4-11-95 - 4:30 giờ sáng
Xe van khởi hành rời chùa đi trại Sikiew vào lúc 4:30 giờ sáng. Phong nghĩ tôi sẽ chậm trễ nên chạy qua phòng định quay phim lúc tôi sửa soạn. Dĩ nhiên tôi đã xong xuôi, và chỉ giải thích tại sao mang cả va li. Thầy Thiện Dũng rầy bảo là sẽ không ở lại đâu. Tôi nhất định không chịu vì sợ kẹt xe hay lụt lội. Thầy bảo hết lụt rồi. Rốt cục thì tôi được mang theo vì bà Cúc nói xe van còn chỗ, còn năm chiếc xe vận tải chở hàng cứu trợ do năm quân nhân thuộc Quân đội Hoàng gia Thái lan yểm trợ, đều đã đi trước đó.
Chuyến đi lần này nhờ có sự tận tình xếp đặt của quý thầy, đã xin phép trước đến hai tuần lễ để vào trại, vì tình hình đang căng thẳng, biểu tình trong khu trừng giới, và bên ngoài thì 4000 người Thái lan biểu tình đòi trợ cấp tiền giúp nạn lụt lội quanh vùng gần trại Sikiew. Quý thầy đã phải xin phép chư minh sư tăng thiện chùa Hoàng gia Cẩm thạch, cũng như sự giúp đỡ hết lòng bảo đảm của nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ Thái lan.
Trên xe, tôi đề nghị thầy phát quà chậm chậm để có thì giờ tiếp xúc trò chuyện cùng đồng bào. Thầy bảo ở lâu đứt cả ruột mà còn đòi phát lâu. Nếu đến 9:00 giờ thì tập họp đến 10:00 giờ, phát ba tiếng đồng hồ, ba mươi mấy người tiếp tay mới xong. Quý thầy nói tội nghiệp cho những người tị nạn, ở Thái lan mà lại ở trong tù không được ra ngoài; tội nhất là các đứa bé nhỏ.
4:50 giờ sáng
Xe bắt đầu chạy nhanh ra xa lộ. Tôi rất ngán mấy bác tài tại Thái lan. Chú Wimol hướng dẫn tôi đi trong kỳ trước nói, nếu xe đò đụng ai thì bỏ chạy luôn vì ngừng lại sợ dân đánh chết. Họ trốn một thời gian rồi qua hãng xe đò khác chạy. Tôi sợ nhất là mấy xe đò chở báo gấp. Họ chạy rất nhanh để kịp bán báo, bất kể nhân mạng. Họ lại được giấy phép ưu tiên nên qua mặt các xe khác vù vù.
Xe chạy ngang phi trường quốc tế của Bangkok. Tôi hỏi quý thầy có gói sẵn phần quà không, phần quà gồm những gì. Thầy bảo, chiếu, mùng, mền, sữa, giày dép. Thầy bảo, giờ đâu mà gói thành bốn năm ngàn phần quà, chỉ xếp thành một ngàn va li cho một ngàn gia đình. Số tiền khoảng trên 70.000 mỹ kim. Phần phát dư sẽ dành cho người đau ốm.
5:00 giờ sáng
Trời vẫn còn tối, tôi cứ vặn đèn sáng trên xe để viết. Xe chạy trên xa lộ khô ráo nhưng hai bên đường ngập lụt, nước phủ tràn lên cả nhà cửa. Phong sợ vặn đèn bị phạt, nhưng lúc nãy xe cảnh sát chạy bên hông không thấy nói gì cả.
Tôi dặn Phong cứ từ từ bình tĩnh mà chụp hình hay quay phim. Việc quan trọng nhất là chụp lúc phát quà, vì đó là quà của đồng bào vùng Nam Cali và một số nơi khác như Úc châu và Pháp gởi vào. Nếu chụp hay quay phim lia lịa đến chừng lúc quan trọng thì hết phim.
Tôi soạn thư từ đọc lại, tìm tên một người đại diện bên Cao Đài có ký tên trong Ban Ủy Lạo Liên Tôn, đề bao thư và cho một chút tiền vào trong, vì chuyến đi này không có đại diện Cao Đài. Tôi sợ họ nghĩ rằng bị bỏ quên. Đó là ông Đặng Ngọc Thọ. Ngoài ra còn có cô Phạm Bạch Vân và ba cô là ông Phạm Văn Cương. Tôi biết cô qua lá thư cô viết thăm cha Trần Quý Thiện ở Maryland.
6:30 giờ sáng
Tôi nhìn các quán dọc theo hai bên đường đầy ắp trái cây mà ước mong xe dừng lại để mua mang vào hội quán cúng. Tôi nói với quý thầy, lần trước con mang trái cây nhang đèn mà không được vào, còn lần này không có gì cả chỉ mang theo trái tim.
Thầy bảo, “Nhang đèn mà làm chi. Mình đi phát quà cho người tị nạn chứ đâu phải đi lễ Phật. Hôm qua mình lễ Phật rồi, cúng dường bao nhiêu ở chùa rồi”. Tôi lại hơi ân hận vì không cúng dường cho chùa nhiều hơn nữa, mà chỉ nghĩ đến để dành tiền cho thêm những người tị nạn hoàn cảnh khốn khổ mà tôi sẽ liên lạc được.
