Đọc sử tìm về nguồn

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31280)
Đọc sử tìm về nguồn

12-8-96

Chiếc bàn thông thiên trắng xóa trong ánh nắng chói chang, toàn bộ đồ thờ phụng bằng sứ men trắng sáng ngời, một bình cắm nhang ở giữa hai chân đèn tô điểm hoa hồng. Trên chiếc ly bên cạnh, hai đóa hoa hồng bắt đầu tàn úa giữa nắng trưa; chiếc bình nước lọc thủy tinh phản chiếu ánh sáng lấp lánh.

Hai chiếc áo lụa màu xám của má chồng tôi bay phất phới theo chiều gió trên hàng rào sắt gần đó. Bà đang kéo cửa kiếng bước ra sân sau. Bà mặc bộ đồ bằng tơ dệt hoa màu cam nhạt. Bà nói bộ đồ tàu này may hôm về Việt Nam, tiền công chỉ có 2500 đồng, tương đương với 2 mỹ kim. Bà với tay lấy hai chiếc áo lụa máng trên móc, đem lại phơi chung với mấy chiếc quần và các áo túi trắng treo trên chiếc sào dài. Bà đi lòng vòng quanh hồ nước, rồi bước đến kéo cái ghế ngồi xuống cạnh tôi. Bà rất thích nói chuyện, nhất là kể chuyện về cuộc đời mình lúc còn nhỏ.

Bà nói ba má bà cưng bà là gái, không cho đi học, nên khi lớn lên bà phải tự học lấy, vì thế thư của bà viết cho tôi rất khó đọc. Bà không viết chữ hoa, rất ít chấm phết. Bà viết chữ "g" thay vì chữ "r", giống như khi bà nói vậy, và viết cũng gẫy gọn như khi ăn nói bình thường.

Má chồng đứng dậy vào nhà thì Thịnh chạy ra cười với tôi. Thịnh nói cô bạn gái của Thịnh sợ bà nội. Cô ta rán cười và trò chuyện mà bà nội cứ nghiêm hoài. Thịnh mặc chiếc quần đùi đen vì mới đi tập thể dục về. Lúc này Thịnh gầy hơn cả Cường, chiếc bụng nhỏ, khuôn mặt thon. Thịnh sắp tựu trường, học hai lục cá nguyệt nữa thì ra trường.

Cường cũng từ đại học UCSD ở San Diego về, vừa học xong hai lớp hè ở Saddleback College. Từ hôm tôi tìm người đến ở nhà với má chồng không được, bà thường hay ở bên nhà cô em chồng bên Fullerton, vì thế khi hè về nhà Cường ở phòng bà. Mỗi lần thiếu phòng, hai con tôi cứ "kêu ca" là mẹ lấy nguyên một căn phòng để làm phòng thờ và làm việc.

Trưa hôm nay, Xuân Mỹ, em út của tôi, sẽ đưa mẹ tôi đến chơi. Mấy hôm tôi đau chân mẹ hay gởi thức ăn nấu sẵn cho tôi. Theo hai bà mẹ, tôi phải kiêng cữ ăn đồ biển, thịt bò và cả rau muống, món tôi thích nhất.

Từ hôm giải phẫu chân, tôi hay ngồi hàng giờ này qua giờ khác nơi vườn sau nhà với các quyển sách sử Việt Nam mà tôi đã chuẩn bị trước khi đi mổ chân. Tôi đã xuống nhà mẹ khui ra hết các thùng sách của ba, và may mắn quá, tôi đã tìm gặp những gì cần thiết để làm chú thích cho quyển sách, và tu bổ những khiếm khuyết hay quên lãng về sử học của mình.

Hai bài thơ "Cửu Long giang vùng dậy" và "Chủ nghĩa Tình thương" viết ra trong lúc xuất thần, đã giúp tôi trở về nguồn, muốn tìm đọc lại nguồn gốc Lạc Hồng, Bà Trưng Bà Triệu. Tôi đọc kỹ Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý về những nhắc nhở nguồn cội của vị Thầy khả kính. Tôi đã trở về nguồn sau cả năm trời viết lên hai bài thơ về nguồn cội.

