Viếng Johor Bahru Mã lai

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 32581)
Viếng Johor Bahru Mã lai

22-11-96

Trên xe buýt đi từ Singapore qua Mã lai, tôi nhớ lại câu chuyện cùng các người cán bộ Hà nội khi nãy.

Hai người cán bộ cộng sản ngồi sát một góc phòng khách. Hiểu sự e dè của họ, nhưng tôi vẫn đến bắt chuyện. Đánh tan sự nghi ngại, tôi nói với họ lát nữa tôi sẽ du lịch sang Mã lai; và ngày mai qua Nam dương. Họ cười bảo chúng tôi du lịch khắp nơi. Tôi bảo, chúng tôi đi để học biết nhiều điều.

Sau đó tôi vào đề, Việt Nam mình sau này nổi tiếng khắp thế giới. Họ bảo, "Không dám". Tôi mạnh miệng, "Người Việt Nam mình đi học tất cả những gì tân tiến trên thế giới về xây dựng đất nước. Chỉ cần mười năm với kỹ thuật tối tân mình sẽ hơn các nước nhỏ khác". Họ có vẻ suy nghĩ nhưng vui thấy rõ. Người cán bộ đi kèm theo mặt vui hẳn lên, cười tươi chứ không còn nét hậm hực như lần đầu tôi tiếp xúc.

Tôi bảo, "Vừa rồi tôi có gặp mấy người du lịch từ Sàigòn qua Mã lai và qua Singapore". Ông cán bộ gầy dáng trí thức có vẻ hiền lành hơn tên kia, nói: "Vâng tôi có gặp họ trong nhóm du lịch". Tôi nói ngay: "Chính quyền Việt Nam bây giờ dễ quá. Vậy các anh qua Cali một chuyến. Khi nào qua chúng tôi sẽ đưa các anh đi viếng khắp nơi cho biết sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tị nạn tại đây”. Cả hai đều cám ơn rối rít.

Kỳ nói chuyện đầu tiên, tôi đả thông tư tưởng của họ về đời sống của người Việt hải ngoại. Khởi đầu họ nói rằng người Việt Nam ở Cali đông nhưng phức tạp. Tôi vẽ ngay cho họ sự phồn thịnh phát triển và cảm thấy vui khi nói đến cả chục đài phát thanh và chương trình phát thanh 24/24 giờ. Báo chí ra hàng ngày và phát tận nhà, nhiều người Việt Nam không cần học tiếng Mỹ vì tất cả dịch vụ đều do người Việt Nam làm, vân vân... Anh Tài mời thuốc lá anh cán bộ to con mặt quạu quọ, để sau đó khuôn mặt hắn thư dãn dần và mới có được nụ cười...

Cô gái nhỏ đi theo thì thích nghe chuyện lắm. Hôm đầu tiên buổi tối thứ tư khi tôi mới đến Singapore, cô xuống phòng khách với nguyên bộ đồ dài màu đỏ tươi mỏng tanh, quần phết đất. Nhìn là biết ngay người trong nước ra. Khuôn mặt cô xinh nhưng hàm răng đóng nâu như những người trong nước, nhất là ở miền Bắc, có lẽ vì nước phèn. Hôm nay, cô lo sửa soạn đến 8: 30 giờ vẫn chưa thấy xuống nhà, làm ông cán bộ gầy có vẻ sốt ruột. Tôi mang qua phòng tặng cô một số sách báo. Có cả tờ Người Việt đăng bài của Tổng thống Havel nói CSVN sẽ chấm dứt trong năm năm tới. Hôm qua nghe tôi hỏi ở đây có tòa đại sứ Việt Nam phải không, họ gật đầu. Người cán bộ đến rước họ mặt nghiêm (giống như các cán bộ Trung cộng), thấy họ nói chuyện với tôi, ông ta nghiêm mặt lại tỏ vẻ không vui, không nói gì chỉ ra dấu cho họ đi theo ông ta.

