Viếng chùa Viên Giác và thành phố Hamburg

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 68381)
Viếng chùa Viên Giác và thành phố Hamburg

blank

Sau khi rời Tiệp Khắc, tác giả qua Đức va viếng thăm chùa Viên Giác tại Hannover.
(
Thượng Tọa Thích Như Điển và tác giả tại chánh điện chùa ngày 11-9-1995)

8-9-95 - 4:50 giờ chiều

Xe lửa đến ga Berlin - Schonnefeld Flughafen vào lúc trời xế trưa. Tôi chạy ra hàng ghế cuối toa gọi Tài vì sợ anh ngủ quên không xuống ga để đổi sang xe lửa khác tiếp tục cuộc hành trình. Tài bảo chưa tới và anh sẽ không ngủ quên đâu.

Khi chúng tôi đến ga Berlin Lichtenberg nắng ngả vàng hoe. Hai bên đường cỏ hoa vàng mọc cao, trông đẹp như lúa chín trĩu nặng. Hành khách tới lui nói toàn tiếng Đức. Giọng họ mạnh, âm điệu lên xuống chứ không nói đều đều như tiếng Tiệp khắc.

Tôi nhớ lại lúc Trung, Nam hay Trang thông dịch lưu loát tiếng Tiệp-Việt mà cảm thấy hãnh diện làm sao. Trước hết phải “cảm ơn” nhà nước Hà nội cho họ đi du học (dù không công bằng) để ngày hôm nay chúng tôi có các “đồng chí” đắc lực, giỏi giang và chịu khó vì họ lớn lên ở miền Bắc, biết rõ những vất vả, khổ sở của người dân. Họ sống trong hoàn cảnh khó khăn nên mức độ nhẫn nại cao hơn người dân miền Nam quen sung túc đầy đủ. Còn các bạn trẻ lớn lên tại các nước giàu tại Mỹ châu và Úc châu có nhiều phương tiện vật chất hơn, nên sức chịu đựng và sự trì chí có lẽ cũng không bằng.

Dường như hiện nay không có một sự đầu tư nhân lực về kiến thức, kỹ thuật và tư tưởng nào cao hơn quốc gia Việt Nam.

Mỗi quốc gia tôi đến, lại được nghe một thứ tiếng ngoại quốc khác từ người Việt Nam. Khi qua trại tị nạn, tôi thích thú nghe anh Phan Bá Bách nói tiếng Thái Lan; khi sang Nhật bản, tôi nghe anh Đỗ Thông Minh nói tiếng Nhật, còn được trên 20 đài truyền hình, truyền thanh và báo chí phỏng vấn, vì anh soạn và xuất bản tự điển Anh-Việt-Nhật và sách dạy học tiếng Nhật.

Lúc đến Pháp thì tôi cũng còn nói được tiếng Pháp dù không lưu loát lắm. Khi nghe các bạn trong Tổng hội Sinh viên Pháp đi cùng lên Quốc hội Pháp thông dịch dùm chúng tôi tranh đấu cho thuyền nhân, tôi rất cảm động. Họ nói như chim hót. Rồi tối hôm nay, chắc chắn tôi lại được gặp các bạn của chồng tôi líu lo tiếng Đức.

Ồ rồi khắp nơi trên thế giới người Việt Nam chúng tôi còn nói nhiều thứ tiếng nữa. Như các người tị nạn ở Hongkong trốn ra ngoài đi làm, lập gia đình luôn, họ nói tiếng Tàu, và tiếng Tàu thì có nhiều thứ khác nhau. Ở trại Phi luật tân, Mã lai, Nam dương lâu thì nói các thứ tiếng địa phương. Rồi sau đó sang các nước thứ ba, định cư tại Bỉ, Ba lan, Phi châu, Hàn quốc, Lào, vân vân... Có lẽ sau này khi trở về tái thiết xứ sở, Việt Nam sẽ là một dân tộc đa ngôn ngữ nhất trên thế giới. Việt Nam sẽ có những nhà ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, triết gia, chuyên viên đủ mọi ngành nghề thu thập được rất nhiều tinh hoa của xứ người mang về xây đấp đất nước... Lại một giấc mơ cho ngày mai tươi sáng.

