Trở về với Tâm Không

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 31764)
Trở về với Tâm Không

7-10-96 - 1:45 giờ khuya

Gần 2:00 giờ khuya mà tôi vẫn cứ tỉnh thức, không ngủ. Đầu óc tôi trống rỗng sau cơn đau đầu. Tôi hằng cầu nguyện trước bàn thờ xin Ơn Trên Phật Tổ, Phật Thầy cho tôi hết bệnh đau đầu. Bệnh đau đầu phát khởi từ năm tôi học 3ème Lycée Marie Curie. Năm đó tôi chuẩn bị thi Brevet (Trung học phổ thông chương trình Pháp). Các cơn nhức đầu tệ hại làm tôi quên hết bài vở, dù có học thuộc cũng hoàn toàn quên mất khi lên trả bài.

Tôi thường vào bệnh xá nằm khi cơn đau đầu nổi lên trong lớp học. Bạn bè, thầy cô cứ nghi ngờ tôi không học bài nên giả đau. Có bạn còn dọa nửa đùa nửa thiệt, coi chừng tôi bị điên. Khi đó tôi cũng sợ sệt và hơi mất tinh thần. Tôi cứ đau đầu hoài nên phải xin ba cho nghỉ học, và ra Vũng Tàu ở nhà ông anh họ bác sĩ Phúc.

Khi đó tôi cứ nghĩ, có lẽ cơn đau đầu nổi lên một phần vì tôi quá lo sợ bị thi rớt. Khi ra Vũng Tàu, chiều chiều tôi cứ dắt các cháu, cùng với bà vú của chúng, ra Bãi Sau ngồi chơi thật lâu. Tôi thường ngắm nhìn mặt trời lặn trên biển suốt buổi chiều. Mấy ông lính thủy qua lại buông lời bông đùa. Tôi cứ phớt lờ, lặng lẽ nhìn mặt trời thật to thật rực rỡ lặn chìm dần xuống mặt biển lấp lánh như trải bạc dát vàng trong ánh nắng chiều tàn.

Cơn đau đầu đã biến chuyển cuộc đời tôi sang một giai đoạn khác. Khởi đầu, sau khi giảm đau, và từ Vũng Tàu về, tôi vào học luyện thi ở trường Poulain, nhưng sao đó, không hiểu vì sao tôi lại muốn đổi qua chương trình Việt, và theo học đệ tam C, ban văn chương, ở trường Hưng Đạo. Lúc đó tôi quen thân với Tú Linh và Tuyết Lan, cả hai đều chuyển từ trường Pháp qua. Tú Linh thấy tôi chưa có bạn trai, và có ý muốn lên Đà Lạt tiếp tục học đại học, nên đã giới thiệu Tài cho tôi kết bạn qua thơ tín.

Sáng nay, đột nhiên, tôi chợt nhận ra, cuộc đời mình cũng lại đi vào một khúc quanh khác, sau các cơn đau đầu liên tục gần đây. Tự nhiên, tôi nghĩ đến nhiều chuyến đi xa sắp tới. Lòng tôi dấy lên một niềm vui nhè nhẹ. Tôi ý thức rõ ràng mình đang sống. Tôi thấy nhiều lần trong cuộc đời, mình đã quên sống.

Tôi vừa ngưng một thời gian không viết, vì sợ viết mãi thành nhàm chán gượng gạo, và trở thành máy móc thiếu chất sáng tạo, và nhất là mất đi ý thức về đời sống của chính mình.

Tuần trước, tôi theo Tài đi Las Vegas, Tài dự triển lãm và hội thảo của các công ty hải sản, còn tôi thì muốn thay đổi không khí, lang thang một mình. Trước kia, tôi hay bệnh nặng mỗi lần đến thành phố ăn chơi này. Tôi chịu không nổi không khí sát phạt trong sòng bài. Nhưng lần này, tôi cảm thấy bình thản, đầu óc trống rỗng không có tính chất phê phán. Có người bảo đó là "tâm không". Thỉnh thoảng, tôi đứng nhìn người ta kéo máy, đánh bài, nhưng tôi cứ xem như nhìn bất cứ cảnh tượng nào ngoài đời vậy thôi. Chẳng có cảm giác gì hay ý nghĩ gì về họ.