9:45 AM. Chúng tôi vừa mới qua chiếc cầu dài để vào địa phận Mã lai Á. Trước khi qua eo biển, chúng tôi phải xuống xe và trình giấy passport. Có ba cổng, một dành cho những người có thông hành Mã lai, một cho những người có thông hành Singapore, và một cho những người ngoại quốc khác như chúng tôi.

Chúng tôi sang Johor Bahru, thủ đô của tỉnh Johor ở miền Nam Mã lai. Khi xếp hàng để trình giấy, tôi nhìn sang những người đang xếp hàng ở bên kia biển. Phần nhiều là người có nước da đen sạm, thấp lùn và trông như những người dân lao động. Giống như những người ngồi xếp hàng trên xe hàng mui trần ở trên có cần câu lớn, mà tối qua tôi thấy chạy trên đường phố Orchard, phố chánh của Singapore.

Bên Hongkong, phố xá đầy bảng quảng cáo màu mè, nhất là về đêm đèn xanh đỏ chóa mắt. Nhiều khu sầm uất, đường nhỏ ngoằn ngoèo, người xe đông đúc. Ngồi trên xe nhìn lên trời không thấy bầu trời mà chỉ thấy chi chít các biển quảng cáo. Trong khi phố lớn của Singapore trên đường Orchard đầy cao ốc và cửa hàng sang trọng đã trưng bày đèn giăng mắc và các hình tượng mừng Giáng sinh. Đi đến đâu nhạc Giáng sinh cũng lừng vang. Bên Mỹ giờ này nhà cửa, tiệm buôn chắc chắn vẫn còn trang hoàng màu vàng và nâu của mùa thu và lễ Thanksgiving. Singapore đón Giáng sinh sớm thật, đúng ra là bán hàng dành cho ngày Giáng sinh cho du khách ngoại quốc đến.

Tôi nhìn ra cửa sổ xe buýt. Xe đã lên bờ Mã lai, dừng trước một tòa nhà lớn có ghi

Terima Kasih

Kerana Mematuhi

Arahan Jabatan

Khu nhà trắng ba tầng, trên có lầu nhỏ cao như một vọng gác. Có lẽ là tòa nhà hành chánh. Gần đó có một nhà xây như khu chợ nhà lồng. Chúng tôi lại xuống xe và trình giấy tờ.

3:00 PM. Giáo đường của Hồi giáo.

Nếu muốn học hỏi những điều mới ở một quốc gia khác, chúng ta chỉ cần chú tâm nghe và nhìn một vài tiếng đồng hồ.

Nơi đầu tiên chúng tôi thăm viếng ở thành phố Johore Bahru là giáo đường Hồi giáo với nhiều mái nhỏ, cao và tròn với một cột nhọn cao điểm bên trên. Đó là kiến trúc Hồi giáo, giáo đường (Mosque) Royal Abu Bakar.

Chung quanh giáo đường có nhiều người bán dạo các thứ nón lá, thảm dệt hình cọp, hình nai, móc chìa khóa vân vân... Các thảm này thì cô hướng dẫn viên Molly cho biết là được dùng để ngồi cầu nguyện. Du khách thường mua về treo trên vách.

Phía sau đền thờ là căn nhà lớn trước kia dành cho những người hành hương đến đó cắt thịt trừu ra nấu ăn cho người nghèo vào các dịp lễ Haji Raya (Happy Holidays). Người Hồi giáo đến đó cầu nguyện vào thứ sáu mỗi tuần. Trước khi vào cầu nguyện, họ phải rửa tay rửa mặt ba lần ở các vòi nước phía sau giáo đường, rồi cởi giày ra mới được bước vào.