Tôi mang ơn các đấng Thiêng Liêng quá nhiều. Các Ngài đã dạy dỗ tôi không thiếu sót một điều gì. Các Ngài luôn nhắc nhở tôi phải tiếp tục bổ túc những gì mình còn khiếm khuyết.

9-8-96

Ánh mặt trời buổi ban mai sáng ngời xuyên qua vài đám mây trắng nổi bật trên nền trời xanh. Chiếc bàn viết nơi tôi ngồi phủ đầy nắng ấm. Tôi ngồi đây thật lâu, ấm áp trong chiếc áo tràng nâu quen thuộc, thanh thản trong sự an hòa. Bên cạnh tôi là quyển Một cơn gió bụi hay Kiến Văn Lục của Lệ Thần Trần Trọng Kim.

Tối qua tôi say sưa thức đọc gần hết quyển sách. Khi nghe tôi muốn tìm tài liệu về lá cờ vàng ba sọc đỏ, anh Nguyễn Minh Lân nhất định là tôi phải xem quyển sách này. Anh cố tìm khắp nơi. Anh khiến giáo sư Trần Huy Bích phải lục soạn nhà xe hết mấy hôm. Cuối cùng, anh mua được của nhà sách Xuân Thu.

Đây là quyển sách thứ nhì mà tôi đọc một hơi không muốn ngừng. Quyển đầu tiên là Câu chuyện Giòng sông, sách dịch từ quyển Siddharta của Hermann Hesse, của Tài cho tôi mượn khi hai đứa mới quen nhau.

Quyển Một cơn gió bụi thu hút tôi vì sự chân thành, lời đơn giản, và tấm lòng yêu nước, tinh thần bất vụ của ông Trần Trọng Kim. Ông là một chứng nhân lịch sử cho những tâm trạng đau buồn chán chê cho tình đời, tình người, và hoàn cảnh đất nước. Tôi thích câu mà ông thường nhắc đi nhắc lại:

"Người nói giỏi thì nhiều, mà người làm được việc thì ít".

Ông Trần Trọng Kim nói lên tâm trạng cô đơn, thất vọng của một người yêu nước chân chính nhìn thấy những kẻ mưu cầu lợi danh mà quên đi quyền lợi đất nước.

Với giọng văn bình dị trong sáng, ông nói về tôn chỉ và hành động của đảng Cộng sản. Theo ông, đảng Cộng sản là một thứ tôn giáo mới, lấy sự mê tín mà tin, và hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra thì không còn sự tin tưởng nào khác. Ai tin Cộng sản giáo phải tin Lý thuyết Các Mác và Lê Nin. Lý thuyết của họ là tuyệt đối, ngoài ra tất cả đều là tà giáo, tả đạo.

Lệ Thần Trần Trọng Kim cho rằng: “Cái đặc sắc của cộng sản là không có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức... vì thế cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa chi cả... Ai theo đảng là đắm đuối vào chủ nghĩa của đảng, có lâm nguy nan gì thì cho là một vinh hạnh được tuẩn tử vì đảng. Về sự hành động thì đảng cộng sản chuyên dùng những thủ đoạn quỷ quyệt... Người nào nói xấu hay công kích những người cầm đầu của đảng là phải tội bị đày bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì phải bị tình nghi, phải chịu mọi điều phiền khổ. Nhân dân trong nước vẫn bị đàn áp lầm than khổ sở, riêng có một số ít người có địa vị to lớn là được sung sướng. Như thế thì giải phóng ở đâu?..." (trang 113-117).

Trong sách không có nói đến cờ vàng ba sọc đỏ, mà có nói rõ về cờ vàng với quẻ ly. Lúc Lệ Thần Trần Trọng Kim thành lập chính phủ năm 1945 để thống nhất đất nước, thì nội các của ông cho rằng: "Nước Việt Nam đã làm một nước tự chủ, thì phải có quốc kỳ và quốc ca." Bài quốc ca lúc bấy giờ là bài "Đăng Đàn", một bài ca cổ, âm điệu nghiêm trang. Quốc kỳ thì các ông chọn lá cờ vàng có quẻ ly ở giữa.