Tôi cũng định dành thì giờ rãnh để viết lách, nhưng lại bỏ ngay ý định đó. Tôi thấy tôi cần thì giờ một mình. Sống một mình, không san sẻ, không đối thoại, dù rằng đối thoại với chính mình. Tôi muốn sống tĩnh lặng, thoải mái và cô đơn. Nếu viết thì trí óc sẽ làm việc, suy nghĩ, hồi tưởng, lý luận, giải thích, kể lễ, phê phán... tự mình làm hỏng đi sự trong sáng của trí tuệ.

Phải chăng viết là cái nghiệp hay sức mạnh của ngòi bút của mình. Tôi biết rằng khi viết, tôi sẽ không phải là tôi với cái tâm tĩnh lặng trong sạch nữa, mà các chuỗi tư niệm sẽ tràn trề ập đến. Nhưng có nhiều lúc, như đêm nay, nếu không cầm bút lên, tôi sẽ thao thức đến sáng. Như bị một sự thôi thúc khó hiểu nào đó.

Tôi hay thức giấc vào lúc 2, 3 giờ sáng. Tôi không nằm yên được, mà phải chỗi dậy, đốt đèn, thay nước, thắp nhang, lạy Phật Thầy, cầu nguyện, rồi viết lách hay làm việc, đọc sách, sửa bài vân vân... loay hoay đến gần sáng.

Tôi biết hằng ngày tôi sống, tôi làm việc, không còn do sự thôi thúc của cái Muốn, mà đã xem như cái Cần, bổn phận phải làm, không làm không được. Đôi khi tôi giả bộ ù lì, lười biếng cho qua truông, tránh bớt những khó khăn nặng nề trước mắt; nhưng cũng không được, sau cùng cũng phải làm cho xong, dù có trễ. Có lúc ù lì một hồi lâu rồi lại ù té chạy làm không kịp thở. Có lúc bị đau đầu ngồi dậy không nổi, thì tự nhiên lòng cứ muốn trỗi dậy làm ngay một việc đang dở dang nào đó (đánh bài hay sửa sách), có khi đau nhức quá không sao dậy được, và trong cơn thiêm thiếp, tôi cứ mơ màng cảm thấy như mình đang làm công việc muốn làm đó.

Khúc quanh thứ nhì của cuộc đời tôi xảy ra khi tôi vào Long Beach tiếp tục cao học, và làm việc cho chương trình song ngữ. Đó là giai đoạn biến chuyển tâm linh mạnh mẽ và rõ rệt nhất. Các cơn đau đầu trở lại dữ dội hơn bao giờ hết. Có nhiều lúc tôi lái xe về nhà không được, vì đầu óc gần như tê liệt. Đó là giai đoạn tôi viết tập Tình Người và nhiều bài thơ có vần bằng Anh ngữ, và tập nhật ký The Lonely Search.

Dạo đó, tôi hay ngồi tịnh tâm mỗi buổi sáng lúc mặt trời mọc, trong ánh nắng ban mai ấm áp. Nắng ấm và buổi bình minh luôn luôn như đem sức sống đến cho thân xác tựa hồ rã rời của tôi. Lúc đó tôi sống trong cô đơn, qua biết bao biến chuyển của tâm linh, và các biến chuyển đó ảnh hưởng rất nhiều đến cả sự thay đổi thể chất của tôi, và tôi cũng có diễn đạt qua nhiều bài thơ bằng Anh ngữ. May thay, có một số sách đã giải thích về các hiện trạng biến chuyển tâm sinh lý tương tự, giúp tôi hiểu biết được và không sợ hãi.

Lúc đó, Tài rất buồn, khi thấy tôi hay thơ thẩn ngồi ngoài vườn nghe chim hót, nhìn hoa lá, phơi nắng ấm, sao lãng sinh hoạt gia đình, cho dù tôi luôn cố gắng hoàn tất trách nhiệm làm vợ và làm mẹ.

