Thăm thuyền nhân tại nhà tù Victoria

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31693)
Thăm thuyền nhân tại nhà tù Victoria

15-11-96

Cha Vang leo xe lên lề đường, kéo thắng xe. Con đường sát nhà tù Victoria dốc ngược. Tôi sợ nên nói cha tắt máy. Cha cười. Cha và Tài mở cóp xe, loay hoay khuân cái túi quà to tướng xuống. Cha bấm chuông nhà tù. Người gác mở cổng cho cha Vang gởi đồ. Xong xuôi, cha chở chúng tôi đi gởi xe trước khi đi bộ vào tù.

Chúng tôi xin ra "lane" ngoài chạy. Bấm đèn cách gì các xe khác cũng tỉnh bơ không cho xe cha ra. Cha bảo anh Tài đưa tay ra quơ. Cha đút đầu xe ra đại. Anh Tài quơ tay lia lịa. Chiếc xe buýt tổ bố trên dốc bắt buộc phải nhường.

Cha nói trong túi cha đem theo 1500 đồng. Mỗi lần vào tù phát trên 1000 đồng cho các thuyền nhân.

11:28 AM. Sau khi gởi xe ở nhà thờ chánh tòa, chúng tôi theo chân cha Vang đi qua công ty thương mại để cha gởi chi phiếu của người tị nạn. Ngày mai, anh Thành, một thiện nguyện viên, sẽ đến lấy tiền về để phân chia cho người tị nạn. Một công việc khó khăn và tỉ mỉ. Tôi phải ghi chép trên đường đi, vì nếu không, tôi chỉ còn đủ giờ viết bài gởi cho Nguyễn Đình Thắng qua điện thư. Sau khi đánh máy, Thắng sẽ e-mail cho Thu, rồi Thu lay-out gởi cho các báo quen của tôi và đài Radio VNCR, Little Saigon.

Tôi thấy thích không khí của đảo Hongkong hơn bên Cửu Long (Kowloon) nơi chúng tôi trú ngụ, vì nơi đó quá chen chúc với nhiều khói xe cùng tiếng động ồn ào. Bên này, người đi đường ăn mặc sạch sẽ và đắt tiền hơn, nhưng không kém vẻ lượm thượm màu mè kiểu Tàu. Tôi nói với cha Vang, người Nhật ăn mặc giản dị nhưng sang trọng và tươm tất hơn. Quần áo họ sạch sẽ, thẳng thớm, màu sắc trang nhã, đen, xám nhạt, hoặc màu ngà. Đầu tóc cũng gọn gàng và khuôn mặt bình thản tươi tỉnh hơn.

12:05 PM. Tôi đang ngồi trên các bậc thang bên hè phố trước nhà tù Victoria. Sau lưng nhà tù là con hẻm nhỏ với nhiều nhà cửa sang trọng cùng nhiều gian hàng, cửa tiệm, hàng cà phê, tiệm uốn tóc. Trên bức tường đá cũ kỷ có đề tên Chancery Lane. Cửa tù là một vách sắt thật lớn, ở giữa có miếng lưới nhỏ để người bên trong nhận diện kẻ bấm chuông. Bên cạnh cửa có tấm bảng đề “Victoria Prison”. Nhiều người cùng đang ngồi trên các bậc thang như tôi, có lẽ họ cũng đi thăm tù nhân. Chung quanh nhà tù là các bức tường đá kiên cố, bên trên cắm tua tủa miểng chai sắc nhọn đủ màu. Nhìn vào bên trong thấy vươn lên một căn nhà gạch đỏ, các cửa sổ đều có song sắt đen kịt. Trên nóc nhà chất đầy các cuộn kẽm gai.

Cha Vang đã vào bên trong để lấy các túi quà cha đã gởi khi nãy vì quá nặng, không thể xách hết nếu đi bộ từ nhà thờ đến nhà tù. Lúc sáng cha định mang kẹo theo, song cha suy nghĩ một chập rồi nói một mình: "Hôm nọ các em có kẹo rồi, hôm nay mang kẹo đậu phọng cho người lớn.”

Một cô gái người Việt mang giày cao gót lớn, ăn mặc đúng mốt, bộ đồ đen ôm sát người, tóc dài xõa ngang lưng. Cô bấm chuông nhà tù rồi bước vào trong, tay xách một túi ny-lông đầy thức ăn. Có lẽ lại là một cô thuyền nhân Việt bỏ trại ra ngoài lấy chồng Tàu, rồi trở vào tù thăm thân nhân bị cưỡng bức.

