13-12-95 - 4:00 giờ chiều
Trước mắt tôi, xuyên qua khung kiếng là hàng trăm trẻ em trai gái Nhật khoảng lên sáu lên bảy. Bé gái thì mặc áo tắm, bé trai mặc quần đùi đồng phục màu xanh dương và trắng. Các em đều đội mũ cao su trắng ôm sát vào đầu. Mỗi em đều mang kính lặn dưới nước trên trán. Các cô cậu huấn luyện viên bắt đám trẻ xếp hàng dài tập một ít động tác tay chân trước khi chia nhóm xuống hồ nước tập bơi lội.
Nhìn các em bé Nhật mắt một mí, má phúng phính đỏ au, cười hớn hở vui tươi, nhún nhảy đùa giỡn, lòng tôi bỗng nhiên đau nhói khi chợt nhớ đến đám trẻ Việt Nam nơi quê nhà, và trong trại tị nạn. Tôi nhớ đến các bàn tay bé tí xíu thò qua hàng rào kẽm gai rỉ sét để vẫy gọi, để xin kẹo bánh hay một cái nắm tay. Tôi không thể nào ngăn được đôi dòng lệ.
Quanh tôi, các bà mẹ Nhật đang ngồi chuyện trò thoải mái. Các anh chị của đám trẻ đang học bơi thì ăn uống vui đùa la hét tự do.
Chi Lan đang học bơi. Tôi và Hà ngồi xem. Hồ bơi rộng và dài chia làm đôi, và ngăn ra nhiều chặng bơi. Minh Lan còn ở dưới lầu đợi em bơi xong mới đến lượt mình. Hà bảo mỗi tuần học một lần 1 tiếng rưỡi, đóng 60 mỹ kim. Mỗi chiếc áo tắm giá 45 mỹ kim.
Lúc mới đến, tôi được xem các em bé tập thể dục ở tầng dưới. Nhìn các em bé gái mặc áo tắm đồng phục màu hồng tập nhảy múa, trông cứ như những con búp bê thật xinh xắn. Các cậu nhỏ thì mặc áo thun quần đùi, nhào lộn như các chú lùn.
Tôi nhớ đến các lời tôi dặn dò Quốc Phong chụp ảnh các em bé ở Việt Nam cho tôi để in vào phụ trang sách. Trái tim thương yêu tuổi thơ, đàn trẻ, dân tộc của các nhà lãnh đạo CS Việt Nam để ở đâu?
Tôi xuống tầng nhì xem các em học aerobic và gymnastic. Các em gái nhún nhảy theo điệu nhạc ở một bên, còn bên kia là các em đang nhảy dây hoặc học nhào lộn. Em nào chưa quen thì huấn luyện viên nắm hai chân đẩy tiếp sức cho em quay quanh một cột trụ.
Hà nói đúng, phần đông thiếu nữ Nhật bản thiếu ngực. Các huấn luyện viên bơi lội hay thể dục mà còn ngực lép huống hồ chi các cô gái thường ít luyện tập. Hà bảo, đàn bà Nhật được lợi điểm là bụng thon, dù có đẻ con vài lần cũng vậy. Thông thường con gái Nhật chừng tuổi 15 thì cha mẹ cho cắt mắt thành hai mí. Hèn gì mà các em bé tí xíu mặt tròn má phính, mắt bụp bụp một mí, trông ngộ nghĩnh cứ giống nhau in hệt, chứ không khác biệt như người lớn.
15-11-95
Tôi đã nghe cha mẹ Việt Nam nói chuyện với con bằng tiếng Việt, con trả lời bằng tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tiệp... nay là tiếng Nhật. Buổi sáng, tôi đọc mảnh giấy Hà dằn trên bàn ăn, dặn dò Toàn. Tôi đọc được nhưng không hiểu, phải nhờ Hà dịch. Hà dặn Toàn đi học về, khi đi chơi nhớ đóng cửa. Chữ cửa không viết bằng lối Hiragana mà phiên âm bằng Katakana. Đọc là door. Tiếng Nhật dùng rất nhiều chữ Anh. Lúc nãy một bà Mỹ dạy nấu ăn trong tivi. Bà nói tiếng Nhật thật lưu loát. Bà gọi món gà nướng của bà là chicken nên tôi hiểu ngay. Món gà nướng với nấm rơm, ăn với sà lách và nước trái cây. Nước trái cây làm từ trái hồng dòn xay với sữa tươi, kem và quế. Sà lách trộn bằng cà rốt, củ cải và con điệp (scallop), rưới dầu dấm pha với mù tạt.
Hôm nay Hà nghỉ làm nên dắt tôi đi chợ Tàu ở Yokohama. Chợ Tàu ở Nhật bản nhỏ so với chợ Tàu ở San Francisco hoặc Los Angeles, nhỏ hơn cả chợ Tàu ở New York. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng của Nhật nên sạch sẽ hơn. Thức ăn Việt Nam hoặc Tàu nơi đây đều bị lai Nhật, từ cách trình bày cho đến mùi vị. Thức ăn Nhật bên Mỹ thường hay đựng trong các dĩa lớn nhằm thu hút người Mỹ, ở đây trình bày cho đẹp, và dĩ nhiên là khiêm tốn vì đắt tiền. Trước các tiệm ăn Tàu, cũng có thức ăn giả trưng bày, với giá và số cho thực khách chọn lựa.