Chỉ có tôi xác tín rằng mình không lạc đường, vì tôi có niềm tin tuyệt đối nơi Đức Phật và Đức Thầy luôn luôn dẫn dắt và phù hộ cho tôi. Tuy nhiên, con đường Đạo nào mà không chịu thử thách, khó khăn, trắc trở. Tôi phải có can đảm chấp nhận mọi chông gai nghịch cảnh đó, mới có ngày hôm nay, để chia sẻ lại với tha nhân.

3:05 giờ sáng

Tôi lại cứ tỉnh như "sáo sậu". Thức tỉnh, hoàn toàn không chút buồn ngủ.

Điều lạ là từ hôm qua, đầu óc, mắt mũi tôi hầu như không còn nhìn thấy cái gì là xấu đẹp ngon dở nữa, mà lại cảm thấy một thứ gì trống trống trong tôi qua lục giác.

Phải chăng mỗi lần nhức đầu tôi hay bị đau buốc bên trái, phần não bộ của lý luận. Phải chăng lúc đau là tôi đang được thanh lọc não bộ. Có lẽ ngày nào tôi còn dùng lý luận, phân biệt phải trái xấu đẹp hay dở là tôi còn bị tẩy não hành hạ đau đớn chăng?

Tôi nhớ lại mười mấy năm qua, cứ mỗi lần sau cơn đau đầu là tôi lại phóng bút viết như mưa bấc, ý tưởng tuôn tràn như suối, viết không kịp ngừng, có khi sai chánh tả, có khi đọc lại không nổi. Dĩ nhiên, đó là loại bài viết có tính cách tâm linh, mà tôi thường viết sau khi tịnh tâm. Có bài lại viết ngay giữa cơn đau đầu, mắt mở không thấy đường nữa chứ, bởi vì mỗi lần đau đầu, thường đi kèm theo nhức mắt, nhìn chữ bị mờ và nhòa đi.

Thời gian gần đây, thì sau mỗi cơn đau đầu, tôi lại cảm thấy đầu óc trống không như chỉ chứa khí trời. Tôi để ý, nhiều khi tôi thấy mình như dốt nát, trống rỗng, không biết gì cả.

Có nhiều khi nói chuyện với người khác, nghe họ nói lung tung hỏi lung tung, tôi không biết trả lời, chỉ nhờ họ giải thích. Vậy mà tự nhiên sau đó tôi lại biết họ bị kẹt ở điều gì, và tương lai sẽ gặp khó khăn gì. Đó chỉ là vài trường hợp đặc biệt, chứ không phải gặp ai tôi cũng biết như vậy; và tôi cũng không có ý muốn đoán biết làm gì. Có lẽ cái Biết đó đến tự nhiên, khi giữ cái Tâm Không (Tâm bình tịnh thì trí huệ, như Đức Thầy dạy).

Lúc nãy khi nằm thao thức, tôi chợt nghĩ, từ nay, muốn hết nhức đầu, chỉ còn cách giữ cho bằng được cái Tâm Không. Không phê phán, không trách móc, không giận hờn, chê khen, tiếc nuối, ước mong, quên đi quá khứ vị lai, nghĩa là cố đoạn tuyệt với thất tình.

Liệu tôi có đủ ý chí giữ Tâm Không mãi chăng khi đang sống giữa cảnh đời này?

Chỉ có Tâm Không mới nhìn đúng, thấy đúng, và nghĩ đúng, rồi mới hành đúng được. Ngoài con đường này, chỉ có hành động trong hỏa mù của trí óc không sáng suốt của mình và của người, cũng như hành động theo sự phán đoán, kiến chấp của người khác vọng cầu nơi mình; hoặc hành động theo lòng tham dục hình danh sắc tướng của mình đối với tha nhân, chứ không phải theo lương tâm chân ngã trong sáng tinh khôi nhất của mình.

Ai cũng nói là hy sinh cho tha nhân, nhưng xét kỹ thì hầu hết ai cũng làm việc cho sự tham dục của bản thân, mưu cầu không lợi thì danh, hay ít nhất, cho sự bình an của lương tâm mình, chứ không thật sự cho lợi ích tha nhân.