Trong khi chờ đợi, Tài và tôi ăn hai cái bánh bao nhỏ, chừa một cái nhân đậu đỏ cho cha Vang. Buổi sáng cha ăn ít, vì cha bảo, ăn ít dễ làm việc. Ở các trại khác, cha thường dùng trưa với người tị nạn. Họ ăn gì cha ăn đó, nhưng hôm nào vào Victoria thì không có ăn trưa. Cha đợi chiều về ăn luôn. Cha vào tìm xem chúng tôi nên vào thăm ai hôm nay.

Buổi sáng chúng tôi mua một ít quà cầm theo ở một quán nhỏ trước nhà trọ. 3 gói thuốc lá, 2 khăn mặt, 5 gói mì, 2 gói kẹo M&M, 2 gói bánh. Vì không biết trước được phép thăm hôm nay, nên tối qua chúng tôi không mua sẵn đồ ở Chợ Đêm. Tôi lấy các gói đường nhỏ khi ăn sáng trong nhà hàng khách sạn, các cục xà phòng nhỏ, bàn chải đánh răng, có thứ gì khách sạn dành cho khách tiện tay tôi đều bỏ vào.

Tôi nhớ đến hôm kia, khi vào trại 9 ở Whitehead thăm anh chị Đoạt và hai con nhỏ do cha Vang giới thiệu, cha trao cho chúng tôi một thùng quà lớn có cả con chó nhồi bông. Anh chị bảo không có thân nhân, nhưng khi nhân viên trại hỏi, anh ấy cứ nói đại là có.

Lúc hai bên nói chuyện cách nhau một tấm che bằng mica trong. Tôi phải thường xuyên đứng dậy để nghe tiếng nói của anh chị. Tôi hỏi thăm sức khỏe của chị, chị bảo là hay đau đầu lắm, hai màng tang cứ giật đau buốt. Đợi an ninh bận nói chuyện, tôi ném hộp Motrin lên cây dù của bà bên cạnh, chị vội lấy nhanh đút vào túi.

Tôi mang theo một máy cassette và băng nhựa, nhưng biết rằng không thu được, tôi hỏi anh chị có lấy băng nhựa được không, anh chị gật đầu, tôi nhanh tay ném qua. Anh Đoạt nhét vội vào chiếc khăn quấn bé Huỳnh Trang. Cứ như thế tiếp đến chai dầu Bạch Hoa, tuy chỉ còn 1/3 chai, nhưng Thúy mừng quá vì mới sanh có năm tháng. Rồi đến địa chỉ của tôi, tiền, hai cục pin nhỏ tôi mang theo phòng hờ khi hết pin. À, còn cả cuộn phim chưa chụp; khi cho xong, tôi giật mình vì sợ máy hình hết phim sẽ không chụp được cảnh trước cửa trại tù để kỷ niệm.

Ánh nắng chói chang ban trưa dịu dần. Học trò Hongkong mặc váy và áo xanh dương đang tan trường, đi đầy các con đường phố dốc cao. Đường tại đảo Hongkong đều lên xuống dốc và ngoằn ngoèo. Cha Vang bảo, nhiều chỗ đi bộ chỉ năm phút, nhưng lái xe lại rất lâu.

Hongkong đầy cao ốc, nhưng những cao ốc bên đảo này khiến Tài và tôi thấy chóng mặt mỗi khi nhìn lên, vì cao ốc lại cất trên sườn đồi và ngọn đồi cao. Nhà tù sát cạnh phố chính, gần bên gallery Lã Vọng cao sang nổi tiếng thế giới, với đầy nhà hàng cửa tiệm buôn đồ đắt tiền. Châu báu, mỹ phẩm, lụa là, nước hoa đều thứ thượng hảo hạng trên thế giới. Có ai biết được bên cạnh sự phù hoa tráng lệ đó, lại có những người nằm co ro rên xiết cho số phận hẩm hiu. Cha Vang bảo, nhiều thuyền nhân bị cưỡng bách về Việt Nam bị cộng sản gọi là "Việt kiều thiếu tháng mất tiền ngu". "Tiền ngu" là $200 mỹ kim trợ cấp cho những người tự nguyện hồi hương. Ai không tự nguyện hồi hương thì mất khoản "tiền ngu" này, mà vẫn bị cưỡng bức về nước và còn bị chọc quê. Cha Vang an ủi họ bằng cách cho mỗi người 5 đồng. Cha kể, có một cô gái nói: “Con thà mất tiền ngu mà được nhận 5 đồng của cha. Tiền của cha rất quý.” Cha nói, nhiều người viết thơ qua cho biết, nhờ 5 đồng đó mà có thể ăn cơm hay uống nước khi lặn lội từ trại tập trung Hà nội về quê quán ở Vinh hay các tỉnh khác.