Ở những bậc thang có vẽ hình đôi giày với hai gạch chéo ngang dưới hàng chữ:

Dilarang Memakai

Dan Melatak Kasut

Di Atas Tang Ga

Người Hồi giáo phải theo năm điều răn. Thứ nhất, phải tuyệt đối tin nơi Thượng đế Allah. Thứ nhì, cầu nguyện một ngày năm lần. Thứ ba, nhịn đói trong ngày lễ Ramadan. Thứ tư, phải đưa tay giúp đỡ người nghèo. Thứ năm, là trong cuộc đời phải viếng thánh địa Mecca.

Cô Molly nói, một người đàn ông Hồi giáo có quyền có đến bốn vợ, theo sự cho phép của người vợ đầu tiên, nếu ông ta có đủ tài chánh nuôi vợ và con thêm.

Phía Đông Mã lai có 11 tiểu bang, và 9 tiểu vương. Phía Tây có 2 tiểu bang nhưng không có tiểu vương. Mỗi năm năm, các tiểu vương họp lại bầu một ông vua. Các tiểu vương cha truyền con nối đời này sang đời khác, có liên hệ chặt chẽ với Hồi giáo, và đều là người Mã lai. Sultan Palace, hay Hoàng Cung, tại đây có nóc xanh rêu và kiến trúc tương tự Nhật bản. Vị Sultan không dính vào việc chính quyền (được điều hành theo thể chế quân chủ lập hiến).

Luật lệ nơi đây được Quốc hội dự thảo, và điều hành bởi Thủ tướng do dân chúng bầu lên. Thỉnh thoảng có chút ít vấn đề mâu thuẫn giữa Quốc vương và Nội các, nhưng đều được giải quyết ổn thỏa, vì Sultan không nắm thực quyền, mà có tính cách tiêu biểu cho quốc gia và nhất là lo mặt ngoại giao hơn.

Thủ đô của Mã lai là Kuala Lumpur, tại tiểu bang lớn Selangor. Vua Mã lai hiện nay tên Negerisembilan, ngự tại Tây Mã lai. Mỗi tiểu bang đều có cờ riêng, và cờ Mã lai có hình ngôi sao 11 cánh.

Sau đó, chúng tôi đến viếng đền Batik, nơi xưởng vẽ nhuộm hàng, vải, tơ lụa, bằng lối trang trí độc đáo của Mã lai. Nơi đây, các họa sĩ đang đứng vẽ bông hoa trên các tấm vải dài khoảng 6 yards (thước anh). Họ đổ hóa chất paraffin wax vào cây viết, và vẽ hình bông hoa theo hứng khởi, không có mẫu trước. Sau đó, họ bôi màu lên, rồi để cho khô. Nhờ các nét vẽ có wax (sáp màu), nên màu không lan qua nơi khác. Sau đó, cả miếng vải được nhúng vào hóa chất để màu không bay. Rồi được ngâm vào nước nóng cho sáp tan ra. Sau cùng, vải được phơi khô tự nhiên, mỗi tấm có hình ảnh màu sắc hoàn toàn khác nhau. Loại vải Batik này đắt tiền và độc đáo, thường được dùng cắt may các thứ quần áo truyền thống như kaftans, khăn quàng, áo, hay váy, vân vân...

Tại xưởng vẽ, một xấp vải vẽ tay bằng polyester dài 3, 4 yards trị giá $190. 1 US dollar ăn 1.3 tiền Singapore và 2.4 tiền Mã lai. Một bộ quần áo ngắn giá 65 mỹ kim, một khăn cột tóc giá khoảng 40 mỹ kim. Một bà du khách than đắt quá.

Cô Molly bảo, thành phố Johore Bahru thuộc miền Nam nên ảnh hưởng thức ăn của người Nam dương; miền Bắc gần biên giới Thái lan nên ảnh hưởng thức ăn Thái. Ban đêm tại đây hàng quán mở cửa dọc theo bờ biển để bán thức ăn, phần nhiều là đồ biển và cá tươi, vì các hồ nuôi cá cũng gần đấy.

