Mission Viejo, 20-2-1997
Anh Chị kính mến,
Trước nhất em xin cầu chúc anh chị một năm mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc, đài Phát Thanh Á Châu Tự Do càng ngày càng thành công để đóng góp nhanh vào việc mang lại tự do dân chủ cho người Việt Nam mình.
Anh chị thân, em viết cho anh chị một tuần nay chỉ được có mấy hàng nên em phải đổi ngày lại. Cũng nhờ viết trên máy điện toán. Em của anh chị vừa mới đổi tên lại là Nguyễn Thị Chong Chóng, em chỉ bận rộn thua anh thôi. Em vừa mới học Window 95 và lay-out tuần rồi vì thiếu người trình bày kỹ thuật cho báo Đuốc Từ Bi. Người ta thường nói "biết nhiều thì cực" nay em nghiệm thấy "biết nhiều thì khỏe". Khi biết tự làm thì không bị lệ thuộc vào người khác và cũng không ai làm khó mình, nhờ vậy công việc càng nhanh, càng dễ hoàn tất hơn.
Lúc sáng khi gọi qua đài RFA nghe tiếng anh nói, em biết là các anh rất vui và lên tinh thần và không còn ở tình trạng các tuần qua. Nhứt là chương trình RFA là chương trình đầu tiên của đài được lên Internet. Tụi em sắp mua máy mới có Windows 95 và trang bị đầy đủ để nghe radio và vào mạng lưới điện toán nhanh hơn.
Anh Bích kính,
Hồi sáng em nói với anh là em dự trù ra mắt sách trong chuyến đi vào 15-3-97 nên nhờ anh xem và gởi lại gấp bản thảo. Bây giờ em nghĩ lại "dục tốc bất đạt” (sao bỗng nhiên một người không biết chữ nho mà lại nói nho với một ông đồ nho). Em vừa mới chụp một số tài liệu về Phật giáo Hòa Hảo khá quan trọng xong. Em sẽ gởi fax lá thư này cùng một số tài liệu và băng phát thanh Giáo lý PGHH xuân qua bưu điện. Bài viết về thơ xuân của Đức Huỳnh Giáo Chủ nhằm vào đoạn nói về cảnh nghèo của người dân trong những ngày Tết. Em thấy khá phù hợp với hoàn cảnh dân mình. Anh nghe thử lúc lái xe đi làm xem có thể ngắt một đoạn ngắn phát thanh về Việt Nam không.
Em nghe chị kể có một ông nhà văn nhà báo viết bài đả kích anh. Lúc trước em hay bị thư rơi và bị phê bình sau lưng, nhất là sau khi ra sách. Đôi khi em cũng buồn nên em chép câu nói sau của Albert Einstein dán trên vách trước bàn làm việc của em. Nay xin chia sẻ với anh chị:
"Great spirits have always encountered violent opposition from mediocre minds".
(Tâm hồn lớn thường gặp chống đối mãnh liệt từ các đầu óc tầm thường)
Sau đây là 6 tài liệu của giáo sư Nguyễn Văn Trần gởi qua. Ông chụp từ quyển “Notes sur la secte PGHH” do tác giả Colonel A.M. Savany viết.
1- Proclamation du Parti Dan Xa (Tuyên Ngôn Dân Xã Đảng sau tháng 5-1947).
2- Ordres: Adressés à tous les Organismes de lAdministration, de lArméo, de la Gendarmerio (Lệnh của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ về việc nổi dậy của Dân Xã Đảng, 21-4-1947).
3- Quyết nghị của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ cách chức, truy tố Đức Huỳnh Giáo Chủ. Phạm Ngọc Thuận ký ngày 28-4-1947.
4- Avis du Comité Exécutif du Nam Bo. Le Procès de Huynh Phu So (Thông cáo của Ủy ban Hành chánh Nam Bộ về vụ án Huỳnh Phú Sổ ngày 20-5-1947).
5- Convention de Ralliement (Thỏa hiệp Hợp tác giữa Trần Văn Soái và Bộ Chỉ huy Bình định miền Tây ngày 18-5-1947).
6- Dates des Principaux Evènements Marquants de la Secte Hoa Hao (Thời điểm những Sự kiện Chính của Đạo Phật giáo Hòa Hảo từ 1919 đến 20-9-1950).
Kèm theo xấp tài liệu này là chữ giáo sư Trần ghi tài liệu lấy ra từ quyển sách của Savany và con dấu thư viện Pháp (Centre des Hautes Etudes sue lAfrique et lAsie Modernes), một bức ảnh ghi "Le 12è Anniversaire de la Secte Tribune Central" và một tấm ghi "Défilé des Troupes Nguyễn Trung Trực".