3:30 PM. Trong phòng đợi, nhà tù Victoria.

Chỉ còn 1 giờ nữa là hết giờ thăm tù. Viên chức Tàu cho chúng tôi biết, vì chuyển phòng nên người thăm phải chờ đợi. Ông ta nói những người này sẽ phải về Việt Nam vào ngày 19-11-96. Tôi tưởng mình may mắn vì mua được một cặp xách cho Tài và một túi xách da cho tôi để mang vào cho đồng bào sắp gặp. Tối hôm qua tôi đã phân đồ đạc ra hai phần, và mua thêm một số bánh kẹo. Nhưng hỡi ơi, họ đã lấy đồ đạc liệng ra ngoài gần hết. Trên vách phòng đợi có một khuôn kính, trong đó trưng bày những món đồ có thể mang vào. Tôi buồn xo, vì các món đồ tôi mua khác hiệu với các món đồ họ cho phép mang vào. May mắn là hai cái khăn, hai túi xách và hai bao kẹo M&M còn phù hợp. Tôi nói với Tài: "Thôi mình đưa cha Vang cho trại khác cũng được.”

19-11-96

Ngày mai chúng tôi sẽ rời Hongkong với bao kỷ niệm cùng cha Vang, các dì phước và các anh chị em sống tại Hongkong, cùng một lòng giúp cho người còn kẹt trong trại. Tôi thức khuya viết thêm một bài phóng sự thứ tư để gởi về cho giới truyền thông ở Little Saigon.

NHỮNG PHỤ NỮ NGOẠI QUỐC LO CHO NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN

(phóng sự của Nguyễn Huỳnh Mai viết từ Hongkong)

Dì phước Josephine gọn gàng trong chiếc áo nữ tu với chiếc khăn đội đầu trắng xóa. Dì nhỏ nhắn, khoảng 80 cân anh là cùng, nhưng nhanh nhẹn và thật năng động. Rất ân cần, Dì vui vẻ ra đón khi linh mục Trần Công Vang hướng dẫn chúng tôi đến bệnh viện Caritas, tại đảo Hongkong.

Dì dắt chúng tôi lên lầu và vào kho chứa phẩm vật còn lại sau buổi gây quỷ lấy tiền giúp người nghèo. Dì mở hết thùng này đến thùng kia, lấy từng món đồ ra khoe với chúng tôi. Áo jacket dầy, tốt nhưng có vẻ hơi rộng đối với người tị nạn gầy gò mà tôi đã gặp ở trại cấm White Head hay nhà tù Victoria.

Thật ra những người mà tôi đã gặp như anh Thanh, trốn trại; anh Toàn đi đường bộ 1000 cây số từ miền Bắc qua Trung cộng rồi đi xe lửa sang Hong Kong hay anh Trung được tự do; tất cả đều gầy ốm, đen đúa vì làm việc ở các nông trường xây cất. Các anh ốm chẳng thua gì người trong trại vì họ khuân vác, cắt sắt rất nặng nhọc.

CHUẨN BỊ GIÁNG SINH

Dì Phước Josephine lấy một túi giấy đưa cha Vang. Dì móc ra những cái bong bóng. Cha mừng rỡ bảo các em thích bong bóng lắm. Giáng Sinh sắp đến các em cần quà để trang trí mừng Giáng sinh. Cha lo cho những người đi về nhưng chắc chắn là đến Giáng sinh cũng còn gần 9 ngàn người. Làm sao lo cho xuể đây và khổ tâm nhất là trại này có quà mà trại kia không có, hoặc người này mà không có để cho người kia.

Dì Josephine cùng với chúng tôi và bác tài xế nhà thương chất đầy một xe van nhỏ những thùng giấy đựng áo lạnh và quần tây. Cha Vang lái xe về Cửu Long để gởi số quà trong kho của một trường học Công giáo rồi trở qua chở thêm chuyến thứ nhì. Vật gì trong kho cha cũng lượm hết, miễn là không biến thành vật nguy hiểm. Những khuôn hình bằng gỗ dì Josephine bảo để cho các em dán ảnh vào. Dì ôm những con gấu nhồi bông bảo chắc các em thích lắm. Dì thường gởi quà bánh kẹo, bong bóng, chia ra từng túi nhỏ cho các em.

NGƯỜI MẸ HIỀN

Bà Pam Baker, người mẹ hiền của thuyền nhân, đã dùng tiền hưu trí của bà để giúp thuyền nhân. Văn phòng của bà ở khu Mong Kok, Kowloon (Cửu Long) tại Hongkong.