Chúng tôi đi ngang một đồn bót cảnh sát lớn, cô Molly bảo họ phải coi chừng miền duyên hải để chận bớt những người di dân lậu cặp bến.

Nhà cửa nơi đây khá khang trang, những người có lợi tức thấp dưới 500 RM thì được quyền mua nhà chính phủ giá đặc biệt. Ngoài tiếng địa phương, Anh văn là ngôn ngữ thứ nhì ở đây. Mã lai đã tiến bộ rất nhiều so với thời gian trước. Nhưng phụ nữ dưới chế độ Hồi giáo vẫn còn tùy thuộc nhiều nơi nam giới. Khi đi ngang qua các hàng quán cạnh một bệnh viện lớn, chúng tôi nhìn thấy các cô y tá ngồi ăn trưa, họ mặc đồ trắng, và choàng khăn trắng che kín mít đầu tóc chỉ chừa chút xíu mặt.

Khi đi ngang nghĩa địa, cô Molly cũng giải thích rõ ràng. Người chết không bỏ vào hòm chôn, mà được quấn bằng vải rồi chôn thẳng xuống đất. Phía trên mặt đất có làm hai dấu. Một cái là nơi đầu, cái kia là nơi bụng. Vì thế, mỗi nơi đều lộ trên mặt đất hai khối cao, hoặc bằng xi măng hoặc bằng đá hoa, có chưng hoa tưởng niệm. Cô Molly bảo, họ được chôn, mặt luôn luôn hướng về thánh địa Mecca.

Viện bảo tàng Galeri Seni, Negeri Johor, khá độc đáo. Viện bảo tàng này được xây cất năm 1910, vào thời Nhật xâm lấn, nghe đồn là có ma ở đó. Sau trở thành khu cư xá sinh viên, và biến trở thành viện bảo tàng từ năm 1994.

Chúng tôi chú ý đến đồ nạo dừa có chạm trổ rất tinh vi, có lẽ của người giàu dùng, gọi là Kukuran Kelapa. Mã lai là xứ có rất nhiều dừa, trồng dọc theo ven bờ biển, một thổ sản nổi tiếng.

Loại vải Kain Songket là mỹ thuật cổ truyền do đời mẹ truyền cho con nối, rất tinh vi, thường do các gia đình trong làng dệt từng tấm. Các đứa con được mẹ dạy nghề khéo. Để chuẩn bị đồ dệt cũng mất đến mười ngày, và dệt xong một tấm vải có khi mất 12 tháng. Đàn bà Mã lai dùng chỉ vàng và bạc thêu lên vải, trông cực kỳ tinh xảo. Loại hàng này dùng may quần áo cưới. Chú rể quấn bên ngoài quần dài trắng, và cô dâu thì may thành váy dài rất lộng lẫy.

Có nhiều hình tượng người mẫu cho thấy cách ăn mặc cổ truyền của người địa phương, đàn ông đội nón vải đen cao lên, áo cổ bâu, kiểu sơ mi đang thịnh hành khắp nơi. Đàn bà mặc váy dài, có khăn choàng dài.

Loại hàng dệt may đồ cho người giàu sang quý phái gọi là Kain Telepuk. Nhiều tượng các thiếu nữ mặc áo quần sang trọng như các tiểu thư hay bà hoàng, đeo loại bông tai dài máng cả lên lỗ tai, thòng xuống hai bên vai.

Có một cặp tượng người mẫu mannequin trong lồng kính mặc áo quần cô dâu chú rể nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Bên cạnh có đặt bó hoa cưới, nhiều cánh hoa được xếp bằng tiền Mã lai. Một dĩa có trứng, biểu tượng cho sự sanh nở nhiều con cái. Đàn bà phải sanh con mới tròn nhiệm vụ. Gần đó là một dĩa hoa thơm dành cho khách ném vào cô dâu chú rể để chúc mừng.