Sau đây là tài liệu do bác sĩ Nguyễn Văn An ở Rennes, người viết sách về Lịch sử Lá Cờ Việt Nam. Ông gởi qua cho mượn quyển Notre Guerre dIndochine. 1-Mars 1945 - Juillet 1951. Historia, hors série 24. Em chụp đoạn viết về PGHH “Des Amẵones Hoa Hao Font Trembler les Cochichinois” nằm trong bài "Images et Pirates: la Valse des Sectes" do Charles Meyer viết. Ngoài ra bác sĩ An có cho thêm một số hình của "Bộ đội Phụ nữ Bà Năm” (trang 268), ảnh ông Năm Lửa đang ngồi chấp tay lần chuỗi, tướng Nguyễn Giác Ngộ (trang 270), vân vân... chụp từ bài Indochine 1945-1954 "La Guerre" của René Bail và Jean-Pierre Bernier trích trong tạp chí Guerres Contemporaines 39-45 (1972). Ông cũng có chụp phần viết về Cao Đài và PGHH trong quyển Images et Visages dy Sud-Vietnam của Savani xuất bản ở Sàigòn năm 1955. Khi nào anh cần em sẽ gởi sau.
Em có điều này muốn hỏi ý kiến anh. Đã đến lúc mình yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản trả lời trước quần chúng Việt Nam là họ đã giữ Đức Huỳnh Giáo Chủ ở đâu? Sở dĩ em nói quần chúng Việt Nam vì Ngài là một Giáo Chủ của một tôn giáo, mà cũng là Nhà Cách mạng Việt Nam. Cho đến nay ngoài các tài liệu mà mình có được, vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng nào.
Nay kính,
Nguyễn Huỳnh Mai
9-3-97
Trong giấc chiêm bao thấy tôi nhìn đồng hồ, lúc đó gần giờ đi học khoảng 6:30 giờ sáng. Tôi vẫn không lo chuẩn bị đi học, mà cứ giở một quyển sách ra đọc. Cứ đọc thêm hoài. Đến chừng xem đồng hồ lại, thì thấy cận giờ quá. Tôi bèn sắp xếp tập sách vào túi. Tôi lấy cái này ra cái kia vào. Rồi dự định mặc áo dài vào. Mặc áo dài xong lại thấy không được nên thay quần áo tây. Cứ thay vào cởi ra lung tung, rồi giày dép không thích hợp.
Cận giờ quá, tôi xách túi đi đại. Lúc đó Tài đau nên đi đâu về nhà. Trên hành lang, tôi lại bỏ bớt đồ trong túi cho đỡ nặng, nào là xấp giấy lau tay, tập sách không cần thiết. Đi rồi chạy trở lại lượm tập sách bỏ vào túi, vì hôm nay cần. Đầu tôi lúc đó cứ lo chốc nữa nếu thầy bắt thi thì lại chưa dò bài nên định lên xe dò bài.
Đến lớp, tôi lại quên gì đó nên trở xuống xe. Trong lớp chỉ có bốn người. Trong khi đó trong đầu tôi lúc chưa đi học, nhớ rằng thường xuyên lớp rất đông, ngồi theo lớp học Việt Nam hàng ngày mấy chục người.
Tôi đi trở lại xe, rất mỏi chân, vì ai cũng đậu gần lớp, còn tôi đậu ở một bãi hơi xa. Tôi nhớ lại là quên mang áo lạnh, như vậy thì tối lúc hết lớp sẽ lạnh quá, làm sao chịu được để đi bộ ra xe. Tôi vừa đi vừa nghĩ là, tại sao tôi không nhờ Tài đưa đi học và rước về.
Khi ra đến xe, tôi mừng quá, vì gặp Tài ngay ở đó. Như thế thì tôi nhờ anh đưa về nhà lấy áo lạnh rồi trở lại học."
