Chiêm nghiệm sự thấy biết

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29211)
Chiêm nghiệm sự thấy biết

 26-10-94
 

Những điều gì đã biết thì không thể cho rằng không biết được. Đã thấy thì không thể nói là không thấy. Đã nghe không thể nói không nghe. Nhưng cái nghe cái thấy cái biết chỉ có ý nghĩa khi ta tự xét cái nghe thấy biết ấy để làm gì. Ta có thường xuyên chiêm nghiệm cái nghe thấy biết ấy chăng? Nó có nhắc nhở ta trong mỗi lúc ta trở về cùng cái tôi phù phiếm bị tiêm nhiễm bởi tham sân si chăng?

Sáng nay tôi nhìn ánh sáng trắng của một góc chân trời lóe ra sau dãy núi của Saddleback. Cứ mỗi sáng đến đây ngồi im lặng nhìn ánh sáng thật lâu như thế này, tư tưởng tôi lại lóe lên vài tia sáng. Dãy núi thấp thật đơn sơ phủ chút cỏ khô và lốm đốm vài vệt cỏ xanh. Dãy núi ngày ngày vẫn cứ thế, nhưng mỗi khi nhìn nó tôi lại chiêm nghiệm một điều khác để tự nhắc nhở mình.

Nhìn qua khung cửa kính xe mờ mờ, cả một vùng trời bao la rộng mở. Một phần nhờ bãi đậu xe trống vắng, vì sau mùa tựu trường vài tuần, sinh viên không còn hăng say đi sớm để dành nhau đậu xe nữa.

Hôm nay sau khi học lớp đánh máy điện toán, tôi sẽ ở lại để học thêm lớp Anh ngữ của Dolores. Tôi không còn vội vã chạy về nhà lo chuẩn bị cho Cường mua sắm để vào trường nữa. Cả hai đứa con tôi đều đã đi xa nhà. Lòng tôi đột nhiên hơi trống vắng.

 

Tôi xin cô sinh viên Mỹ ngồi trong câu lạc bộ một tờ giấy trắng. Cô vội vàng trao cho tôi. Tôi trở về bàn với bánh bagel cắt đôi. Tôi dự định ngưng viết một thời gian. Có quá nhiều việc cụ thể phải làm. Trước mắt là phải hoàn tất chương trình điện toán đầy thách đố. Thế nhưng, sau cùng thì tôi vẫn xin giấy để viết mấy dòng.

Tôi muốn tạm thời chặt đứt mọi thói quen, mọi sự ưa thích, để áp đặt mình vào một khuôn khổ mới, nên không đậu xe phía sau trường để nhìn ngắm những ngọn núi đồi của Saddleback. Tuy nhiên tôi cũng đã chọn một bàn trong câu lạc bộ hướng nhìn ra ngoài trời buổi sáng.

Thế là tôi cũng lại ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp, nhưng chỉ thấy chóp núi và khung trời rộng bao la xanh biếc với những áng mây như pha lê. Khung trời và núi đồi còn sống động hơn nữa vì tôi ngồi từ bên trong câu lạc bộ hơi tối nhìn ra ngoài ánh sáng chói chang. Khoảng thiên nhiên trước mắt tôi bị các khung cửa sổ cắt thành từng mảnh một và ngoài kia cái bao lơn có song sắt với những chiếc cột lớn lại cắt thêm bức ảnh sống động kia lần nữa, khiến cảnh trời đất trước mắt tôi biến thành nhiều bức hình có khuôn lộng với đầy đủ chiều sâu thẳm. Một bức hình đằng xa kia phía bên trái có những cây thông xanh che chân núi. Mây nơi đó màu xám vì lúc nãy trời vừa mưa lâm râm nên chưa tan hẳn và chỉ lóe lên chút ánh nắng mặt trời.

Cạnh đó chỉ có một bức tường đen và trong chiếc khung cửa của câu lạc bộ có một cô sinh viên Mỹ đen tóc dài với khuôn mặt và thân hình mảnh mai, nhẹ nhàng trong chiếc áo sơ mi trắng và quần jeans xanh. Cô đang chậm rãi ăn một mẩu bánh mì, thỉnh thoảng cô đưa hai tay lên cùng một mẩu bánh, hoặc nhẹ nhàng đặt bánh xuống để nâng hộp sữa tươi màu vàng lên môi. Mắt cô cứ đăm đăm nhìn vào khoảng không.