Tại đây, có chưng bày nhà bếp của người Mã lai, họ dùng củi nấu ăn, dưới bếp có chất củi bửa sẵn từng thanh. Có một hàng cối đá để đâm và trộn gia vị. Có cả thớt bằng đá và đồ cà gia vị, giống như một chày đâm tiêu dài, cũng bằng đá. Dụng cụ bằng đồng gọi là Tembaga. Có những thứ dao đặc biệt dành cho các bà ăn trầu. Có cả các ấm nước bằng đồng dùng để nấu trà hoặc nấu nước cho các ông các bà rửa tay khi dùng bữa, vì họ ăn bốc.

Trên vách treo một thứ trang trí gọi là Kuda, là các con ngựa bằng tre đan sơn màu sắc. Đàn ông Mã lai trong các cuộc lễ truyền thống thường cỡi lên ngựa tre này để múa, như các dũng sĩ ngày xưa.

Các loại nhạc khí dân tộc cổ truyền có tên chung là Alat Muzik Tradisional, khá độc đáo. Nhiều đàn kìm, đàn nhiều dây, và trống. Các loại võ khí cổ truyền gọi là Warisan Senjata Melayu, như dao găm, kiếm, đao. Còn loại võ khí cho quân sĩ như kiếm dài, lưỡi liềm, thì gọi là Senjata Melayuu.

Bên ngoài viện bảo tàng có một cái trống khổng lồ làm bằng cây thật, gọi là Rebana. Trước kia, trống này dùng để kêu gọi mọi người đến giờ cầu nguyện. Hiện nay kỹ nghệ làm trống đã chết, vì người ta không dùng, vì làm trống lớn quá khó khăn.

Cô Molly đưa chúng tôi đến viếng một làng mẫu Mã lai. Các cô gái Mã lai xinh xắn mặc áo đủ màu ôm sát người, tay cầm dù múa máy, các chàng trai đàn nhạc khí cổ truyền.

Trước khi vào nhà viếng phải cởi giày. Nhà cất cao để tránh nước lụt, và thú dữ. Nhà Mã lai không có rào, mà hàng xóm thường qua lại để hái trái cây hay mượn đồ dùng hoặc sinh hoạt chung rất thân mật. Phân nửa nhà được hiện đại hóa với bàn ghế giường ngủ.Trong nhà có nuôi hai con mèo. Cô Molly nói họ không có quyền nuôi chó, và không được ăn thịt heo. Họ mua thịt trừu, gà, hay bò, phải cắt sẵn, và do chính những người Hồi giáo cắt, họ mới được quyền ăn.

Xe chạy qua thành vua màu trắng, cạnh đó là nghĩa trang của hoàng gia. Khi đi ngang trường dòng Couvent, cô Molly cho biết, trước kia là của các người truyền đạo Thiên Chúa giáo, nhưng nay do chính quyền điều hành toàn bộ trường học.

Tại thành phố này, người ta có thể đến Thái lan bằng xe lửa tốc hành.

Khi từ giã, cô Molly nói:

"Salama chalan" có nghĩa là "chúc đi đường bình an"; và "Jumpa lagi" là "chúng ta sẽ gặp lại".

Theo tài liệu du lịch phát cho du khách, Mã lai có 19.9 triệu dân, gồm phần lớn là người Mã lai, Tàu, Ấn độ, và một số người Sabah và Sarawak. Ngôn ngữ chính là tiếng Bahasa Melayu, nhưng họ cũng nói Anh ngữ khá nhiều. Hồi giáo là tôn giáo chính, nhưng cũng có người theo Phật giáo, Ấn độ giáo và Cơ đốc giáo. Diện tích Mã lai là 329.758 cây số vuông, gồm bán đảo Mã lai và hai tỉnh ở trên đảo Borneo là Sabah và Sarawak.