Xe lửa vào 6:35 chiều vào ga Nauen, chúng tôi chuyển xe khác sang qua phía bên kia đường rầy để đi Hamburg. Chiếc xe này sạch sẽ hơn. Trên xe có bán thức ăn uống giá khá đắt. Coca một lon 3.80 mark tức là 2.60 mỹ kim. Bia 4.80 mark tức là 3.20 mỹ kim. Bia ở Tiệp khắc chỉ 40 korun trên xe lửa, trong nhà hàng là 25 korun, ở ngoài phố chưa đến 1 mỹ kim.

Trên thực đơn của nhà ăn trên xe lửa, tôi đọc và đoán được vài món, vì chữ hơi giống chữ Anh. Thí dụ như rượu là Weine, giá 4.80 DM; bia là Biere, giá 4.80 DM; rượu sâm banh là Champagner, giá 9.90 DM. Coca-cola thì viết giống, 1 ly 3.80 DM; nước suối tức Mineral water thì gọi là Mineralwasser giá 3.40 DM. Tôi cũng đoán ra bánh croissant với bơ mức và thứ gì dài dòng nữa không biết, viết là Croissant mit Butter und Konfiture, inklusive einem heissen Gettrank Iher Wahl, giá là 8.90 DM. Cam họ viết là Orangesaft, còn cà chua thì viết Tomatensaft, mật ong Honig. Còn chữ Apfelsaft là nước táo, như vậy chữ saft có nghĩa là nước trái cây, juice. Chữ Sandwich thì viết giống chữ Anh, đương nhiên.

Hamburg, Đức quốc - 10-9-95

Mới đến Đức có hai hôm mà tôi cứ tưởng như một tuần. Chúng tôi may mắn có quen gia đình anh Huỳnh Thoảng, một bạn học của anh Tài 30 năm về trước tại viện Đại học Đà lạt. Anh Thoảng là phó chủ tịch Liên đoàn Công giáo tại đây. Anh sang đã 13 năm, và từng làm chủ tịch Hội người Việt tị nạn CS tại Hamburg, nên rất thông thạo, và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Anh rất hiểu biết về các người Việt tị nạn tại Đức, những người Việt Nam sang lao động tại các nước Đông Âu, trong đó có Đông Đức, và cách đối xử của người Đức cùng người Việt Nam cũng như sự kỳ thị của họ.

Điểm đặc biệt là vật giá ở đây cao quá so với bên Tiệp khắc hay Hoa kỳ. Đêm đầu tiên từ ga xe lửa, anh Thoảng và Thắng, con anh, đưa chúng tôi đến tiệm phở Bình Dân ở đường Ojendorfer Damm. Giá tiền một tô hủ tiếu Nam vang làm tôi ngạc nhiên. Một tô lớn bằng tô nhỏ ở Mỹ giá 12 mark, tức là 8 mỹ kim; ở Mỹ khoảng 4.50 một tô lớn nhiều thịt nhiều bánh đầy đủ rau giá. Dĩa cơm bì chả sườn nướng giá 15 mark, Cường ăn không no vì dĩa này nhỏ hơn ở các tiệm Cali. Tô canh chua cá lóc giá 33 mark. Lẫu thập cẩm 33 mark.

Sáng hôm sau, Thắng, con trưởng của anh chị Thoảng, đưa chúng tôi đi chợ cá ở hải cảng Hamburg. Chợ này nhóm vào sáng sớm chủ nhật. Người đi đông như kiến, rất khó tìm chỗ đậu xe. Ngày nay, chợ này đã biến thể thành một loại chợ trời có bán đủ loại đồ đạc từ quần áo, giày dép đến trái cây, rau cải, bông hoa, vân vân...

Giá tôm cá nơi này tuy rẻ hơn trong siêu thị nhưng cũng còn quá cao so với bên Hoa kỳ. Một ký cá thu 25 mark, nếu hong khói giá 60 mark. Một ký lươn giá 66 mark. Tôm rằn lớn loại tiger giá 45 mark. Cá lóc giá 9.95 mark, cá mập giá 28 mark.
Trời gần trưa bạn hàng cá rao lớn om sòm xuống giá rẻ hơn để bán cho kịp lúc tan chợ. Mấy ông bán trái cây bỏ đủ loại nho, chuối, thơm, táo vào một bao to bán rẻ 10 mark một bịch.

