Buồn vui tại Houston

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 30210)
Buồn vui tại Houston

2-6-95

Đêm qua tôi nằm chiêm bao thấy mình gội đầu xong bị rụng tóc cả chùm. Tôi chải tóc và chải đến đâu tóc lại rụng thêm đến đó. Tôi nắm ra một nắm tóc. Tôi phải đội khăn lên đầu, vì tóc còn ít quá, thấy cả da đầu.

Tối hôm qua, vợ chồng tôi theo anh Lê Cảnh Thạnh, anh chị Đào Duy Phong đến viếng anh chị Nguyễn Ngọc Bảo để xin lỗi về việc sẽ không có phần trình bày của anh vào thứ bảy ngày mai vì một số tổ chức chống đối việc lúc trước anh tổ chức buổi trình diễn cho Đặng Thái Sơn.

Về đến nhà mặc dù đã khuya 12:00 giờ, chúng tôi vẫn còn áy náy nên gọi điện thoại cho anh Bảo. Chúng tôi buồn thật là buồn. Tôi bảo anh tất cả những khó khăn càng làm cho ý chí con người vững mạnh hơn lên.

Tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với bao nhiêu thơ rơi, nhục mạ, chụp mũ. Tôi nói với anh tại những nơi mà tôi đến, thơ rơi còn đến trước cả tôi, các cú điện thoại đã gọi trước khi tôi đến các ban trị sự PGHH. Họ gây mâu thuẫn, tạo sự chống đối hay lơ là không yểm trợ. Ngoài ra họ chụp những trang báo mạ lỵ tôi trong tờ “Tiếng Nói Trung Thực” của Trần Văn Trường mà sau lưng là Trung tá dân hóa vận CS Hà nội, để gởi cho các ban trị sự nhằm gây bất lợi cho tôi.

Anh Bảo nhắc lại, ba của Đặng Thái Sơn vì chống nhà cầm quyền CS vào khoảng 1954 nên đã bị cầm tù 15 năm. Lúc đi du học, một giáo sư bên Nga đã vận động cho Sơn. Các lãnh sự CS đã không giúp đỡ, thế mà khi Sơn thành công, họ mới ra mặt yểm trợ. Đặng Thái Sơn đã sắp xếp chuẩn bị trước để xin tị nạn tại Nhật khi đến trình diễn nơi đây, và sau đó qua Canada sống.

2-6-95

Có lẽ đã khuya lắm rồi. Tôi vừa soạn lại bài nói chuyện cho phù hợp với ngày mai. Buổi chiều dù mệt mỏi tôi cũng cố đến viếng thầy Doãn Quốc Sĩ, thầy vừa từ Washington D.C. trở về vào sáng nay.

Thầy dự định sau ba cuốn Mình soi lại mình, Người vái tứ phương và Dấu chân cát xóa thì thầy sẽ xuất bản tập 4 truyện ngắn Cồ Đàm. Thầy thích chuyện này nên đăng đầu quyển sách và lấy tên để đặt tựa sách. Thầy không có dự định viết thêm. Trừ phi có động cơ nào thúc đẩy.

3-6-95

Thật là một buổi sáng bình an tại Houston. Tôi ngồi nơi phòng ăn tại căn nhà của Phương Thúy. Trước kia tôi quen Phương Thúy khi viết cho Chính Luận. Cô bạn ký giả nghiêm nghị, hiền hòa của tôi thường hay bị các anh chàng ký giả trêu chọc. Phương Thúy sống độc thân nuôi ba con, hai trai một gái. Các con ngoan học thật giỏi.

Vườn hoa rộng, sạch sẽ, tươm tất của Phương Thúy khiến cho tâm hồn tôi lắng đọng. Ngoài sân giữa chiếc bồn nước nhỏ, có tượng hai con chim bằng xi măng chu mỏ nhau. Ở giữa, những tia nước phun lên một cách điều hòa, nhẹ nhàng, liên tục. Nhìn nhịp điệu của các tia nước, lòng tôi thấy dịu lại, phấn khởi, hy vọng.