Hôm qua sau khi viếng chùa lớn có tượng Phật nằm, chúng tôi được hướng dẫn đi quan sát chính ngôi chùa nhà đang tạm trú. Tôi mới biết cạnh căn nhà chúng tôi đang ở là nhiều dãy nhà của chư tăng, rồi đến đền giữ xác của một ông tướng và một đền giữ xác của bà Hoàng Thái hậu vừa mất được một trăm ngày.
Tối đó sau khi cầu nguyện chư vị Phật Tổ Phật Thầy, chư vị Thiên Tiên Địa Tiên ở Thái lan, tôi cầu nguyện bà Hoàng Thái hậu phò hộ, che chở cho tôi vượt khó khăn để vào được trại, vào hội quán, viếng chùa và trại cấm, hay khu trừng giới.
8:00 giờ sáng
Khi xe chạy ngang qua một hồ lớn, chúng tôi được báo cho biết sắp đến trại. Trời bắt đầu âm u đầy mây đen. Mong rằng trời sẽ không mưa.
Sau cùng, lúc 8:00 giờ sáng, cánh cửa sắt rộng lớn kiên cố cao vút của trại cấm Sikiew đã rộng mở cho đoàn xe của người Việt Hải ngoại mang quà vào tặng đồng bào tị nạn trong chuyến thăm viếng cuối cùng trước khi trại chuẩn bị đóng cửa.
Chúng tôi đều hết sức xúc động khi xe bắt đầu qua cổng trại, và không sao cầm được nước mắt khi nhìn thấy các khuôn mặt hốc hác, các cánh tay giơ cao vẫy gọi của đồng bào bên trong khu trừng giới. Các biểu ngữ trắng ố vàng rách rưới, các hàng chữ đen lem luốc vì nắng mưa qua bao năm tháng, trông cũng buồn bã thiểu não như những khuôn mặt thất vọng của những người khao khát tự do sau những sợi dây kẽm gai nhọn rỉ sét.
Từ cổng chính, xe chạy vào khoảng 200 thước, đến một cổng trại thứ nhì cũng rất kiên cố, nhưng có thể nhìn vào trong, xuyên qua đó chúng tôi thấy các em bé và một số đồng bào đang chạy tới lui gọi nhau ríu rít. Vì quá xúc động, chúng tôi đều quên cả việc quay phim chụp ảnh, chỉ biết lau nước mắt trong khi trái tim đập mạnh, vì niềm mơ ước được thăm viếng đồng bào trong trại cấm đã thành.
Phái đoàn xuống xe. Trong khi quý thầy và Cúc tiếp xúc giới an ninh trong trại, chúng tôi đến bên hàng rào kẽm gai ngăn quanh phòng đợi. Các em bé bu quanh lại cười toe toét vì biết rằng mình sắp được chút quà và sự an ủi. Vài phụ nữ rụt rè đến gần thăm hỏi. Chúng tôi đưa máy cassette thu những lời trao đổi, trong tiếng la tiếng cười của các em chen chúc nhau để được đứng gần hàng rào hơn. Những bàn tay bé bỏng nắm chặt lấy dây kẽm gai chia cách giữa đôi bên. Chúng tôi đưa tay vào cho các em bắt. Tuy cả đôi bên đều tươi cười, nhưng lòng tôi đau nhức và nước mắt bắt đầu tuôn chảy. Các phụ nữ tị nạn cho biết đã ở trong trại cấm được năm sáu năm, như thế nhiều em đã sanh trưởng ra trong cảnh tù giam lỏng này.
Lúc quý thầy và Cúc phát bánh kẹo, các em đưa hẳn tay qua hàng rào dành nhau chụp lấy. Tiếng la hét xin kẹo vang lên. Quốc Phong phải chạy đi nơi khác vì không chịu nổi sự xúc cảm.
Chiếc cổng thứ hai lại rộng mở. Các cảnh sát của trại này đòi tịch thu các máy ảnh và máy thu băng cũng như yêu cầu trao cho họ các máy móc. Nhưng rồi họ cho chúng tôi tự do sau khi Ban An ninh trại cho biết có sự bảo đảm của thầy Trưởng phái đoàn, và giấy phép của Bộ Nội vụ. Trong khi các tài xế và nhân viên an ninh trại bưng quà xuống chất trong trại, thầy Minh Mẫn và Quốc Phong mau chân chạy quanh chụp ảnh. Các túi Quốc Phong được đồng bào nhét đầy thơ, trong đó có những miếng giấy nhầu nát. Nhiều người sợ bị bắt thì vò giấy lại ném dưới chân Phong.
Khi chúng tôi chụp hình bệnh xá nơi có một số đồng bào đau yếu vì tuyệt thực quá nhiều ngày được chuyển qua từ khu A, thì an ninh trại yêu cầu không được tiếp xúc với bệnh nhân.