Cô Mỹ tóc đen bỗng bị che khuất đi vì một cô tóc vàng bước vào khung ảnh ngay trước tầm mắt của tôi. Mớ tóc quăn dài vàng óng của cô cột túm lại bằng một chiếc nơ đen, đuôi tóc choàng ra phía trước ngực. Cô gái này mặc toàn đen theo đúng thời trang của thiếu nữ, từ áo trong, áo ngoài, quần, cho đến giày và ví đều màu đen. Mái tóc vàng và làn da trắng nõn nà càng nổi bật hơn trên sắc áo đen. Cô lật tập ra dò bài. Trên bàn cô có hai quyển sách về xã hội học.

Bức ảnh kế tiếp của tôi khi nãy có một mái đầu của cô sinh viên tóc ngắn. Cô này vừa bước đi để lại chiếc cặp trên bàn. Cô trả lại trọn vẹn cho tôi bức ảnh thiên nhiên mây núi thật yên tĩnh trong sáng. Tất cả đều lặng yên chỉ trừ một chấm đen nho nhỏ đang di động. Đó là một cánh chim. Thỉnh thoảng lại có đôi chim khác bay qua.

Tôi mải nhìn ngắm cảnh thiên nhiên điểm thêm chút di động của người và vật, cứ thế mà quên mất hai mẩu bánh và ly trà đang nguội dần.

Bức ảnh ngay trước mặt tôi có hình chữ nhật thẳng đứng vì chiếc cột hành lang cắt ngang một phần lớn. Bức ảnh này có nhiều thay đổi nhất. Một cô gái Mỹ xinh xắn bỏ đi trước. Sau đó là anh chàng Iran cao lớn đến ngồi trên chiếc bàn ngoài bao lơn cùng với cô bạn gái. Anh này hay đến chỉ dẫn cho các bạn cùng lớp với tôi khi họ không biết sử dụng máy điện toán. Anh ngồi sát bao lơn nên tôi nhìn thấy rõ anh cứ cười nói, khua tay, ăn uống cùng cô bạn. Anh lại ra đi để lại hình ảnh của một người đàn ông Á Đông ngồi sát cửa sổ. Anh ta ngồi sát cửa sổ nên tôi chỉ thấy một phần mái đầu đen với chiếc kính dâm đen to tướng có vẻ bí mật. Thỉnh thoảng anh đưa ly cà phê còn bốc khói lên uống. Đầu anh nghiêng cúi xuống, chăm chú về phía mặt bàn, có lẽ đang đọc bài...

Tôi nhìn đồng hồ, đã quá chín giờ. Giờ mà tôi muốn vào lớp để thực tập trình bày các lá thư hay các bản phúc trình. Tôi đã bắt đầu khóa nhì. Khóa đầu tôi đã xong và cái đầu tôi đã buộc được các ngón tay tôi đánh vào đúng các vị trí của máy điện toán.

 

29-8-94

 

Lúc 8:00 giờ sáng tôi chào cờ bằng tâm hồn khi đang lái xe trên đường đến trường. Hôm nay cũng là ngày đài Radio Little Saigon chính thức phát thanh tại Houston, Texas.

Tôi nhớ đến buổi lễ dựng cột cờ tại khu Nguyễn Huệ đường Bolsa cách đây ít lâu. Hôm đó có một số cựu quân nhân trong quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa trước đây mặc sắc phục diễn hành làm lễ, trong số có nghệ sĩ Hùng Cường.

Tôi đứng trên lầu nhìn xuống. Đoàn diễn hành gồm cả các nữ quân nhân. Nhìn mọi người nghiêm chỉnh, trang trọng thi hành các nghi thức thượng kỳ, và hát quốc ca, tôi đột nhiên xúc động và lòng đầy thương cảm. Có thể có người cho là họ sống trong ảo vọng, tiếc nuối quá khứ. Riêng tôi nghĩ là họ có lòng tin về những gì họ làm, họ vẫn lựa chọn lý tưởng phục vụ cho quê hương. Màu cờ sắc áo chỉ là biểu tượng, kể cả chủ nghĩa chủ thuyết cũng có thể nói là ảo ảnh, nhưng tấm lòng thiết tha và thành tín mới là chân thật. Nếu dân tộc ngày nay an vui hạnh phúc, thì việc làm của họ chỉ là những phô diễn bất hợp thời; nhưng sự thật cho thấy quê hương còn đầy khổ đau áp bức, cho nên công cuộc đấu tranh của họ quả còn có ý nghĩa.