Hôm qua tôi thưa với thầy Doãn Quốc Sĩ, “Thưa thầy, con nghĩ điều này con muốn thưa với thầy vì không biết con nghĩ có đúng hay không? Có nhiều người theo chủ nghĩa CS vì quá thương dân tộc. Bây giờ nhìn thấy sai đường, họ đau khổ. Thì họ mới là người chống CS mạnh, vì họ là nạn nhân. Nếu họ đã biết nhìn nhận sự sai lầm của mình, chắc là mình phải lắng nghe họ. Con nghĩ họ biết cách đối phó với CS hơn người ở bên ngoài.”

Thầy bảo: “Đúng, vì ở trong chăn mới biết chăn có rận. Những người đó mới làm nên sự chuyển đổi tại Việt Nam”.

Tôi có hỏi thầy đi nhiều, tiếp xúc các giới mấy tháng nay, thầy có thất vọng không? Thầy bảo vì thầy không kỳ vọng nên không thất vọng. Thầy lúc nào cũng sống bình thường, giản dị. Thầy bảo mục đích của CS giam giữ thầy là để tách rời thầy với quần chúng, thế thôi.

4-6-95

Tôi biết trước rằng sự thành công không phải là ở đám đông, số người tham dự; tuy nhiên khi sự việc xảy ra, tôi đã nhìn thấy vấn đề cần phải dứt khoát.

Tôi còn nhớ là tôi đã từng quyết định trong giai đoạn hiện thời, khi làm việc, tôi cần phải tạm hiểu bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo như là Tổ Quốc Việt Nam, hay Hồn Thiêng Sông Núi, hoặc Tình Tự Dân Tộc, cho phù hợp cùng tình yêu nước, lòng nhiệt thành của quần chúng, những người sẽ đóng góp cho quê hương, chứ không riêng ở các hội đoàn, đoàn thể, những khuôn mặt nổi trong cộng đồng, mà từ nơi đa số thầm lặng. Tôi phải bước ra khỏi phạm vi sinh hoạt tôn giáo của tôi, để hòa mình vào cùng người dân Việt, lấy màu da vàng, ngôn ngữ Việt làm mẫu số chung. Đó là một việc cấp thời phải làm.

Việc thứ hai là tôi sẽ đến gần để cùng sinh hoạt với giới trẻ hơn, đem kinh nghiệm bản thân, sự hiểu biết và ý chí, hầu hướng dẫn, dìu dắt họ tự xây dựng cho mình một tương lai vững chắc quân bình nhiều mặt, trở thành những người hữu ích và có tấm lòng cùng quê hương nguồn cội, sau này sẽ đóng góp vào việc xây dựng lại quê hương.

Buổi trình làng Cô bé làng Hòa Hảo tại Houston gặp nhiều khó khăn ngay từ lúc đầu. Những người tổ chức và chúng tôi cũng biết trước nhưng việc gì cần làm thì vẫn phải làm. Tôi được dịp gặp gỡ những khuôn mặt phụ nữ vui vẻ tại Houston: nhà văn Trần Kim Vy, thi sĩ Ái Khanh, và Nguyễn Thị Hoan, chủ tịch Hội Ái hữu, vân vân. Thầy Doãn Quốc Sĩ phát biểu giản dị và đầy chân tình. Các bày tỏ cảm tưởng của nhà văn Trần Hồng Vân, Tạ Duy Phong, cô Diễm Uyên, Nguyễn Anh Dũng... khiến tôi xúc động không thể tả.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Bây giờ tôi xem như tạm hoàn tất một chu kỳ phải làm việc ở miền Texas nóng bỏng.

Nơi nào cũng có những người có tâm đạo, thật sự yêu đạo, muốn phát triển giáo lý của Đức Thầy. Tôi biết và tôi đã gặp. Họ là những người tôi cần chia sẻ tâm sự qua quyển Cô bé làng Hòa Hảo.

Quyển Cô bé làng Hòa Hảo không phải để vinh danh cho đạo, vì đạo có giá trị bất biến. Cũng không phải vinh danh cho những người đại diện cho đạo, vì họ sẽ bị nhận diện khi lấy đạo tạo đời. Đó chỉ là những ghi nhận chân thật của một người sống đạo và cảm nhận thấy sự nhiệm mầu của đời sống đó.