Tôi cứ tưởng mình lạc đường vì Prosper Commercial Building nơi có văn phòng của bà Pam Baker nằm trong khu chợ. Các sạp bán rau, bán cá, thịt, lạp xưởng, khô cá... đã che khuất mặt tiền của tòa nhà. Tôi mua một bó hoa thật đẹp mang đến tặng bà. Nghe tôi ngỏ lời cảm ơn bà lo cho người tị nạn Việt Nam, bà bảo: "Nếu mình không lo thì ai lo bây giờ, họ là những người bị oan ức, đáng thương, bị tù tội bảy, tám năm một cách vô lý.”

Bà hỏi tôi ở vùng nào tại Việt Nam. Nghe nói tôi ở Sàigòn, bà bảo: "Như vậy cô có quan tâm đến những người miền Bắc không? Tôi có nguyên một tập hồ sơ của những người mà nếu bị cưỡng bức sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm đối với chính quyền Hà nội." Tôi vội xin bà tập hồ sơ dầy cộm này.

Đối với thuyền nhân tại Hongkong, Pam Baker là một vị cứu tinh. Bà từng lo cho em Ngô Văn Hà, một em bé không thân nhân bị lùng bắt trong trại Tai A Chau. Đó là một trường hợp phạm luật của chính quyền Hongkong. Khi bà Pam Baker đi tàu ra đảo thì em Hà ra gặp bà. Bà vừa rời đảo, em Hà đã bị cảnh sát bắt ngay để cưỡng bức hồi hương. Anh Đặng Hoàng Hà, lúc đó là chủ tịch Ủy ban tranh đấu, vội trở về trại thông báo, rồi tất cả thuyền nhân đồng biểu tình đòi trả tự do cho em Hà, và phong trào chống cưỡng bức hồi hương bộc phát mạnh từ dạo đó. Hiện em Hà đã được định cư tại Mỹ, cũng nhờ sự giúp đỡ tranh đấu của bà Pam Baker, phối hợp với cơ quan LAVAS và tất cả các hội đoàn người Việt tại hải ngoại, trong đó có ông Nguyễn Đình Hữu, Hội Cứu trợ Trẻ em Không Thân nhân tại San Jose, California.

Hiện nay, quỹ điều hành của nhóm luật sư lo cho người tị nạn của bà Pam Baker đã cạn, bà ước mong được người Việt hải ngoại tiếp tay. Không những bà Pam Baker giúp đưa ra tòa kiện sự bắt giữ trái phép của chính quyền Hongkong đối với 4000 thuyền nhân; bà còn giúp mọi trường hợp thuyền nhân bị ức hiếp, ốm đau không được chữa trị, hay bị đánh đập vô cớ.

Bà Pam Baker thường hay tâm sự với thuyền nhân: “Tôi cảm thấy cuộc đời vô vị nếu tôi ở không, trong khi chung quanh có bao nhiêu việc oan trái mà không có ai lo."

Bà Pam Baker cũng gầy da bọc xương như dì Josephine. Bà mặc bộ đồ trắng, mặt sáng thông minh. Bà làm việc nhanh nhẹn, di chuyển như chong chóng trong căn phòng nhỏ bé chứa đầy hồ sơ của các người tị nạn. Cô thơ ký Krista Ma, người Hoa đến từ Gia nã đại, theo học ngành chính trị. Mới đầu cô dự định làm việc hai tháng, những rồi ở lại giúp bà Pam hơn một năm rồi, vì thấy đã học hỏi rất nhiều trong việc giúp người tị nạn. Anh Bình, thông dịch viên của văn phòng, đã được ra ngoài tự do hai năm làm việc tại đây, anh cho biết dù ít lương, nhưng anh muốn giúp người kém may mắn hơn mình. Luật sư Nguyễn Hoàng Vũ vừa tốt nghiệp xong ở Úc châu là sang giúp bà Pam Baker ngay. Những luật sư khác, người đến từ Úc, kẻ từ Anh quốc..., như Peter Barnes, hiện phải đi làm thêm, vì quỹ điều hành đã cạn. Trước kia nhóm luật sư lo cho người tị nạn được sự tài trợ của Văn phòng Phục vụ Tị nạn Dòng Tên, và cũng được cộng đồng người Việt tại Úc và Gia nã đại hỗ trợ. Hiện nay, vì sắp hết tiền nên các luật sư thiện nguyện phải đi làm thêm bên ngoài để mưu sinh.

