Trung tâm Khuyết tật San Jose - 13-4-96
Tôi đẩy xe Alicia đến cạnh các bạn ngồi xe lăn khác. Tôi ngồi tạm xuống tam cấp của một văn phòng khu Agnews. Âm thanh từ sân khấu vọng lại, vang lên tên của những người đoạt giải Vận động hội Olympic hôm nay.
Trước mặt tôi cuộc chạy đua vẫn tiếp tục. Cậu thanh niên bắn phát súng pháo lên trời. Tiếng la khuyến khích của các thiện nguyện viên, tiếng vỗ tay, tiếng gọi tên vang dậy. Các tay đua bắt đầu chạy.
Lan từ phía sân kia đẩy một đứa con gái đến. Tôi hỏi nó đi được hạng mấy. Lan bảo hạng chót tại chân nó đau.
Tại trung tâm Agnew có bốn chương trình, mỗi chương trình có bảy trại bệnh. Mỗi trại có khoảng ba mươi người. Theo tờ truyền đơn phát ra thì hôm nay có khoảng 200 lực sĩ của trung tâm Agnew tham dự buổi thi đua Vận động hội cho người khuyết tật này.
Lan xin nghỉ ngày hôm qua để soạn tài liệu Phật giáo Hòa Hảo cho tôi gởi lên Mạng lưới Điện toán và làm phụ lục cho sách của tôi. Hôm nay Lan đi làm vì các em do Lan phụ trách tham dự buổi sinh hoạt đặc biệt này.
Sáng nay, Lan hỏi tôi dắt Martha hay đẩy Alicia. Nếu dắt Martha thì phải nắm chặt tay nó không được buông. Tôi chọn đẩy xe lăn cho Alicia, cô bé Mỹ đen. Tất cả xếp hàng dọc đẩy một loạt xe lăn ra sân, nơi tập trung để ghi danh, để chuẩn bị diễn hành. Hầu hết những đứa Lan phụ trách không có tham dự thi đua vì không đi được và không thấy đường.
Khi tôi đẩy Alicia đi nhanh, nó hét lên, hai tay quơ quơ, đầu lắc lia lắc lịa. Lan bảo nó vui mừng đó. Alicia gục gặc người như phi ngựa. Một lát sau nó rút người lại, hai ngón tay đút vào lỗ tai, hai bàn tay ôm chặt hai bên đầu như nghe thấy tiếng gì nổ lớn lắm.
Tôi đẩy Alicia đi đến sân mới biết cô bé không thấy đường, tuy mắt nó mở to trao tráo. Tôi hỏi Lan sao nó không thấy mà lại đẩy nó ra xem Vận động hội. Lan bảo dù nó không "thấy" cũng cho nó ra "xem". Tôi nhìn quanh, người khuyết tật bẩm sinh được đẩy đến từ nhiều tòa nhà, tụ họp càng lúc càng đông.
Theo Lan thì có đến 670 người khuyết tật bẩm sinh ở tại trung tâm này. Khu Lan coi sóc có 25 đứa trong đó có Trang, một em gái Việt Nam. Trang luôn luôn có người bên cạnh dắt đi chơi, chăm sóc, trông nom, vì nhiều khi cô cắn đứa khác khi lên cơn. Có một anh Mỹ trẻ mỗi lần lên cơn phải đến tám người mới kềm anh nổi.
Đoàn người diễn hành được dẫn đầu bằng một ban nhạc học sinh trung học. Tiếp theo sau là các loại xe lăn nằm, giống như giường bệnh, đủ kiểu và đủ cỡ. Nhiều người nằm trên đó đầu quẹo qua một bên hoặc ngửa mặt lên nhìn trời, hay nhắm nghiền mắt lại, tay chân co quắp. Thân thể của họ ốm gầy hay cong queo. Tiếp theo là những thiện nguyện viên đẩy các người ngồi trên xe lăn, trong đó có Lan và tôi.
Khi đoàn vận động viên khuyết tật đến sân khấu thì được một toán thiện nguyên viên cùng thân nhân bạn bè của các người được nuôi dưỡng tại đây đón tiếp bằng nhiều tràng pháo tay. Có nhiều bà quơ quơ các chùm giấy theo kiểu các cô cổ động viên cheerleader của các đội bóng.
Tội nghiệp cho Alicia, em chẳng biết cũng chẳng thấy gì. Alicia hét lên, gục gặc, hai tay quơ lên trời, mồm há to lên như một cái tô, trong đó chỉ thấy hai hàng nướu trống trơn không có lấy một cái răng. Alicia, cũng như nhiều đứa khác, vì uống nhiều thuốc trị kinh phong, cho nên môi dưới nở to vêu ra, và chảy nước dãi thường xuyên. Lan bảo tại thần kinh của nó không điều khiển được các bắp thịt.