Những người trong hội đoàn chống anh Bảo, khi anh Bảo không hiện diện, họ vẫn không đến như đã hứa. Và dĩ nhiên trong đạo cũng vậy. Trừ những người có lòng đến hỗ trợ, không phải cho cá nhân tôi, mà là cho sự phổ truyền đạo qua quyển sách.

Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận những đồng đạo bên nhà mới là người cần được giúp nhiều nhất. Và hơn lúc nào hết, tôi nhận thấy rõ đối tượng việc làm của mình và những người hợp tác, hỗ trợ, không phải chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ của một tập thể nào đó - kể cả giáo hội - mà cho tình yêu thương dân tộc cùng những người khổ đau thật sự. Theo đúng với Tứ Ân do Đức Thầy khuyến thiện.

4-6-95

Trên máy bay Delta từ Dallas về quận Cam.
Tôi nhận thấy con người tôi lúc gần đây rõ ràng đã có được chất miễn nhiễm tâm thức. Hình như tôi chỉ đối diện cùng dữ kiện bên ngoài với tính cách nhận diện, tiếp nhận, chứ không chịu ảnh hưởng của nó để gây ra các phản ứng tâm cảm như vui buồn, lo lắng ưu tư, hay giận dỗi.

Con người phải biết tiếp nhận dữ kiện, nhưng không nên để cho dữ kiện bên ngoài chi phối, đưa đẩy, lôi kéo mình vào các thứ tình cảm, xúc cảm để rồi hướng mình đi vào hỏa mù của vô minh.

Phải biết nó, và chấp nhận một cách không chống báng. Nếu cứ chấp nhận nó như một sự việc xảy ra, thì dù việc đó có kết quả như thế nào cũng không làm ta thất vọng. Nếu ta chống lại nó chỉ đưa ta vào chỗ đau khổ vì sự chống chỏi chỉ xảy ra khi việc xảy đến không chiều theo sự ước muốn của ta.

Các sự kiện lịch sử đã xảy ra để cho ta biết dữ kiện, học hỏi kinh nghiệm của tiền nhân. Các sự kiện đang xảy ra chung quanh là do môi trường sống và tâm trạng của con người tạo ra. Ta phải nhận biết các sự kiện tốt xấu đó là kết quả, hậu quả gây nên giữa con người ở tác động của quá khứ lẫn suy tưởng trong hiện tại. Nếu nó tốt đẹp, phát triển, an vui, thì ta biết đó là sự hài hòa giữa con người và vũ trụ trong đó có môi trường sống của họ. Nếu nó xáo trộn, đảo điên, chống báng, phá hủy sự kết hợp; con người đối xử nhau bằng thù hận, công kích lẫn nhau, vốn là do sự không nhịp nhàng giữa họ cùng vạn vật, môi trường sống của thời điểm hiện tại.

Tất cả những khó khăn, xáo trộn, sẽ luôn luôn là kim chỉ nam cho ta biết rõ hơn các việc ta phải làm hầu tạo phúc lợi cho thế hệ mai sau.

4-6-95, 8:15 giờ sáng

Với ly cà phê, miếng bánh bagel nướng có cream cheese và rắc chút đường, tôi mỉm cười sung sướng chào đón dãy núi thầm lặng hùng vĩ trước mặt.

Dãy núi có vẻ còn yên giấc trong sương mù buổi sáng Cali. Mọi vật trở lại bình thường, yên ổn, như không có việc gì xảy ra.

Tôi nhớ lại dáng gầy của thầy Doãn Quốc Sĩ ngồi trên chiếc ghế sau hè. Thầy hiện lên hiền lành nhẫn nại trên bức họa cỏ cây cành lá xanh mát dịu dàng. Tôi nhớ lời thầy:

“Những gì tôi nói tôi đã nói hết cả rồi. Nếu tôi lặp lại là tôi ăn cắp của chính tôi.”

Lời thầy nói ra là kết quả của một đời người, kết quả của bao nhiêu năm cầm bút, trải qua bao thăng trầm dính liền với cuộc đời, với lịch sử.

Hôm nay là buổi đầu tiên của lớp hè, Dolores thế nào cũng hỏi xem chuyến đi của tôi có thành công không?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880