Lúc toán quân bồng súng hô to khẩu hiệu, rồi thượng kỳ và giơ tay chào quốc kỳ, nước mắt tôi bỗng tuôn không ngừng. Có lẽ hôm đó tôi xúc động và rơi nước mắt nhiều hơn bất kỳ lần nào chào quốc kỳ từ khi sang Mỹ đến giờ. Tôi cũng không hiểu vì sao. Có thể vì đây là cột cờ chính thức dựng trên xứ người. Cũng có thể vì tấm chân tình của những người tham dự vào hôm đó, vẻ trịnh trọng tôn nghiêm của các người chiến sĩ đã từng hy sinh đời mình cho lý tưởng quốc gia.

Tôi chỉ là một người thường dân bỏ xứ ra đi, thế mà mỗi lần chào cờ tôi còn rơi lệ, huống hồ chi những người đã từng cầm súng lao mình vào cuộc chiến. Mạng sống của họ gắn liền cùng lá cờ biểu tượng của quốc gia, rồi sau đó lại vùi mình trong trại tù bị hành hạ tủi nhục, rồi vong thân trên đất khách... thử hỏi họ còn đau thương đến đâu.

Vừa rồi, đài Little Saigon loan báo sẽ chào quốc kỳ vào mỗi 8:00 giờ sáng ngày thứ hai, khiến tôi chợt nhớ đến cô học trò đệ thất Nguyễn Thị Ngọc Thu - là tên cũ của tôi khi còn bé - của trường trung học Kiến Thiết ngày nào, trước khi lên Cao Miên sống với cha mẹ.

Mỗi sáng nhỏ Thu đi bộ đến trường, mặc bộ áo dài trắng đơn sơ, chân mang guốc gỗ lộc cộc, đầu đội nón lá che khuất mặt. Chỉ vào ngày thứ hai thì cô nhỏ phải mặc áo dài xanh may bằng hàng acetat, và đến sớm để xếp hàng quanh sân trường chào cờ. Có một lần cô bé Ngọc Thu và cô bạn Ngọc Hạnh lên sân khấu trong bộ đồng phục xanh, song ca bài “Lối về xóm nhỏ” vào buổi văn nghệ mừng Xuân.

Hạnh từng đi hát trên đài phát thanh và cả trên sân khấu, trong ban Nhi đồng Nguyễn Đức lúc đó rất nổi tiếng, cho nên cô khá dạn dĩ, biết cách hạ micro cho thấp xuống; còn Thu thì không rành chút nào cứ lúng ta lúng túng. Vì thế bức ảnh hai đứa chụp chung trông rất buồn cười. Hạnh hát tay vịn cây gắn micro trông rất điệu nghệ, còn Thu thì miệng hát, mà micro cao lên khỏi trán. Không biết người ngồi bên dưới nghe song ca hay đơn ca nhỉ?

Tôi nghĩ rằng đài Little Saigon có chào cờ là một điều đúng, nhưng tất cả sự nghiêm chỉnh thận trọng của đài trong thời gian gần đây, phải nói là nhờ vào phản ứng khá sôi nổi của một số thính giả, sau khi nghe một đoạn phỏng vấn vài cán bộ lãnh đạo Hà nội, do đài Little Saigon tiếp vận đài BBC. Có người cho rằng các nhóm chống đối có vẻ quá khích, không thể chống cộng một cách cực đoan như thế. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, phản ứng của các thành phần trong cộng đồng cũng là một sự cần thiết để cùng chấn chỉnh sửa sai cho nhau. Đài phát thanh hay báo chí vốn là môi trường truyền thông, cần người nghe và người đọc, đương nhiên phải chấp nhận sự phê phán. Vấn đề chính là phải có một sự phê phán công tâm, chín chắn và xây dựng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880