Anh Thoảng bảo bến tàu này là nơi trước kia có 10.000 người Đức ra đón người tị nạn Việt Nam được tàu Cap Amur vớt. Khởi đầu người Việt tị nạn ở một nơi, nhưng sau đó người Đức phân tán họ ra vì bị một số người Đức ném thuốc nổ khiến cho hai người Việt bị phỏng chết. Hai phạm nhân kỳ thị vừa mới được phóng thích sau khi ở tù mười năm.

Tôi rất mừng khi Cường được ở nhà anh chị Thoảng. Đây là dịp cho nó học hỏi khi gần gũi gia đình anh chị, biết thêm được nếp sống, cách cư xử của người Việt Nam, nhất là học hỏi được từ các con anh vẫn giữ nếp sống văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Chúng tôi đều không thích nhồi sọ các con, mà mong muốn các con học hỏi qua sự tiếp xúc, mở rộng kiến thức và tự giác khi nhìn, thấy những người Việt Nam mà chúng gặp. Nhất là khi đi cùng chúng tôi, Thịnh Cường được dịp ngồi nghe trò chuyện. Hai đứa sẽ biết được nhiều vấn đề, về ba mẹ và gia đình qua những buổi tâm sự, nhắc lại quá khứ. Nếu tự nhiên gọi con lại kể chắc chắn sẽ không vào đầu chúng bằng những lúc đi xa, ngồi ăn cơm trao đổi về sinh hoạt ở tại nơi chúng đến, đồng thời nghe ba mẹ thuật cho người địa phương nghe về sinh hoạt của người Việt nơi chúng đang sống mà thường khi chúng chẳng quan tâm.

Tôi rất vui mừng trên đường đi từ nhà ga Nauen sang Hamburg, khi nghe Cường bắt đầu thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi về đủ mọi vấn đề. Điều làm tôi vui hơn hết là Cường hỏi về đạo Phật giáo Hòa Hảo. Cường cũng hỏi về công việc làm ăn. Tôi như được cởi mở tấm lòng, nói hết mọi chuyện khó khăn từ bao lâu nay. Vì vậy mà trên đường đi nhiều lần tôi đặt bút xuống mà không viết được gì cả.

Hôm ở Tiệp khắc, có một đêm lúc chưa ngủ, đèn tắt, Tài thì đang xuống phòng khách đợi các anh em trong ban tổ chức đến lấy bài tường thuật buổi hội thảo để gởi fax về Hoa kỳ, Cường hỏi tại sao mẹ lại tranh đấu làm gì đi xa tốn tiền quá. Tôi chỉ im lặng nghe con có ý trách. Sau những buổi hội thảo, thăm viếng Tổng thống Havel, phụ tá Phó Thủ tướng, buổi họp báo có nhiều ký giả và đại diện các hãng thông tấn đến, rồi cuối cùng là buổi tiếp tân của Thứ trưởng Ngoại giao, cố vấn Tổng thống cùng các diễn giả đến dự, tôi mới nhẹ nhàng giải thích cho Cường hiểu.

Tôi nói những người đến thuyết trình là những người tranh đấu cho tự do dân chủ cho quê hương họ. Nhiều người vào tù ra khám, có khi nguy hiểm đến tánh mạng. Bà Dana có bảy đứa con, vì ký tên trong Hiến chương 77 mà bà phải đi rửa cầu tiêu, vào ngồi tù, để cho ngày hôm nay con của bà được sống tự do, đi học, có tương lai hơn.

Tất cả đều đem kinh nghiệm quý báu trình bày cho các tham dự viên đến học hỏi để có thể tránh được sự thất bại, vấp ngã, thu ngắn con đường tranh đấu cho tự do dân chủ của quê hương. Tôi chậm rãi nói rõ với Cường: “Còn mẹ không có vào tù ra khám, các con không bị sống nghèo khó như con bà Dana, mẹ chỉ tốn tiền mà lại được học hỏi bao điều hay mà con còn cằn nhằn gì? Nếu mẹ ở tù, con không được đi học, hay mẹ chết đi, thì con nghĩ sao?”

Cường lặng thinh một lát rồi nói: “Nếu mẹ ở tù hay chết chắc con sẽ nghĩ khác.”

Tôi bảo: “Mình không cần phải bị khổ mình mới giúp người khác, mà mình được sung sướng thì mình cần phải giúp cho người khổ nhiều hơn.” Tôi dằn mạnh từng tiếng nói với Cường bằng Anh ngữ: “Con nên nhớ nước Tiệp chỉ có 15 triệu người, còn Việt Nam mình có đến 72 triệu. 72 triệu người khổ cần đến mình, con biết không?”