Chương trình bắt đầu bằng lễ chào cờ. Một ông khoảng 65 tuổi, bước lên ú ớ giọng theo bài quốc ca Mỹ, bên cạnh đó có một cô đứng hát. Bài chào cờ chấm dứt, nhưng vẫn còn một số lực sĩ mặc áo đồng phục vàng, người cứ giựt tới giựt lui, tay nắm lại đưa vào miệng như cầm micro, tiếp tục ngọng nghịu hát. Đó đây có những tiếng rít hoặc hú, có nhiều cánh tay quơ quào trên không trung không biết mệt.
Chưa bao giờ chung quanh tôi lại có nhiều người tàn tật đến thế, mỗi người mỗi kiểu. Mấy trăm người, mấy trăm hình thù kỳ dị khác nhau. Đây là một thế giới mà mỗi người nên đến, để cảm thấy mình đã hưởng quá nhiều ân phúc của Ân Trên ban cho.
14-4-96 - 8:35 giờ tối
Tôi từ giã anh Hai Diệp và cháu Sơn theo chân hành khách tiến vào hành lang dẫn vào lòng phi cơ, để lại phía sau hình ảnh sinh hoạt sống động của gia đình anh.
Mỗi lần đưa mẹ lên San Jose, chúng tôi đều ở nhà của anh chị, và lần nào cũng thế, lòng tôi đều dấy lên sự cảm phục trước sự hy sinh, cần cù, đảm đang của chị Hai, một người mẹ Việt Nam gương mẫu.
Trước 1975, anh Hai là một trong các tỉnh trưởng của chế độ Việt nam Cộng hòa, nên khi miền Nam mất, anh cũng bị đi học tập như bao nhiêu người khác trong quân ngũ. Khi bị giam ở Bắc Việt, anh và một số bạn tù cùng nhóm bị "chích ngừa" bằng một loại thuốc mang nhãn hiệu chữ Tàu. Sau đó một thời gian, hầu hết những người bị chích đều bị hư mắt. Riêng anh mắt trái bị mù hẳn, và mắt phải còn lại chỉ thấy được 25%.
Anh chị Hai có đến chín đứa con, sáu gái, ba trai. Chị Hai và các con đan giỏ, chị mang ra chợ bán nuôi đàn con, và khi anh được thả về cả gia đình về quê làm ruộng sinh sống. Anh chị và các con được qua Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị H.O. được năm năm. Tôi rất thích thú mỗi lần đến nhà anh chị chơi, thấy anh điều động gia đình gồm mười ba người, cứ như một trại lính.
Mỗi sáng tôi thấy anh ghi lên tấm bảng trên tủ lạnh, nhiệt độ, sức gió của ngày hôm đó. Anh thường viết giấy đặt trên bàn dặn dò các con hôm nào sương mù phải lái xe cẩn thận, trời lạnh nhớ mặc áo khoác vân vân...
Người mà tôi khâm phục nhất, nhân vật chánh đã nuôi dưỡng đoàn quân của anh Hai, vẫn là chị Hai. Tôi không bao giờ thấy chị rảnh rang, vì chín đứa con của chị, tất cả đều đi học, và đi làm. Khi đứa này đi học thì đứa kia đi làm. Khi đứa này đi học về ăn cơm, lấy cơm theo đi làm, thì đứa kia đi làm về ăn cơm, mang thức ăn theo đi học. Dù tôi có hỏi đi, hỏi lại mãi, cũng không nhớ hết mặt và tên các cháu của mình. Ba đứa con trai là Anh Dũng, Anh Tuấn và Anh Sơn. Sáu đứa con gái là Thu Thủy, Minh Phượng, Minh Hoàng, Minh Tâm, Minh Thảo, Phượng Vĩ. Anh có hai cháu ngoại là "chú khỉ" George lên năm, và bé Thùy Trang lên mười. Như vậy là ở Việt Nam anh còn ba con, hai rể và một dâu.
Chưa bao giờ tôi gặp tất cả các cháu cùng một lượt. Hễ gặp nhóm này thì không được gặp nhóm kia, dù cho là giữa đêm khuya. Ban đêm không bao giờ chị Hai có một giấc ngủ dài. Cứ ngủ được vài tiếng đồng hồ là có một đứa về nhà, lo mở cửa, một hai giờ khuya lại phải dậy lo đơm thức ăn cho đứa khác. Lúc thì phải dậy để kêu đứa nọ đứa kia thức sửa soạn đi làm. Tôi cứ thấy chị chạy tới lui lo đóng cửa mở cửa, đơm cơm rửa chén... Bếp của chị hầu như không bao giờ ngớt tiếng mở nước, rửa ráy, xắc thịt, rót nước, nhất là vào ban ngày.