Một ký thịt quay giá 45 mỹ kim, gấp năm sáu lần ở Mỹ. Tôi và Hà vào tiệm chạp phô mua hàng về bán ở tiệm Mekong. Một hộp nhãn giá 4 mỹ kim, ở Mỹ chỉ trên dưới 1 mỹ kim. Một gói đường thẻ 8,5 mỹ kim. Nước cốt dừa ở Cali hai hộp một đồng, ở đây đến 3,5 mỹ kim một hộp. Có lẽ tiền thuê nhà đắt nên họ phải bán giá cao mới đủ sở hụi. Khu tiệm của Hà rẻ hơn ở chợ Tàu mà mướn tầng trên mỗi tháng phải trả 4.000 mỹ kim.
Hai chị em ăn cháo cá ở tiệm Okayuga. “Kayu” có nghĩa là cháo. Ebikayu là cháo tôm, còn Sakanakayu là cháo cá. Trên vách trước của tiệm có hình và giá cả. Một dĩa đậu hủ nhỏ xíu xào với sốt sền sệt giá 10 mỹ kim, 4 cái chả giò 8 mỹ kim, và nếu thịt heo, thịt bò, hoặc đồ biển xào, một dĩa nhỏ giá 16 mỹ kim.
Hôm qua tôi được linh mục Nguyễn Hữu Hiến hướng dẫn đi thưởng ngoạn một số thắng cảnh như chùa Asakusa. Nơi đây có bán rất nhiều quà và quần áo truyền thống Nhật bản. Một kimono ngắn để mặc cho ấm vào mùa đông gần 200 mỹ kim. Nhiều nhất là các chiếc bóp xách tay, ví cầm tay, ví nhỏ và đồ gắn trên xe hơi hay gắn chìa khóa.
Quà cáp hay áo kimono của các cô thường có màu sắc sặc sỡ, nhất là màu đỏ và màu cam; trong khi người Nhật sinh hoạt thường ngày ăn mặc âu phục rất tề chỉnh kín đáo, màu sắc thật trang nhã như màu kem, xanh nhạt, nhiều nhất là màu đen và màu xanh dương. Tôi nhìn quanh chỉ có mình tôi là mặc bộ đồ thể thao màu tím than mà thôi.
Đi ngoài đường phần lớn ai cũng mặc đồng phục, từ các em học sinh tiểu học trung học, đến các cô làm việc tại khu thương mại, ngân hàng, nhà hàng. Mọi người đều tươm tất. Ở Thái lan, các cô đi làm cũng mặc đồng phục khá nhiều trông rất lịch sự. Các cô gái Thái mảnh mai cao gầy khá đẹp. Các cô gái Nhật trắng trẻo đầy đặn, nhiều cô mặc váy ngắn, nhưng vì có truyền thống ngồi xếp trên đùi nên chân các cô nở to trông thiếu thẩm mỹ. Hà bảo bên Nhật củ cải trắng rất to, nên người ta hay gọi chân gái Nhật là daikron, tức là chân củ cải, các cô rất giận. Nhiều cô chân to lại bước quặp vào nhau nên trông mất đẹp. Nếu các cô mặc kimono, đi bước ngắn, trông rất khúm núm yểu điệu dễ thương. Tôi cho rằng các cô bị phá tướng vì nụ cười với răng khập khễnh và đôi chân cong. Các cô được nước da trắng mịn, mũi cao thanh tú, vóc dáng cao ráo, và ăn nói lịch sự nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, nhìn chung người Nhật có nét lạnh nhạt nghiêm buồn, nhất là nam giới. Hôm mới đến, tôi hỏi đường đến Sanwa Bank, hỏi nhiều người mà không ai thèm nhìn và cũng chẳng buồn trả lời. Họ tránh qua một bên rồi đi tuốt không để lại một cái liếc mắt. Khiến tôi tự hỏi sao mà mình trước đây từng ưa thích người Nhật đến thế?
Bù lại, vào chiều qua, sau khi linh mục Hiếu đưa tôi về tiệm Mekong, một anh Nhật còn trẻ đến quầy trả tiền mua quyển Truyện Kiều của Nguyễn Du, khiến tôi giật mình. Sau khi nói chuyện, anh cho biết khởi đầu đã tự học tiếng Việt một mình. Anh thích người Việt Nam, và cho rằng vì thấy nước Việt bất hạnh, nên muốn học để tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt, mong sẽ được qua Việt Nam nghiên cứu. Anh đưa tôi xem bài thi Việt ngữ của anh tại đại học, các câu hỏi về văn chương Việt Nam, với một bài khá dài và phức tạp để dịch ra Nhật ngữ.
Hà bảo người Việt Nam thường xem tiểu thuyết, truyện ngắn. Những sách về văn chương hay tự điển lại bán được cho người Nhật, vì có nhiều người mua để nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Có khi họ mua cả băng nhạc hay băng video ca nhạc về xem. Tôi tặng cho anh Nhật quyển Cô bé làng Hòa Hảo, và hứa cho anh xem hình ảnh trại Sikiew, cũng như báo Việt Nam tôi mang từ Mỹ theo. Anh tên Yoshinori Takanashi.