11-9-95 - 5:00 giờ chiều

Lá khô phủ đầy một khoảng sân chùa Viên Giác gần nơi chúng tôi ngồi bên cạnh văn phòng chùa. Chị Yến bảo đùa, “Không ai quét lá sân chùa.” Cô gái Huế vẫn luôn luôn mơ mộng. Chị lấy báo ra đọc, tôi ngồi viết. Chúng tôi ngồi đợi Thắng, anh Tài và Cường đi ăn cơm ngoài phố xong sẽ trở lại rước.

Tôi thích ăn cơm chay mỗi khi đi đến bất cứ chùa nào. Khi vào nhà bếp, xin cơm chay từ một cô lớn tuổi, cô bảo Phật tử dọn cơm và bánh cho chúng tôi ăn. Tôi mua thêm trái cây và bánh về biếu anh chị Thoảng. Tôi nhớ lại một số chùa bên Hoa kỳ, dù lớn dù nhỏ cũng đều đầy tình thương. Bước vào chùa là các cô dọn cho đủ thứ thức ăn chay bắt ăn cho no. Nhất là chùa Huệ Quang, các cậu bụi đời không nhà cửa hay đến đó xin cơm ăn.

Thầy Thích Như Điển gặp tôi là nhận ra ngay, vì đã từng đi họp chung Hội đồng Liên Tôn Âu châu bên Pháp năm rồi. Thầy luôn luôn giữ nét điềm đạm, tươi cười, nói chuyện mạch lạc và cử chỉ rất nhanh nhẹn. Dù chưa được nhìn chùa, người gặp mặt cũng có thể đoán là thầy có tài quán xuyến, sắp xếp rất giỏi. Và quả như thế, có lẽ ai đến chùa cũng sẽ ngạc nhiên về vẻ đồ sộ, lối kiến trúc, các bàn ghế và đồ vật trang trí của chùa đều rất quý, chở từ Việt Nam qua.

Nơi chánh điện, thầy chỉ những chỗ chạm trổ tinh vi đều bằng vàng thật 24 karat với tượng Phật 3000 ký. Chùa có 56 phòng, trong đó có 10 phòng dành cho khách thập phương. Thầy bảo đùa, “Nếu không bằng khách sạn 3 sao thì cũng bằng khách sạn 2 sao...”

Thầy dắt vào phòng khách nơi từng tiếp Thủ tướng, đức Đạt lai Lạt ma. Đó là phòng tiếp tân thượng khách. Có phòng cho Phật tử và quý thầy ngồi thiền trải thảm thật đẹp, rộng lớn, phòng riêng cho người Đức ngồi thiền trên gác cao. Nhà in để in báo và ấn tống kinh sách. Thầy nhận cả in thiệp cưới, quảng cáo, vân vân... Thầy có bảy thư ký, mười tu sĩ, trong đó có sáu ni cô, và hai mươi lăm người giúp việc. Ngoài ra còn có hai người Đức giúp cho việc điều hành trong chùa. Từ thứ hai đến thứ sáu, thầy lo cho Phật tử Đức; thứ sáu, bảy, và chủ nhật, thầy lo cho Phật tử Việt Nam. Tiền điều hành chùa mỗi năm 300 ngàn mỹ kim, trong đó chính phủ Đức tài trợ 100 ngàn.
Tôi thường liên lạc với chùa qua tờ báo Viên Giác xuất bản hàng tháng. Trong số báo Viên Giác mới nhất tôi nhận được trước khi đi, có trích hai bài của tôi, “Hãy trở về” và “Đạt Đạo.” Tôi cho là có duyên với chùa và với vị đã chọn bài đăng. Hôm nay tôi viếng chùa, vào văn phòng là hỏi đúng ngay vị phụ trách đã chọn bài của tôi. Thật là kỳ ngộ, trước đây ông từng ở Long Xuyên, và gần gũi cùng sinh hoạt Phật giáo Hòa Hảo.

