầm thùng thiếc có đựng những chai nước ngọt. Thượng Tọa Thích Viên Lý đến thăm hỏi mọi người xem có mệt lắm không, và có ngủ được trên xe lửa không.

Bà cụ ngủ tầng dưới của giường đối diện với tôi đang kể chuyện. Ban đêm bà nghe tiếng niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, bà niệm theo rồi bà ngủ. Bà nói, mỗi khi bà đi đâu mà ở gần chùa là tai bà nghe niệm Phật. Hôm đầu tiên ở New Delhi bà nghe tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, bà cũng niệm theo. Bà quả là người siêng năng tu tập.

Quanh tôi ai cũng ngủ ngon quá, có lẽ vì mệt. Tứ phía tiếng ngáy vang rân, chỉ trừ một anh Ấn độ đang vặn đèn đọc sách. Anh nằm tầng trên của chiếc giường đặt ngang dưới chân giường của tôi, song song với đường đi hẹp chỉ đủ cho một người đi tới lui trên xe lửa. Trông anh ta thật thoải mái khi sử dụng ra, mền, gối, khăn lau mặt màu trắng nhưng đã ngả sang màu cháo lòng còn ươn ướt và hôi hôi mà nhân viên xe lửa phát cho mọi người trước khi ngủ. Bà cụ phía dưới sau khi ngáy xong một giấc dài, đã thức dậy ngồi thiền. Xe lắc lư cả người mà bà vẫn ngồi xếp bằng, hai bàn tay đặt lên nhau. Tôi ngủ quên một giấc thức dậy nhìn xuống, vẫn thấy bà ngồi điềm nhiên, người nhịp nhàng theo điệu ru của xe lửa.

Lúc nãy Quyên, cô bạn ở chung phòng với tôi mấy hôm nay ở chùa Nhật tại New Delhi, đến rủ tôi xuống tầng dưới để nhìn cảnh quê qua cửa sổ. Tôi bảo tầng dưới căn tôi ở đông quá, có đến chín người, tiếng trò chuyện như pháo ran. Một bà nhìn qua cửa sổ nói: "Coi người ta kìa, che lều ở, chắc tôi chịu không nổi". Một cụ khác, lớn tuổi hơn bảo: "Nếu chị sanh đẻ ở đây thì chị cũng phải chịu vậy."

Một ông cụ vừa mới đến. Mọi người vui mừng chào hỏi. Ông cười, trông ông khỏe hơn tối hôm qua nhiều. Ông bị đau tim tưởng đã không được đi hành hương chuyến này. Các người ở toa khác lần lượt đi qua, tay cầm kem và bàn chải đánh răng vì toa bên cạnh không có nước. Nhà tắm ở đây không hôi vì những vật phế thải đều rơi ngay xuống đường rầy xe lửa, y như bên Âu châu. Không khí bên ngoài thổi vào nên rất thoáng. Vòi nước không phải vặn mà đẩy từ bên dưới lên, nước lạnh phun ra rất mạnh.

Một cô trong phái đoàn đi ngang, mặt cô trông xanh và mệt, khác với vẻ tươi tắn hôm mới đến, mọi người ân cần hỏi thăm. Cô nói: “Cháu đã bớt rồi. Cháu sợ nếu xỉu làm cả phái đoàn không đi được.” Tối hôm qua thật là hỗn loạn. Mọi người sợ trễ nên vội vàng leo lên xe lửa trong khi các người Ấn độ đưa thân nhân xong đi trở xuống, làm đường đi chật hẹp bị tắc nghẽn. Nhất là xe lửa chưa vặn máy lạnh nên những người già yếu bị ngộp, lớp nào sợ bị mất hành lý, nhiều người hốt hoảng.

Một cô gái còn trẻ trong phái đoàn thấy người dân địa phương ngồi dọc nhà ga nghèo quá nên cô thương và đau lòng chịu không nổi. Lúc mới lên xe cô bị chen lấn, cô lo tiếp mọi người trong lúc đó hành lý của cô lại bị lạc đâu mất nên cô khóc. Bà ngoại của cô lại có dịp giảng đạo cho cô nghe. Cô bé thật hiền lành dễ thương. Cô chăm sóc ông bà ngoại từng chút, sợ ông bà mệt, sợ ông bà đói hoặc lạnh.