Nếu ở với chị lâu chắc mẹ và tôi mập lắm, vì lúc nào cũng có thức ăn ngon nấu sẵn. Trên bàn ăn, chị sắp thành từng túi, mỗi túi dành cho một đứa tùy theo sở thích riêng với nhiều hay ít thức ăn. Nào là túi này để ăn bánh kẹo lúc ra nghỉ ngơi, hộp kia để ăn trưa, hộp nọ để ăn tối, trái cây tráng miệng vân vân... Tôi cảm động khi thấy chị gói kẹo bánh cho các cháu mà có cả cây... tăm xỉa răng nữa. Chị làm việc không ngớt tay, vậy mà không lúc nào thiếu vắng nụ cười.
Tôi hỏi chị thương đứa nào nhất, và các cháu có ganh nhau không. Chị cười lắc đầu và nói chị thương đều nhau, và các cháu biết lo lắng cho nhau, nhắc nhở nhau đi học đi làm, vì lúc về cứ ngủ li bì, chỉ sợ dậy trể giờ.
Các cháu tôi, con trai thì làm thợ mộc, thợ hồ, con gái lo bán xe lunch, tức loại xe van bán thức ăn rong, đậu ở các hãng xưởng lúc giờ nghỉ ngơi hoặc ăn trưa ăn tối. Các cháu phải chạy đua theo thời gian cho kịp giờ nhân viên ra khỏi sở kiếm thức ăn. Có lần cháu Dũng ngồi thâu tiền ở chiếc bàn xếp đặt bên ngoài xe, bị một anh Mỹ đen to con giật tiền. Cháu tiếc nên cố giật lại, bị đánh và vất dưới sình rêm cả mình mẫy. Hôm đó cháu mặc quần áo dơ cả ngay, vì phải tiếp tục bán cho đủ chuyến.
Cháu Thảo làm hãng điện tử IBM từ 11:00 giờ đêm đến 7:00 giờ sáng, rồi đi học vào ban ngày. Tôi thường gặp cháu lúc tôi sắp sửa đi ngủ hoặc lúc mới thức dậy. Sáng nay, tôi gặp cháu đang lúi húi ngồi không biết cởi hoặc mang giày. Tôi hỏi cháu: "Cháu sắp đi làm hay cháu mới về?" Cháu cười đáp: “Cháu mới về.”
Ba cháu gái khác của tôi làm việc cuối tuần ở hãng Quantum, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Ngoài số lương bình thường, các cháu được trả thêm giờ phụ trội. Khi vào làm, các cháu phải qua mấy phòng tẩy trùng, sau đó mặc quần áo bít bùng vào, chỉ chừa mắt ra. Cháu nói làm chip điện tử nhỏ như sợi tóc, mà giá mỗi cái đến 8.000 mỹ kim.
Tôi rất vui khi được biết gia đình anh chị chỉ mới qua Mỹ có năm năm mà có mấy cháu đã tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên điều tôi mừng nhất là các cháu vẫn giữ được truyền thống gia đình Việt Nam, thật vui vẻ lễ phép với người lớn, và tình cảm nồng nhiệt dành cho họ hàng.
Một điều may mắn khác cho tôi nhân chuyến đưa mẹ đi thăm anh chị Hai lần này, là được dịp tham dự thêm một buổi lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng.
Buổi lễ được tổ chức trọng thể tại Hội quán Phật giáo Hòa Hảo miền Bắc California, do ông Lâm Quang Chính làm hội trưởng, và hai phó hội trưởng là bác sĩ Huỳnh Thêm và ông Lê Văn Tá. Nhân dịp này, tôi chụp ảnh và ghi lại tin tức cho báo Đuốc Từ Bi. Điểm đặc biệt là đồng đạo tại đây hay ở miền Nam Cali, có lẽ còn nhiều nơi khác, đều đặt lại vấn đề, nên gọi là Lễ Đức Thầy Ra Đi, hoặc Đức Thầy Thọ Nạn. Người thì thích gọi là "Ngày Đức Thầy Ra Đi" vì Thầy đã biết trước, và tôn vinh Thầy là vị Phật không thể gặp nạn được mà chỉ do ý muốn của Thầy. Kẻ lại cho rằng phải dùng chữ "Thọ Nạn" vì Thầy là Phật, Thầy biết trước là Nạn mà vẫn cứ đi đến nơi nguy hiểm để hy sinh cho đúng ý nghĩa vân vân...
Bao nhiêu buổi lễ được tổ chức bấy nhiêu chục năm qua kể từ ngày Đức Thầy đi vắng, tinh thần chẳng chút giảm suy, và mỗi lần tham dự tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn sự tha thiết, niềm tin sâu xa vào Đạo, nhất là quý đồng đạo cao niên, không hề suy giảm.