Theo Thủ tướng Trần Trọng Kim thì trong sách "Quốc Sử Diễn Ca" nói, khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng cờ ấy khởi nghĩa. Nên có câu rằng:

"Đầu voi phất ngọn cờ vàng". Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc, lấy dấu hiệu quẻ Ly là vì trong lối chữ lối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn phương chính và bốn phương bàng, nói ở Kinh Dịch, mà quẻ Ly chủ phương Nam. Chữ Ly còn có nghĩa là lửa là văn minh là ánh sáng phóng ra bốn phương.

"Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử lấy quẻ Ly là hợp với vị trí nước nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng vẽ Ly có đủ các ý nghĩa.

"Song có người nói: cờ quẻ Ly là một điềm xấu cho nên thất bại, vì ly là lìa. Ly là lìa nghĩa là một nghĩa khác chứ không phải nghĩa chữ Ly là quẻ. Và việc làm của một chính phủ là cốt ở cái nghĩa lý, chứ không phải sự tin nhảm vô ý thức.

"Việc thất bại là vì tình thế chứ không phải vì lá cờ. Giả sử dùng lá cờ khác mà trong hoàn cảnh lúc ấy có thể thay đổi được gì không?" (trang 61).

16-8-96

Tôi duỗi hai chân ra cho thư dãn. Vạt trước chiếc áo tràng nâu không đủ che hết chân. Từ hôm mổ chân đến nay, tôi mặc quần soọc vì sợ mặc quần dài chống nạng hoặc đi cà nhắc có thể vấp té.

Trên bàn thờ, cặp đèn sáp còn cháy, ánh đèn và khói nhang, cùng bình hoa cúc do má chồng chưng hôm 28 ta, và hai dĩa trái cây làm cho ngôi tam bảo có vẻ uy nghi ấm cúng. Tôi thầm cám ơn má chồng lo cúng lạy thường xuyên lúc này, khi tôi không tiện bưng hoa hay trái cây nước cúng lên xuống thang lầu nhanh nhẹn dễ dàng như lúc trước.

Hôm mới mổ, tôi phải bò, và bò tới đâu thì dời các món muốn mang lên hay xuống từ dưới nhà lên hay trên lầu xuống. Những ngày còn đau nhiều, hai đầu gối rất rát, vì mặc quần ngắn nên không che chân được. Cúc bảo tôi phải cột hai cái khăn vào đầu gối thì sẽ không đau. Cúc không cắt xương, nhưng cắt gân bàn chân. Lúc chưa mổ, Cúc phải ngồi trên ghế cao để cắm hoa lúc làm việc ở tiệm hoa.

Lúc nãy ngồi tịnh tâm sau khi cúng Phật. Tôi đọc Bát Nhã Tâm Kinh để định tâm. Tôi cứ nghĩ nhiều về vấn đề tị nạn. Sáng sớm mới 6:00 giờ một đồng đạo ở Dallas gọi về vụ Nguyễn Tấn Lợi và 57 người về từ Sikiew bị bắt nhốt ở Long Khánh. Tôi bàng hoàng vì chưa hay tin đó.

Theo lá thư thứ nhì của Lợi từ Việt Nam mà tôi đã nhận được, thì lúc về Lợi chỉ còn một bộ đồ và chiếc áo tràng nâu đẫm máu vì vết thương ở hông lúc Lợi cầm dao mổ bụng tự tử ở trại. Tin từ Washington D.C., thì dân biểu nhờ Nguyễn Đình Thắng tiếp tay gấp, vì Bộ Ngoại giao cho hay, Phi luật tân dự định chở 300 người trong gia đình con lai bỏ trước Tòa Lãnh sự Hoa kỳ tại Manila. Riêng thầy Thích Viên Lý xin toàn bộ hồ sơ về tị nạn tại Phi để giúp sư cô Diệu Thảo.

17-8-96 - 11:00 giờ trưa

Nắng lên cao, không một ngọn gió, cây cối im lìm, chuẩn bị cho một ngày nóng bức. Tối qua, tin tức truyền hình cho biết có ba nơi đang cháy dữ dội.