Điểm đặc biệt ở chùa Viên Giác là tháp chuông bảy tầng có đặt mười ngàn tượng Phật nhỏ theo vách tường. Mỗi tầng có một tượng Phật lớn. Đệ tử cúng dường có ghi tên dưới mỗi tượng Phật nhỏ. Thầy Như Điển cho biết các sinh viên kiến trúc sư đều phải thăm viếng chùa xem như trong chương trình học.
Khi tôi hỏi về việc các hòa thượng bị xử án tại Việt Nam, thầy cho rằng CSVN xử để tỏ ra là họ có quyền lực. Nếu không xử thì mất mặt. Còn quý thầy không xin xỏ và xin hủy bỏ bởi vì không thấy có tội gì cả.

Thầy Như Điển là đệ tử của Thượng tọa Thích Long Trí, chánh thư ký Viện Hóa Đạo. Thầy nói vì ở dưới chế độ CS không được tấn phong, nếu không Thượng tọa Thích Long Trí đã là Hòa thượng. Thầy Long Trí cũng ở chùa Viên Giác Quảng Nam.

Tôi ngồi nhìn các ghế đá có khắc tên chùa đặt ở nhiều góc sân, mà liên tưởng đến không biết bao nhiêu đồ vật bàn ghế được chở từ Việt Nam sang đây. Có lẽ hàng chục ngàn ký lô, vì toàn là đồ nặng. Bàn ghế bằng gỗ cẩm lai, trắc, cẩm hương, chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Hiện vì thời tiết nên bị nứt. Thầy nói sẽ cho thợ sửa lại. Có tất cả bảy mươi người thợ từ Hà Bắc, Hà Nam, Ninh Bình vào Nam để làm bàn ghế cho chùa trong vòng một năm.

Nhà ga Hamburg Hbf 13:01 - Thứ hai 12-9-95

Xe lửa từ từ rời ga. Cường đưa mặt ra cửa kiếng vẫy chào Thắng. Cường quay vào hỏi tôi, “Mình có gặp lại những người này nữa không?” Tôi thấy Cường quyến luyến anh Thắng. Cường học hỏi nhiều ở Thắng cách cư xử nhanh nhẹn vui vẻ, và nhất là thái độ quán xuyến cùng hiểu biết mình phải làm gì, đi về đâu. Đó là một đặc điểm và cũng là ưu điểm của một thanh niên được gia đình huấn luyện kỹ, có đạo đức và nền nếp.

Thắng là huynh trưởng của các em thiếu nhi Công giáo tại đây. Chủ nhật Thắng soạn bài hát Việt Nam cho buổi sinh hoạt cùng các em sau lễ nhà thờ. Thắng tiếp các linh mục tổ chức các trại hè hay các buổi sinh hoạt thanh niên. Thắng học kỹ sư cơ khí và thương mại, vừa học vừa đi làm, nên không có bạn gái vì theo Thắng mất nhiều thì giờ. Thắng về Việt Nam hai lần, nghiên cứu để khi ra trường xin làm các hãng xe của Đức tại Việt Nam, và vài năm sau sẽ lập công ty riêng. Theo Thắng sau này xe Đức tại Việt Nam nhiều sẽ cần công ty tư để sửa chữa. Thắng không thích các cô Việt Nam chỉ nói tiếng Đức. Bạn trai bạn gái nào có vẻ chịu ảnh hưởng văn hóa Đức nhiều quá Thắng không thích chơi.

Thắng đến đón chúng tôi sớm, đậu xe cạnh nhà ga, và đưa chúng tôi đi phố Hamburg, đến con đường cạnh bờ hồ, nơi có bán quần áo đắt tiền. Một cái áo lạnh giá gần 200 mark. Còn đồng hồ có cái gần 2000 mark. Thắng bảo hôm nọ cậu em mua đôi giày bốt gần 300 mark, khi mang mới thấy bên trong giá của bên Mỹ chỉ có 70 mỹ kim, nếu nhờ người quen bên Mỹ mua dùm gởi qua thì đỡ được 200 mark.

Lần đầu tiên tôi qua hai quốc gia mà tôi hoàn toàn không biết ngôn ngữ. Mấy ngày nghe thuyết trình bằng tiếng Tiệp khắc, tôi chỉ nghe được chữ “totality.” Ở Đức thì đoán được vài chữ ở trước tiệm ăn, như “salat” là sà lách, “suppe” là súp. Đó là tiệm Đức gần tiệm ăn Mai và chợ Kim Liên trên đường Ojendorssen khu Jenfield. Nơi đây có bán chả lụa và thức ăn Á Đông chở từ Pháp sang, hoặc rau cải từ Thái lan. Có cả rau dấp cá, ngò gai, húng quế. Giá rất đắt. Một hủ cải muối bắp thảo “tầm sại” để ăn hủ tiếu nhỏ bằng sành giá 4.50 mark, chai xì dầu 2.70 mark, mì gói 1 mark, đồ chay hộp loại nhỏ đến 3.80 mark.