Trước kia, Phật giáo Ấn độ có ảnh hưởng trước Hồi giáo. Năm 1511, Malacca bị người Bồ đào nha đô hộ; sau đó đến năm 1641 thì người Hà lan; và năm 1815 thì Anh quốc. Mã lai độc lập từ năm 1963, và hiện là một trong bảy quốc gia hội viên thuộc khối ASEAN (tổ chức các quốc gia Đông Nam Á: Brunei Darussalam, Nam dương, Phi luật tân, Singapore, Thái lan và Việt Nam).

Tiền Mã lai gọi là Ringgit (RM) bằng 100 sen. Tiền xu gồm 1 sen, 5 sen, 10 sen, 20 sen, 50 sen và RM 1.00.

Khí hậu Mã lai nóng và ẩm hơn cả Singapore. Mỗi lần xuống xe một chút là mồ hôi cứ ra ướt áo. Khi trở về lại Singapore, chúng tôi lại phải đi qua cổng của Sở di trú bên này của Mã lai, và bên kia cầu là của Singapore.

22-11-96, 10:30 giờ đêm

Khách sạn Equatorial, Singapore.

Lúc nãy chúng tôi vừa xem vũ điệu Á Đông tại khách sạn Marina Mandarin Singapore. Nhà hàng trong khách sạn này nằm trên lầu năm, cạnh một hồ tắm có sân khấu cho các ban vũ của người Trung hoa, Thái lan, Phi luật tân, Nam dương, Ấn độ và Mã lai trình diễn.

Thật ra họ cũng là người của cùng một ban vũ, nhưng thay đổi quần áo và trang sức cùng điệu múa, dĩ nhiên. Chỉ có cặp Ấn độ là không giả được người nước khác vì màu da đen quá.

Khách đến xem 95% là người Nhật bản, nên ban tổ chức chỉ nói hai thứ tiếng Anh và Nhật.

Điệu vũ đầu tiên là Trung hoa. Có múa lân và điệu vũ với khăn tay mỏng. Nhạc múa lân dồn dập rất vui. Các cô gái Trung hoa ăn mặc ngắn gọn, màu sắc, xinh tươi.

Các cô Thái lan với bộ móng tay giả thật dài, bước ra uốn éo co tay chân, trống và nhạc khí đánh chậm, điệu vũ nhẹ và nhịp nhàng, khiến tôi nhớ đến các điệu vũ xứ Miên ngày còn nhỏ tôi được xem. Các cô ăn mặc cũng tương tự gái Miên. Đầu đội mũ cao nhọn, áo quần bó sát vào người, váy dài bó chân.

Khi ban vũ Phi luật tân ra, sân khấu rất sôi nổi, vì tiếng nhạc với gõ nhịp bằng ống tre nghe lóc cóc dồn dập, đàn mandolin luyến láy tưng bừng. Họ nhảy từng cặp tương tự vũ điệu Mễ tây cơ. Sau đó là điệu nhảy tre. Họ mời hai nữ du khách Nhật lên thực tập. Các cô gái Phi đầu đội nón rộng vành, người mặc áo đầm trắng xòe rộng, trên thân có khăn choàng cột xéo người màu lá cây viền vàng. Các nam vũ công thì khăn quàng cổ màu trắng, áo sọc xanh viền trắng, quần ống loe bó bên trên.

Các cô gái Nam dương múa vũ điệu với các động tác nhanh nhẹn của đầu và hai cánh tay lẫn bàn tay. Các cô cầm quạt xòe. Trên đầu đội mão dát vàng cong ra phía trước. Áo ngắn tay hở lưng màu vàng với ngực áo thêu vòng quanh, xà rong màu xanh đậm. Quần áo phủ đầy kim tuyến lấp lánh. Hai cánh tay mang còng bằng vàng.