Đầu óc tôi đặc sệt, hai màng tang đau buốt. Người tôi phảng phất mùi dầu nóng. Cổ và vai đầy những lằn đỏ vì Thịnh vừa mới cạo gió dùm. Tôi ra sân sau ngồi, cố gắng tạo điều kiện cho đầu óc thư dãn mãi mà không được. Tôi bực mình cầm bút lên viết.

Đề nghị cuối cùng của Thu qua điện thoại là, nếu thứ bảy tôi không đi họp với đại diện tòa đại sứ Thái lan được thì tối nay phải đến họp với mọi người để lấy quyết định chung. Tôi nói vừa có điện thoại mời đi họp về vấn đề phụ nữ cũng vào thứ bảy. Thu bảo phụ nữ chừng nào cũng được vì vấn đề Thái lan khẩn cấp hơn.

Sáng sớm tôi đã phải ngưng viết, vì cơn đau đầu nổi lên dữ dội. Cơn đói cồn cào ruột gan luôn luôn đi liền với cơn nhức đầu. Tôi phải buông viết. Một số việc chuẩn bị thực hiện phải ngưng lại.

Tôi dự định viết xong một phần quyển Lên Đường sẽ bắt đầu xem lại các bài cho quyển Hồn Thiêng Dân Tộc. Tôi sẽ bổ túc sau các phần thiếu như tài liệu về lá cờ và lá thơ từ Nam dương.

Tôi dự định gởi sách Cô bé làng Hòa Hảo và sách về Phật giáo Hòa Hảo cho anh Phạm Minh vì anh và phái đoàn sẽ đi Nga triển lãm vào tháng tới. Sau khi triển lãm, số sách sẽ được biếu cho Hàn lâm viện Nga.

Viết thư và gởi tiền nhờ anh T.C.T. ở San Jose mang về Việt Nam vào 28-8-96 cho vợ đồng đạo Trần Hữu Duyên, thăm nuôi ông trong tù đến năm 2000. Nhờ anh dán tem và bỏ thư hộ những đồng đạo hồi hương khi về Việt Nam, vì thơ nội địa ít bị xét, vân vân...

Cơn nhức đầu kéo tôi xuống bếp kiếm thức ăn dằn bụng để uống thuốc. Tôi lấy cái ơ bằng đất ra hâm nóng món thịt cá kho tộ của mẹ làm cho hôm nọ. Ném vào đó vài trái ớt hiểm cho cay nồng hơn. Mùi thơm thức ăn nóng bốc lên làm cho tôi thêm đói bụng. Tôi ăn gần hai chén cơm với đồ kho tiêu và một trái chuối chín. Đó là cách ăn của người dân quê miền Nam tôi quen theo từ hồi còn nhỏ trong làng. Thịt, cá kho tộ mặn nồng ăn cùng chuối chín, dưa hấu, hoặc soài chín. Hôm nọ tôi cũng làm y như vậy cho Cường ăn với dưa hấu. Cường khen ngon. Tôi khoái chí lắm. Tập cho con ăn theo lối Việt Nam.

Tôi vừa ăn vừa suy nghiệm về điều thổ lộ của bà Darshani Deane viết trong quyển Wisdom, and Common Sense do Nguyên Phong dịch với tựa Việt là "Minh triết trong Đời sống."

Bà kể lại sau thời gian tu tập và trải qua nhiều kinh nghiệm đời sống, và đi diễn thuyết rồi đến ở trong một khu rừng thật yên tĩnh. Bà dự định không đi đâu nữa vì đã tìm được chỗ trú ẩn thoải mái. Một hôm, vào mùa Đông trời lạnh quá, chiếc máy sưởi nhỏ bị hư. Bà mặc hết quần áo và dùng phương pháp Yoga và Nhiệt công cũng không chịu được. Bà phải lội hơn mười cây số đường tuyết ra phố, tay chân lạnh cóng. Bà viết:

“Ba giờ sau, tôi dừng chân trước quán ăn ở đầu làng, chưa bao giờ mùi cà phê nóng lại có thể quyến rũ tôi đến thế. Ánh đèn điện sáng choang, tiếng người nói ồn ào, mùi xào nấu thơm phức... Hơn lúc nào hết, tôi ý thức ngay một cảm giác hoan hỉ khi được trở lại với cái thế giới mà tôi vẫn muốn từ bỏ nó. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành ấm áp của nhà hàng và ý thức rằng: "Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm để từ bỏ thế gian vì tôi nghĩ thế gian này và tôi là hai thực thể tách biệt. Cho đến lúc đó tôi mới ý thức rằng tôi chính là một phần của cái thế gian này và vì là một phần của nó, tôi không thể tách riêng ra được. Chính sự ham muốn đã thúc đẩy tôi đi tìm tất cả, kể cả những kinh nghiệm tâm linh, nhưng trải qua nhiều biến cố rời rạc tôi mới thấy rõ một sự liên hệ, gắn bó, có ý nghĩa vô cùng. Tôi đã học được bài học mà tôi phải học." (trang 27)

Hôm qua khi đọc đến đây, tôi liên tưởng đến kỳ nhập thất vừa rồi tôi có ý định trường chay. Tuần lễ đầu sau khi mổ chân, tôi nghĩ nhiều đến ý định này. Trong những ngày đó mỗi ngày tôi phải uống 1000mg trụ sinh, 1600mg thuốc Motrin trị sưng, và khi đau thì uống một loại có chất Codin. Tất cả những thứ đó đều làm sót ruột và phải ăn mới được uống.

Lúc cơ thể bị giới hạn, không làm được gì cho người khác và cho chính mình, tôi mới thấy sự ràng buộc chặt chẽ giữa mình và người chung quanh, nhất là gia đình, tôn giáo và xã hội. Tôi làm phiền và nhận sự giúp đỡ của gia đình tôi quá nhiều, và tất cả những gì mà tôi tưởng rằng mình được cắt đứt để tĩnh tâm thì lại càng vây chặt ràng rịt tôi nhiều hơn.

Thời gian tôi muốn được yên tĩnh lại rơi vào đúng tuần lễ Thế vận hội Atlanta, rồi nào là phi cơ TWA 8000 rơi chết trên 200 người, bom nổ tại Thế vận hội. Đó là chưa kể các việc hệ trọng đối với tôi như Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tách đôi, thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương, nghị hội phụ nữ... Truyền hình mở lên liên tục, điện thoại reo suốt ngày. Tôi có rứt mình ra khỏi được không? Chắc là không!

Cách đây mấy hôm, tôi thức dậy sau một giấc mơ. Tôi thấy một cái hồ thật lớn, như là một cái biển, trong đó mọi người, có cả những khuôn mặt quen thuộc, đang chen chúc vẫy vùng kề cạnh nhau.

Còn tôi, tôi đang đứng trên bờ, tựa mình vào một mái hiên nhà. Tôi mặc một chiếc áo dài, người tôi hơi đầy đặn, hai tà áo dài bay phất phới. Người tôi hơi nghiêng, vai tựa vào vách tường. Một lát sau, tôi đi trở lại phòng thay đồ. Một người đàn bà đi ra, tay cầm chiếc giỏ xách của tôi. Bà ta bẽn lẽn bỏ giỏ xuống trả cho tôi rồi đi. Sau đó, tôi lại thấy tôi đứng trong khu vườn, mở ra một gói to toàn là dao nĩa rĩ sét, cái nào cũng to dài như cây vợt đánh tennis. Có tiếng bảo tôi hãy bỏ đi. Tôi lựa những cái rĩ sét trông ghê tởm mà bỏ đi.

Mấy hôm nay tôi cứ suy ngẫm về giấc mơ này hoài. Có lẽ tôi còn quá ích kỷ chăng? Mọi người cùng lội thì tôi cũng phải lội với họ chứ? Trong giấc mơ tôi nhớ rõ là biết mình rất thích xuống lội. Tại sao tôi lại mặc áo dài yểu điệu đứng riêng trên bờ? Có phải những muỗng nĩa rĩ sét là các tánh xấu mà tôi cần phải rứt bỏ chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880