Chợ Kim Liên chỉ cách nhà anh chị Huỳnh Thoảng có ba phút đi bộ. Bên kia đường là Hội Người Việt Tị nạn Cộng sản. Anh Thoảng bảo tiền thuê trụ sở là 1000 đồng. Một thành viên bán phở vào hai buổi sáng và trưa chủ nhật đóng góp 600 cho hội để tiếp tiền nhà. Ngày thường chị Thoảng dạy chữ Việt cho người Đức và có lớp học tiếng Việt cho trẻ em.

Gần đó là khu thương mại Einkaufs Jentrum Jenfield gọi là Mini Mall trong tòa nhà Bucherhall. Tuy là một khu thương mại nhỏ nhưng có đến ba chợ, hai tiệm hoa và đủ loại tiệm bán cá thịt rau cải. Điểm khác biệt là ở bên Mỹ ít có các chợ nằm cùng một khu thương mại lẫn lộn cùng các tiệm buôn quần áo hay tiệm giặt, tiệm hình, nhà thuốc tây. Hầu hết các chợ thường nằm riêng bên ngoài.

Rau cải ở đây rất mắc. 1 ký ớt to xanh đỏ hay vàng giá đến 4.99 mark, so với tại Mỹ loại ớt này giá chỉ dưới 1 mỹ kim 1/2 ký. Dưa hấu 1.99 mark, và nho 2.59 một ký.

Có một vài chữ Đức tôi học được dễ là chữ “Willkommen” in trên thảm đặt trước nhà chào đón khách. Bên Mỹ là chữ “Welcome.” Trên các restroom thì có chữ “Herren” dành cho các ông, và chữ “Damen” dành cho các bà.

À, tôi quên, còn tiếng một nước mà tôi chẳng hiểu gì là tiếng Thái lan. Tuy nhiên tôi lại cảm thấy Thái lan rất gần gũi. Có lẽ vì phong cảnh, người dân, và thức ăn Thái tương tự cùng nơi quê nhà. Khi máy bay sắp đáp xuống, nhìn ruộng lúa, đàn trâu, ổ rơm, hay hình ảnh những chiếc nón lá tuy nhỏ hơn, nhưng cũng đủ làm tôi xao xuyến trong lòng.

Tại các đường phố Thái, các hàng quán nhỏ ở lề đường, các chị hàng rong bán gỏi, các sạp hàng bày bán trái cây đủ loại, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, trái dâu da, nhãn, ổi xá lị, xoài sống... làm tôi mê chết đi được. Ăn thì không bao nhiêu, mà mỗi lần từ khách sạn bước xuống phố là tôi cứ muốn mua mang về đầy phòng. Tôi thích mua hoa. Ở Thái họ ngắt hoa ra từng cái nhỏ rồi kết thành từng tràng đeo cổ đeo tay. Các bà các cô mua để mang đến các ngôi miếu hay chùa cúng Phật.

Điểm đặc biệt ở Thái lan là quá nhiều miếu nhỏ, dựng gần nhà hay gần nhà hàng, nhà ngủ, như các bàn thông thiên ở miền tây Việt Nam của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Điều khác nhau là miếu của họ rườm rà, còn bàn thông thiên rất giản dị chỉ có đèn, bát nhang, nước lã, và bông hoa. Tôi còn được gặp các sư sải khoác y vàng đi bát giống như ở Cao miên. Ai cúng dường chi ăn nấy mặn lạt gì cũng được. Người Thái rất trọng các sư, vì ngày xưa xã hội Thái lan có việc gì cũng đến hỏi ý kiến, từ việc hôn nhân đến tang chế, trường học, lễ lạc đều do chư tăng tổ chức. Cũng như bên Cao miên, các thanh niên trước khi trưởng thành đều được học Phật pháp. Bên Cao miên, thanh niên học hai năm, cũng cạo đầu và lông mày giống như các vị sư. Sau hai năm, thì có thể ra đời, lập gia đình hoặc nếu thích thì cứ tiếp tục tu hành.