DÌ EDITH NGƯỜI BỈ

Người phụ nữ đầu tiên lo cho người tị nạn mà tôi may mắn được gặp khi đến Hong Kong là dì phước Edith. Khác với luật sư Pam Baker và dì phước Josephine, dì Edith mập mạp tròn trịa dễ thương. Tôi rất thích nụ cười tươi hồn nhiên của dì.

Cha Vang và chúng tôi cùng đi đón dì tại nhà dòng Paris để vào trại Whitehead. Dì nói chuyện vui vẻ và cười dòn tan. Dì nói, nếu cứ đi thăm một trại hoài thì dễ, đằng này cứ mỗi tuần dì đi bốn trại khác nhau nên không cách gì dì nhớ tên của mọi người được.

Dì phước Edith người Bỉ, năm nay sáu mươi tuổi, nhưng rất năng động và nói chuyện luôn miệng. Ngoài việc kể lại các mẩu chuyện trong Kinh Thánh, dì cũng thích kể các mẩu chuyện ngoài đời sống, hầu giúp người tị nạn. Dì dạy Anh văn vào buổi sáng, đến trưa vào bệnh viện thăm viếng người bệnh hoặc đến từng buồng trong trại an ủi chuyện vãn cùng các thuyền nhân. Dì được bề trên phái qua công tác tại Hong Kong một năm, không ngờ đến nơi thấy nhiều người khổ quá, nên dì lưu lại đến sáu năm, và có lẽ sẽ ở đến khi hết người tị nạn Việt nam.

MỘT VÒNG TRẠI WHITEHEAD

Khi xe đến cổng trại, tôi ngưng trò chuyện cùng dì Edith, và lo thầm cầu nguyện cho được phép vào trại thăm đồng bào. Sau khi cánh cổng trại mở lên, tim tôi đập mạnh. Chiếc máy ảnh của tôi to quá, và cũng khó chụp được hình, vì lính canh ngồi trên chòi cao cứ lom lom nhìn chúng tôi. Tôi làm ra vẻ tự nhiên vẫy tay chào các nữ cảnh sát người Hoa đứng gác cổng, nhưng trong tâm cứ niệm Phật cầu nguyện cho chuyến viếng thăm không bị trắc trở.

Nhờ chiếc xe do linh mục Vang mượn từ Tòa Giám mục Giáo phận Hongkong, chúng tôi được cho phép đi một vòng trại dựng sát bên bờ biển. Dọc đường có nhiều phụ nữ tị nạn lo quét đường, đầu đội nón lá có chóp nhọn, bên cạnh họ có lính người Hoa theo canh chừng. Tôi nhìn họ, lòng cảm thấy buồn bã và bất lực không còn giúp gì được họ trong hoàn cảnh gần như bị tù tội đó.

Trước khi rời Hongkong, tôi cầu nguyện rất lâu xin cho thuyền nhân được bình yên khi trở về quê hương, và ước mong họ sẽ được trợ giúp để tái lập cuộc sống mới có tương lai hơn là lại sống vất vưởng, không nhà cửa, không công ăn việc làm, con cái nheo nhóc. Tôi cầu nguyện cho Việt Nam mau được Tự do Dân chủ và đồng bào sẽ được sống an bình hạnh phúc ngay trên đất nước của chính mình.

GIẤC CHIÊM BAO

Một điều đặc biệt mà tôi muốn được chia sẻ nơi đây, là trước chuyến đi khoảng ba tháng, tôi chiêm bao thấy hình ảnh một dì phước. Quả nhiên sang đây tôi đã gặp dì phước Josephine, dì phước Edith. Còn Pam Baker đối với tôi cũng chẳng khác gì một nữ tu đã quên mình lo gánh vác số mệnh của thuyền nhân Việt Nam.

Một điều quan trọng hơn nữa là tôi được tham dự buổi lễ rước mừng pho tượng của Đức Mẹ Fatima tại nhà thờ Chánh Tòa của đảo Hong Kong. Pho tượng này đã đến Hong Kong năm 1947, và nay trở lại sau đúng 50 năm. Pho tượng này đã được nhiều nhân chứng thuật lại về chuyện linh hiển, họ đã chứng kiến Đức Mẹ khóc. Và sự nhiệm mầu này đã xảy ra đến ba mươi lần.

Cũng như nhiều người khác, sau khi cầu nguyện, tôi đã viết vào một mảnh giấy các ý nguyện của mình đối với đất nước dân tộc Việt nam là mau thoát nạn CS, rồi bỏ mảnh giấy đó vào một thùng giấy nhận thỉnh nguyện cho Đức Mẹ Fatima.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880