Bảy giờ sáng, một anh Ấn độ phát thức ăn điểm tâm bánh mì trứng chiên và cà phê hoặc trà sữa. Tôi và Quyên vừa ăn sáng vừa ngắm cảnh đồng quê nghèo của Ấn độ.

Các căn nhà dọc hai bên đường đến Bồ Đề Đạo tràng thật xơ rơ đổ nát. Hầu hết vách nhà không tô xi măng hay quét vôi, nhưng có gắn những viên phân bò trộn rơm bị đè dẹp phơi khô để đội đi bán hay để dành chụm lửa. Quần áo được phơi trên mái và bầu bí được trồng trên mái nhà. Tại đây phần nhiều người dân đi chân đất. Họ ăn mặc lam lũ, màu sắc đã phai. Hầu hết nước da nâu thật sậm.

10-11-97 - 10 giờ đêm - Tại Bồ Đề Đạo tràng (Bodhi Gayà)

blank

Tác giả trước cửa Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề, 11- 11- 97.Trước cửa Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề, 11- 11- 97

Không biết ai như thế nào chứ tôi thì hạnh phúc tràn trề không ngăn nổi. Người tôi như cứ lâng lâng sảng khoái, tôi hát ca vang một mình trong khách xá của chùa Tây Tạng thuộc phái Gelukpa, nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thường trú ngụ mỗi khi ghé Bồ Đề Đạo tràng. Tối nay tôi có thể viết lách chút đỉnh.

Chuyến tàu Rajdhani-Express, có máy điều hòa không khí chạy trễ nên 3 giờ trưa mới đến nhà ga của tỉnh Gaya. Riêng xe buýt do thầy Hạnh Tấn mướn đi trước ba ngày từ New Delhi, đã đợi sẵn ở nhà ga để đưa chúng tôi đến Bồ Đề Đạo tràng cách đó 10 cây số.

Xe buýt nóng kinh khủng khi chúng tôi mới bước lên vì chưa vặn máy lạnh. Mọi người đều mệt sau khi trải qua một đêm và hơn nửa ngày trên xe lửa. Cô bạn đồng hành ngoẻo đầu vào thành ghế, hai tay cô ôm chặt những bó nhang.

Xe chạy khoảng một giờ thì mọi người mừng rỡ, cảm thấy bớt mệt khi nhìn thấy chóp ngôi tháp Đại Giác sừng sững hiện ra. Xe ngừng trước dãy khách xá mới xây cất vừa xong một phần của chùa Tây tạng. Mọi người được phát chìa khóa để vào phòng thay quần áo rồi ra phòng "ăn trưa” vào lúc 4 giờ chiều.

Buổi ăn chay gồm rau dền luộc mềm, bầu kho, đậu nấu chín và bánh xếp. Bánh xếp được mọi người khen là ngon nhất vì hơi mặn chứ không lạt như những món khác. Gặp chay nước tương trên bàn ai cũng thay nhau xịt lấy xịt để. Tương chao tại Ấn độ thật mắc. Những người bạn đã từng đi hành hương Ấn độ đều dặn tôi mang muối tiêu hoặc muối sả ớt, chà bông chay hay mì gói theo ăn. Họ nói thức ăn ở đây rất khó ăn vì lạt và nhiều món nấu với sữa hay nước dừa không hạp lắm với bao tử người Việt Nam mình.

Mỗi người trong phái đoàn đều có một quyển cẩm nang, ban tổ chức có ghi thật kỹ những loại thuốc phải chích ngừa trước khi đi, những loại phải mang theo, cũng như những thức ăn khô. Mặc dù đã được Thượng Tọa Thích Viên Lý dặn nên mang hành lý nhẹ để dễ di chuyển, nhưng cũng có nhiều người mang theo rất nhiều đồ đạc.

Sư cô Diệu Thể mang theo một hủ đồ kho chay thật ngon, cô mời quý thầy và cho mỗi người một ít. Có người mang cả chai Maggi lớn hoặc một hộp sả ướp với nước tương làm chúng tôi mừng quá. Mọi người chia nhau thức ăn thật vui vẻ, đầm ấm. Một cụ than rau dền rửa không sạch nên nhai nhằm cát rào rạo.