Tất cả những lý do nội tại cũng như ngoại cảnh chồng chất che đậy sự Thật sâu kín nhất, mà ít có ai có thể thấy được, muốn thấy hoặc dám thấy. Nếu có thấy thì chỉ thấy nơi người, mà không thấy nơi chính mình. Và nếu có ai nói lên sự thật của mình, thì lại cho rằng người ta chỉ muốn chống báng công kích, rồi tìm cách trả đũa hay tấn công lại, thay vì tự xét kỹ hành động của chính mình trước khi đi tìm một giải pháp. Đó là dầu dây mối nhợ của mọi bất hòa giữa cá nhân và cá nhân, giữa tổ chức và tổ chức, vốn khác nhau về chánh kiến - cho dù cùng đề cao mục tiêu chung. Không hiểu tại sao mọi người lại không thể ngồi lại với nhau trong tinh thần xây dựng chung, dẹp bớt tinh thần cá nhân hay phe nhóm, cùng tìm hiểu đào sâu các vấn đề sai biệt và tìm biện pháp điều chỉnh cho phù hợp cùng nhau, sau đó bắt tay nhau đoàn kết cùng làm việc để gây thêm sức mạnh, và tránh đổ vỡ, thất bại.

Nếu tất cả những người đang nắm vận mệnh quốc gia, các đoàn thể cổ xúy lòng yêu nước... đều nhìn thấy và đặt nặng tình cảm thiêng liêng, sự trường tồn lớn mạnh của chủng tộc, để rồi cùng ngồi lại với nhau, quên cá nhân phe đảng, san bớt các dị biệt chính kiến hành động... Điều đó là may mắn lớn cho tương lai của Thế Hệ Trẻ Việt Nam!

12-10-96 - 12:00 giờ đêm (sau khi cúng Phật)

Có phải chính những điều mình cho là mình phải biết, phải làm, là đầu dây mối nhợ khiến cho tâm mình bất an, đã tạo cho mình sự âu lo là mình không đủ khả năng, từ đó mới tạo cho mình sự yếm thế, một mặc cảm, sự yếu đuối của nội tâm.

Tất cả những điều trên phải chăng là ảo ảnh, ảo tưởng, tưởng tượng. Đó là những bước rào cản đường không cho ta sống trong giây phút hiện tại. Đó là đầu dây mối nhợ khiến cho Tâm ta động, và Tâm động thì ta Mù. Từ cái Mù, ta tự gạt gẫm mình. Những gì ta "nhìn thấy" trong cái Mù đó, là chướng ngại đã khiến cho bao kẻ thay vì thăng tiến trên con đường tu tập, hướng đến giải thoát thật sự, lại vướng vào ảo vọng tự cho là mình có sứ mạng, tự cho là mình có khả năng cứu đời, những gì mình biết, thấy là đúng, rồi đâm ra kiêu mạn, cắt đứt mọi giao cảm với Thiêng Liêng, Trời Đất. Sự cắt đứt này sẽ thật nguy hiểm, có thể khiến những kẻ tuy có một sự tu tập, quyết chí đi đến giải thoát, lại “sa địa ngục” mắc kẹt vào chốn trầm luân, có khi tạo thêm nhiều nghiệp quả nếu cố tâm dùng sự quỷ quyệt, mánh khóe của kẻ hiểu biết để dùng người, sai khiến họ phục vụ cho tham vọng riêng tư của mình.

Người hướng tâm giải thoát, luôn luôn thật sự quên mình. Tất cả mọi cố gắng nỗ lực là để phục vụ Tha Nhân, không phải phục vụ cho cá nhân mình, vì thế họ cho với tất cả tấm lòng, không giữ một điều gì cho riêng họ. Họ không dùng lập luận, mưu đồ để lôi kéo người khác phải theo họ, vì họ không sống trong ảo tưởng. Cái Ảo Tưởng làm "Thầy Thiên Hạ" hay cái ảo tưởng cho mình là "Bậc Cứu Đời", "Minh Vương Cứu Thế".

Ta phải nhất quyết chặt đứt ảo tưởng, tưởng tượng, để sống cho trọn vẹn đời sống của ta là phục vụ bất vụ lợi. Ta phải chặt đứt tham vọng và cuồng vọng "Cứu Đời" của ta. Đó là một cái hố sâu đã chôn bao kẻ khởi đầu đã quyết tâm thật sự muốn chọn con đường Đạo để đi đến giải thoát cho chính họ và chúng sanh.