Anh Ấn độ xuất hiện từ chiếc bục phía dưới khán giả, còn cô gái Ấn thì từ trong màn sân khấu bước ra. Anh này gầy nhom, cao lỏng khỏng, nước da thật đen. Đầu anh đội mũ nhọn vàng, áo xanh lá cây, cổ đeo dây chuyền vàng dài đến rốn, khăn quàng cổ đỏ lòng thòng hai bên, và thắt lưng to bản nịt ra ngoài. Cô gái Ấn lại mập tròn đen bóng. Cô đeo bông khá to nơi cánh mũi, tai đeo hai đôi bông lớn dài tòng teng. Cô choàng áo hở bụng theo kiểu Ấn, và khoác khăn voan trắng mỏng. Họ múa may uốn éo với nhiều động tác tay và bụng, cái đầu đẩy tới đẩy lui.

Cuối cùng là một đám cưới Mã lai. Cô dâu mặc áo đỏ dài đến gối, bên trong là quần cùng màu, đầu đội mảo nhỏ. Chú rể đến với một đoàn người, vừa đi vừa đánh vào những cái trống nhỏ thật vui. Các cô gái trong đoàn đầu búi tóc gọn về phía sau, trên trán đội chiếc mảo vàng nhỏ.

Họ ca hát, nhảy múa, và mời khách cùng lên nhảy. Từng cặp từng cặp nhảy múa tưng bừng, chân bước rộn ràng, tay uốn éo, theo điệu nhạc rumba. Đó là vũ điệu cuối cùng.

Chúng tôi ra đường xếp hàng đợi taxi. Singapore khác hẳn sự lộn xộn mất trật tự của Hongkong trên đường phố. Cha Vang lái xe, nói nếu muốn đổi lane đường thì ra dấu không đủ, phải đưa luôn đầu xe qua trước thì xe bên lane bên cạnh mới cho mình qua, còn nếu chỉ vặn đèn hay quơ tay làm hiệu họ cũng chẳng thèm nhường.

Ông tài xế taxi chạy vòng đường khác vì kẹt xe, nên đồng hồ nhảy đến trên 10 đồng; ông bảo chỉ lấy 6 đồng như thường lệ chúng tôi trả. Thấy ông thành thật quá, chúng tôi đưa trọn 10 đồng cho ông khỏi thối lại. Chả bù với mấy ông tài xế Hongkong, hay nạt nộ, chạy xe hục hặc, rồi phóng hết tốc độ. Một ông giận dữ khi cha Vang chỉ đường bằng tiếng Tàu. Ông bảo, tại Hongkong, tài xế taxi là "vua lưu thông" (king of traffic). Ông bảo chúng tôi phải nhìn người, ông trẻ biết nói tiếng Anh chứ có phải mấy ông tài xế Tàu già đâu.

Trở lại vài tập tục truyền thống Singapore. Truyền thuyết là trước kia ông vua Sumatran lên đảo này gặp một con sư tử trắng, nên đặt tên đảo là Singa Pura (Lion City). Năm 1911 khi mới lập quốc, Singapore chỉ có 250.000 người với 48 sắc dân khác nhau, phần lớn là người miền Nam Trung quốc, Nam dương, Mã lai, Ấn độ. Họ nói đến 52 ngôn ngữ.

Tại Singapore có nhiều truyền thống khác nhau. Theo Hồi giáo thì các em bé lúc mới sanh ra được đọc kinh nho nhỏ gần bên tai, và phun nước miếng để trừ bệnh tật. Ngày thứ bảy, em bé được cắt tóc và đặt tên. Quan trọng nhất là đến lúc em trai được 12 tuổi phải làm lễ cắt da quy đầu. Em được mặc quần áo đẹp, phải nhịn đói, nghe đọc kinh Koran, và lặp theo mấy câu thơ giảng. Sáng hôm sau, em được ngồi trên một cây chuối, và có ông Mudin là một người lo thực hiện việc cắt da quy đầu cho em. Đến nay tập tục này vẫn còn duy trì trong nhóm người Hồi giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880