Các anh Ấn lo âu sợ mọi người không thích thức ăn chay các anh mới học nấu. Chúng tôi cứ gật gật cho các anh vui. Anh trưởng nhóm, mặt mày sáng sủa, cho chúng tôi biết anh có dòng họ với hoàng tộc xứ Nepal ngày trước. Trông các anh thật tội nghiệp, phải nhóm lửa bằng tre khói bay nghi ngút, mắt đỏ hoe. Các anh nấu cơm rửa chén trên sàn nhà vì nhà bếp chưa xây cất xong.

Sau giờ cơm chiều, chúng tôi được Thượng Tọa Thích Viên Lý, Thượng Tọa Ân Huệ người Mỹ, quý thầy Hạnh Tấn, Minh Tánh và sư cô Diệu Thể hướng dẫn đi cầu nguyện dưới chân tháp Đại Giác, bên cạnh cội bồ đề nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Mọi người mặc áo tràng xếp thành hàng hai vừa đi vừa chấp hai tay im lặng niệm Phật trong tâm.

Dài dài hai bên đường là những sạp gỗ bán chuỗi, tượng Phật, quà lưu niệm, hàng vải, áo lạnh, khăn quàng vân vân... Có lẽ vì là ban đêm nên hành khất đã về bớt không đông như tôi nghe thuật lại. Tuy vậy đám con nít đi ăn xin có đứa chống gậy cũng xen vào hàng ngũ của chúng tôi. Chúng rên rỉ, than thở, tay chỉ chỉ vào miệng.

Quý thầy có dặn chúng tôi hôm mới đến là dù thấy thương họ mình cũng nén lòng vì khi cho tiền một người thì họ xúm lại lôi kéo mình, làm phiền cả phái đoàn. Nếu muốn làm phước thì quý thầy có thể tổ chức một buổi phát chẩn thì ai nấy sẽ đều vui vì được phân phát có trật tự và đồng đều.

Đến cổng tháp, mọi người đều phải cỡi giày dép bỏ vào bao ny-lông xách theo hoặc gởi người cất giữ nếu có mang theo tiền, rồi đi vào phía sau tháp làm lễ, gần cội Bồ Đề, bên hông Đạo tràng, nơi có tượng in dấu hai bàn chân Phật thật lớn. Tiếng cầu nguyện của Thượng Tọa Thích Viên Lý cất lên thành khẩn. Thượng tọa cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho đồng bào Việt Nam ruột thịt đang gặp nạn cửa nát nhà tan bởi cơn bão dữ Linda; Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mau giải trừ pháp nạn; các tu sĩ mọi tôn giáo mau thoát cảnh tù đày và đại nguyện xây dựng Tu Viện Bảo Pháp được thành tựu viên mãn.

Tôi nghĩ rằng Phật tử nào cũng xúc cảm tràn trề khi quỳ dưới cội Bồ Đề mà trên hai ngàn năm trước Đức Phật đã đạt thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài đã lưu lại thế gian một Giáo Pháp từ bi trí huệ và tột cùng siêu diệu để hướng dẫn chúng sanh tiến đến giải thoát.

Tôi đã không ngăn được sự rung cảm làm chấn động cả toàn thân kể từ lúc bàn chân tôi áp lên thềm đá hoa sau mỗi bước đi trên sân tháp Đại Giác linh thiêng nơi Bồ Đề Đạo tràng này.

Sương bắt đầu xuống lành lạnh, tiếng tụng kinh cầu nguyện trong đêm tối thanh vắng vang lên tha thiết, nước mắt tôi cứ tuôn rơi không ngừng, sự hiện diện của Đức Phật vô cùng mạnh mẽ và rõ rệt trong tâm tôi hơn bao giờ hết. Tôi thương Ngài vô cùng vô tận, không bút mực nào tả xiết. Quanh tôi tiếng sụt sùi của mọi người xen lẫn tiếng tụng kinh. Không có khăn giấy tôi lau nước mắt ướt cả vạt áo tràng nâu. Cả phái đoàn đều mặc áo tràng đồng phục màu lam, riêng quý Thầy đắp y vàng.

Sau khi tụng một thời kinh, Thượng tọa Thích Viên Lý khuyên mọi người nên buông xả hết tất cả cho tâm nhẹ nhàng, rồi cả phái đoàn ngồi thiền. Xung quanh chúng tôi nhiều vị sư Ấn độ cũng đang ngồi tham thiền dài theo hàng rào bao quanh chân tháp. Sau đó cả phái đoàn đi kinh hành và niệm Phật đi nhiễu quanh tháp ba lần rồi bước vào Đạo tràng dưới gốc Bồ Đề.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880