Ông Phong, an ninh phó trong trại, bắt đầu đọc danh sách những người kém may mắn không có thân nhân nơi nước thứ ba được ưu tiên nhận quà trước. Đồng bào bắt đầu xếp hàng từng dãy một rất có trật tự.
Nhìn đồng hương tị nạn ngồi chồm hổm xếp hàng dưới đất, lòng chúng tôi chùng xuống, tê tái cả người. Người thì ngồi xếp bằng hẳn dưới đất; kẻ lại chống tay tựa cằm đầu gục xuống; hoặc vòng tay quanh gối co áp lên bụng; ai nấy đều mặt buồn tênh, đôi mày cau lại, ánh mắt tủi nhục. Có những người nhìn vào mắt chúng tôi như muốn trao đổi điều gì; có kẻ tránh ánh mắt của chúng tôi nhìn đi nơi khác khi họ phải ngồi đứng theo lệnh của loa phóng thanh. Những người trẻ có nét mặt tươi tắn với chút ít hy vọng.
Hàng ngàn người ngồi chật cả khu đất trống. Trước sự chứng kiến của ông trưởng trại Phadet Jotimani, quý thầy giới thiệu phái đoàn cũng như chuyển lời thăm hỏi của người Việt Nam hải ngoại luôn luôn quan tâm đến người còn kẹt lại trong trại tị nạn. Nhất là giới trẻ sinh viên học sinh Nam Cali, đã đi rửa xe bán bút hoa gây quỹ. Thầy Thiện Dũng đọc mấy câu thơ thật cảm động:
Quà lần cuối thương trao tê tái,
Tặng đồng bào buộc phải hồi hương,
Người bi thảm, cảnh thê lương,
Trao quà lệ ướt lòng thương nghẹn lời.
Trong khi quý thầy an ủi, chia sẻ tình thương, thì chúng tôi cùng đến ngồi chung với đồng bào tị nạn, để cảm thấy thấm thía hơn tâm trạng bỏ nước ra đi, sau bao năm mỏi mòn chờ đợi, nay phải đối diện cùng chính sách hồi hương cưỡng bách. Chúng tôi đều giống nhau, chỉ khác kẻ đi trước may mắn được mọi dễ dãi giúp đỡ, còn kẻ đi sau không may gặp cảnh ép uổng quay về đối diện cùng khổ nạn.
Sau khi ông trưởng trại và phái đoàn trao quà, ban an ninh tiếp tục phân phát phẩm vật cho đồng bào, cả những đồng bào thiểu số của trại A. Riêng đồng bào Việt Nam trong khu trừng giới thì không được nhận quà.
Phái đoàn được ông Phadet trưởng trại hướng dẫn đi thăm và trao tặng phẩm vật đến ba cơ sở tôn giáo trong trại là chùa Cao Miên, chùa Việt Nam và hội quán Phật giáo Hòa Hảo.
Nhân dịp này phái đoàn cúng dường quý tăng ni tại trại 500 mỹ kim, phát 3800 mỹ kim cho đồng bào đau yếu không có thân nhân, 1200 mỹ kim để mua bánh kẹo cho các em bé.
Không như hai lần đến thăm trại ngày 19-12-94 và 6-4-95, các phái đoàn được vào khu biệt giam các đồng bào không chấp nhận hồi hương để khuyên lơn an ủi, lần này ban Quản trị chỉ cho phép được tiếp xúc những người đau yếu nặng không thân nhân.
Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin phép ông Jo trưởng ban an ninh cho tiếp xúc cùng Nguyễn Tấn Lợi, đại diện Ủy ban Liên Tôn khu biệt giam. Chúng tôi chuyển lời thăm hỏi của đồng hương hải ngoại luôn luôn tiếp tục yểm trợ cho người trong trại, cũng như khuyên nhủ đồng bào trong trại A nên giữ gìn sức khỏe và nghĩ đến tương lai gia đình con cái. Được biết trước đây vài tuần, ông Nguyễn Văn Hộ đã chết sau nhiều lần tuyệt thực, để lại vợ và năm con.
Dù có quyến luyến mấy thì cũng đến lúc phải ra về. Những cái vẫy tay buồn bã, không còn vui vẻ và mạnh mẽ như lúc mới gặp nhau, các em bé chạy theo quấn quýt khi chúng tôi bước ra về. Chúng tôi siết chặt những bàn tay còn quá bé nhỏ mềm mại, những ánh mắt, nụ cười phô bày các hàm răng sún ngây thơ vô tội... đó là những hình ảnh khắc sâu vào tâm hồn người đến từ mảnh đất tự do.
Lúc xe chạy ra phía cổng chính, chúng tôi bình tỉnh hơn lúc mới vào, đưa vội máy lên chụp vài tấm ảnh khu biệt giam. Khi cả phái đoàn chụp ảnh lưu niệm trước trại Sikiew, chúng tôi lại giơ cao máy ảnh chụp một số đồng bào khu biệt giam cùng các biểu ngữ giăng trên những chòi trên cao. Nhiều người còn đứng đó vẫy tay từ giã...