Quần áo các cô Thái và Miên gần giống nhau. Khi múa các cô xòe tay cong chân, mặc áo bó, váy sát người. Khi múa các điệu dân tộc, các ông thường đội mũ và mang mặt nạ. Các vũ nữ ở thành vua Cao miên được gọi là các “con mái”, mỗi lần chuẩn bị biểu diễn cho vua và quan khách xem phải mặc xiêm y lộng lẫy, bó cứng, và khi mặc vào rồi thì các cô cậu phải nín tiểu rất lâu vì không được cởi ra và cởi rất khó. Lúc tôi ở Cao miên, có được xem hoàng tử hát và công chúa múa rất hay. Ông hoàng Sihanouk có trên 30 đứa con, nhưng ông thương nhất hai cậu con học cùng trường tư Bando Vichea với tôi. Hai cậu là con bà Monique lai Việt Nam, được Madame Villa dạy kèm riêng chữ Pháp hoặc bà hoàng Sishawatt biết nói tiếng Pháp và Việt.

Xe lửa đang trở về thành phố Nauen. Vì quanh Berlin là Đông Đức nên từ Hamburg qua Berlin, chúng tôi phải đi qua các vùng Đông Đức. Hai bên đường xe lửa là các đồng trống. Có vài khoảng rừng cây. Thỉnh thoảng có các xưởng xây cất có những đống gạch đỏ chất cao. Một vài nhà gạch ngói đỏ có lẽ của chủ ruộng. Một vài khu gồm các nhà nhỏ xíu, đơn sơ, nghèo nàn có vẻ thiếu tiện nghi, bên cạnh có trồng vài luống rau và hoa quả.

Anh Thoảng bảo mỗi tháng anh bị trừ 50 đồng để giúp đỡ cho Đông Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Trước kia chính phủ Đức chỉ nói giúp vài năm đầu, nhưng bây giờ họ nói giúp đến năm 2000 vì Đông Đức nghèo quá.

Mấy chục ngàn công nhân Việt Nam qua Đông Đức làm thuê phần lớn là “quen lớn hay bà con đảng viên.” Nhiều người đã hối lộ tiền để được đi. Mỗi người thợ lãnh năm sáu trăm đồng tiền Đông Đức, trong đó họ phải đóng góp 25% cho quỹ xây dựng tổ quốc, và số tiền đó được dùng để trả nợ cho chính phủ Đông Đức. Có cả hàng mấy trăm ngàn nhân công Việt Nam được đưa qua Nga, Tiệp, Ba lan, Đông Đức, vân vân... Các công nhân Việt Nam đều được chia ra, mỗi toán khoảng một trăm người thì có một nhân viên của nhà nước Hà nội theo dõi, với vai trò thông dịch. Họ chỉ đi làm rồi về, không học tiếng Đức, và không đi đâu được vì các giấy tờ đều bị sứ quán CSVN giữ. Sau khi bức tường Bá linh sụp đổ, có mấy chục ngàn công nhân Việt Nam chạy qua xin tị nạn.

Anh Thoảng có cho tôi xem lá thư của ông Nguyễn Duy Niên, thứ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN gởi cho ông Manfred Kanther, bộ trưởng bộ Nội vụ Liên bang Cộng hòa Liên bang Đức, về việc Việt Nam nhận lại các công nhân đã ở lại trái phép.

Nghị định thư ký ngày 21-7-1995 giữa Đức và Việt Nam tại Berlin, làm thành hai văn bản bằng hai thứ tiếng “có giá trị ngang nhau.” Thú thật tôi không hiểu nổi lời văn của người CS. Tôi đọc và cảm thấy rối bù vì cách xếp chữ và dùng chữ không rõ ràng ngắn gọn khúc chiết như lối văn của người Việt hải ngoại. Vừa dài dòng lượm thượm, vừa hay dùng những từ kêu. Thí dụ một câu trong thư của ông Nguyễn Duy Niên:

“Đối với những công dân Việt Nam đến Cộng hòa Liên bang Đức từ các nước có chung biên giới với Đức và Cộng hòa Liên bang Đức đã ký với các nước đó Hiệp định nhận trở lại thì bên Đức sẽ cố gắng đưa họ trở về những nước này, trong chừng mực những nước này có nghĩa vụ nhận trở lại.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880