Phải chăng sự thức tỉnh cũng có nhiều giai tầng, tầng lớp.

Như thế thì khi nào mới biết mình thật sự thức tỉnh.

Nếu cứ mải đặt lại vấn đề thì ta có đưa ta vào ngõ cụt không lối thoát? Hay ta cứ mải nghi ngờ ta chăng? Rồi khi nào ta mới tin là ta Thấy thật sự?

Sự Thật thì bất di bất dịch, không thay đổi nhưng biến chuyển theo từng giai đoạn của thời gian và không gian lẫn hoàn cảnh. Cái Thấy cũng phải đi sâu vào từ tầng lớp của chính nó.

Mỗi tầng lớp của cái Thấy lại cho ta những ấn chứng mới. Đạo là con đường dài sâu thăm thẳm không bao giờ dứt. Ngộ Đạo là gặp con đường và đi trên con đường đó. Muốn đi trên con đường đó ta phải luôn thức tỉnh để không đi theo con đường ảo ảnh của mình. Có những lúc ta u mê, ham danh vọng vật chất nên tưởng tượng ra một con đường đầy hương hoa và ta bước vào đó. Ta tưởng ta vẫn còn trên con đường Đạo, nhưng ta không ngờ rằng ta đã quẹo vào ngả khác; và con đường mà ta nhìn là có hoa thơm cỏ lạ chính là hố thẳm đưa ta đến đầy cạm bẫy để ta có thể rơi xuống chín tầng địa ngục, mà khi hồi tỉnh, ta phải chuyển bao nhiêu nghìn kiếp vẫn chưa trở lại được con đường mình đã từng đạt đến.

Như thế thì sự thức tỉnh chẳng những phải được giữ gìn luôn luôn, mà còn phải gia tăng sự nhạy bén và cường độ của nó, vì bài học càng ngày càng khó; con đường Đạo càng ngày càng khó khăn dễ vấp ngã; sự thử thách càng ngày càng "khó nhận diện được” để tránh rớt vào cạm bẫy do chính sự khôn ngoan của mình đặt ra để tự gạt gẫm lấy mình.

Vậy thì con người "càng tu cao" càng trở nên nguy hiểm với chính mình hơn. Càng ngày ta càng vững tâm, nhạy bén, dễ gạt mình nhiều hơn. Sự khôn ngoan của ta đi đến đâu, sự thức tỉnh của ta phải đi theo sát đến đó, với một ý chí là ngọn dao sắc bén để chặt đứt ngay nó trong bất cứ giây phút nào nó dậy khởi manh nha gạt gẫm ta hay làm loạn.

Như thế thì "càng tu cao" càng trở nên phức tạp nguy hiểm cho chính họ và người chung quanh. Có những kẻ tu có trình độ cao trở nên nguy hiểm mà họ không hay, vì họ thường gạt chính họ và họ gạt những người chung quanh thật dễ dàng, nhất là qua lớp áo của họ, hay họ núp dưới danh nghĩa giáo điều, giáo hội, hay đấng thiêng liêng mà họ thờ phượng.

Rất nhiều tôn giáo ngày hôm nay đã đi lạc đường, vì những kẻ tự cho là "đại diện” Đấng Toàn Năng Toàn Giác đã mượn danh giáo chủ, giáo điều, giáo hội để xoay chiều, chuyển hướng đầu óc con người theo ý muốn của chính họ, mà ý muốn của họ không phải là Ý Muốn của Thượng Đế.

Ý Muốn của Thượng Đế là giải thoát con người, chứ không phải kềm chế và ép buộc con người phải vào khuôn khổ hay phục vụ bất cứ cá nhân, tổ chức nào đó, cho dù là tổ chức của một tôn giáo.

Thời đại mới là thời đại giải thoát con người ra khỏi mọi áp lực, dù đó là áp lực tôn giáo đã càng ngày càng đi đến quá độ, đã áp lực con người qua tư tưởng và hành động của họ, biến họ thành những cái máy biết nói tiếng người.

1:05 AM, Chủ Nhật 12-10-96.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880