Vừa thức dậy, tôi phải ghi một cách tổng quát giấc mơ rất hiện thực này. Tôi biết là tôi được nhắc nhở phải lo chuẩn bị việc nào cần thiết. Tất cả hồ sơ, giấy tờ làm sách, thư từ anh Bích gởi, tôi đều để trong túi xách. Tôi cứ lo Đuốc Từ Bi mà còn đọc thêm sách về Lamrim (Con đường đi đến Giải thoát). Các quyển sách của Phật giáo Tây Tạng như "The Great Path of Awakening" (Đại Đạo Thức Giác) của Jamgon Kongtrul, "The Path to Enlightenment" (Đạo Giác Ngộ) của đức Đạt lai Lạt ma, "Advice from a Spiritual Friend" (Lời Khuyên của một Bạn Tâm linh) của Geshe Rabten và Geshe Dhargyey, "Liberation in the Palm of your Hand" (Giải thoát trong Bàn tay Bạn) của Pabongka Rinpoche. Hoặc vài cuốn chữ Việt như "Bửu Sơn Kỳ Hương" của Vương Kim và Thanh Sĩ, "Đức Huỳnh Giáo Chủ" của Vương Kim, vân vân... Tôi còn xem lại những ghi chú về vài buổi thuyết giảng Phật pháp và tóm lược.
Qua giấc chiêm bao, tôi thấy thật là đúng với tâm trạng mình. Tôi hay lo hoặc quan tâm nhiều chuyện khác quá, không hết lòng với quyển sách của mình.
Tôi hay suy nghiệm về sự thật. Dan Millman hay dùng chữ "true" và "factual" khiến tôi suy nghĩ. "All journeys are true, but not all are factual".
Theo tự điển của Nguyễn Văn Khôn thì tĩnh từ "factual" nghĩa là: thật, có thật, xác thật, đúng với sự thật, thành thật, chân thật, ngay thật.
Tự điển New College Edition, The American Heritage Dictionary of the English Language, chữ "factual" có hai nghĩa:
1- Of nature of fact; real
2- Of or containing facts.
Còn tĩnh từ "true" có đến 14 nghĩa và đồng nghĩa với “real” “faithful”.
Nghĩa thứ nhất là: consistant with fact or reality; not false or erroneous.
Một số nghĩa khác như: reliable, accurate, real, genuine, faithful, loyal, honorable, upright, sincerity felt or expressed, unfeigned, accurately shaped or fitted...
Sự thật thì mênh mông biết bao cho đủ, chỉ có sự thật chứa đựng dữ kiện mới có thể cho ta chứng minh và biết được giới hạn của nó tới đâu thì vừa đủ.
Tôi thường nghĩ theo Krishnamurti, “muốn đi xa phải mang hành lý nhẹ". Hôm nay tôi nghĩ rằng, làm thế nào để ít, nhẹ mà không thiếu, đủ mà không dư. Đó mới là điều khó.
Tôi ham học hỏi, tìm hiểu theo sự đòi hỏi của mức trưởng thành, nhu cầu nới rộng cái Biết. Nhưng cái Biết thì mênh mông, miên viễn không giới hạn. Tôi phải có tinh thần hy sinh cho tha nhân để dừng lại, gom góp cái gì có được để hiến dâng cho họ. Cuộc đời tôi sẽ không giúp được ai nếu tôi chết đi với một kiến thức sâu rộng và hai bàn tay không mà không để lại gì cho hậu thế. Dù tôi có đi mãi, tiến mãi không ngừng, và học mãi cũng không hết điều hay điều lạ. Tôi phải dừng lại, và hy sinh quả cảm như tôi đã làm đối với gia đình.
Hãy bước lại cùng đời sống khi mình muốn xa nó, theo nhu cầu tâm linh huyền diệu, sự giải thoát tuyệt vời không vướng bận trần gian này. Tôi dừng lại, trở về với đời sống gia đình, với mẹ, với chồng con, với mọi người được, thì tôi cũng trở về với cộng đồng, với giới trẻ được. Tôi phải học, phải làm những gì cần học, cần làm để gần với họ. Để hiểu họ, và để họ có thể hiểu được mình.
Tôi biết khi làm việc và suy nghĩ ngày đêm, cơ thể tôi bị kiệt lực. Nhưng rồi cũng như bao nhiêu lần khác, nội lực lại bùng lên, để giúp tôi tiếp nối con đường.
Tài hay bảo tôi phải tự giới hạn mình, phải biết mình ở đâu, làm gì. Tài không biết rằng tôi đã dừng lại bao nhiêu lần để hòa đồng làm việc. Anh không bao giờ biết tôi đã bao lần suýt ra đi vĩnh viễn. Hơn bao giờ hết, tôi mới biết có một số người thách đố cái chết không phải vì chán đời, mà chính họ mới là những người biết rõ cuộc đời. Biết sống, biết làm gì, và nhìn mình, nhìn người rõ hơn ai hết. Họ có thể thấy tất cả nguyên nhân của mọi nguyên nhân của đời sống, của con người và vũ trụ. Họ biết yêu thương, vị tha. Họ biết sống, nhưng không ai hiểu họ, và họ hoàn toàn cô đơn trong sự hiểu biết.